19/01/2020
Từ đầu năm nay, truyền thông quốc doanh Việt Nam hân
hoan loan tin nước ta trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chẳng
hạn, hôm 4/1, báo “Nhân Dân” đưa tin: “Ngày 2-1, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ)
ở New York (Mỹ), Việt Nam khởi động các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ
tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA), mở đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường
trực HĐBA 2020 – 2021”.
Độc giả cũng được biết thêm về 5 quốc gia “đắc cử”
chức Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ mới, là gồm: Estonia, Niger, Saint
Vincent và Grenadines, Tunisia và Việt Nam. Ngoại trừ Việt Nam là cường quốc về
diện tích và dân số, Estonia là một nước nhỏ ở vùng biển Baltic được biết đến
do bị Nga – Xô xâm chiếm và “sáp nhập” một thời, các nước khác đều rất “thường
thường bậc trung”, không có gì tăm tiếng.
Bản tin trên còn cho hay, “Đại sứ, Trưởng Phái đoàn
Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, Việt Nam vinh dự
đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA và làm Chủ tịch luân phiên HĐBA
trong tháng đầu tiên”. Được biết, vị đại sứ còn khẳng định, “Việt Nam sẽ nỗ lực
đóng góp vào công việc của HĐBA, nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương LHQ và
thúc đẩy chủ nghĩa đa phương”.
HĐBA LHQ, như các bạn học để thi lấy chứng chỉ nhằm
đệ đơn xin quốc tịch Hungary đều biết, là một trong 3 cơ quan chính của LHQ được
giới thiệu trong bài mở đầu 1a, mang tính “nhập môn” của giáo trình Quốc tịch.
Theo đó, cơ quan này (Biztonsági Tanács) “có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an
ninh quốc tế”, và gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực
(állandó) và 10 thành viên không thường trực.
Cũng trong
bài giảng, chúng ta được biết qua loa rằng mọi nghị quyết của HĐBA chỉ được
thông qua nếu có sự đồng thuận (hay Đồng Tâm) của cả 5 thành viên thường trực
là các “ông lớn” trên bàn cờ chính trị thế giới: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, HĐBA còn có sự hiện diện “ngồi chơi xơi nước” của 10 thành viên
không thường trực được bầu cho nhiệm kỳ 2 năm, và khởi đầu làm việc từ ngày 1/1.
Thời gian eo hẹp trong giờ học chỉ cho phép nói đến
thế về một cơ quan chính trị có tầm quan trọng bậc nhất của LHQ. Vì vậy, khi
nghe hay xem đài, báo của ta tường trình về việc Việt Nam “trúng cử” ngôi vị Ủy
viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, và hơn thế nữa, ngay lập tức, lại
còn được làm Chủ tịch luân phiên của cơ quan này trong tháng đầu của năm nay
(*), chắc hẳn không ít bạn cảm thấy nức lòng?
Nếu biết rằng
trước đây, Việt Nam cũng từng giữ cương vị này vào nhiệm kỳ 2008-2009, hẳn nhiều bạn có thể nghĩ, quả thực là “thế nước đang lên”, như ông
Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “đây là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của
cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công
việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam
trên trường quốc tế.”
Cần bình tâm nghiên cứu xem những danh hiệu trên
“oai” tới mức nào!
Thủ tục bầu bán các thành viên không thường trực
HĐBA diễn ra như sau: Mỗi khu vực trên thế giới có “định mức” riêng cho mình, cụ
thể, các khu vực Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ và Tây Âu mỗi nơi 2 ghế, vùng Đông
Âu 1 ghế, và ghế còn lại luân phiên giữa 2 châu Á và Phi. Mười nước không thường
trực lại được chia làm 2 nhóm xen kẽ nhau, mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường
chỗ cho 5 thành viên mới “nhậm chức”.
Nhiệm kỳ năm 2020-2021, ghế thành viên không thường
trực HĐBA luân phiên dành cho khu vực Châu Á và chỉ có Việt Nam ra tranh cử.
Như vậy, Việt Nam trúng cử là bình thường, nhưng phải chăng việc số phiếu bầu
cho Việt Nam lên tới 192/193 phiếu (tỷ lệ lần đầu hồi 2007 là 183/190) và như
báo chí trong nước hồ hởi “đây là số phiếu kỷ lục chưa từng có trong 75 năm
phát triển của LHQ”, thì đó cũng là một kỳ tích đáng khâm phục?
Đương nhiên, kết quả ủng hộ cao thì chắc chắn phải
có lobby ráo riết (như ông Đại sứ có nói, “vận động những nước đã đồng ý ủng hộ
và vận động những nước hiện chưa có ý kiến sẽ có mặt tại hôm bỏ phiếu và ủng hộ
chúng ta là việc rất quan trọng”) và vậy cũng là giỏi, nhưng “giang cư mận” phản
động, lập tức, đã “tra” được ra rằng, những trường hợp được số phiếu xấp xỉ
100% như thế dường như khá phổ biến!
Thế còn ghế Chủ tịch HĐBA thì sao? Trước hết, cần biết,
ghế này không phải bầu bán gì cả, mà chỉ luân chuyển hàng tháng giữa các thành
viên HĐBA, theo thứ tự chữ cái quốc hiệu của các nước đó. Sau tháng của Việt
Nam, sẽ tới Bỉ (vần Bờ, Belgium), Tầu Cộng (vần Cờ, China), Cộng hòa Dominica
(vần Đờ, Dominican Republic), Estonia (vần E), Pháp Quốc (vần Ép-phờ, France),
v.v…, hoàn toàn đã biết từ trước!
Điều đó lý giải cho việc, truyền thông Âu – Tây rất
ít khi nhắc tới việc nước nào hiện đang thuộc khối 10 nước không thường trực
này. Đây là chuyện công việc, “triều đình” làm là đủ, người dân quan tâm hơn tới
những việc thực tiễn có liên quan tới lợi quyền của họ, về mọi mặt. Thử hỏi mấy
ai biết là Ba Lan, Ukraine, Hà Lan, Ý, Thụy Điển hay Tây Ban Nha vừa là ủy viên
không thường trực HĐBA LHQ trong vài năm qua đâu?
Tất nhiên, mặc dù chỉ được phân bổ và luân phiên
theo chu kỳ hàng tháng, nhưng suy cho cùng, cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ cũng là
cơ hội nhất định đối với Việt Nam. Bên cạnh việc lo canh gác cho hòa bình thế
giới ta bà và những chuyện “tầy trời” khác, nếu khéo léo, đây cũng là dịp để
đưa những thành tựu về chống đói giảm nghèo, xóa bất bình đẳng xã hội, tôn trọng
nhân quyền, gia tăng dân chủ… của Việt Nam ra thế giới.
Đặc biệt, phải chăng, nên tận dụng dịp này để giới
thiệu triệt để cho quốc tế những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trên địa
hạt củng cố bảo vệ những quyền cơ bản của con người, một trong những mục tiêu
quan trọng nhất mà do đó LHQ đã được thành lập bởi 51 thành viên vào tháng
10/1945 (bài 1a các bạn đang học Quốc tịch nhé)? Đã đi được hai phần ba chặng
đường, kết quả ra sao, chúng ta hãy chờ đợi!
(*) Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam sẽ còn trở lại
với vai trò này vào tháng 4/2021 trên cơ sở nguyên tắc luân phiên.
No comments:
Post a Comment