Thứ bảy, 2/11/2019, 18:55 (GMT+7) 71
“Làm ăn cũng có lúc này lúc khác”, anh tặc lưỡi, “Thỉnh
thoảng cũng có đứa chết, phải đền tiền gia đình”.
Tôi gặp anh mấy năm trước, ở một nước mà người Việt
vượt biên sang nhiều. Anh gặp tay đồng hương trên phố, rất quý người, theo một
kiểu cách đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ. Anh mời hẳn tôi về nhà ăn cơm.
Anh làm nghề đưa người đi vượt biên. Trong nhà anh
có một "ông" mới sang, nhưng gia đình ở quê chưa trả hết tiền, nên
đang nhốt trong hầm. Cứ nuôi ăn như thế, cả năm cũng được, bao giờ người nhà
thanh toán nốt, mới thả ra cho đi làm. Người đàn ông trông đã trên dưới 40,
trông có vẻ rụt rè. Tôi nhìn và nhớ rằng lúc ấy tự hỏi kiểu người này sẽ xoay sở
ở ngoài kia kiểu gì.
Tôi không tiện hỏi anh về việc làm ăn. Chủ yếu anh tự
kể. Chỉ có một câu mà tôi không đừng được. "Đi thế có rủi ro không
anh?" - tôi hỏi kiểu ngờ nghệch. Tôi không bao giờ quên thái độ của anh
lúc ấy: như một người chở hàng thỉnh thoảng bị hỏng vài món trên đường, anh kể
thỉnh thoảng "cũng có đứa chết". Trên con đường của anh, vượt biên bằng
đường bộ qua rừng, họ sẽ chết theo nhiều cách. Chúng được mô tả như những rủi
ro kinh doanh không tránh được.
Năm ấy vợ chồng tôi mới sinh cháu. Anh còn bày tỏ
thái độ không hài lòng, vì tôi đặt tên tên thằng cu là Hoàng Anh – có cả tên bố
lẫn tên bà nội. Anh phản đối mấy lần, rất gay gắt. Ở quê anh không ai được làm
thế. Đó là cuộc hội thoại thứ hai tôi nhớ.
Tôi nhớ cuộc hội thoại thứ nhất, "thỉnh thoảng
có đứa chết", và cách anh diễn tả, vì nó tạo ra một ấn tượng cực mạnh về
việc anh đang sống trong một thế giới khác. Một thế giới mà người chết chỉ là rủi
ro nghề nghiệp.
Tôi nhớ cuộc hội thoại thứ hai, vì ngược lại, nó quá
thân tình. Đây đúng là một ông đồng hương Việt Nam lẩm cẩm của tôi. Uống mấy cốc
bia và đã coi nhau như bạn, gàn cả việc đặt tên con.
Và tôi sẽ thành thật: tôi đã không hề phán xét người
đàn ông này. Lúc đó, tôi có thấy sợ cái suy nghĩ về việc con người như món hàng
có thể chết cóng trên đường vận chuyển; nhưng cũng đồng thời chấp nhận suy nghĩ
rằng đấy là một nghề - một công việc kinh doanh như bao việc khác.
Có một trạng thái mà tôi tin rất nhiều người Việt
Nam có thể chia sẻ, đó là việc chấp nhận một số hoạt động tội phạm thành một
thông lệ xã hội. Chúng ta nuôi trạng thái kép này với đủ thứ: chuyện "xin
việc"; chuyện "chạy giấy tờ"; chuyện cho vay nặng lãi; hay hầu hết
các hình thức tham nhũng... Đều là những chuyện nghĩ kỹ ra đầy dấu hiệu của các
vụ án hình sự, nhưng ta không cảm thấy kinh sợ, mà cảm thấy nó là một hiện thực
xã hội ở đâu đó quanh mình.
Nếu bạn có người thân làm cán bộ mà giàu; thằng bạn
có "cửa" chạy cái này cái kia mà giàu; hoặc có bà cô nhờ cho vay lãi
mà xây nhà cao cửa rộng, nhiều khả năng bạn sẽ không cảm thấy căm ghét, đôi lúc
còn cảm thấy mừng cho họ. Nếu trong lớp Hoàng Anh có anh giai nào làm nghề cho
vay nặng lãi, nhưng nhiệt tình, thân thiện, nhiều thời gian và sẵn sàng đóng
góp cho các cháu, tôi vẫn sẽ cân nhắc bầu vào hội phụ huynh. Nếu bạn thân bạn
là con ông quan, chi tiêu hào phóng với anh em, bạn sẽ không đặt câu hỏi kiểu
đây có phải tiền cướp của nhân dân không (nghe thế hơi sáo rỗng), bạn sẽ cảm mến
thằng này vì nhà nó giàu mà chơi đẹp. Đơn giản như thế thôi.
Nếu chúng ta có thể chấp nhận rất nhiều loại tội phạm
như một thông lệ xã hội (illegal social norms) thì việc coi "đưa người đi
nước ngoài" là một nghề không phải chuyện ghê gớm. Nếu bạn gặp một ông Nghệ
An, như tôi, trên phố, anh em làm với nhau vài cốc bia, và ông ta kể rằng anh
"đưa người đi châu Âu", bảo tôi nuôi cảm giác kinh sợ gì ngay lúc đó
là rất khó. Chuyện này phổ biến mà. Tôi là người Hải Phòng, quanh tôi đầy người
tìm đường lách luật vượt biên, bạn bè và gia quyến.
Nhưng chúng ta không thể sống thế mãi được. Hình ảnh
đầu tiên hiện ra trong tôi khi nghe tin tức về vụ 39 người chết ở Anh chính là
anh giai Nghệ An năm nọ. Tôi đã để hình ảnh đó trong đầu bao nhiêu năm mà không
phán xét gì. Nhưng bây giờ tôi phải lựa chọn một thái độ.
Có rất nhiều cộng tác viên gửi bài phân tích việc vượt
biên của những người dân quê miền Trung. Mọi người muốn nhìn ở góc độ tâm lý,
kinh tế, xã hội, thậm chí là tập quán văn hóa. Nhiều người muốn chính tôi viết
theo góc đó: tôi đã dành nhiều năm để viết về lao động di cư, và đã gặp cộng đồng
người Việt di trú trái phép ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng tôi từ chối.
Tôi trả lời: nếu bây giờ phân tích tâm lý, xã hội, tập
quán của những người vượt biên đi lao động bất hợp pháp, thì ta lại coi nó là một
loại thông lệ xã hội. Tôi không thể làm được việc này.
Nếu bây giờ khái quát về bản thân những người đi, rằng
họ tham, họ cạn nghĩ, hay họ bị hoàn cảnh bần cùng xô đẩy, rằng họ "ý thức
được việc mình làm", họ "tự nguyện cơ mà", họ phải "trả
giá" vì cái gì đó, thì gián tiếp biến sự kiện này thành chuyện trong nhà
ngoài ngõ. Trước các vụ án ma túy lớn, chúng ta không bàn đến việc tại sao người
này người kia ngã vào con đường nghiện ngập, rằng họ thiếu tình thương cha mẹ
hay được nuông chiều, rằng họ "ý thức được việc mình làm", họ phải
"trả giá". Chúng ta đơn giản là bàn về việc tiêu diệt tội phạm buôn
ma túy. Trong câu chuyện này cũng vậy.
Nếu nghĩ kỹ về những cái xác người chết cóng hoặc chết
ngạt đâu đó, có thể là cha mẹ, vợ chồng hoặc con cái của mình, tay cào vào
thùng container và mắt vẫn mở trừng trừng những giây cuối đời; ta sẽ nhận ra rằng
đây là kết quả của một hoạt động tội phạm có tính cực đoan. Đây là vấn đề của
luật pháp. Đây là tội phạm cần tiêu diệt.
Phần lớn những người lao động bất hợp pháp tại Anh
trong thập kỷ này thậm chí không phải người "di cư". Chữ
"cư" trong tiếng Hán có cả hình cái mông người ngồi xuống, là việc
xác lập nơi sinh sống lâu dài. Đây không phải là "cư", mà chỉ là "đánh
quả". Họ không có ý định tạo lập cuộc sống mới tại nơi mình đến, hay hòa với
xã hội kia, họ sẵn sàng sống trong hầm để chờ ngày về với cái biệt thự xây kiểu
Tudor ở làng quê của mình. Đây là một chuyến công tác.
Không thể dùng lập luận cho cô dâu miền Tây lấy chồng
Hàn Quốc hay người Hải Phòng vượt biên đi Hong Kong thập kỷ 80 & 90, dân
Syria sang châu Âu hay dân Guatemala vào Mỹ ở đây được. Đó là "di
cư". Đây là đánh quả. Và những hoạt động này được vận hành bởi những đường
dây tội phạm có tổ chức. Các đường dây này tổ chức logistic, chuyển tiền quốc tế,
để ship một con người sống như một món hàng sang bên kia địa cầu.
Luật pháp có thể can thiệp ngăn chặn sớm hoạt động
này. Vì nó đang được chấp nhận như một thông lệ ở nhiều vùng tại Việt Nam, nên
những người môi giới và tổ chức đường dây vẫn hoạt động khá công khai. Ngay cả
cán bộ xã cũng còn tự hào về những chuyến xuất ngoại này mang tiền về quê
hương. Nhưng nếu lật lại nhận thức, rằng đây là một hoạt động tội phạm, đen trắng
rõ ràng, thì tôi không nghĩ rằng việc phát hiện các giao dịch vài chục nghìn
USD ngay giữa ban ngày lại gây khó cho lực lượng an ninh các cấp tại Việt Nam.
Việc lật lại nhận thức, thôi lan man về động cơ của
những người đi rất quan trọng. Nếu chúng ta không chấp nhận đây là một thông lệ
xã hội nữa, mà coi nó cùng hàng với tội phạm ma túy hay tội phạm giết người,
thì việc ngăn chặn sẽ diễn ra hiệu quả hơn từ chính tâm lý cộng đồng cho đến
thi hành pháp luật.
Nếu độc giả có thể giúp tôi điều gì, thì đó là việc
không bình luận về bản thân những người đi ở dưới bài viết này. Chúng ta không
hề diễn ngôn các vụ án ma túy theo hướng "trách nhiệm của người nghiện".
Làm như thế là đồng lõa với tội phạm. Làm như thế, sau khi bi kịch của những
người chết qua đi, mọi thứ lại quay về thành... thông lệ xã hội. Cuộc sống có
thể là con ngựa vằn, nhưng chúng ta vẫn cần nhìn thấy đen là đen, trắng là trắng.
Tôi không liên lạc gì với người anh Nghệ An dạo trước
đã nhiều năm. Tôi vẫn mơ một ngày nào đấy quay lại thành phố đó, đến con phố
đó, và tìm lại nhà anh. Bây giờ thì chắc không được nữa. Có thể anh sẽ thù tôi
vì kể chuyện kiểu này, khi chúng ta đã đối xử với nhau rất bình thường. Nhưng
đây không thể được nghĩ là một chuyện bình thường.
Đức
Hoàng
-------------------------------------
Vào trang cá nhân của Trà My, tôi thấy Facebook cho
biết giữa tôi và My có một “bạn chung”. Người này, tên Ng., đang sống ở Hà Nội,
hóa ra, lại nằm trong friend list của mình. Tôi liên lạc. Không phải do tò mò.
Chỉ vì muốn tìm hiểu thấu đáo câu chuyện. Ng. đã đồng ý thuật lại, dựa vào lời
kể của bố mình, vốn sống cách nhà My không đến một kilomet. Đây là những gì Ng.
viết (tôi giữ nguyên văn câu chuyện được gửi, chỉ sửa vài chỗ chính tả)…
Gửi anh Mạnh Kim,
Em là N.T.H. Ng., họ hàng xa của chị Phạm Thị Trà
My, về vai vế thì em gọi chị là o (cô) nhưng về tuổi tác chỉ kém chị một tuổi
nên xin phép được gọi là chị My.
Về
gia đình chị My:
Bố chị My là ông Phạm Thìn, quê ở Nghi Xuân, Hà
Tĩnh, sinh năm 1964. Hồi trẻ làm chủ lò gạch nên kinh tế khá giả. Mẹ chị My là
bà Nguyễn Thị Phong, quê quán thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh, sinh năm 1958,
là công nhân nghỉ chế độ 176. Bố Phạm Thìn gây tai nạn giao thông cho mẹ Nguyễn
Thị Phong, sau đó vào viện chăm sóc rồi thương nhau. Trước năm 2000, kinh tế
gia đình khá giả, đã có vài miếng đất đẹp ở thị trấn Nghi Xuân (do ông Thìn tạo
dựng).
Sau năm 2000, kinh tế sa sút, kinh doanh gạch ngói
thất bại. Ông Thìn bà Phong rất chịu khó lại tốt bụng nhưng do ông Thìn không học
hành, lại sa vào bài bạc nên mất hết tài sản. Hiện tại gia đình sống trong một
căn nhà tập thể cũ gần bờ sông Nghèn do ông bà chắt bóp mua được. Bà Phong có một
sạp bán hàng khô ngoài chợ Nghèn, thỉnh thoảng có người đến nướng nhờ con cá,
cái bánh đa kiếm thêm 5-10 nghìn. Ông Thìn bị đau cột sống, vận động khó khăn lại
vừa bị tai nạn chấn thương đầu cách đây không lâu nên phải nghỉ làm bảo vệ.
Kinh tế gia đình bấp bênh.
Vì là họ hàng xa, và em cũng cực kỳ ít ở nhà nên em
chỉ mới gặp ông Thìn bà Phong một lần, tầm năm 2010 gì đó, lúc ông bà được anh
em họ cho mượn đất. Khi ấy bà mở quán phở, ông thì đi buôn rau. Sáng sáng cứ 3g
ông lại đi Vinh nhập rau củ, về cung cấp cho một số nhà hàng ăn và buôn bán ở
chợ Nghèn. Đợt đó tuy cũng dư giả nhưng quá vất vả, chắc vì lý do sức khỏe nên
ông bà nghỉ làm.
Theo quan sát của em, nhiều người dân ở quê em chứ
không riêng gia đình chị My, có thể nhịn ăn nhịn mặc để mua được chiếc iPhone
hoặc đi du lịch check-in sang chảnh. Vì vậy nhìn anh em nhà My rất giống “con
nhà giàu”. Mà cũng theo phỏng đoán của em, gia đình có một thời gian chắc cũng
khá giả nên mấy anh em quen với cuộc sống được nuông chiều, ăn trắng mặc trơn
không chịu lao động.
Gia
đình có ba người con:
Con trai cả tên Tuấn: học hết cấp ba nhưng lêu lổng
phá phách, không lo làm ăn. Bố vay tiền mua xe để cho chạy taxi thì cầm mất.
Sau khi chuộc lại, bố tức giận bán rẻ xe, không cho chạy taxi nữa, thế là lỗ
vài trăm triệu. Hiện tại anh này đã có gia đình.
Con gái thứ hai là Trà My (sinh năm 1993): Trà My từ
nhỏ ngoan ngoãn, thương yêu bố mẹ, sống có tình nghĩa với làng xóm, được hàng
xóm đánh giá: “Ngoan, biết điều”, lại xinh đẹp có tiếng. Tốt nghiệp Cao đẳng
Kinh tế Hà Tĩnh, về không xin được việc làm nên đi Nhật ba năm, kiếm được khoảng
150 triệu về phụ bố mẹ trả nợ, sau đó gánh nặng kinh tế đè lên vai, chị lại đi
Anh…
Con trai út là Mạnh Cường (còn gọi là Tặc): Cường
cũng thuộc dạng “con nhà lính tính nhà quan”, “ăn chơi không sợ mưa rơi”. Bố mẹ
tiếp tục vay tiền mua xe cho chạy taxi nhưng hồi tháng 9 vừa rồi bị cháy xe.
Anh ta may mắn được một người đi đường kéo ra cứu thoát chết. Hiện tại bây giờ
không có nghề nghiệp gì, chỉ có nợ.
Bản thân chị My và bố mẹ chị đều là người lương thiện,
rất tốt bụng và hay giúp người, đi xa về đều thăm hỏi quà cáp, sống có tình có
nghĩa, không giống với anh trai và em trai. Do nhiều biến cố mà hiện tại gia
đình không còn đất đai hay tài sản gì ngoại trừ một đống nợ.
Chuyến
đi định mệnh:
Chính vì ngoan ngoãn hiếu thảo mà đứa con gái duy nhất
của gia đình đã quyết định đi nước ngoài với mong muốn kiếm tiền về cho bố mẹ
trả nợ và đổi đời. Mà có lẽ, một phần do anh con trai lười biếng, một phần do
gia đình cũng không dám giao cho anh, sợ anh phá hết, mà cô gái bé nhỏ đang độ
tuổi lấy chồng quyết tâm đến “miền đất hứa” “làm vài năm rồi về”. Trước khi đi
chị nói: “Con phải liều đi để cứu bố mẹ, con thương bố quá…” - Mẹ chị kể.
Tổng chi phí khổng lồ cho chuyến đi này là khoảng
950 triệu đồng. Ở đâu ra mà nhà chị My lại có số tiền lớn như vậy? Đầu tiên, bọn
buôn người yêu cầu trả 500 triệu để My được đặt chân đến nước Pháp (bao gồm chặng
sang Trung Quốc, làm hộ chiếu giả 16 tuổi rồi bay sang Pháp). Tiếp theo, khi
sang đến Anh, chúng sẽ thu nốt 450 triệu còn lại. Gia đình ở nhà vay mượn anh
em họ hàng được 500 triệu. Ở bên Anh sẽ có sẵn người nhà (cũng nhập cư bất hợp
pháp) đón, cho My vay nốt 450 triệu, sau đó My lao động trả nợ dần. Tiếc thay,
500 triệu cũng mất mà người cũng chẳng còn.
Bố chị nói: “Biết rứa không cho con đi”. Có nghĩa là
gia đình cũng không hiểu được mối nguy hiểm lớn như thế nào.
Người
đã đi về kể lại:
Chú L, ở thị trấn Nghèn, kể về ba chuyến đi Anh của
chú từ những năm 2005. Ngày đó chú đi “cỏ” chứ không phải “VIP” như My, có
nghĩa là phải bám gầm xe qua cảng vào nước Anh mà lái xe không hay biết.
Sang Anh, 99% người Việt mình đều trồng cần sa, vì
thu hồi vốn cực nhanh, đã “chui thì chui từ đầu đến cuối”. Nó đơn giản hơn nhiều
so với làm nail – công việc hợp pháp đòi hỏi nhiều thủ tục chặt chẽ. Vì thế, mặc
dầu có mối nguy hiểm là bị cướp, nếu không thương vong thì cũng phải đền một số
tiền lớn cho chủ trang trại, nhưng cũng vô cùng thu hút người Việt, điển hình
như những người như chị My: không có bằng cấp, không có tay nghề, ở quê thiếu
thốn việc làm, lại gánh một khoản nợ lớn, vô cùng túng quẫn, lại nhẹ dạ cả tin,
nghe đồn “nhà anh A anh B chị C đều đi Anh về xây được nhà tầng, mua ôtô rồi”,
thế là liền liều mạng ra đi…
………..
Những gì thể hiện trên Facebook, qua một thời gian đủ
dài, có thể giúp người khác không chỉ thấy được suy nghĩ riêng tư mà còn tính
cách, tâm tính hoặc thậm chí phần nào bản chất của mình. Trà My cũng vậy. My
post những tấm ảnh cá nhân hoặc chụp với bạn. Thỉnh thoảng My dẫn lại câu triết
lý sống nào đó như thể muốn nói hộ suy nghĩ của cô. My trong sáng và còn rất trẻ
con. Ít nhất đó là cảm nghĩ khi tôi xem từ status cuối cùng trước khi sự kiện
kinh khủng xảy ra cho đến status cuối năm 2018 – một thời gian đủ dài để phác họa
lại Trà My từ những gì cô tự phác họa về mình. Không thể diễn tả được cảm giác
như thế nào khi xem trang cá nhân một người giờ không còn nữa mà lại là một người
đáng được có một cuộc đời đẹp và đáng được nhận nhiều điều đẹp đẽ hơn là chỉ sự
bất hạnh và cả tính mạng mình. Cũng không thể diễn tả nổi cảm giác khi thấy một
số người đang nói về My những ngày qua. My đáng được sống hơn những người này
nhiều lần.
No comments:
Post a Comment