Thursday, 7 November 2019

LUẬT KHOA TẠP CHÍ TRÒN 5 TUỔI & BA BÀI HỌC LỚN LUẬT KHOA MUỐN CHIA SẺ (Luật Khoa Tạp Chí)




05/11/2019

Không phải tờ báo nào hay tổ chức nào cũng có may mắn được kỷ niệm sinh nhật lần thứ năm của mình, nhất là với những tổ chức độc lập trong môi trường Việt Nam. Điều Luật Khoa cảm thấy tự tin là không những tờ báo sống sót được sau 5 năm, mà còn đang có một đà phát triển tương đối lớn. Điều này đồng nghĩa với việc tờ báo sẽ không dừng lại ở quy mô và chất lượng hiện tại mà còn có tiềm năng để mở rộng và nâng cấp hơn nữa trong tương lai gần.

Có vài bài học chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị độc giả, đặc biệt là những ai đang nung nấu ý định làm báo độc lập.

Bài học thứ nhất: Việt Nam cần các tờ báo độc lập hơn bao giờ hết.

Việt Nam, và nhiều nước khác trên thế giới, đang trải qua một cuộc giằng co dữ dội giữa các hệ tư tưởng và hệ giá trị. Cuộc giằng co đó, suy cho cùng nằm ở bản thân mỗi con người, nhưng sân khấu thể hiện lại nằm ở không gian truyền thông là chính. Trong khi truyền thông nhà nước vốn dĩ không độc lập và không thể đóng vai trò tạo dựng không gian thể hiện tự do cho người dân, thì mạng xã hội đang nắm giữ vai trò đó. Và mặc dù có rất nhiều ưu điểm, mạng xã hội lại rất mong manh trước thông tin nguỵ tạo và không thích hợp cho những cuộc thảo luận có chất lượng cao. Đó là lúc xã hội cần đến báo chí độc lập nhất. Ý nghĩa của một tờ báo nằm ở những ngã ba ngã bảy, khi xã hội sợ hãi, không biết đi về đâu và không biết tin vào cái gì.

Một thị trường báo chí đang hình thành, với hai lực lượng chính đang nắm vai trò chi phối: một đảng chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam) và các tập đoàn lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc tính độc lập của báo chí là rất thấp. Hiện tượng nền báo chí bị các đảng phái và các tập đoàn lớn lũng đoạn và chi phối là hết sức phổ biến ở các xã hội chậm phát triển, khi chưa có các thiết chế dân chủ đủ mạnh và chưa có truyền thống báo chí đủ dày. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở những nền dân chủ non trẻ. Báo chí Việt Nam khó mà thoát ra được khỏi quy luật đó trong ít nhất vài thập kỷ tới, cho dù Việt Nam có bắt đầu dân chủ hoá đi chăng nữa. Nhưng một lần nữa, đó lại là lúc xã hội cần những tờ báo độc lập nhất.

Bài học thứ hai: Nhân sự (chứ không phải tiền) là vấn đề lớn nhất.

Trong 5 năm qua, Luật Khoa đã nỗ lực đốt đuốc đi tìm những cây viết giỏi, nhưng thứ chúng tôi tìm thấy lại là một cuộc khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng đối với báo chí độc lập.

Chúng tôi đã luôn đi tìm những cây viết có chuyên môn tốt về luật và chính trị, giỏi tiếng Anh, có kỹ năng viết tốt, và đặc biệt, không tự kiểm duyệt.

Số người có chuyên môn tốt về luật và chính trị đủ để viết báo ở nước ta không hiếm, dù không nhiều. Thông thường, có chuyên môn tốt đồng nghĩa với việc giỏi tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ phổ biến nào đó, vì khó mà tìm hiểu chuyên sâu được một vấn đề khoa học xã hội nào trong môi trường tài liệu tiếng Việt.

Tuy vậy, không nhiều trong số những người có chuyên môn tốt biết cách trình bày và giải thích một vấn đề theo một cách dễ hiểu cho độc giả phổ thông. Phần nhiều rơi vào cái cám dỗ sử dụng thuật ngữ chuyên môn quá nhiều, số khác lại bị văn phong tiếng Anh ám ảnh quá nặng nề trong cách viết. Tất cả đều khiến cho bài viết trở nên khó hiểu và xa lạ.

Cuối cùng, nếu hội đủ các yếu tố nhưng lại tự kiểm duyệt thì người viết cũng đánh mất đi phần lớn giá trị của mình. Đây là khó khăn đặc thù của báo chí độc lập, thứ mà báo chí nhà nước không phải giải quyết. Rất đáng tiếc, tự kiểm duyệt lại là vấn nạn thuộc hàng lớn nhất của xã hội ta, khiến cho người viết hoặc là né tránh vấn đề cốt lõi, hoặc là buộc người đọc phải đi xuyên qua tầng tầng lớp lớp ngôn từ trước khi hiểu được tác giả thực sự muốn nói gì. Hiệu quả truyền thông, rốt cuộc, không còn lại bao nhiêu.

Mặc dù Luật Khoa may mắn chiêu mộ được nhiều cây viết tài năng, chúng tôi thấy rằng không thể lảng tránh một câu hỏi lớn: làm thế nào để có thêm nhiều cây viết giỏi?

Chúng tôi cũng đã cố gắng tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ, nhưng năng lực đào tạo của Luật Khoa là có hạn. Với những ai trăn trở với báo chí độc lập, việc lập ra những chương trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp là đặc biệt quan trọng.

Bài học thứ ba: Đã đến lúc cần những nỗ lực tập thể.

Chúng ta có rất nhiều facebooker, blogger nổi tiếng văn hay chữ tốt. Đó là điều đáng khích lệ và có nhiều ý nghĩa. Nhưng điều đó không đủ để xây dựng một môi trường truyền thông tốt, càng không đủ để tạo ra thay đổi đáng kể trong xã hội. Lý do rất đơn giản: đó vẫn là các nỗ lực cá nhân.

Nỗ lực cá nhân có nhiều điểm yếu: quy mô nhỏ, mức độ đầu tư vào nội dung thấp, gần như không có khâu biên tập, và hoàn toàn phụ thuộc vào một cá nhân. Mặc dù không phủ nhận nhiều sản phẩm xuất sắc của các cá nhân, chúng tôi tin rằng một nền báo chí – truyền thông có chất lượng và bền vững luôn phải dựa vào các nỗ lực tập thể.

Nỗ lực tập thể là nỗ lực của nhiều người. Nguồn lực được đầu tư vào một tờ báo thường là cao hơn nhiều so với một blog cá nhân, giúp cải thiện chất lượng cũng như số lượng sản phẩm. Đồng thời, một tờ báo có thể tồn tại mà không phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài cá nhân. Chúng ta khó mà có blog cá nhân nào tồn tại tới 10 năm, nhưng một tờ báo có thể tồn tại hàng trăm năm hoặc lâu hơn nữa.

Xã hội loài người đã phát triển được nhờ biết cách tổ chức và vận hành những dự án tập thể và phối hợp với nhau trên diện rộng. Đó là các bộ lạc, các làng xã, các công ty, các trường học, các tổ chức phi chính phủ, các phong trào xã hội, các nhà nước, các quốc gia, v.v. Việt Nam không phải là ngoại lệ, báo chí độc lập càng không phải là ngoại lệ.
Những nỗ lực tập thể mà chúng tôi nói tới là các tờ báo, các chương trình đào tạo, các hiệp hội nhà báo độc lập, các dự án hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ báo chí, v.v. Để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, không thể thiếu những nỗ lực đó. Luật Khoa không phải tờ báo độc lập duy nhất, càng không phải là tổ chức duy nhất có đào tạo nội bộ, nhưng chúng ta cần nhiều nỗ lực như vậy hơn nữa. 

***

Tròn 5 tuổi, không trẻ cũng chưa già, Luật Khoa hy vọng những bài học kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho phong trào báo chí độc lập Việt Nam và truyền được chút ít cảm hứng cho những ai trăn trở về một nền báo chí tử tế cho nước nhà. Không có lý gì một đất nước có gần 100 triệu dân trong nước, cộng với không dưới năm triệu người sinh sống ở nước ngoài, lại không xây dựng nổi vài chục tờ báo tử tế, chất lượng cao, giúp khai mở thông tin và tri thức cho mọi người. Tình trạng bưng bít thông tin hiện nay là cơ hội cho báo chí độc lập; môi trường thông tin hỗn loạn và chất lượng thấp hiện nay cũng là cơ hội cho báo chí độc lập. Một không gian truyền thông rộng lớn và hoang sơ đang mở ra cho những ai dám làm, dù là làm để thuần tuý phục vụ cộng đồng hay làm để kiếm tiền. 

Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay với việc phác thảo ý tưởng đầu tiên cho dự án báo chí của bạn. Luật Khoa luôn sẵn sàng chia sẻ những gì chúng tôi có qua hộp thư editor@luatkhoa.org.




No comments:

Post a Comment

View My Stats