Maurice Robinson, tài xế xe vận tải chuyên chở hàng,
lái xe từ cảng Purfleet, tỉnh Essex nước Anh, lúc 12:30 khuya ngày thứ Tư,
23/10 đến Waterglade thuộc tỉnh Grays thì dừng lại để kiểm giấy tờ. Mở cửa
thùng container để kiểm hàng Maurice thấy một cảnh tượng thật hãi hùng: xác người
chết đông cứng. Các thùng containers chứa tổng cộng 39 xác người, 31 đàn ông và
8 phụ nữ, trong đó có một cô gái tuổi vị thành niên.
Không ai ngờ chuyến xe chở hàng là mồ chôn 39 người
di dân lậu.
Những thùng hàng nặng nằm trên phà rong ruổi từ cảng
Zeebrugge (Bỉ) đến cảng Purfleet (Anh) chuyên chở những con người ra đi với ước
mơ nhỏ nhoi sẽ kiếm được việc làm để trả nợ, để giúp gia đình, để nuôi con cái.
Bàng hoàng hơn, trong số 30 nạn nhân nhà chức trách Anh đã xác định danh tính của
25 nạn nhân là người Việt, trong số đó gồm có Nguyễn đình Lượng (20t), Hoàng
văn Tiệp, Phạm thị Trà My (26t), Nguyễn đình Tú, Võ ngọc Nam (28t), và Hùng
Nguyễn (33t). VietHome, một tổ chức vô vị lợi, cộng tác với cơ quan điều tra gửi
dấu tay và hình ảnh về quê nhà để xác định danh tính các nạn nhân còn lại.
Ngay khi tin tức được loan báo trên mạng, những gia
đình thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã thấp thỏm, lo âu số phận của những
người thân. Họ biết con cái, thân nhân đã khởi hành chặng đường nguy hiểm dài
trên 6 nghìn dặm để bắt đầu một cuộc sống mới không kém gian truân. Cha Antôn Đặng
Hữu Nam, thuộc một linh mục Công giáo luôn đi đầu trong vụ khiếu kiện đòi tập
đoàn Formosa bồi thường cho các nạn nhân do thảm họa môi trường ở Vũng Áng, khi
biết tin đã khuyến khích những gia đình nạn nhân cần phải lên tiếng. Họ kể lể sự
tình và ngài cho biết số người ra đi tìm cuộc sống mới lên đến 100 chứ không phải
39. Như thế 61 người kia hiện đang lưu lạc ở đâu đó trên nước Anh, hoặc chết dọc
đường, hoặc đem nhốt vào những vùng làng mạc xa xôi để chăm sóc vườn cần sa, hoặc
bị bán vào các nhà thổ. Nguy hiểm, rủi ro, chết chóc rình rập suốt dọc đường, từ
lúc từ giã gia đình cho lúc đến nơi. Đến nơi vẫn chưa xong, phải kiếm được việc
làm - thường rẻ mạt - để dành dụm gửi về trả nợ, để nuôi cha mẹ già yếu, nuôi
con cái còn thơ dại. Nợ nần không nhỏ. Nguyễn thị Nhung, 19 tuổi, một trong 39
nạn nhân, phải trả 10 nghìn USD để đi lậu đến nước Anh làm việc trong một tiệm
móng tay, một người bà con ở quê nhà cho biết.
Căn cứ vào hải trình và lộ trình, nhà chức trách Anh
đang phác họa đường dây đi từ Hà Tĩnh, qua Trung cộng, bay đi Pháp, đến Bá
Linh, rồi Bỉ, và điểm đến cuối lộ trình là Anh quốc. Tiền rải dọc đường, mà bọn
đầu mối trung gian luôn lấy trước, lên đến 30 nghìn bảng Anh, khoảng 39 nghìn
USD. Một gia tài lớn đối với những gia đình nông dân, ngư phủ ở vùng đất Nghệ
An, Hà Tĩnh.
Cầm trong tay một số tiền gần 40 nghìn USD, tương
đương 874 triệu, mà gia đình vẫn không an tâm về cuộc sống tương lai. Họ sẵn
sàng mất từng ấy tiền, cộng thêm những rủi ro chết chóc dọc đường để ra đi tìm
một cuộc sống mới. Những nạn nhân này xuất thân từ vùng đã bị nước thải ô nhiễm
từ nhà máy gang thép Formosa. Nghề nghiệp cha truyền con nối của gia đình họ là
chài lưới, bắt hải sản để nuôi thân. Vùng biển bị ô nhiễm từ mấy năm qua khiến
nhiều người phải bỏ xứ để tha phương cầu thực. Việc làm trong nước vốn đã khó
kiếm, thôi thì bỏ ra một số tiền để đi kiếm sống ở nước ngoài, hy vọng mỗi
tháng dành dụm được vài trăm đôla gửi về nuôi sống gia đình. Hy vọng đã tan
thành mây khói khi bị nhốt vào những thùng sắt kín mít, và nhiệt độ bên trong tụt
xuống -25 độ C, nhằm tránh tai mắt của những cơ quan chức năng qua những dụng cụ
tân tiến tìm khí carbon từ hơi thở, tìm thân nhiệt từ cơ thể, và đàn chó nghiệp
vụ khứu giác nhạy bén khôn lường. Không ai có thể sống sót ở độ lạnh này, chưa
kể dưỡng khí cạn dần trong lộ trình dài đăng đẵng. Nhà chức trách cho biết những
nạn nhân đã chết ít nhất được 10 tiếng, nghĩa là lúc nằm chờ phà ở cảng
Zeebrugge trên đất Bỉ, những thùng containers này đã là mồ chôn những xác người.
Maurice Robinson chở những xác người chết cóng đi rong trên đất Anh.
Dân Việt trải qua vài cuộc di cư lớn trong lịch sử.
Hơn 1 triệu người di cư vào Nam năm 1954 khi hiệp định Genève chia đôi đất nước.
Đây là cuộc di cư tìm tự do, hay nói rõ hơn, đi lánh nạn cộng sản. Năm 1975, cộng
sản may mắn thôn tính được miền Nam. Lại 1 triệu người bỏ xứ ra đi, cũng vì hai
chữ tự do. Họ phải liều thân đi thẳng ra biển vì cuối Nam không còn đất để trốn,
cho dù cuối mũi Cà-mau là biển, là giông bão, là hải tặc.
Cuộc Nam tiến mở rộng bờ cõi xuống phía nam bắt đầu
từ thế kỷ 15, thời Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông, và từ ngàn đời người Việt ở trên
đất Việt qua bao nhiêu thế hệ. Họ bám lấy ruộng nương, rừng núi, sông rạch để
sinh sống. Làng mạc, xóm giềng, con trâu, lũy tre... bao bọc cuộc sống tuy
nghèo nhưng đầy tình nghĩa. Họ chưa từng nghĩ đến chuyện rời bỏ nơi chốn cũ. Thế
mà họ đành bỏ nơi chôn nhau cắt rún, ùn ùn kéo ra biển để đi, để đâm vào những
cơn bão kinh hoàng, để rơi vào tay bọn hải tặc Thái hung dữ, và để chìm thân
xác vào đáy biển sâu. Lần này, vào thế kỷ 21, vẫn còn rất nhiều người tìm cách
ra đi. Người nghèo khổ cố dành dụm tiền để đi đã đành, ngay cả kẻ có tiền cũng
kiếm cách đi, quan chức có quyền cũng chuẩn bị sẵn để khi hết quyền là
đi.
Cả nước Việt Nam như một quán trọ khổng lồ. Khách đến
trả tiền để ở lại một thời gian nhất định nào đó. Và hết hạn cư ngụ là bỏ đi, bỏ
luôn cả quán trọ bề ngoài sơn phết trông hào nhoáng nhưng bên trong đã rã rệu
như cơn bệnh trầm kha ở thời kỳ cuối, như một mạng người đang hấp hối. Một đất
nước khốn khổ đến thế là cùng.
Đầu năm 2000, đạo diễn việt cộng Trần Văn Thuỷ được
Trung tâm William Joiner thuộc Đại Học Massachusetts Boston cho “phân” để thực
hiện một cuộc nghiên cứu về cộng đồng người Việt hải ngoại. Sau ba năm nghiên cứu,
phỏng vấn các nhà văn tên tuổi một thời trước 75, nhà đạo diễn việt cộng Trần
văn Thuỷ cho ấn hành cuốn sách “Nếu Đi Hết Biển.” Ở chương đầu, ông Thuỷ viết đôi
dòng phi lộ, đại khái là hồi nhỏ, thằng bé Thuỷ hỏi bà vú rằng nếu đi từ làng
mình, đi mãi, qua sông, qua núi, qua phố xá… rồi đi đến đâu? Bà vú trả lời sẽ
đi đến biển. Thằng bé hỏi tiếp, nếu đi hết biển thì sẽ đến đâu? Bà vú không biết.
Câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu thằng bé, và mãi mấy mươi năm sau, ông Thuỷ hiểu
rằng, “nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì
cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình.”
Bỏ qua chuyện chậm hiểu của ông Thuỷ, vì mãi mấy
mươi năm sau ông mới hiểu được là quả đất tròn – nếu cứ đi mãi thì người ta sẽ
quay về điểm khởi hành – trong khi thuyết quả đất tròn hiện hữu từ thời cổ Hy lạp,
và học sinh thời VNCH cũng biết từ những năm trung học Đệ Nhất cấp, để bàn đến
chuyện “nếu đi hết biển.” Ông Thuỷ viết thêm, “…nhưng tôi biết rất rõ không ít
người Việt xa xứ ‘qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi’ mà cuối
cùng không thể ‘trở về quê mình, làng mình’ được.”
Nhận định của ông Thuỷ từ năm 2003, nhưng đã đúng với
hơn một triệu người vượt biển bằng thuyền, và bây giờ lại đúng với rất nhiều
người đang sống ở quê nhà. Sự thật còn tệ hơn lời ông đạo diễn việt cộng Trần
văn Thuỷ nói, là một khi đã ra đi, không phải là “họ không thể trở về…” mà họ
chẳng màng quay về quê mình, làng mình nữa. Số người này rất nhiều, khoảng hơn
90 triệu người ở Việt nam, kể cả đảng viên.
Vì lẽ hơn một nửa số người vượt biển đã chìm sâu dưới
đáy biển nên không thể trở về quê mình, làng mình được nữa. Vì lẽ những nạn
nhân đã chết cóng trong những chiếc thùng hàng kể trên cũng chẳng thể nào trở về
quê mình, làng mình, ngoại trừ người thân bỏ tiền đưa xác về chôn cất. Còn nếu
thành công, nghĩa là có một cuộc sống ổn định ở xứ người, thì chắc chắn họ chẳng
hề nghĩ đến chuyện trở về mảnh đất khốn khổ đó, nơi mà bất công nhan nhản, nơi
mà lương tri, lương tâm, lương thiện khó tìm thấy, nơi mà thức ăn, khí trời đầy
dẫy độc hại.
Đất nước Việt nam quả thật không có tương lai, vì
tương lai của những người dân luôn ở xứ người. Tùy vào niềm tin của mỗi người,
xin cầu nguyện với đấng Tối cao, thương xót những kẻ đáng thương này. Vì không
gì đáng thương hơn, khi gửi những lời từ biệt cha mẹ trước khi thân thể lạnh
cóng và máu động dặc dần với độ lạnh -25 độ C, như Trà Mỹ đã làm. Con
xin lỗi bố mẹ nhiều… con thương bố mẹ nhiều… con chết vì không thở được. Đau
đớn hơn, linh mục Đặng Hữu Nam nói với phóng viên, “cha mẹ của Trà My ở
quê nhà cũng không thở được.” Không thở được vì bất công tràn lan, khí
trời bị ô nhiễm vì nhà máy xả khói độc mù mịt, vì hải sản bị nhiễm độc do nhà
máy Formosa xả thải nước độc hại ra biển.
Xin thắp lên một nén nhang để thương tiếc cho số phận
39 kẻ xấu số, như dân chúng vùng Essex cầm trong tay ngọn nến tưởng niệm những
nạn nhân. Xin tiễn biệt 39 thân phận kém may mắn về chốn vĩnh hằng, như các cảnh
sát tỉnh Essex đứng nghiêm trang cúi đầu khi chiếc xe hàng chở 39 xác người đến
nhà xác.
Nếu không muốn ra đi, nếu không muốn chết cóng trên
những chuyến xe hàng, nếu không muốn làm nô công ở xứ người, nếu không muốn bị
bán vào các nhà thổ, nếu không muốn chết rơi rớt dọc đường, nếu muốn sống thanh
bình quanh luỹ tre làng bao bọc xóm làng, thì đã đến lúc người dân Việt phải quyết tâm hành động để
thoát khỏi ách cộng sản bạo tàn.
Muộn lắm rồi!
01.11.2019
No comments:
Post a Comment