Mai Loan
- Cali Today
January 6, 2020
Sau hơn bốn thập niên định cư tại Hoa Kỳ kể từ ngày
bỏ nước ra đi sau thảm trạng 30/4/1975, số lượng người Việt đã tiếp tục gia
tăng đáng kể và cũng bắt đầu có thói quen sử dụng lá phiếu của mình để nói lên
quan điểm lựa chọn các vị dân cử để nắm chính quyền.
Dĩ nhiên, sự gia tăng này đã tiếp tục mạnh mẽ sau cuộc
bỏ chạy tị nạn của ngày Sàigòn thất thủ với những đợt vượt biên, bằng đường bộ
và đường biển, khá ồ ạt gây chấn động trên thế giới vào lúc ấy, cộng với các yếu
tố thuận lợi khác như chính sách di trú cho phép các cư dân mới (sau vài năm ổn
định) có thể bảo lãnh cho thân nhân và các chính sách giúp đỡ của chính quyền Mỹ
(như ODP, HO) giúp cho rất nhiều các gia đình người Việt được nhập cảnh vào Hoa
Kỳ một cách tương đối thoải mái và tốt đẹp hơn so với những người ra đi trước
đó.
Ngoài việc đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ và tốt
đẹp của nước Mỹ trên nhiều mặt từ kinh tế đến văn hoá, người Việt tại Mỹ cũng dần
dần góp mặt trong sinh hoạt chính trị qua lá phiếu trong những cuộc bầu cử thuộc
mọi cấp từ địa phương cho đến tiểu bang và liên bang.
Sinh hoạt này được nhắc đến nhiều do bởi những cuộc
bầu cử diễn ra rất đều đặn và khá thường xuyên trong đời sống của người dân Mỹ
so với đa số những nước khác. Nhiều người thường chỉ nghĩ đến cuộc bầu cử tổng
thống diễn ra mỗi 4 năm một lần. Nhưng thật ra cứ mỗi hai năm (năm chẵn) là diễn
ra cuộc bầu cử trên toàn quốc để bầu chọn lại Quốc hội liên bang, và những năm
trùng hợp đó được chú ý nhiều hơn. Ngoài ra, cũng còn có những cuộc bầu cử lựa
chọn chính quyền cấp địa phương và tiểu bang, có khi cùng năm hoặc rơi vào những
năm xen kẽ (năm lẻ), khiến cho người dân và giới truyền thông gần như năm nào
cũng phải nghe nói đến những diễn biến chính trị xuyên qua những cuộc bầu cử
này.
Hơn nữa, xã hội Hoa Kỳ lại chú trọng nhiều vào việc
để cho người dân quyết định lựa chọn chính quyền, không những ở ngành hành pháp
và lập pháp như tại các nước khác, mà còn cả ở ngành tư pháp (với đa số các
quan toà từ cấp tiểu bang trở xuống đều do dân bầu) và ở ngành giáo dục, với
các cuộc bầu chọn các hội đồng quản trị cho từng khu học chính riêng biệt (có
thẩm quyền thu thuế để điều hành một cách độc lập hệ thống giáo dục tại địa
phương của mình).
Giờ đây, sự hiện diện của các vị dân cử gốc Việt
trong hệ thống chính quyền tại Mỹ tương đối không còn hiếm hoi và gây chấn động
bất ngờ như khi ông Tony Lâm Quang trở thành người Việt đầu tiên được bầu chọn
vào năm 1992 làm tân nghị viên cho thị xã Westminster thuộc Orange County ở miền
nam California.
ĐẮC CỬ VÀO QUỐC HỘI TIỂU BANG
Phải đợi đến năm 2004 thì người Việt mới đạt được một
cấp cao hơn trong chính trường với chức vụ dân biểu tiểu bang với hai ông Trần Thái Văn (tại
Orange County, California) và Hubert Võ (tại Houston, Texas) trở
thành những người Việt đầu tiên được đắc cử vào cơ quan lập pháp toàn tiều
bang. Sự thắng cử của Trần Thái Văn được nhiều người chú ý đến, phần lớn vì đây
là vùng đất có mật độ người Việt định cư cao nhất; nhưng chiến thắng của Hubert
Võ thật ra mới là một thành quả bất ngờ và chấn động hơn nhiều.
Lý do là vì Trần Thái Văn tuy trẻ hơn nhưng đã dấn
thân vào chính trường từ lâu khi còn là một sinh viên tình nguyện làm phụ tá
cho những vị dân cử kỳ cựu thuộc phe Cộng Hoà tại địa phương như Bob Dornan và
Ed Royce, và sau đó đỗ bằng luật sư và cũng đắc cử nghị viên tại Garden Grove với
sự ủng hộ đông đảo của cử tri người Việt tại đây. Địa hạt 68 là nơi anh ta đắc
cử dân biểu cũng được xem là một đơn vị có số đông cử tri theo phe Cộng Hoà nên
khi ông Ken Maddox mãn nhiệm sau 6 năm tại chức thì Trần Thái Văn được đảng bộ
tại đây lựa chọn để thay thế.
Còn tại Địa hạt 149 là nơi Hubert Võ lần đầu tiên ra
tranh cử và sau đó giành được chiến thắng bất ngờ và chấn động, đây là một đơn
vị có đa số cử tri theo phe Cộng Hoà, và vị dân biểu đương quyền lúc đó là ông
Talmadge Heflin đã nắm giữ chức vụ này trong suốt 22 năm dài và đang là Chủ tịch
Uỷ Ban Phân Bổ Ngân Sách, được xem như là một trong những chính trị gia rất có
thế lực tại tiểu bang Texas vào lúc đó.
Hubert Võ được xem như là một thứ tân binh trên
chính trường thuộc loại “vô danh tiểu tốt” lúc đó, lại thuộc phe thiểu số Dân
Chủ, chưa bao giờ nhập cuộc trong chính trường của Mỹ cũng như trong các sinh
hoạt của người Việt. Sự kiện Hubert Võ lội ngược giòng trong chiến thắng này
(thua xa lúc đếm phiếu ban đầu nhưng leo dần lên và mãi đến sáng sớm hôm sau mới
vượt qua được để rồi cuối cùng thắng đối thủ với hơn 32 phiếu (trong tổng số
khoảng 42,000 phiếu) đã trở thành một biến cố to lớn vào lúc ấy, do bởi đây là
lần đầu tiên trong 32 năm phe Dân Chủ mới có người hất cẳng được một vị dân biểu
đương quyền thuộc phe Cộng Hoà.
Một chi tiết đáng nói hơn nữa là Hubert Võ đắc cử lần
đầu không nhờ vào lá phiếu của người Việt, mà là nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của
nhiều khối cử tri đa dạng thuộc phe Dân Chủ. (Hình ảnh chiếu trên TV trong đêm
đếm phiếu cho thấy có rất nhiều người Việt theo phe Cộng Hoà đã nâng ly
sâm-banh chúc mừng Heflin lúc ban đầu). Phải đợi đến nhiệm kỳ kế tiếp (2006),
Hubert Võ mới bắt đầu thu phục được sự ủng hộ của đa số cử tri người Việt nên
đã đánh bại được ông Heflin trong kỳ tái đấu với tỉ lệ cách biệt khá xa là
55%/45%. Trong hai nhiệm kỳ sau đó, Hubert Võ cũng chiến thắng tương đối dễ
dàng trước những đối thủ gạo cội của phe Cộng Hoà muốn giành lại chiếc ghế này
về phe bảo thủ, kể cả trong kỳ bầu cử năm 2010 là thời điểm của phong trào Tea
Party lên ngôi với chiêu bài chống TT Obama và đánh bại phe Dân Chủ trong các
cuộc bầu cử quốc hội liên bang cũng như ở nhiều tiểu bang khác.
Sau năm 2010, hầu như những chính trị gia Mỹ trắng
uy tín và “có thớ” trong nội bộ đảng Cộng Hoà tại Houston hầu như không còn dại
gì để ra ứng cử tại Địa hạt 149 vì biết chắc rằng mình sẽ rất tốn kém tiền bạc
và công sức để rồi cuối cùng cũng sẽ thất bại, nhất là khi khối cử tri người Việt
(trong đó có nhiều người theo Cộng Hoà) hầu như đồng lòng bỏ phiếu ủng hộ cho
Hubert Võ tại đơn vị này.
Nhưng đến năm 2014, có một đối thủ ra tranh cử là Al
Hoang (tức Hoàng Duy Hùng), sau khi anh ta thất bại bất ngờ và ê chề trước
Richard Nguyễn khi tái tranh cử nghị viên thành phố Houston (sau khi gây bất
mãn với mọi cư dân người Việt khắp nơi với hình ảnh khoe khoang đi về Việt Nam
và gặp gỡ với các viên chức cao cấp của Việt Cộng).
Cuộc tranh cử này đã gây ra sự tranh cãi dữ dội
trong cộng đồng người Việt lúc đó tuy rằng không thay đổi cục diện vì Hubert Võ
cũng thắng dễ dàng với tỉ lệ cách biệt (55%/45%) và cũng không thu hút nhiều cử
tri đi bầu vì cả hai ứng viên đều là người Việt. Điều đáng buồn là tình trạng
này được tái diễn vào năm 2016 khi Bryan Chu (Chu Văn Cương) cũng đi theo con
đường của Al Hoang để đối đầu với Hubert Võ và cũng chuốc lấy thảm bại to lớn
khi chỉ đạt được có 35% cử tri ủng hộ. Nhưng có lẽ chỉ có chi bộ đảng Cộng Hoà tại địa phương là hài lòng vì
đã khích tướng và sử dụng được những chính trị gia người Việt hiếu thắng muốn
nhập cuộc tuy rằng vẫn còn yếu kém về khả năng và đởm lược, với hậu quả tai hại
là khiến cho cộng đồng người Việt bị chia rẽ trầm trọng, hết có khả năng trở
thành một khối cử tri gốc thiểu số đoàn kết và vững mạnh.
Chỉ khi nào lá phiếu của những khối cử tri gốc thiểu
số cùng đoàn kết thành một khối rõ rệt thì nó mới có thể tạo được sức mạnh đáng
kể, nhất là trong những dịp có tranh cử gay cấn khít khao, để ảnh hưởng đến kết
quả chung cuộc. Từ đó, khối cử tri thiểu số này mới hy vọng được các chính trị
gia và ứng cử viên chú ý đến và lắng nghe nhiều hơn.
Hơn ai hết, các chính trị gia lão luyện và lãnh đạo
các đảng phái tại Hoa Kỳ (dù là theo Cộng Hoà hay Dân Chủ) nếu biết chắc rằng một
khối cử tri riêng biệt nào đó không ủng hộ sách lược và đường lối của mình, thì
điều hy vọng kế tiếp của họ là mong thấy khối cử tri đó bị chia rẽ làm đôi. Như
vậy, trong tương lai họ không còn sợ tác dụng của khối cử tri này khi phân nửa
số cử tri bỏ phiếu cho đảng A và phân nửa còn lại bỏ phiếu chống lại đảng A.
Đây là số phận không những khối cử tri người Việt đang
trải qua mà dường như các khối cử tri khác, như người gốc Latinô (Mễ và Nam Mỹ),
cũng mắc phải. Thật vậy, nếu như khối cử tri gốc Mỹ đen chỉ chiếm một tỉ lệ thiểu
số khá khiêm nhường (khoảng 13% theo như thống kê dân số năm 2016), nhưng mọi
người đều biết rằng khối này gần như đoàn kết trong việc bỏ phiếu với đại đa số
ủng hộ cho phe Dân Chủ, và vì thế nên đã trở thành một khối cử tri đáng kể
trong rất nhiều cuộc bầu cử từ tiểu bang đến liên bang.
Nhưng khối cử tri gốc Latinô đông đảo hơn, vào khoảng
18%, lại không phải là một lực lượng đáng kể và đáng nể, ít ra là trong những
tính toán về chiến lược và chiến thuật vận động tranh cử. Phần lớn là vì khối cử
tri thuộc nhóm Latinô không được xem là đồng nhất, tuy rằng đa số ủng hộ cho
phe Dân Chủ (từ 60% đến 70%), nhưng trong một số trường hợp nào đó cũng có thể
có từ 30% đến 40% ủng hộ cho phe Cộng Hoà, vô tình biến lá phiếu của khối này
không còn sức mạnh đáng sợ. Dĩ nhiên, cũng còn có yếu tố cử tri gốc Latinô vốn
không siêng năng đi bầu, khiến cho sức mạnh của họ lại càng bị giảm mạnh tệ hại
như trường hợp trong cuộc bầu cử tại thành phố Houston vừa qua.
Một điều đáng mừng là trong kỳ bầu cử vào cuối năm
2018 vừa qua, có khá nhiều những khuôn mặt trẻ gốc Việt đã mạnh dạn ra ứng cử
vào các chức vụ dân biểu và nghị sĩ cấp tiểu bang và thắng cử khá vẻ vang, nhất
là sau khi đánh bại được các vị dân cử đương quyền là những người đã ngồi lì tại
những chức vụ này trong nhiều năm dài. Đó là cô Trâm Nguyễn, phe Dân Chủ,
thắng cử dân biểu tiểu bang Massachusetts sau khi hạ gục được đối thủ là đương
kim dân biểu Jim Lyons của phe Cộng Hoà tại đơn vị số 18 ở Essex County. Gia
đình Trâm Nguyễn đến Hoa Kỳ tị nạn lúc cô mới có 5 tuổi, và cô tự động ra ứng cử
sau khi thất vọng vì đã nhiều lần muốn tiếp xúc với ông Lyons để trình bày một
vài thỉnh nguyện nhưng luôn bị từ chối. Cô Trâm Nguyễn cũng tình nguyện tạm gác
sang bên công việc của một nữ luật sư để ra ứng cử lần này hầu chứng tỏ cho những
chính trị gia lâu đời biết rằng họ không còn có thể tiếp tục xem thường những cử
tri không cùng quan điểm với mình.
Tại Atlanta cũng có một thành quả đáng kể của một phụ
nữ gốc Việt tuy rằng ít người biết đến: đó là cô Bee Nguyễn, dân biểu
đơn vị 89. Cô này đắc cử dân biểu tiểu bang Georgia trong một cuộc bầu cử đặc
biệt vào cuối năm 2017 khi bà Stacey Abrams từ nhiệm để chuẩn bị cho cuộc chạy
đua chức vụ thống đốc. Lần này, không có ai dám ra tranh cử tại đơn vị 89 nên
cô Bee Nguyễn đã tái đắc cử dễ dàng với trên 27,000 lá phiếu của cử tri.
Một trường hợp thắng cử vẻ vang đáng chú ý khác là của
một phụ nữ gốc Việt lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện tiểu bang Virginia vào
năm 2017 trong làn sóng chiến thắng to lớn của phe Dân Chủ khi giành lại được
15 đơn vị từ tay phe Cộng Hoà. Đó là bà Kathy K.L. Trần, vào năm 1978 chỉ
là một đứa bé gái mới có 7 tháng được bố mẹ bồng ẵm theo trên đường vượt biển để
tị nạn sang Hoa Kỳ.
Đến năm 2019, phe Cộng Hoà đã dồn hết nỗ lực, công sức
và tiền bạc để mong đánh bại các dân biểu phe Dân Chủ tại các đơn vị này, trong
đó có bà Kathy Trần. Bà trở thành nạn nhân của một chiến dịch chụp mũ và đánh
phá của phe bảo thủ về hồ sơ chống phá thai khi tìm cách bóp méo và khai thác rầm
rộ để mong lấy phiếu từ khối cử tri bảo thủ. Nhưng cuối cùng, vị nữ dân biểu gốc
Việt cũng được tái đắc cử vẻ vang lần này với kết quả chiến thắng to lớn trước
đối thủ Steve Adragna của phe Cộng Hoà với tỉ lệ 60% trên 40%.
Tỉ lệ chiến thắng to lớn lần này của bà Kathy Trần
cho thấy kết quả thắng cử vào năm 2017 không phải chỉ là một sự may mắn bất chợt
và hiếm hoi (a fluke) và có thể bị đảo ngược trở lại sau đó.
ĐẮC CỬ VÀO QUỐC HỘI LIÊN BANG
Bước lên cấp liên bang, đã có hai người việt được bầu
vào Hạ viện Hoa Kỳ là Cao Quang Ánh tại Louisiana vào năm 2008 và Stephanie
Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) tại Florida vào năm 2016 và tái đắc cử vẻ vang
vào năm 2018.
Sự thắng cử của Cao Quang Ánh (thuộc phe Cộng Hoà)
là một sự may mắn hi hữu thuộc loại ngàn năm một thuở và đúng theo kiểu “chó
ngáp phải ruồi” khi vị đương kim dân biểu là một người da đen (William
Jefferson) đang bị điều tra bởi cơ quan FBI về tội tham nhũng, cộng với những yếu
tố bất ngờ và may mắn chưa từng thấy do bởi luật lệ bầu cử đặc biệt tại
Louisiana.
Địa hạt số 2 là nơi ông Ánh đắc cử thật ra là một địa
hạt có đại đa số cử tri da đen, và được coi là thành trì của phe Dân Chủ, không
có người nào phe Cộng Hoà có hy vọng thắng được. Vì thế nên chỉ có một mình Cao
Quang Ánh “xâm mình” ra ứng cử, có thể để “lấy le”. Nhưng vận may bất ngờ đưa đến
khi cơn bão Gustav bỗng thổi tới Louisiana khiến cho lịch trình bầu cử bị hoãn
lại đến hơn một tháng sau. Vào lúc đó, ông Jefferson đã phải cật lực đấu lại với
5 đối thủ khác cùng đảng Dân Chủ trong vòng sơ bộ và vòng chung kết lại rơi vào
đúng ngày bầu cử trên toàn quốc. Trong ngày này, có đông đảo cử tri đi bầu và
ông Jefferson về nhất khiến cho đa số cử tri da đen đều nghĩ rằng ông đã tái đắc
cử. Nhưng thật ra đây chỉ là thắng cử về đầu trong nội bộ đảng Dân Chủ mà thôi.
Còn có thêm ngày bầu cử chính thức và sau cùng diễn ra cả tháng sau, nhưng rất
nhiều cử tri da đen đều không hiểu rõ và để ý đến nên ngồi nhà thay vì đến
phòng phiếu. Ngoài ra, nhiều đối thủ khác của ông Jefferson cũng muốn hất cẳng
ông ta (vốn là một dân biểu kỳ cựu trong 9 nhiệm kỳ liên tiếp) nên sẵn sàng bỏ
phiếu cho Cao Quang Ánh và hy vọng là qua 2 năm sau sẽ đánh bại ông Ánh dễ dàng
để giành lại chức vụ này. Ngay cả PTT Dick Cheney lúc đó thuộc đảng Cộng Hoà
khi bay xuống Louisiana để vận động cho một ứng viên phe Cộng Hoà tại một địa hạt
khác cũng không thèm ghé qua để nói vài tiếng ủng hộ vì nghĩ rằng địa hạt số 2
này không thể nào bầu cho một người phe Cộng Hoà. Điều này giải thích vì sao
trong kỳ tái tranh cử hai năm sau, ông Ánh đã thảm bại ngay tại đơn vị này.
Tuy nhiên chiến thắng của bà Stephanie Murphy
(nhũ danh Đặng Thị Ngọc Dung) tại Địa hạt số 7 ở tiểu bang Florida vào năm
2016 là một chiến thắng vẻ vang trước người đối thủ là John Mica, một dân biểu
kỳ cựu nắm giữ chức vụ này trong suốt 24 năm liên tiếp. Tuy phe Cộng Hoà thắng
lớn ở tiểu bang Florida trong kỳ bầu cử năm đó với ông Trump và ông Marco Rubio
tái đắc cử nghị sĩ liên bang, nhưng bà Murphy cũng đã thắng vẻ vang tuy là lần
đầu tiên ghi danh ứng cử để sau đó thắng đối thủ với tỉ lệ ủng hộ của 51% cử
tri.
Sang đến năm 2018, chiếc ghế này được phe Cộng Hoà tại
Florida dồn hết công sức và tiền bạc để mong giành lại được nhưng cuối cùng bà
Murphy cũng chiến thắng dễ dàng với hơn 57% cử tri tại đây ủng hộ.
Chiến thắng hi hữu của hai phụ nữ gốc Việt, Kathy Trần
tại Virginia và Stephanie Murphy tại Florida, cho thấy họ đã được đa số cử tri
tại địa phương ủng hộ mạnh mẽ chứ không phải chỉ là một chiến thắng tạm bợ do
những yếu tố may mắn bỗng chợt đến. Và với những tỉ lệ chiến thắng mới nhất khá
cao (xấp xỉ 60%) như vậy, điều này cho thấy họ có thể trở thành những vị dân cử
kỳ cựu để tái đắc cử dễ dàng trong tương lai trừ khi phạm vào những tội hình sự
hoặc dính vào những vụ tai tiếng xấu kinh thiên động địa.
BẦU CỬ TẠI THÀNH PHỐ HOUSTON
Phần còn lại của bài viết kỳ này xin được nói về cuộc
bầu cử hội đồng thành phố Houston vừa mới kết thúc cách nay hai tuần lễ, vì đây
cũng là nơi kẻ viết bài đã định cư từ 40 năm qua. Đây cũng là nơi có một cộng đồng
người Việt cư ngụ khá đông đảo nên việc bầu chọn các chức vụ trong hội đồng
thành phố, gồm có thị trưởng và 16 nghị viên, trong đó có 5 nghị viên được bầu
trên toàn thành phố (councilman at-large) và những nghị viên còn lại được bầu
cho cử tri tại từng đơn vị riêng biệt từ A cho đến K, đương nhiên cũng là một đề
tài thu hút sự chú ý của nhiều người.
Trong thực tế, số người Việt định cư ngay trong thành
phố Houston nói riêng không thực sự đông đảo nhiều như nhiều người lầm tưởng,
vì một số khá lớn cư ngụ tại nhiều thành phố lân cận quanh Houston, phần lớn
thuộc Harris County, nhưng cũng xen lẫn với những tỉnh hạt khác như Fort Bend,
Brazoria, Montgomery, Jefferson v.v.
Vì lẽ đó nên việc bầu được một người Việt vào làm
nghị viên trong hội đồng thành phố cũng có phần khó khăn hơn nhiều so với tình
trạng tại khu Little Saigon ở Orange County do bởi mật độ dân số gốc Việt tại
Houston chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn so với toàn thể cư dân trong thành phố
Houston cũng như trong Harris County, khác với những thành phố nhỏ khác như
Garden Grove và Westminster ở Nam California, có mật độ dân số gốc Việt cao
đáng kể.
Houston, giống như các thành phố lớn hàng đầu như
New York, Los Angeles, Chicago, có cơ cấu chính quyền địa phương theo quy chế
giành quyền rất lớn cho vị thị trưởng (strong Mayor goverment) trong khi tại hầu
hết các thành phố lớn nhỏ khác đều theo quy chế trao quyền điều hành bộ máy
hành chánh cho một viên chức được bổ nhiệm, gọi là City Manager, có toàn quyền
điều hành trong khi thị trưởng và các nghị viên không có thực quyền mà chỉ nắm
giữ quyền lập pháp, tức là bàn thảo để biểu quyết thông qua các đạo luật hay
chính sách, nhưng không có thẩm quyền xen vào việc điều hành của chính quyền
thành phố.
Vì thế nên chức vụ của thị trưởng Houston rất mạnh
và nhiều quyền hành, cũng như của thị trưởng 3 thành phố hàng đầu khác là New
York, Los Angeles và Chicago; và những nhân vật này thường cũng dễ trở thành những
tên tuổi lớn trên chính trường toàn quốc.
Do tiến trình thay đổi trong chính trường tại
Houston với luật lệ giới hạn các vị dân cử chỉ được cầm quyền trong 3 nhiệm kỳ,
các nghị viên và thị trưởng tại đây chỉ được quyền tại vị tối đa trong 6 năm mà
thôi, với người sau cùng đắc cử trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp là bà Kathy
Whitmire, có khuôn mặt xinh xinh giống như tài tử Dustin Hoffman trong phim
Tootsies trong thập niên 1980. Từ đó đến nay, các vị thị trưởng liên tiếp gồm
có Bob Lanier, Lee Brown, Bill White và Annise Parker đều lần lượt đảm nhiệm chức
vụ thị trưởng trong 6 năm liên tiếp.
Điều đáng chú ý là cả 4 nhân vật kể trên đều phải chật
vật để đắc cử trong lần đầu, tức là cả 4 người đều không đạt được đa số quá bán
trong vòng đầu, và chỉ thắng cử khi vượt qua được đối thủ ở vòng thứ nhì, gọi
là runoff, chỉ dành cho có 2 người về đầu. Trong những lần đó, lá phiếu của khối
cử tri gốc Việt được hầu hết các chính trị gia này săn đón vì không ai nắm chắc
phần thắng trong tay và bất cứ lá phiếu nào cũng được trân trọng và để ý đến.
[Trong kỳ bầu cử cuối năm 1997, ông Lee Brown (Dân Chủ) thắng đối thủ Rob
Mosbacher (Cộng Hoà), một cựu tổng trưởng và bạn thân của TT Bush Bố, trong một
cuộc bầu cử gay cấn, và trong đêm đếm phiếu ăn mừng chiến thắng, ông Brown đã
lên tiếng cám ơn đích danh khối cử tri người Việt trong số những người ủng hộ
ông. Và sau đó, ông đã “đền ơn” bằng cách chuẩn thuận việc đặt tên đường tiếng
Việt tại khu Midtown gần khu downtown Houston, dưới thời Chủ tịch Cộng Đồng
Nguyễn Cao Mỹ.]
Tuy nhiên, sau lần đắc cử đầu tiên đó, cả 4 vị thị
trưởng này đều đã thắng rất dễ dàng trong những kỳ tái tranh cử sau đó, chứng tỏ
sức mạnh của một vị thị trưởng đương quyền (incumbent) rất lớn, tạo uy thế và ảnh
hưởng khiến đa số người dân đều quen mặt và biết tên. Và trong những lần tái
tranh cử, lá phiếu của người Việt không còn được săn đón nữa khi các thị trưởng
đều đã biết rõ thực lực vì cử
tri người Việt không siêng đi bầu (tỉ lệ chỉ khoảng 15%) và cũng không
dám chi tiền rộng rãi như khối cử tri người Hoa.
Đến năm 2015, luật lệ thay đổi để kéo dài nhiệm kỳ của
Thị trưởng và các nghị viên thành 4 năm thay vì 2 năm, đồng thời cũng giới hạn
cho họ chỉ được nắm quyền tối đa là trong hai nhiệm kỳ. Điều này càng giúp cho
thị trưởng và nghị viên đương nhiệm củng cố thêm quyền hành và uy tín để có thể
dễ dàng tái đắc cử cho một nhiệm kỳ thứ hai.
Trong lần ứng cử đầu tiên vào chức vụ thị trưởng
Houston vào năm 2015, ông Sylvester Turner thuộc phe Dân Chủ cũng đã phải vào
vòng thứ nhì để thắng đối thủ của phe Cộng Hoà là Bill King với tỉ lệ khít khao
51% trên 49%, tuy rằng trên danh nghĩa, cuộc bầu cử hội đồng thành phố là phi đảng
phái.
Lần này, ông Turner cũng đã phải vào vòng hai với một
đối thủ mới thuộc phe bảo thủ là luật sư triệu phú Tony Buzbee (sau khi ông này
về nhì và ông Bill King chỉ về hạng ba), nhưng cũng đã giành được chiến thắng dễ
dàng và to lớn hơn, 57% trên 43%.
Nếu như nhiều người lầm tưởng rằng đa số người dân tại
nhiều nơi ủng hộ cuồng nhiệt cho TT Trump (xuyên qua những hình ảnh của những
buổi tập họp đông đảo người đến dự trong nhiều cuộc vận động khắp nơi) nhưng tại
thành phố Houston, đa số cử tri (63%) cho biết họ không thích TT Trump trong
khi chỉ có 32% ủng hộ. Vì thế nên trong thời gian tranh cử, ông Turner thường đả
kích đối thủ Buzbee là người đã từng ủng hộ tiền bạc dồi dào cho ứng viên
Donald Trump trong năm 2016 là cũng đủ thu hút sự ủng hộ cho mình.
Nói chung, đa số những người ủng hộ ông Turner đều
không ưa ông Trump, trong khi đa số cử tri ủng hộ ông Buzbee lại thích TT Trump.
Theo giáo sư Renée Cross thuộc Đại học Houston, TT Trump gây sự khích động cả
hai khối cử tri Cộng Hoà và Dân Chủ, nhưng tại thành phố Houston, số người theo
Dân Chủ đông nhiều hơn phe Cộng Hoà, nên ông Turner đã dễ dàng thắng cử.
Trong bài diễn văn tuyên bố thắng cử vào đêm thứ Bảy,
ông Turner nói rằng cuộc bầu cử này cho thấy là dù sinh trưởng tại bất cứ một
khu phố nào (như khu Acres Homes nghèo nàn của bố mẹ ông), mọi người vẫn có thể
cạnh tranh và vươn lên để đạt mục đích tốt đẹp và khả quan cho mình. Dù không
có tiền nhiều (như đối thủ Buzbee đã bỏ ra tiền túi 12 triệu Mỹ-kim để vận động),
nhưng cuối cùng những người bình thường và khiêm tốn như ông cũng có thể vươn
lên để trở thành thị trưởng đứng đầu thành phố đông dân đứng hàng thứ tư trên nước
Mỹ.
Bài diễn văn của ông Turner cũng nêu lên những thành
tích và chủ trương theo khuynh hướng cởi mở và cấp tiến, kêu gọi sự hợp tác giữa
các viên chức chính quyền và cư dân, cùng với sự chấp nhận mọi thành phần di
dân hội nhập vào thành phố. Ông nói rằng dù bạn là một người có giấy tờ hoặc
không có giấy tờ, bạn cũng vẫn có quyền được sinh sống tại thành phố này.
Bắt đầu từ tháng Giêng 2020, tân hội đồng thành phố
Houston sẽ gồm 9 phụ nữ trong tổng số 16 nghị viên, một tỉ lệ đa số cao kỷ lục
của nữ giới trong lịch sử chính quyền địa phương. Tỉ lệ này có lúc tụt đến xuống
thấp nhất là chỉ có 2 nữ nghị viên vào năm 2013, và cũng vượt qua kỷ lục trước
đó là 8 nữ nghị viên được đắc cử vào năm 2005.
Đó là các nữ nghị viên đại diện toàn thành phố
Letitia Plummer (số 4) và Sallie Acorn (số 5), cùng với các nghị viên Amy Beck
(A), Abbie Kamin (C), Carolyn Evans-Shabbaz (D), Tiffany Thomas (F), Karla
Cisneros (H) và Martha Castex-Tatum (K).
Riêng đơn vị B tuy chưa có kết quả vì tranh cãi tại
toà án và chờ một cuộc bỏ phiếu vòng hai sắp tới, nhưng cả 3 người về đầu đều
là phụ nữ, gốc da đen. Tại đơn vị H, có thể sẽ đếm lại phiếu vì chỉ cách biệt
có 12 phiếu giữa hai ứng viên nhưng cả hai đều là phụ nữ: Karla Cisneros và
Isabel Longoria.
Ngoài sự khác biệt về giới tính, còn có sự khác biệt
đáng chú ý hơn nữa là đa số các nghị viên đều có chủ trương cấp tiến (theo phe
Dân Chủ) hơn là bảo thủ (theo phe Cộng Hoà). Tuy rằng cuộc bầu cử hội đồng
thành phố được gọi là phi đảng phái, nhưng hầu như tất cả các cuộc bầu cử từ thị
trưởng trở xuống đều được xem như là cuộc tranh cử giữa hai ứng viên đại diện
cho hai khuynh hướng đối lập của hai chính đảng.
Vài điểm đáng chú ý khác là dân số gốc Latino tuy
chiếm đến 44.5% dân số nhưng tỉ lệ ghi danh chỉ có 23%, trong khi khối dân da
đen và Mỹ trắng (Anglos) chỉ gộp lại khoảng 45% nhưng lại chiếm đến 85% số cử
tri đi bầu. Kết quả sau cùng là khối dân gốc Latino chỉ chiếm được 2 nghị viên
trong khi khối dân da đen chiếm đến 6 nghị viên.
CÁC ỨNG CỬ VIÊN NGƯỜI VIỆT
Đối với đa số cử tri gốc Việt, đơn vị F ở khu tây
nam có đường Bellaire nổi tiếng được chú ý đặc biệt vì đây là nơi đã có 3 người
gốc Việt từng đắc cử trong 3 kỳ bầu cử sau cùng. Đâu tiên là ông Hoàng Duy
Hùng (Al Hoang), sau đó là Richard Nguyễn và người đương nhiệm là Lê
Minh Đức (Steve Lê). Nhưng ông Steve Lê đã rút lui không tái tranh cử vì phạm
vào nhiều vụ tai tiếng trong đời sống riêng tư cũng như trong công vụ, và có 3
người gốc Việt khác ra tranh cử cùng với nhiều ứng viên khác. Đó là Huỳnh Quốc
Văn, phụ tá cho Steve Lê; cựu nghị viên Richard Nguyễn và John Nguyễn.
Trong kỳ bầu cử vòng thứ nhất, người về đầu là Tiffany
Thomas, ứng viên da đen được ban chủ biên tờ Houston Chronicle chính thức ủng
hộ vì là người có nhiều thành tích hoạt động tại đây từ lâu, với 3,568 phiếu. Kế
đến là Huỳnh Quốc Văn (2,085 phiếu) rồi đến Richard Nguyễn (1587 phiếu) và John
Nguyễn được 495 phiếu.
Mới thoạt nhìn, nhiều người Việt thường lầm nghĩ rằng
nếu như cả 3 số phiếu của ứng viên gộp lại thì có thể đánh bại được cô Thomas.
Nhưng trong vòng nhì cuộc bầu cử, cô Thomas đã thắng dễ dàng trước ông Huỳnh Quốc
Văn với tỉ lệ sai biệt là 56%/44%.
Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, người
ta sẽ thấy vấn đề không đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Tại đơn vị F, số người gốc Việt ghi danh thẻ cử
tri (tức là có quyền đi bầu) vào khoảng trên 8,000 người, nhưng số người thực sự
đi bỏ phiếu chỉ trên 1,000 người, một tỉ lệ khá khiêm nhường chưa đến 15%.
Điều này cho thấy lá phiếu của người Việt không phải là yếu tố quan trọng và
quyết định thắng thua trong các cuộc bầu cử tại Houston cũng như tại hầu hết
các nơi khác, có lẽ chỉ ngoại trừ tại một số địa hạt ở California.
Hơn nữa, lần này ứng viên Huỳnh Quốc Văn lại gặp vài
trở ngại rất lớn liên quan đến người sếp của ông là đương kim nghị viên Lê Minh
Đức. Nội việc ông Đức không dám ra tái tranh cử cũng đủ nói lên tính chất
nghiêm trọng của vấn đề bởi vì không có lý do gì khiến một nghị viên lại không
ra tái tranh cử vì lợi thế có sẵn đã quá lớn so với các đối thủ khác.
Vào năm 2015, ông Đức bất ngờ ra tranh cử và gây ra
tình trạng phân hoá sâu đậm trong cộng đồng người Việt. Lý do là vì ông không
cư ngụ và sinh hoạt tại Đơn vị F, vì có phòng mạch ở khu ngoại ô phía bắc
Houston, trong khi đơn vị này lại nằm ở phía tây nam và đã có sẵn nghị viên là
Richard Nguyễn vốn được đông đảo cử tri người Việt cảm mến và ủng hộ vì là người
đã có công hất cẳng được Hoàng Duy Hùng ra khỏi hội đồng thành phố.
Tuy nhiên ông Đức thu hút được một số đông người ủng
hộ vì cái “mác” là một bác sĩ y khoa trẻ, có vợ đẹp con khôn, ăn nói lưu loát,
thường xuyên đóng góp giúp đỡ các sinh hoạt từ thiện cho các chùa, nhất là sẵn
sàng chi ra vài ngàn đô-la ủng hộ để được mời làm MC và tha hồ đánh bóng cho chủ
trương tranh cử của mình.
Để rồi sau khi đắc cử, mọi người mới bắt đầu té ngửa
khi ông Đức để lộ dần dần nhiều sai lầm nghiêm trọng. Về mặt cá nhân, ông ngoại
tình để đi cặp với một phụ nữ khác khiến cho hình ảnh tốt đẹp năm xưa được nhiều
vị chức sắc trong hội đồng liên tôn ca ngợi hay ủng hộ giờ đây bỗng sụp đổ tan
tành.
Về mặt công vụ, ông nghị viên Lê Minh Đức còn phạm
vào nhiều sai lầm nặng nề và đáng trách hơn nữa. Đầu tiên là ông để cho một phụ
tá cao cấp là chánh văn phòng Daniel Albert (Luật sư Nhật Đan) khai gian để
lãnh lương của hội đồng thành phố trong lúc vắng mặt nhiều tháng trời. Khi bị
cư dân khiếu nại, ông Đức bỏ lơ không thèm trả lời khiến họ phải nhờ đến văn
phòng một nghị viên khác can thiệp. Để rồi khi nội vụ đổ bể và không thể che đậy
được, văn phòng thanh tra thành phố lên án việc làm gian dối này và đòi ông
Albert phải hoàn trả lại số tiền khai gian, ông Đức mới đành lòng sa thải người
phụ tá trẻ tuổi nhưng gian manh của mình.
Nhưng sai lầm thứ hai của ông Đức có phần tệ hại hơn
tuy ít được người biết đến. Đó là ông đã dùng văn thư chính thức của Nghị viên
thành phố Houston gửi lên toà lãnh sự Mỹ tại Sàigòn vào ngày 7 tháng 2/2018 để
xin giúp đỡ cho một nữ thương gia tại Việt Nam (Hoa Thi Truong) được chiếu khán
nhập cảnh vào Hoa Kỳ để ông Đức đi giới thiệu các mối đầu tư tại thành phố này.
(Bức thư của Nghị viên Steve Lê gửi toà lãnh sự Mỹ để
xin cấp chiếu khán cho một nữ thương gia từ VN sang)
Điều này có nghĩa là ông Đức sẵn sàng bắt tay với
các cán bộ Việt Cộng ở trong nước trong vấn đề làm ăn tại Hoa Kỳ, bởi vì có tư
nhân nào có thể làm ăn khá giả ở Việt Nam để có thể đi ra nước ngoài để đầu tư
to lớn và dễ dàng nếu như không có sự dàn xếp và đồng ý của nhà cầm quyền Việt
Cộng. Dĩ nhiên, điều này khó lòng khiến cho đa số cư dân người Việt tại Houston
ủng hộ do bởi quá khứ của họ là những người tị nạn trốn chạy Cộng Sản và không
muốn bất cứ ai tiếp tay cho chế độ độc tài đó, nói gì đó là một vị nghị viên đại
diện cho họ tại thành phố này.
Vì những lý lẽ và nguyên do đó nên việc ông Lê Minh
Đức quyết định rút lui không ra tái tranh cử vào giờ chót là điều dễ hiểu vì
ông sợ mình sẽ không thể đối chất trước những câu hỏi của khối cử tri tị nạn chống
Cộng. Và ông Huỳnh Quốc Văn được xem là phò tá cho sếp Đức, đương nhiên khó
lòng thu hút được đông đảo số phiếu của người Việt trong kỳ bầu cử vừa qua cũng
là điều tất nhiên.
Và đây phải chăng là một bài học thứ hai để mọi người
học hỏi nếu như vẫn còn tin tưởng vào lập luận sai lầm và mị dân khi nói rằng
“người Việt hãy nên bầu cho người Việt”, sau khi họ đã phải cay đắng nhìn thấy
Hoàng Duy Hùng phản bội lại lý tưởng của họ sau khi lọt được vào hội đồng thành
phố?
MAI
LOAN
Houston, Texas, ngày 3 tháng Giêng/2020
No comments:
Post a Comment