Thursday, 31 October 2019

ĐIỀU TRẦN TRUẤT PHẾ CÔNG KHAI (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
30/10/2019

Hôm thứ Ba, 29 tháng Mười, Hạ Viện Dân Chủ công bố họ sẽ chuyển từ hình thức điều trần kín sang điều trần công khai, để các nhân chứng trình bày những điều họ chứng kiến -thấy hoặc nghe- liên quan đến việc Tổng Thống Donald Trump ép Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Gần một tháng nay, cuộc điều trần được thực hiện dưới hình thức kín; thay đổi này sẽ giúp công chúng được thấy và nghe nhân chứng nói về hành động của tổng thống qua truyền hình; do đó họ có thể tự phán xét xem việc làm của tổng thống có hợp pháp hay không.

Nguyên nhân tạo ra cuộc điều trần là có người sử dụng luật 'kẻ huýt còi' (the whistleblower law) để ẩn danh và được pháp luật che chở, tố cáo ông Trump ép buộc ông Zelenskiy -tổng thống Ukraine- điều tra giúp ông việc ứng cử viên Joe Biden -trong thời gian giữ vai trò phó tổng thống Mỹ- đã làm những việc gì phi pháp tại Ukraine.

Hình thức điều trần công khai chắc chắn sẽ tạo sôi nổi cho sinh hoạt này, và ông Trump tuyên bố là cảnh ông bị nhiều người xúm lại tố cáo hy vọng sẽ giúp ông được thêm phiếu trong kỳ bầu cử sang năm.

Hồ sơ ghi nhận được trong thời gian điều trần kín sẽ được chuyển qua Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, để ủy ban này cân nhắc về giá trị pháp lý rồi viết thành hồ sơ truất phế đưa ra thảo luận tại Hạ Viện.

Dự thảo nghị quyết 'điều trần công khai' sẽ bảo vệ quyền tổng thống được điều tra đúng cách và chính thức vạch ra phương thức đảng viên Dân Chủ công khai hóa những bí mật mà họ đã ghi nhận được từ một tháng nay.


Bốn vị chủ tịch các Ủy Ban của Hạ Viện tuyên bố, “Tính đến giờ này, những bằng chứng ghi nhận được cho thấy tổng thống lạm quyền bằng cách sử dụng nhiều đòn bẩy của chính phủ để ép nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.

"Sau giai đoạn điều tra luận tội kín, Hạ Viện sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai, giúp mọi người trực tiếp tìm hiểu và phán đoán về hành vi của tổng thống."

Bản tuyên bố này mang chữ ký của bốn vị dân biểu chủ tịch các Ủy Ban Hạ Viện -Dân Biểu Adam B. Schiff, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo, Dân Biểu Jerrold Nadler, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp, Dân Biểu Eliot Engel, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao, và nữ Dân Biểu Carolyn B. Moloney, quyền Chủ Tịch Ủy Ban Cải Cách và Giám Sát.

Qua nhiều khía cạnh, cuộc điều trần công khai lần này cũng tương tự như cuộc điều tra của Hạ Viện Cộng Hòa năm 1998, khi họ toan tính truất phế Tổng Thống Bill Clinton về tội tư tình với cô Monica Lewinsky. Khác biệt quan trọng là lần trước chỉ có Ủy Ban Tư Pháp truy tố Tổng Thống Clinton, lần này toàn thể Hạ Viện chủ trương việc điều tra ông Trump, mặc dù Ủy Ban Tình Báo lãnh vai trò chủ động.

Nghị quyết này nhằm thỏa mãn những đòi hỏi của các Dân Biểu Cộng Hòa sau lần họ đập cửa phòng họp kín của cuộc điều trần truất phế; một trong những điều đòi hỏi là phía Cộng Hòa cũng có quyền ký trát đòi nhân chứng, để đưa ra những nhân chứng bênh vực tổng thống.

Đảng Dân chủ cũng dự trù kế hoạch bảo vệ hiến quyền của tổng thống được xét xử đúng cách và quyền của nhóm luật sư của tổng thống đòi thêm nhân chứng và chất vấn nhân chứng.

Biện pháp này được thiết kế để mở đường cho các phiên điều trần hấp dẫn và có thực chất hơn so với các phiên họp điển hình của Quốc Hội -thường tẻ nhạt- mỗi thành viên Quốc Hội chỉ có một câu hỏi ngắn, gọn, để hỏi nhân chứng.

Thay vào đó, theo nhiều quy tắc được đề nghị, Ủy Ban Tình Báo có thể triệu tập các phiên điều trần công khai, trong đó thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa - cũng như trợ lý của họ - có thể đặt câu hỏi cho nhân chứng; mỗi bên được ấn định một thời gian bằng nhau, và không nhiều hơn 45 phút.

Dân Biểu Jim McGovern, Dân Chủ Massachusetts, Chủ tịch Ủy Ban Quy Tắc, đã đưa ra nghị quyết này vào chiều thứ Ba, tạo háo hức cho cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, mặc dù lập trường của phe nào cũng đã nhất định, không còn thay đổi nữa.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tin tưởng họ sẽ có đủ số phiếu để thông qua nghị quyết trong tuần này, ngay cả trong trường hợp một số ít đảng viên Dân Chủ ôn hòa bỏ phiếu chống; trong lúc các dân biểu lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Hạ Viện kêu gọi các dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống nghị quyết. Họ cho là bỏ phiếu thuận là xác nhận chính nghĩa cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ.

Dân Biểu Tom Cole, tiểu bang Oklahoma -một lãnh tụ Cộng Hòa- nhận định, “Ngay từ phút khởi thủy, ngón đòn 'truất phế' đã là một ngón đòn rất độc; dù giờ này cuộc điều trần truất phế có được trình bày lại theo đòi hỏi của chúng ta, thì chúng ta cũng chẳng còn làm gì được, chẳng thương lượng thêm bớt gì được.”

Cuộc điều trần luận tội tổng thống mỗi ngày một thêm phức tạp, và việc đổi từ điều trần kín sang điều trần công khai chỉ gây bất lợi cho ông Trump. Đa số viên chức chính phủ đã tự nguyện ra điều trần, bất chấp việc tổng thống khuyến cáo họ là không tuân phục trát đòi của Hạ Viện.

Điều trần công khai chỉ tạo thêm hào hứng, khuyến khích đông người tham gia hơn; trong lúc những nhân chứng bênh vực tổng thống do phe Cộng Hòa gửi trát đòi lại không đủ lập luận tranh biện tạo ra ấn tượng gượng gạo ngụy biện cho khán giả coi TV.

Nhưng lực lượng dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện lại không đủ túc số để bác bỏ cuộc điều trần luận tội tổng thống, hoặc chỉ bác bỏ hình thức điều trần công khai.

Tổng thống đã chọn một thái độ: ông tin là cuộc điều trần nhằm truất phế ông, sẽ làm tăng thêm số phiếu bầu ông; không có lý do nào để cho là tin tưởng của ông thiếu một căn bản vững chắc.

Tại sao lại bi quan quá sớm. Tổng thống đã tin như vậy thì chúng ta cứ cùng tin với ông.





CỰU CỐ VẤN TT TRUMP XÁC NHẬN 'CÓ QUA CÓ LẠI' KHÔNG XEM LÀ PHẠM PHÁP (Người Việt Online)




Người Việt Online
October 31, 2019
WASHINGTON, D.C. (AP) – Một cựu cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc, ông Tim Morrison, hôm Thứ Năm, 31 Tháng Mười, xác nhận rằng viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị Tổng Thống Donald Trump ra lệnh giữ lại để đòi tân tổng thống quốc gia này công khai tuyên bố điều tra phía Dân Chủ và gia đình ông Joe Biden.

Tuy nhiên, ông cho hay không thấy có gì là bất hợp pháp trong việc đòi “có qua có lại” (quid pro quo) này.

Ông Timothy Morrison khi ra trước Hạ Viện Mỹ. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Ông Morrison đã trả lời các câu hỏi của giới chức điều tra trong cuộc gặp kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ.

Nói chung, ông Morrison xác nhận rằng những gì quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine, ông William Taylor, kể lại với giới điều tra ở Hạ Viện là chính xác. Ông cũng xác nhận việc đại sứ Mỹ tại EU, ông Gordon Sondland, đã chuyển lời từ Tòa Bạch Ốc cho một giới chức Ukraine rằng viện trợ quân sự Mỹ sẽ chỉ được chuyển giao nếu quốc gia này công khai tuyên bố là mở cuộc điều tra phía Dân Chủ và gia đình ông Joe Biden.

Tuy nhiên, ông Morrison cũng nói rằng ông không coi đòi hỏi của ông Trump là không chính đáng hoặc bất hợp pháp, mà chỉ sẽ tạo ra khó khăn cho chính sách ngoại giao của Mỹ đối với một quốc gia đồng minh trong khu vực.

Ông giải thích lý do ông đã yêu cầu các luật sư của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) duyệt xét cuộc điện đàm của Tổng Thống Donald Trump vì ông có ba sự lo ngại nếu nội dung của cuộc điện đàm bị tiết lộ ra ngoài: đó là sẽ tạo tranh cãi ở Washington, sẽ ảnh hưởng tới sự hậu thuẫn của lưỡng đảng ở Mỹ cho Ukraine và cuối cùng là ảnh hưởng tới mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ukraine.

Ông Morrison là cố vấn cao cấp hàng đầu về Nga và Âu Châu tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cho tới khi đưa đơn từ chức vào chiều tối ngày Thứ Tư. Ông lúc đầu được cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton đưa vào Tòa Bạch Ốc để giúp về vấn đề giải giới võ khí nguyên tử, trước khi chuyển sang trách nhiệm mới. (V.Giang)

-------------------------------------

PLO.vn
Thứ Năm, ngày 31/10/2019 - 09:22

Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump về các vấn đề Nga và châu Âu chính thức rời bỏ nhiệm vụ, một ngày trước khi ra làm chứng trong cuộc điều tra luận tội chủ nhân Nhà Trắng.

Ông Tim Morrison

Ông Tim Morrison chính thức từ bỏ chức vụ cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) nhưng lời khai sắp tới của ông tại phiên điều trần điều tra luận tội ngày 31-10 sẽ là trọng tâm chính trong nỗ lực luận tội Tổng thống Trump, theo AP.

Một quan chức cấp cao Mỹ nói với hãng tin AP rằng ông Morrison có ý định rời khỏi chính quyền của ông Trump trong một thời gian dài và đã “quyết định theo đuổi các cơ hội khác”.

Cố vấn Morrison là nhân vật được chú ý nhất kể từ tháng 8-2019 khi “người thổi còi” tố giác Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực của mình để yêu cầu nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Ông Morrison sẽ giải trình tại phiên điều trần về những “lo ngại” khi biết Tổng thống Trump yêu cầu người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra gia đình đối thủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cũng như vấn đề can thiệp bầu cử hồi năm 2016.

Truyền thông mô tả ông Morrison trong độ tuổi 40, được tuyển vào NSC hồi tháng 7-2018. Vào thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton còn đương chức, ông được đề cử để giải quyết các vấn đề kiểm soát vũ khí và sau đó chuyển sang vai trò cố vấn hàng đầu về các vấn đề Nga và châu Âu.

Được biết đến là một nhân vật có quan điểm “diều hâu” trong NSC, ông Morrison là một trong những quan chức Nhà Trắng được chỉ định là nhân chứng điều trần trong các cuộc điều tra luận tội ông Trump.  

Hơn nữa, Morrison là cái tên xuất hiện nhiều lần trong lời khai trước đó của cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor.

Theo lời ông Taylor, ông Morrison cũng từng cảnh báo với các luật sư tại NSC về việc Tổng thống Trump sẽ giải ngân tiền viện trợ quân sự nếu người đồng cấp Ukraine Zelenskiy công khai tuyên bố điều tra chính trị đối với nhà Biden.

Ngoài ra, cựu Đại sứ Taylor cho biết ông Morrison đã thuật lại cuộc trò chuyện giữa với cựu Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland và quan chức hàng đầu của Ukraine là ông Andriy Yermak. 

“Tôi cũng lo lắng về những gì mà ông Morrison nói với tôi về cuộc trò chuyện giữa ông Sondland và ông Yermak” - ông Taylor nói. “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói rằng sự hỗ trợ an ninh là điều kiện cho cuộc điều tra nhà Biden”.

Theo nguồn tin của AP, ông Morrison nói với nhiều người rằng ông Bolton bị cách chức cố vấn an ninh quốc gia vì đã ngăn chặn các thỏa thuận ngoại giao của luật sư riêng của Tổng thống Trump là ông Rudy Giuliani với Ukraine.

Hiện tại giới truyền thông vẫn chưa rõ liệu ông Morrison ra đi là tự nguyện hay bị ép từ chức.






TỔ CHỨC IS XÁC NHẬN BAGHDADI ĐÃ CHẾT, CÔNG BỐ THỦ LĨNH MỚI (Zing.vn)




Hương Ly  -  Zing.vn
22:41 31/10/2019

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 31/10 xác nhận thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đã chết trong chiến dịch của Mỹ và chính thức thông báo tên người kế nhiệm vị trí này.

Trong thông báo được đưa ra thông qua trang AmaqIS cho biết một nhân vật có tên Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurashi sẽ đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh mới của nhóm khủng bố này. 

Thông báo trên được đưa ra sau khi Tướng Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, công bố những hình ảnh và video được giải mật từ cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS hôm 26/10.

Tuy nhiên, cái chết của Baghdadi trước đó vấp phải sự ngờ vực của không ít người - những người nghi ngờ tính xác thực của những hình ảnh mờ ảo do Lầu Năm Góc công bố và đặt câu hỏi liệu chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS có được thực hiện đúng như kế hoạch hay không.

Theo đài RT, nhóm thánh chiến này cũng xác nhận cái chết của người phát ngôn của IS, Abu al-Hassan al-Muhajir.

Trước đó, hôm 28/10, tờ Times đưa tin sau cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi, một cựu binh thuộc quân đội tổng thống Saddam Hussein vừa đảm nhận vị trí thủ lĩnh mới của IS.

Tờ Newsweek dẫn nguồn tin từ một quan chức tình báo khu vực cho biết Qurashi sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo IS.

"Baghdadi là kẻ đầu sỏ. Tên này không tham gia vào các hoạt động thường ngày. Tất cả những gì Baghdadi làm là nói có hoặc không đối với các kế hoạch", quan chức này nói. Qurashi là cựu sĩ quan trong quân đội Saddam Hussein. Tên này có mối quan hệ thân thiết với Baghdadi khi cả hai bị quân đội Mỹ bỏ tù ở Basra vì liên kết với al-Qaeda năm 2003.

Chính tại nhà tù Iraq, Baghdadi đã biến hàng trăm tù nhân trở thành chiến binh cho IS để phục vụ mục đích thánh chiến. Qurashi được cho đã làm việc cùng với Baghdadi kể từ đó, theo Times.

Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurashi sẽ đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh mới của IS. Ảnh: Twitter.

Trước khi được thăng làm thủ lĩnh, Qurashi là một trong những tay sai hàng đầu của trùm IS. Biệt danh Giáo sư có nghĩa Qurashi là người hoạch định chính sách tàn nhẫn của nhóm này.

Qurashi cũng là bạn tâm giao của Abu Alaa al-Afri, phó tướng trước đây của Baghdadi, người bị tiêu diệt trong cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng của Mỹ năm 2016.

Kể từ khi Baghuz, thành trì cuối cùng của IS, sụp đổ hồi tháng 3, hoạt động của nhóm này đã bị thu hẹp.

Qurashi tiếp quản IS trước thách thức phải đối mặt với nội bộ chia rẽ. Một số thành viên có thể không đồng tình với tầm nhìn và chiến lược của thủ lĩnh mới, theo Times.

VIDEO :
Lầu Năm Góc công bố trên Twitter cảnh quay từ máy bay không người lái ghi lại cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ở phía tây bắc Syria hôm 26/10.





HẠ VIỆN MỸ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT CHÍNH THỨC LUẬN TỘI ÔNG TRUMP (Reuters)




TRANG NÀY GỒM NHỮNG BÀI :



=======================================


Reuters   |   VOA Tiếng Việt
31/10/2019

Hạ viện Mỹ ngày 31/10 có bước tiến quan trọng trong nỗ lực luận tội Tổng thống Donald Trump khi các dân biểu thông qua các quy định cho giai đoạn tiếp theo trong cuộc điều tra do phe Dân chủ dẫn đầu làm sáng tỏ nỗ lực của ông Trump muốn Ukraine điều tra ông Joe Biden, một đối thủ chính trị đang trong cuộc đua tranh chức Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới.

Các dân biểu Hạ viện Mỹ biểu quyết thông qua nghị quyết tiếp tục các thủ tục luẫn tội TT Trump. Ảnh chụp ngày 31/10/2019. (AP Photo/Andrew Harnik)

Trong cuộc thử nghiệm chính thức đầu tiên về sự ủng hộ dành cho cuộc điều tra luận tội, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát biểu quyết với tỷ số 232-196 để xúc tiến cuộc điều tra tại Quốc hội.

Cuộc biểu quyết cho phép mở ra các buổi điều trần luận tội công khai trong Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra vào vài tuần nữa, và dự báo một ‘trận đấu quyết liệt’ khi Mỹ bước vào năm bầu cử Tổng thống.

Phe Dân chủ tố cáo ông Trump lạm dụng nhiệm quyền và gây nguy hại cho an ninh quốc gia nhằm đạt được lợi ích chính trị cho bản thân.

Các buổi điều trần công khai được truyền hình rộng rãi về những buổi khai chứng của giới chức Mỹ tại Quốc hội liên quan đến những điều mà ông Trump bị tố cáo có thể lấn sân các vấn đề khác như kinh tế và di dân trong khi cử tri Mỹ hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm 2020.

Điều này có thể gây tổn hại cho ông Trump nhưng một số ủng hộ viên của ông cho rằng quá trình luận tội có thể thúc đẩy thêm cơ hội cho ông tái đắc cử.

Phe Cộng hòa tố cáo phe Dân chủ dùng việc luận tội hầu đảo chiều kết quả chiến thắng bầu cử Tổng thống năm 2016 của ông Trump.

Ông Trump nói với truyền thông rằng các đảng viên Dân chủ biết sẽ thất thế trong cuộc bầu cử năm sau nên tìm cách hạ ông.

“Phe Dân chủ đang tuyệt vọng, họ tuyệt vọng. Họ chẳng được gì cả,” ông Trump phát biểu với đài phát thanh LBC.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Stephanie Grisham, lên án tiến trình luận tội Tổng thống là “không công bằng, vi hiến, và phi giá trị Mỹ về căn bản.”

Cuộc điều tra luận tội tập trung vào cuộc điện đàm hôm 25/7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine, khi ông Trump yêu cầu ông Volodymr Zelenskiy điều tra đối thủ chính trị phía Dân chủ là Joe Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ, cùng con trai ông Biden là Hunter Biden, người từng giữ chức giám đốc một công ty năng lượng ở Ukraine.

Ông Biden là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua dành vé được đảng Dân chủ đề cử tranh chức Tổng thống, đối mặt với Tổng thống Trump vào năm 2020. Hai cha con ông Biden khẳng định không làm gì sai.

Ông Trump cũng bác mọi tố cáo sai phạm.

Phe Cộng hòa phản pháo

“Không phải là Nancy Pelosi và một nhóm nhỏ những người bà ta chọn ra có quyền quyết định ai là Tổng thống của chúng ta,” dân biểu hàng đầu của đảng Cộng hòa ở Hạ viện, Kevin McCarthy, nhấn mạnh.

Chỉ có hai dân biểu Dân chủ biểu quyết chống trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm nay là Collin Peterson và Jeff Van Drew.

Nếu Hạ viện chung cuộc biểu quyết luận tội ông Trump thì một phiên xét xử sẽ diễn ra tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ông Trump sẽ không bị truất phế trừ phi có 2/3 số phiếu muốn hạ bệ ông, điều có phần chắc khó xảy ra vì các đảng viên Cộng hòa ở Quốc hội tỏ ra lưỡng lự không muốn có hành động chống lại Tổng thống.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler chưa cho biết khi nào các cuộc điều trần công khai khai diễn nhưng dự kiến sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.

Hiến pháp Mỹ cho phép Hạ viện quyền đề ra các quy định cho cuộc điều tra luận tội Tổng thống và các đảng viên Dân chủ nói họ đang theo đúng các luật lệ của Hạ viện trong các cuộc điều tra đang tiến hành.

-----------------------------

VOA Tiếng Việt
30/10/2019

Liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, hôm 30/10, một nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ điều trần trước các điều tra viên của Hạ viện về việc cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cảnh báo nhân viên này rằng luật sư Rudy Giuliani “là một tiếng nói quan trọng với tổng thống về vấn đề Ukraina”, có thể làm phức tạp các mục tiêu của Hoa Kỳ ở Ukraina, theo AP.

Cuộc điều trần của nhà ngoại giao Christopher Anderson sẽ cho thấy rõ rằng các quan chức chính quyền lo ngại về việc ông Giuliani dính líu đến chính sách Ukraina qua kênh liên lạc riêng, và về việc ông thúc ép điều tra về người của đảng Dân chủ, ngay cả trước cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraina đang là tâm điểm của cuộc điều tra luận tội.

Ông Anderson sẽ mô tả một cuộc họp vào tháng 6, trong đó ông nói ông Bolton bày tỏ sự ủng hộ đối với mục tiêu tăng cường hợp tác năng lượng giữa Hoa Kỳ và Ukraina và thúc đẩy nhà lãnh đạo mới của Ukraina, ông Volodymyr Zelenskiy, tiến hành cải cách chống tham nhũng.

“Tuy nhiên, ông ấy [Bolton] cảnh báo rằng ông Giuliani là người có tiếng nói quan trọng với tổng thống về Ukraina, điều này có thể là một trở ngại cho sự gia tăng can dự của Nhà Trắng”, ông Anderson sẽ điều trần như thế, theo một bản sao của bài điều trần đã được chuẩn bị mà hãng tin AP có được. Ông Giuliani là luật sư riêng của Tổng thống Trump.

Bà Catherine Croft, một nhân viên ngoại giao khác, dự kiến cũng sẽ điều trần vào ngày 30/10. Bà dự kiến sẽ nói rằng trong thời gian làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia, bà đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ nhà vận động hành lang Robert Livingston nói với bà rằng đại sứ Mỹ tại Ukraina lúc đó, bà Marie Yovanovitch, cần phải bị sa thải.

Trước đó, hôm 29/10 một quan chức Mỹ cũng đã điều trần phục vụ cho cuộc điều tra luận tội do Hạ viện tổ chức.

Ông Alexander Vindman, một sĩ quan quân đội thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, điều trần rằng ông đã hai lần nêu lên mối lo ngại về việc chính quyền Trump yêu cầu Ukraina điều tra các Đảng viên Dân chủ và ông Joe Biden.

Ông Vindman, một trung tá phục vụ tại Iraq và sau đó trở thành một nhà ngoại giao, là quan chức đầu tiên ra điều trần, ông là người thực sự đã nghe được cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với ông Zelenskiy ngày 25/7. Ông đã trình bày mối quan ngại của mình với cố vấn chính của Hội đồng An ninh Quốc gia.

--------------------------------

VOA Tiếng Việt
30/10/2019

Hôm 29/10, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama cho rằng người Mỹ da trắng vẫn đang “bỏ đi nơi khác” khi người thiểu số và người nhập cư chuyển đến sống trong cộng đồng của họ, theo Fox News.

Bà Michelle Obama.

Cựu đệ nhất phu nhân đưa ra nhận xét như trên tại Hội nghị thượng đỉnh của Qũy Obama, được tổ chức tại Viện Công nghệ Illinois ở thành phố Chicago.

“Tôi muốn nhắc nhở những người da trắng rằng quý vị đang chạy khỏi chúng tôi”, trang Chicago Sun-Times dẫn lời bà Obama nói. Bà nói thêm: “Và hiện tại quý vị vẫn đang bỏ chạy.”

Bà Obama nói thêm rằng bà vẫn không hiểu được về khái niệm phân biệt đối xử trong trường hợp như thế.

“Tôi không biết làm cách nào để mọi người hết sợ người da đen. Tôi không hiểu được những gì đang diễn ra. Tôi không thể giải thích những gì đang xảy ra trong đầu quý vị”, theo The Hill.

Bà Michelle Obama đã lên tiếng phản đối “sự ra đi của người da trắng”, nói rằng bà đã trải qua điều này khi còn bé và đó vẫn còn là một vấn đề, theo trang Washington Examiner.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Obama, 55 tuổi, cho biết bà lớn lên với “ý thức về công bằng” và nhận biết từ khi còn trẻ rằng những người da trắng đã chạy khỏi khu phố nơi bà sinh sống.






“AMERICA FIRST” của DONALD TRUMP ĐANG CÔ LẬP HÓA HOA KỲ … (Phạm Thanh Giao)





Không phải tự nhiên mà Phi Luật Tân lại quan tâm đến việc mua các loại máy bay dân sự từ Nga. Trên thực tế, việc làm này cho thấy chính quyền của Phi Luật Tân dường như đang chú tâm thiết lập một mối quan hệ bang giao gần gũi với Moscow hơn.

Theo Corazon Halili-Dichosa, giám đốc điều hành của Ban Dịch Vụ Phát Triển Công Nghiệp Đầu Tư của Phi Luật Tân cho biết, Phi Luật Tân có thể sẽ mua các máy bay phản lực của Nga cho ngành du lịch cũng như dùng trong việc cứu trợ thảm họa. Theo tin từ Sputnik của Nga thì các loại phản lực cơ có thể sẵn sàng cung cấp ngay là các loại Sukhoi, Be-200 và MS-21.

Mặc dù những dịch vụ bán các loại phản lực cơ này nhìn chung có vẻ chỉ là một thỏa thuận hàng không thương mại nhỏ. Nhưng điều đáng được chú tâm ở đây là những mẩu tin này lại được đăng trong phần quốc phòng của tờ Sputnik News, cho thấy rằng chính phủ Nga và các hãng sản xuất máy bay của Nga đang hi vọng sẽ đạt được một số hợp đồng quân sự trong tương lai gần với Phi Luật Tân.

Nhìn kỹ, người ta sẽ thấy rõ là trong thời gian gần đây, tổng thống Duterte dường như đang xiết chặt mối quan hệ với Moscow hơn trong khi mối quan hệ với Washington có vẻ ngày một xấu đi.

Vào tháng 3 năm 2019, các quan chức của Nga và Philippines đã gặp nhau để thảo luận về một hiệp ước hải quân dài hạn. Một tháng sau đó, vào tháng 4, hai tàu chiến Nga đã ghé bến cảng Manila. Chuyến thăm cảng này đã bao gồm các cuộc tập trận chung về điều hướng và liên lạc cũng như các khóa đào tạo đặc biệt với các lực lượng đặc biệt Hải Quân của Phi Luật Tân, chính phủ Phi Luật Tân cho biết. Đó là chuyến thăm thứ 6 của các tàu chiến Nga, nhằm thiết lập mối giao hảo đáp trả khi tàu Hải Quân của Phi Luật Tân lần đầu tiên đến viếng cảng Vladivostok vào tháng 7 cho một cuộc thao dượt Hải Quân đánh dấu Ngày Lễ Hải Quân Nga.

Một phe trục Nga-Phi Luật Tân sẽ là một bước ngoặt đáng kinh ngạc. Phi Luật Tân là một quốc gia ở Á Châu có truyền thống là một đồng minh gạo cội lâu năm cũng như trước đây, cũng đã từng là một thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 đến 1946. Trong khi Subic Bay và Clark Field không còn là căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ như trong thời Chiến Tranh Lạnh khi cùng có một Hiệp Ước Phòng Thủ chung Hoa Kỳ-Phi Luật Tân. Các lực lượng quân đội của Phi Luật Tân cũng đã từng được Hoa Kỳ trang bị và huấn luyện trong gần một thế kỷ. Việc trợ giúp này đã khiến Phi Luật Tân đủ khả năng đàn áp cuộc nổi dậy của Cộng Sản vào những năm 1940, và trong hơn 2 thập niên qua, Mỹ cũng đã cung cấp cho Phi Luật Tân các cố vấn lực lượng đặc biệt và các loại viện trợ quân sự khác để chống lại phiến quân Hồi Giáo ở miền nam nước này.

Mối quan hệ cả gần 100 năm qua, trong thời gian gần đây đã khá căng thẳng sau khi ông Rodrigo Duterte lên ngôi tổng thống. Ông này đã có chiều hướng bỏ Washington và thân thiện với Trung Quốc hơn, ngay cả khi các nước láng giềng trong khu vực đang lo lắng khi phải đối đầu với các yêu sách và sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Quan hệ quân sự với Nga sẽ hất cẳng Hoa Kỳ và ảnh hưởng của Washington trong khu vực. Điều này sẽ trở thành vấn nạn cho những đời tổng thống sau này của Hoa Kỳ sau khi Donald Trump rời tòa Bạch Ốc.

Một khi những chiến đấu cơ và các loại oanh tạc cơ của Nga nằm trên các sân bay của Phi Luật Tân, có khả năng bao trùm một phần Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tạo ra những cơn ác mộng cho Hoa Kỳ. Cái viễn cảnh đó đang thành hình ở Trung Đông và Bắc Âu chỉ trong chưa đầy 3 năm dưới tay Donald Trump.

AI DÁM QUẢ QUYẾT DONALD TRUMP CHỈ LÀ CON RỐI CỦA PUTIN?

NẾU NHÌN VÀO NHỮNG VIỆC ÔNG TRUMP LÀM 3 NĂM QUA, CÓ KHI ÔNG TA CÒN GIỮ MỘT VAI TRÒ QUAN TRỌNG HƠN THẾ NỮA …





------------------------------------


(Bài cũ share lại ...)

SỰ TÀI GIỎI CỦA NHỮNG NGƯỜI CUỒNG TRUMP.
(Điều này không thể chối bỏ, và đây là lời khen thiệt tình)

Tôi có cái tánh tò mò mà hễ tò mò thì đi tìm hiểu, vì có nhiều thời giờ mà.

Tôi thấy, có rất ít bài viết của những nhà tranh đấu có tiếng ở Việt Nam, tôi chỉ muốn đề cập đến những người đấu tranh cho nền Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền mà thôi, kể cả những người có số lượng “followers” cao cỡ vài chục ngàn, không nói đến những nhân vật tào lao, ca sĩ, nghệ sĩ hay các em “trời lạnh cũng thích cởi đồ”, thì chẳng mấy người có được hơn 4-5-6 trăm shares qua những bài viết rất hay và súc tích của họ.

Có khoảng 2-3 chục nhân vật đấu tranh kiên trì trên Facebook, họ dùng khá nhiều thời giờ, họ miệt mài trong công việc khai dân trí, mở mang kiến thức về việc tranh đấu cho quyền con người. Lại có không ít những người vì những lý tưởng cao đẹp đó, mà còn bị bắt bớ tù đày.

Họ mong mỏi, họ vận động, họ kêu mời chỉ muốn những người trẻ tuổi có Facebook trong xã hội ở Việt Nam hiện nay nhìn ra được, thấy được cái lý do mà họ phải đổ máu ra để tranh đấu. Họ hi vọng “lôi kéo” được những người trẻ này mở mắt ra để thấy cái hiện tình của đất nước đang hướng đến bên bờ vực thẳm, cái nguy sắp sửa bị mất nước trong tương lai.

Nhưng đau buồn mà kết luận rằng, công việc của họ chẳng có mấy gì kết quả. Trong số hơn 30 triệu cái Facebook Accounts của người dân Việt, sau hơn 10 năm tranh đấu, chẳng thấy gia tăng được gì. Vẫn thấy khắp nơi hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu Facebookers ở Việt Nam khoe đi du lịch, khoe ăn, khoe uống, khoe xe, khoe nhà và nhất là khoe cả da thịt. Người trẻ vẫn thờ ơ hoặc né tránh không dính vào "chuyện chính trị". Những nhà đấu tranh kiên trì kia ngày một bớt dần, ngày một cạn kiệt, không ở trong tù, thì đã bị đẩy ra nước ngoài. Vô phương cứu chữa.

Đùng một cái, xã hội nảy ra “sự cố Donald Trump".

Vào thời điểm gần cuối của kỳ bầu cử năm 2016 dân FB ở Việt Nam cũng vẫn còn khá thờ ơ, chỉ bàn ra tán vào như những lần tranh giải bóng đá. Rồi sau khi thắng cử và cho đến khoảng tháng 9 của năm 2017 thì cái “sự cố Donald Trump" đó bắt đầu … có thành quả, vừa nhanh vừa chắc chắn, cứ thế lan mạnh như những đám cháy rừng. Đã thấy đây kia có những bài viết thực ra chẳng có gì đáng để gọi là bài viết, đôi khi chỉ vài câu ấm ớ vớ vẩn là đã có hàng trăm người Likes, hàng mấy chục cái Shares, và comments thì tá lả, nhưng những cái Likes và Shares đó đến từ đâu, thì (tôi sẽ nhắc đến sau) …

Rồi thì vào khoảng cuối năm 2017 đột ngột xuất hiện nhiều “ngòi bút lạ” trong làng Facebook, mà từ xưa tới giờ (tính từ năm 2010 đến nay) chưa bao giờ viết lách bất cứ cái gì có liên quan đến chính trị, ở bên nhà cũng như ở bên Mỹ, bắt đầu ra tay. Kể từ thời gian đầu năm 2018 đến nay, tự nhiên làng Phây “bật ra” những nhân vật đến từ show business, lại còn có cả những ca sĩ, những nhạc sĩ, những bác sĩ, những nha sĩ, và cả những … giáo sĩ, bắt đầu lấn sân, viết về chính trị nhưng tập trung cả vào “sự cố Donald Trump" ĐÁNH TRUNG QUỐC, TIÊU DIỆT ĐẢNG CỘNG SẢN của TẬP CẬN BÌNH, và không thể thiếu việc “hỏi tội” đảng Cộng Sản Việt Nam của bác Chọng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, việc “đi lại và giao thông - traffic” trên trang mạng FB ở Việt Nam biến đổi khác hẳn. Nó năng động hơn, nó xôn xao hơn, nó ồn ào hơn rất nhiều lần so với trước kia. Người ta có thể thấy RẤT NHIỀU Facebookers MỚI TOANH XUẤT HIỆN, những nhân vật lạ hoắc cả người viết lẫn người Shares và người Likes, mà những con số, những lượng Likes, lượng Shares lên đến hàng ngàn một cách nhanh chóng. Chỉ cần viết không cần dẫn chứng, hoặc dẫn chứng bằng những hình ảnh cài ghép thô sơ, hoặc hình ảnh photoshop có kém cách mấy cũng được, chỉ cần có cái tựa đề có 5 chữ DIỆT KINH TẾ TRUNG QUỐC là ăn khách, bán chạy như hàng bèo của Trung Quốc.

Những nhân vật trong Show Business đã sẵn có khán giả là những người thành công lắm luôn, cho dù tên tuổi của họ đã lững thững đi vào cuối mùa thu cả chục năm qua, tự nhiên gió xuân rung rinh cành lá thổi tới, bừng tỉnh vươn vai trở mình thức giấc. Cũng thế, những ông bà kèm theo “cái gì đó SĨ” cũng thành công không kém. Lượng bạn bè, lượng người vào Comment, lượng người Likes, lượng người Shares lên đến cả ngàn. Nội cái lớp người đứng dưới vỗ tay thôi, ta nói làm gì thua ánh đèn sân khấu Thúy Nga cho được.

Tôi cứ thế, lần dò đến những trang Facebookers của người bên Việt Nam, thì khám phá ra một điều, là những người này, là những người mới toanh, chưa bao giờ viết, Share hay bày tỏ một tí chính kiến nào bao giờ trước đây, tự nhiên đồng loạt xuất hiện, có thể nói nó nhảy vọt lên hàng chục hàng trăm ngàn người chỉ trong một sớm một chiều, qua những bài viết TÀO LAO, MIỄN SAO có vài chữ DONALD TRUMP ĐÁNH KINH TẾ TRUNG QUỐC là đủ. Ai có lá gan to, có can đảm viết càn, viết liều, viết bậy, viết hăng, viết cho Trung Quốc xập, thì lại càng có số người chạy theo đông như kiến.

Bởi thế, tôi mới thấy CẢM PHỤC TÀI CỦA NHỮNG CHÍNH TRỊ GIA ĐÚNG THỜI ĐIỂM PHẤT CỜ này. Họ “phất lên” mau chóng y hệt như những chuyên gia địa ốc nhảy vào thị trường đúng thời điểm.

Có lẽ những người làm việc cho Facebook cũng ngạc nhiên lắm vì sự kiện “giao thông trên mạng” lại phát triển kinh khủng ở Việt Nam ngay sau khi luật An Ninh Mạng được phê chuẩn vào tháng 9 vừa qua.

Có lẽ đã có bản báo cáo cho Mark Zuckerberg rằng, sự thành công của luật An Ninh Mạng ở Việt Nam là đi ngược lại những gì họ tiên đoán và chuẩn bị.

CÁI KẾT QUẢ CỦA HÀNG TRĂM NHÀ TRANH ĐẤU Ở VIỆT NAM TRONG GẦN CHỤC NĂM QUA, KHÔNG BẰNG MỘT GÓC CỦA VÀI BÁC CUỒNG TRUMP Ở MỸ TRONG 22 THÁNG RỒI.

HỌ CÓ KHẢ NĂNG BÚNG TAY MỘT PHÁT, KÉO THEO HÀNG TRĂM NGÀN.

PHẢI CÚI ĐẦU KHÂM PHỤC.

***
Gần 2 năm rồi, người ta vẫn còn hóng bác Trump đánh kinh tế Trung Quốc ...
Gần 2 năm rồi, người ta vẫn còn đang chờ Kinh Tế Trung Quốc sập ... :-
.
.




NHỮNG LƯỠI GỖ Ở QUỐC HỘI VIỆT NAM (Phạm Trần - Danlambao)





Quốc hội Cộng sản Việt Nam, cơ quan quyền lực cao nhất nước đã hiện nguyên hình là một tổ chức vô cảm, vô tâm và vô trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.

Thậm chí có cả một ông Trung tướng lưỡi gỗ còn không dám nêu đích danh Trung Cộng trước diễn đàn Quốc hội.

Bằng chứng đã diễn ra tại kỳ họp 8 của Khóa Quốc hội 14, bắt đầu từ ngày 21/10 và dự trù kết thúc ngày 17/11/2019.

Trước hết, về tình hình bất ổn ở Biển Đông do Trung Cộng chủ động quanh bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 300 cây số hướng Đông Nam, từ ngày 3/7 đến 24/10/2019, chỉ được lồng trong báo cáo “về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày trước Quốc hội.

Nhưng Quốc hội lại không họp công khai để “nghe” ông Phạm Bình Minh mà đã “họp riêng”, trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ 10:15 sáng tới trưa ngày 28/10 (2019). Cũng vì chỉ “nghe” mà không được thảo luận nên không ai biết ông Phạm Bình Mình đã nói gì với Quốc hội về việc Trung Cộng xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính. 

Giải thích về lý do “họp riêng”, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết vì: "Trong báo cáo này của Chính phủ có một số thông tin nội bộ, cần báo cáo Quốc hội."

Vậy “thông tin nội bộ” là thông tin gì mà phải giấu dân, những chủ nhân của đất nước? Chẳng lẽ vì phải nói đến cái tên Trung Quốc nên “nhậy cảm”, hay sợ “phạm húy” nên phải che mặt khi mở miệng?

Chỉ biết sau cuộc họp kín này, Quốc hội không có hành động nào khác ngoài thái độ im lặng chịu trận trước hành động của Trung Cộng đã đè Việt Nam xuống đáy vực nhục nhã ở Tư Chính trong suốt 114 ngày, trước khi Bắc Kinh nói Hải Dương 8 “đã hoàn tất công tác” để rút về nước ngày 24/10/2019.

So với vụ Hải Dương 981 năm 2014 thì lần này, tầu HD-8 đã ít nhất 3 lần ngang ngược tự do ra vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như tắm trong ao nhà mình trước mắt các tầu Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi từ xa.

Đại biểu muốn gì?

Do đó, trước thái độ nhút nhát của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không dám chỉ trích Trung Cộng trong suốt thời gian HD-8 hoành hành ở Tư Chính, nhiều Trí thức, Đảng viên cao cấp và một số Tướng lãnh nghỉ hưu đã kêu gọi nhà nước kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm năm 2016. 

Nhưng lãnh đạo Việt Nam lại run lên cho rằng “lúc này chưa thích hợp để kiện”, theo tiết lộ của Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ công An, tại cuộc Hội thảo ngày 06/10 (2019) tại Hà Nội.

Tại sao lại “chưa thích hợp”, và khi nào, với điều kiện nào, mới “thích hợp”? Hay đây chỉ là thái độ ươn hèn, thiếu cương quyết và muốn câu giờ để cầu may của Lãnh đạo, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ?

Về phần mình, một số Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Cộng đối với Việt Nam. Tiếng nói nổi bật trong số Đại biểu có ông Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang, đưa ra ngày 30/10 (2019).

Đại biểu Hiếu phê bình: "Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới." (theo báo Thanh Niên Online, 30/10/2019)

Ông Hiếu nói: "Thực tế là Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp (các thực thể trên Biển Đông) sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng. Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ, để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết"

Nên biết, Ban Tuyên giáo của đảng CSVN đã cấm không cho báo-đài đưa tin về xung đột ở Tư Chính nên người dân không nắm vững tình hình. Tuy nhiên, theo lời Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thì: "Rất nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá trên Biển Đông trong suốt thời gian qua. Khi có chính nghĩa của dư luận quốc tế, ngay cả nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc, không thể phớt lờ lẽ phải hiển nhiên.”

Đại biểu Nguyễn An Trí (đơn vị Hà Nội) cho biết ông và nhiều cử tri “có nguyện vọng Quốc hội sẽ ra nghị quyết về tình hình biển Đông". (theo báo VNExpress,28/10/2019)

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Tỉnh Đồng Nai) ủng hộ việc Quốc hội ra nghị quyết, và nói thêm rằng: "Ứng phó với những hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là "bài toán rất khó". Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận giữa Nhà nước và người dân…Giữ gìn hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc là quan trọng. Nhưng tôi mong muốn Quốc hội thể hiện thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông." (theo VNExpress, 28/10/2019)

Nhưng, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người từng bị lên án đã qụy lụy trước Tập Cận Bình trong cuộc họp ngày 12/07 (2019) tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Cộng, đã không có phát biểu nào về tình hình Biển Đông, từ khi xảy ra vụ Tư Chính.

Do đó, không ai hy vọng bà Ngân sẽ thúc đẩy việc Quốc hội ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông trong khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn bình chân như vại.

Bằng chứng khi gặp họ Tập, bà Ngân đã không nói gì đến vụ HD-8, khi ấy, mới vào quấy phá ở Tư Chính được 9 ngày. Ngược lại, theo tường thuật của báo VNNET thì bà đã ngỏ ý: "Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông để tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước."

Về phần mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói nước đôi rằng: "Hai nước là láng giềng, cùng có ý thức hệ nên hai nước sẽ phối hợp trên tinh thần xây dựng; bày tỏ quan điểm, nếu cùng hợp tác thì ra sức thúc đẩy, còn bất đồng thì hai bên cần ra sức kiềm chế, kiểm soát. Nếu làm được như vậy sẽ giảm bớt va chạm vì đại cục lớn của hai nước."

Chiếc lưỡi gỗ

Bên cạnh những tiếng nói tích cực của một số rất ít Đại biểu Quốc hội trong số ngót 500 Đại biểu, phần lớn chỉ biết ngồi nhìn, trốn họp hay xem Ipod, cũng xuất hiện phát biểu phản ảnh sự sợ hãi Trung Cộng của Đại biểu Quốc hội Trần Việt Khoa (đoàn Hà Nội), mang quân hàm Trung tướng.

Lên tiếng trong phiên họp ngày 30/10 (2019), tướng Khoa, 54 tuổi, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đã không dám nêu tên Trung Cộng như thế này: "Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và đặc biệt từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. Đây là những cái chúng ta không thể chấp nhận được… Ngoài ra, họ còn đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35-40 chiếc tàu để bảo vệ."

Tại sao tướng Khoa lại né tên Trung Quốc, và ai đã chỉ thị cho ông làm như vậy? Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và ông Nguyễn Phú Trọng có trách nhiệm gì về thái độ “sợ địch” của tướng Khoa ?

Tuy nhiên, chuyện “nước ngoài” trong trường hợp này cũng không mới, nếu so với mấy chữ “tầu lạ”, hay “tầu nước ngoài” vẫn thường thấy xuất hiện trên báo đài Việt Nam, khi họ đưa tin tầu đánh cá Việt Nam bị tầu Trung Cộng tấn công ở Biển Đông.

Nhưng, trước diễn đàn Quốc hội, có truyền hình và truyền thanh trực tiếp cho cả nước xem, thì hành động của ông Tướng Trần Việt Khoa, người được thăng cấp nhanh như diều từ khi nhập ngũ năm 1983, không có nghĩa nào khác là hành động nhu nhược của một ông Tướng trước khi lâm trận . -/-

(10/019)






TIN BIỂN ĐÔNG : CÓ LÚC HẢI DƯƠNG 8 ĐƯỢC GẦN 35-40 TÀU BẢO VỆ (BTV Tiếng Dân)



BTV Tiếng Dân
31/10/2019

Báo Kiến Thức dẫn lời Trung tướng Trần Việt Khoa: Có thời điểm 35, 40 tàu xâm phạm chủ quyền biển Đông. Tướng Khoa thừa nhận: “Từ tháng 5 khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và nhất là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10 vừa qua, nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta hết sức phi lý. Đây là điều chúng ta không thể chấp nhận được. Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát và thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35 – 40 chiếc tàu xuống để bảo vệ”.

Mặc dù có tới 35-40 tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam, nhưng không thấy Trung tướng Khoa nói những tàu này là tàu của nước nào, chỉ thấy ông tướng gọi chúng là “nước ngoài”. Là tướng lĩnh trong QĐND Việt Nam, muốn “bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ” mà tướng Khoa không dám gọi tên kẻ xâm lược, thì bảo vệ đất nước bằng cách nào? Hay là ông bảo vệ chủ quyền đất nước bằng những giọt nước bọt?! Gọi tên kẻ xâm lược còn không dám thì khi giặc tới, đánh đấm nỗi gì?

Trung tướng Trần Việt Khoa. Ảnh: VGP

Trước đó, báo Hindustan Times của Ấn Độ dẫn lời đại sứ Phạm Sanh Châu, cho biết, có 28 tàu hải cảnh bảo vệ tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong thời gian Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Nay tướng Khoa thừa nhận thế này, có thể thấy những gì đã diễn ra ngoài Biển Đông nghiêm trọng hơn cả những gì ông Châu và các nguồn tin nước ngoài và “lề dân” cảnh báo.

Một vấn đề nữa là tướng Khoa cũng đã xác nhận căng thẳng ở Biển Đông bắt đầu từ tháng 5/2019, trùng khớp với thông tin do các quan chức ngoại giao Trung Quốc cung cấp khi Bắc Kinh vu khống Việt Nam xâm phạm “chủ quyền” của họ ở Biển Đông. Vấn đề là tất cả những thông tin này đều được thừa nhận quá trễ, ít nhất một tuần sau khi nhóm tàu Hải Dương 8 rời khỏi EEZ của Việt Nam.

Quan chức CSVN luôn gán ghép các trang tin lề dân là “xấu, độc hại” và “xuyên tạc”, nhưng tất cả các thông tin trên đều được các trang lề dân cung cấp cho người dân kịp thời. Trong khi lãnh đạo CSVN biết những gì đang xảy ra ngoài khơi, nhưng không dám nói với dân, chẳng những vậy, họ cũng không dám nói trước mặt bọn bá quyền Trung Quốc. Nhóm tàu Hải Dương 8 rút lui, là vì chúng đã hoàn thành nhiệm vụ “khảo sát” kéo dài gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019), trong khi phía CSVN cho rằng, “đó là kết quả đấu tranh rất hiệu quả của Việt Nam”.

Cử tri đề nghị đưa vụ việc Biển Đông ra tòa quốc tế, theo báo Tuổi Trẻ. Phát biểu tại hội trường QH chiều 30/10, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo, khi Trung Quốc khai thác cạn kiệt tài nguyên từ biển của họ, họ sẽ vươn sang các vùng biển lân cận và thậm chí xa hơn trên Biển Đông: “Nước này khi đó sẽ chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng. Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế, của họ”.

Ông Hiếu nói thêm: “Rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà phải đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam khi xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá ở Biển Đông trong suốt thời gian qua mới có ý nghĩa dư luận quốc tế”.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ông Nguyễn Lân Hiếu bình luận về “hiệu quả” của cách thức bảo vệ chủ quyền của lãnh đạo CSVN ở Biển Đông: ‘Biện pháp hòa bình không làm họ giảm lòng tham’. Ông Hiếu nói: “Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình đã không làm giảm đi lòng tham của họ”.

Khó xử lý vụ xe có “đường lưỡi bò”?!

Báo Lao Động bàn về sản phẩm dính “đường lưỡi bò”: Tổn hại từ kinh tế đến uy tín. Bài báo điểm lại một số vụ TQ cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm văn hóa, từ game online Chinh Đồ đến Âm Dương Sư. Các game đó lúc đầu nội dung bình thường, không vấn đề gì, nhưng đến lúc cập nhật nội dung thì “đường lưỡi bò” xuất hiện, đẩy doanh nghiệp phát hành vào tình thế lưỡng nan: Hoặc chấp nhận mất hàng trăm tỉ, gồm tiền bồi thường cho những người chơi đã nạp tiền vào game, hoặc chấp nhận mất uy tín và thậm chí có thể đối mặt với hình phạt từ pháp luật.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ xe Volkswagen có ‘đường lưỡi bò’: Doanh nghiệp khai báo Hải quan ra sao? Vụ xe Volkswagen Touareg tạm nhập về trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2019 có hình ảnh “đường lưỡi bò” nuốt trọn Biển Đông, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu cho biết, hiện chưa có quy định nào để xử phạt doanh nghiệp nhập khẩu với sơ suất do bản đồ định vị có đường lưỡi bò. Chỉ có thể xử phạt nếu hàng hóa vi phạm lỗi không đạt tiêu chuẩn khi đăng kiểm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Trong khi, lỗi ở đây là phần mềm bên trong xe, chưa có quy định nào xử lý”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Thông tin hủy xe Volkswagen Touareg, Cục Đăng kiểm nói gì? Về thông tin cho rằng chiếc xe Volkswagen Touareg nói trên cần phải bị tiêu hủy ngay lập tức, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho rằng, ý tưởng này là quá đà và có phần phiến diện và “có thể gây tâm lý và nhận thức sai lệch trong dư luận”: “Cái xe nó không có lỗi, lỗi là người cài đặt phần mềm đó vào. Cho nên chúng ta xử lý loại bỏ phần mềm đó đi và khuyến cáo không cho bất cứ một tập thể hay cá nhân nào được phép vi phạm chuyện này”.

Vụ để lọt “đường lưỡi bò” phi pháp trong phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ”: Bài học sâu sắc trong công tác quản lý điện ảnh, theo báo Lao Động. Mỗi lần quan chức CSVN có được “bài học sâu sắc” là thêm một lần TQ thành công trong việc cài cắm ấn phẩm có “đường lưỡi bò” vào đầu người dân Việt. Hình ảnh “đường lưỡi bò” từ từ tiến vào VN trong nỗi bất lực của người dân.
______









View My Stats