Wednesday, 8 January 2020

BÊN KIA CHIẾN THẮNG (Trung Bảo - Báo Sạch)




Trung Bảo  -  Báo Sạch

Sẽ hay hơn nhiều nếu trong dịp kỷ niệm 41 năm chiến tranh Biên giới Tây Nam có những bài viết về hội chứng Hậu chiến với các cựu binh Quân đội Nhân dân Việt Nam trở về từ Cambodia.

Ông T. là một hướng dẫn viên du lịch tiếng Đức rất kinh nghiệm. Tôi thường ngồi nói chuyện mỗi khi gặp ông đưa khách đi Hội An, ngoài 50 tuổi với tướng người đậm chắc nịch, ông T. từng là trung đội trưởng một trung đội trinh sát trong chiến tranh Biên giới Tây Nam. Thỉnh thoảng khi hứng chí, ông ta lại kể cho tôi nghe những câu chuyện về thời chinh chiến của mình. Chiến tranh thì ác liệt đã đành nhưng càng ác liệt hơn khi quân Polpot nắm rõ hết chiến thuật của quân đội Việt Nam.

“Ở trong rừng lính trinh sát như bọn tao toàn đi trên cây. Dưới đất nó gài mìn khắp. Chỗ nó gài giữa đường, có đoạn nó lại gài hai bên vệ đường. Đúng bài mình dạy nó giờ lấy ra xài với mình”, ông kể.

Một lần trung đội ông bắt được một “nông dân” Miên đi lạc vào vùng đóng quân. Nghi là lính trinh sát của Polpot, tra khảo mấy cũng không nhận dù bị doạ bắn, cuối cùng “mầy biết làm sao nó nhận nó là lính Polpot không? Tao lột quần nó ra thấy nó mặc cái quần đùi nylon của Tàu. Nông dân nào có cái quần đó.”

Cha của ông T. là một cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt. Khi “đăng lính” đi Cambodia, ông học được nhiều từ kinh nghiệm tác chiến của người cha. Một trong số đó là khi đến phạm vi đóng quân, việc đầu tiên phải làm là đào và giữ gìn khu vực hố xí thật sạch sẽ. “Mày biết trinh sát tụi nó bò vào trại mình đầu tiên là chỗ nào không? Nó bò vô cầu tiêu. Hễ nó thấy cầu tiêu sạch sẽ là nó biết ông chỉ huy giỏi, giữ kỷ luật với lính nghiêm. Cầu tiêu mà dơ nó biết chỉ huy không sát lính. Tối nó dắt quân đánh mình liền”.

Những người nông dân Miên cầm cây cuốc ra đồng nhưng khi bộ đội Việt Nam vừa quay lưng có thể “ăn” ngay một phát đạn hay một nhát chém cũng từ ông nông dân đó. Ông T. có hai người lính dưới quyền vốn là hai anh em chú bác ruột. Hai người đi với nhau như hình với bóng để bảo vệ nhau trong mọi trận chiến. Vậy mà trong một trận tấn công vào phum của Polpot, người anh ăn một viên đạn vỡ toang đầu chỉ vì sơ suất một giây. “Thằng em nó nổi điên, nó vác cây B.40 đánh tràn lên theo đơn vị. Vô tới trong phum, thấy loáng thoáng trong nhà có bóng người là nó bắn thẳng B.40 vào. Tan xác. Còn tao, thấy lính chết tao cũng điên, muốn bắt hết bọn tù binh, mà toàn con nít thôi, xếp hàng rồi lấy đại liên bắn chết mẹ bọn nó. May mà lính tao can chớ không chẳng biết”, ông T. kể như kể một câu chuyện chẳng còn liên quan tới mình.

Nhờ “thành tích chiến đấu”, ông T. được cử đi Đông Đức lao động xuất khẩu sau khi giải ngũ. Còn người em trong câu chuyện trên cũng sống sót trở về, nhưng lún vào ma tuý. “Không có ma tuý sao ngủ nổi, thằng nào yếu yếu về là điên liền. Lính tao nhiều thằng về ‘man man’ luôn. Tao giờ uống say nhiều khi ngủ mơ còn hô ‘xung phong’.

Anh rể của bạn tôi, một cựu binh chiến trường K, từng phải vào tù vì xách súng đi cướp ngoài quốc lộ. Những năm tháng phục viên không nghề nghiệp túng quẫn, tinh thần chưa thoát khỏi cơn hoảng loạn của chiến tranh.

Chẳng một bài viết nào về họ. Về những di chứng hậu chiến mà bất kỳ người lính nào cũng có. Bất kể quốc tịch.

Những tranh luận về ai là kẻ lập ra lực lượng Khmer Rouge có lẽ quá nhàm chán. Ai là kẻ hậu thuẫn cho Polpot tiến đánh Việt Nam và tại sao! Lịch sử đã trả lời cho các câu hỏi ấy qua quá nhiều công trình nghiên cứu trong lẫn ngoài nước. Kẻ đó chính là Trung Quốc. Chứ không nhập nhèm như bài viết của một anh ký giả nhà nước cố lôi nước Mỹ vào.

Cuối cùng, cãi thắng những chuyện đó mà bỏ quên thân phận những những người bỏ lại tính mạng, cơ thể hay tâm trí ở cuộc chiến ấy, liệu có gì hay!

Trung Bảo






No comments:

Post a Comment

View My Stats