Tuesday, 12 November 2019

TIN THẤT THIỆT (Đỗ Hồng - Danlambao)





Ngày xưa, dưới chính thể VNCH, khi đọc được một mẩu tin không đúng sự thật, người ta thường bảo đó là tin thất thiệt. Nhưng loại tin này rất hiếm khi xuất hiện. Ngày nay, trên mạng internet trong cộng đồng người Việt hải ngoại, loại tin này thường được thấy nhan nhản khắp nơi.

Cách nay không lâu, những người theo dõi tin tức trên liên mạng thông tin đặc biệt chú ý tới hai mẩu tin mà người loan tin bảo là “tin cực nóng”. Đó là tin “Nguyễn Phú Trọng qua đời vì nhiễm phóng xạ, thọ 75 tuổi” và tin “cha con nhà Biden sắp bị bắt”. Sau khi dò tìm trên liên mạng thông tin để phối kiểm, người đọc hoàn toàn thất vọng vì cả hai mẩu tin này đều không thấy được loan báo ở đâu cả. 

Nhân đây, xin phép được mở ngoặc để lạm bàn về cách dịch tin. Ai cũng biết Anh ngữ thường được viết theo lối đảo ngữ. Thí dụ, “white shirt” thì không ai dịch là “trắng áo” cả mà cách dịch đúng phải là “áo trắng”. Cũng vậy, thí dụ tin viết theo Anh ngữ là: “‘Nguyen Phu Trong died at age 75’, said Mr. A.” thì phải dịch đúng là “Ông A. nói ‘Nguyễn Phú Trọng qua đời, thọ 75 tuổi’”. Đây là lỗi lầm rất thường được thấy trong cách dịch tin. Và xin được đóng ngoặc lại ở đây để tiếp tục bàn về tin thất thiệt. 

Hai mẩu tin thất thiệt nói trên sẽ mang lại những hệ lụy sau đây: 1/ Người loan tin sẽ đánh mất sự tín nhiệm ở độc giả; 2/ Trong tương lai, sẽ không ai còn muốn đọc tin của họ nữa; 3/ Nếu liên quan tới chính trị hay vận mệnh đất nước, tin thất thiệt loại này sẽ tạo ra một phản tác dụng có thể bị kẻ địch lợi dụng để đả kích người Việt quốc gia. 

Cũng thuộc về loại thông tin này, trên liên mạng thường hay xuất hiện những đoạn video với những tựa đề thật kêu và giật gân, nhưng sau khi khán giả bỏ thì giờ xem hết cả đoạn video, họ rất bực mình và thất vọng vì nội dung hoàn toàn không liên quan hay chẳng đề cập gì tới chủ đề được ghi cả. 

Những tin thất thiệt đại loại như mẩu tin về Nguyễn Phú Trọng bên trên khiến người đọc có thể liên tưởng tới câu chuyện cầu cho bạo chúa sống lâu của một bà lão ở Syracuse, thời cổ đại Hy Lạp vì, qua kinh nghiệm, bà lão này nghĩ rằng kẻ kế vị bạo chúa sẽ còn tàn ác hơn nữa (1). Trọng này có chết đi thì sẽ có Trọng khác lên thay, chẳng có gì đáng lưu tâm. Điều quan trọng hơn hết mà mọi người trông đợi là ngày khai tử chế độ CSVN. Ngoài ra, độc giả còn có thể nhớ tới câu chuyện trong Luân Lý Giáo Khoa Thư về đứa bé nói dối, giả vờ tri hô nhà mình bị cháy để cười vui khi nó khiến được hàng xóm bị mắc lừa, nhưng đến khi nhà nó bị hỏa hoạn thật, chẳng ai thèm phụ giúp chữa lửa, khiến cho nhà nó bị thiêu rụi (2). Sau này, những tin như thế, dù có đúng sự thật hay không, cũng đã mất đi sự khả tín rồi, không ai còn tin nữa. 

Vậy thì động cơ nào khiến người ta hay loan tin thất thiệt? Trước hết, có lẽ là họ muốn “câu” độc giả và nghĩ rằng càng có nhiều người xem bản tin của mình thì mình càng được trọng nể. Kiểu loan tin này được xem là gian trá, bất chính. Kế đến, có thể là vì họ có dụng tâm ác ý nào đó, chẳng hạn như muốn gây xáo trộn, hoang mang trong cộng đồng mạng. Ở đây, cũng không thể loại bỏ giả thuyết là Việt gian cố tình gây hoang mang chia rẽ trong hàng ngũ người quốc gia. 

Đối với những tin thất thiệt kiểu này, phản ứng thông thường của độc giả hay khán giả trước tiên là bực mình, cảm thấy mình bị lừa dối, và tiếp theo là tẩy chay những bản tin đó cùng khinh bỉ người loan tin. 

Riêng người Việt quốc gia, nếu qua tựa đề, nhận chân được bản tin thất thiệt xuất phát từ những phần tử Việt gian hay bị nghi ngờ là Việt gian, nhất định họ sẽ có thái độ đúng đắn là tẩy chay, xóa bỏ, không đọc và không chuyển tiếp hay bàn thảo với những người chung quanh về tựa đề của bản tin thất thiệt đó. 

Đối với tin giả hay tin thất thiệt, ông Oche Otorkpa, tác giả của quyển sách nổi tiếng “The Unseen Terrorist” nói: “Fake news is like ice, once it comes in contact with the heat of the truth it melts quickly and suddenly evaporates.” (Tin giả giống như đá đông, một khi tiếp xúc với sức nóng của sự thật, nó sẽ nhanh chóng tan chảy và thình lình bốc hơi). 

Và ngầm nhắn tới những kẻ loan tin giả hay thất thiệt, ông Johnny Corn, một diễn viên hài hước nổi danh, cho rằng: “Alternative facts and fake news are just other names for propaganda” (Sự thật thay thế hay tin giả chẳng qua chỉ là những danh xưng khác của sự tuyên truyền) (3). 

Tham khảo




12.11.2019






No comments:

Post a Comment

View My Stats