Monday, 9 September 2019

VÌ SAO NGƯỜI HONG KONG KHÔNG MUỐN VÀ CŨNG KHÔNG THỂ DỪNG LẠI? (Y Chan - Luật Khoa)




Y Chan  -  Luật Khoa
09/09/2019

Lựa chọn “ngu” nhất, với người Hong Kong, lại là lựa chọn duy nhất.

Trưởng đặc khu hành chính Carrie Lam trong tuyên bố hủy bỏ dự luật dẫn độ hôm thứ Tư 4/9. Ảnh: Tom Grundy/HKFP

Sau gần ba tháng kể từ khi hơn một triệu người đổ ra đường phản đối “Ác luật Dẫn độ” của chính quyền Hong Kong, đặc khu trưởng Carrie Lam cuối cùng cũng đã có vẻ nhượng bộ.

Không còn là những ngôn từ mập mờ như “tạm hoãn”, hay vô nghĩa về mặt luật pháp như “dự luật đã chết”, ngày 5/9 vừa rồi bà Lam đã dùng đúng chữ “thu hồi” như yêu cầu của tuyệt đại đa số người dân. Diễn biến này đã làm không ít người dân thở phào.

Một tiếng thở phào rất ngắn ngủi.

Ngay lập tức họ nhận ra, đối với phong trào đấu tranh dân chủ của Hong Kong, sự kiện này lành ít dữ nhiều.

Một khi chính quyền đã tuyên bố dẹp bỏ ác luật, vốn là động cơ đấu tranh đầu tiên của người dân, mọi hoạt động phản kháng tiếp theo sẽ càng dễ dàng bị chụp chiếc mũ “phản động” và bị đàn áp khốc liệt hơn.

“Quá ít, quá muộn” (too little, too late) là phản hồi chung của đa số người dân.

“Năm đại yêu cầu, một cũng không được thiếu” là lời đồng thanh của người Hong Kong.

Chắc chắn sẽ có những người nghĩ rằng người dân Hong Kong hoặc “được voi đòi tiên”, hoặc “không biết tự lượng sức”, hay “ảo tưởng” nghĩ rằng chính quyền độc tài Bắc Kinh sẽ nhượng bộ họ thêm nữa.

Người Hong Kong không chịu lùi bước không phải vì họ cứng đầu (dù họ thật sự rất cứng đầu, đặc biệt khi đối mặt với bạo quyền). Họ đơn giản là không có đường lùi.

Nếu không tiếp tục đấu tranh, họ sẽ phải sống trong một chế độ khủng bố đủ loại, từ đen tới trắng.


Khủng bố trắng

“Khủng bố” ban đầu là một từ dùng để chỉ (những sự việc/ hành động khiến người ta) “sợ hãi”.

Khi con người càng ngày càng “thông minh” hơn, nghĩ ra nhiều cách khác nhau để gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác nhằm đạt được ý đồ của mình, từ “khủng bố” theo nghĩa hiện tại bắt đầu được thịnh dùng. 

Ngày nay, rất tiếc, nó là một trong những từ cửa miệng phổ biến nhất trên thế giới.

Vậy còn “khủng bố trắng” là gì?

Thuật ngữ “khủng bố trắng” (white terror) được cho là bắt nguồn từ thời Cách mạng Pháp vào cuối thế kỷ 18. Nó được dùng để chỉ những hành động đàn áp của phe Bourbon (dòng họ phong kiến nắm quyền ở Pháp và các nước châu Âu) trả thù các đối thủ vào cuối giai đoạn Cách mạng Pháp đẫm máu. 

Màu trắng là màu tượng trưng cho phe Bourbon, từ đó ra đời cách gọi “khủng bố trắng”, chỉ những hoạt động của chính quyền gieo rắc nỗi sợ hãi đến người dân.

Khủng bố trắng được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử hiện đại có lẽ là thời kỳ cai trị thiết quân luật của chính quyền độc tài Quốc Dân Đảng tại Đài Loan. Trong suốt 40 năm, chính quyền nơi đây cầm tù hàng trăm ngàn người và lạm sát những ai không chấp nhận sự cai trị của mình. Đến nay vẫn không ai biết được chính xác có bao nhiêu nạn nhân đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giết hại. Các con số ước tính từ vài ngàn đến vài chục ngàn. 

Ở Hong Kong, thuật ngữ “khủng bố trắng” không phải chỉ đến mùa hè sóng gió này mới xuất hiện. 

Nó có trong từ điển của người Hong Kong kể từ khi họ bất mãn với các chính sách can thiệp của Bắc Kinh nhằm bóp nghẹt tự do tại đây, đứng lên đấu tranh, và đương nhiên, bị chính quyền đặc khu lẫn trung ương dùng đủ phương thức đe dọa.

Nó được dùng nhiều đến mức chính bà Carrie Lam, trong giai đoạn tranh cử chức đặc khu trưởng vào năm 2017, đã khiến nhiều người trố mắt khi nhận mình là nạn nhân của khủng bố trắng. 

Trưởng Đặc khu Carrie Lam trong cuộc gặp gỡ báo giới sau khi tuyên bố rút dự luật. Ảnh: Sam Tsang/SCMP

Bà Lam muốn nói đến việc bản thân và những người ủng hộ mình bị cư dân mạng thường xuyên chế giễu chỉ trích. 

Ngay lập tức rất nhiều người đã bày tỏ sự “thất vọng” khi một chính trị gia kỳ cựu như bà lại không hiểu thế nào là khủng bố trắng – từ vốn chỉ được dùng khi những kẻ cầm quyền đàn áp người dân bất đồng chính kiến.

Nếu lịch sử của những hoạt động khủng bố trắng thường rất đẫm máu, thì ngày nay biểu hiện của nó không còn lồ lộ như xưa.

Những nhà cầm quyền dùng nó như một con dao kề sẵn vào cổ người khác, buộc họ phải làm theo ý mình.

Hàng chục ngàn nhân viên từ trên xuống dưới của hãng hàng không quốc gia Hong Kong Cathay Pacific là những người có trải nghiệm sinh động nhất.

Giống như đa số người Hong Kong, những nhân viên của Cathay Pacific cũng ủng hộ hết mình phong trào đấu tranh dân chủ nơi đây. Họ hoặc trực tiếp tham gia biểu tình, hoặc bày tỏ sự ủng hộ trên mạng xã hội. 

Khác với những người Hong Kong khác, họ làm việc cho một doanh nghiệp lớn, vừa có phần hùn của chính quyền Bắc Kinh trong đó, lại vừa phụ thuộc rất lớn, trực tiếp và gián tiếp, vào thị trường đại lục.

Trước thái độ ban đầu của Bắc Kinh, những ông chủ của Cathay vẫn giữ nguyên tắc tôn trọng quyền tự do biểu đạt của nhân viên. Chủ tịch Cathay khi đó John Slosar đã nói “chúng tôi làm sao mơ đến chuyện đi kiểm soát nhân viên của mình nghĩ gì.”

Nhưng khi chính quyền đại lục tăng cường sức ép, buộc hãng phải “nghe lời” nếu không sẽ bị cấm vào đại lục lẫn bay qua không phận – một điều đồng nghĩa với việc tuyệt đại đa số các chuyến bay của Cathay sẽ không tài nào cất cánh – hãng hàng không số một của Hong Kong phải cúi đầu. 

Các nhân viên tham gia biểu tình bị sa thải. Phi công “lỡ” truyền thông điệp “cố lên” đến hành khách của mình cũng bị thôi việc. Thậm chí chỉ cần bày tỏ thái độ trên mạng xã hội, họ cũng bị buộc nghỉ việc

Không chỉ có nhân viên, quản lý cấp cao nhất cũng trở thành vật tế thần. CEO của Cathay Rupert Hogg và nhân vật số hai Paul Loo phải từ chức để “nhận trách nhiệm”. Và mới đây, vào ngày 4/9 vừa qua, đến chủ tịch John Slosar cũng tuyên bố sẽ từ chức.

Trước con dao kề cổ của Bắc Kinh, Cathay tuyên bố “không dung thứ” (zero tolerance) cho bất kỳ nhân viên nào có các hoạt động ủng hộ phong trào biểu tình. 

Những người ở lại trong Cathay mô tả mình đang phải hít thở một “thứ không khí của sợ hãi”. 

John Slosar, bìa phải, chủ tịch của Cathay Pacific Airways, và Rupert Hogg, cựu giám đốc của hãng hàng không này, trong một cuộc họp báo vào tháng Ba. Ảnh: Jerome Favre/EPA, via Shutterstock.

Họ không dám thảo luận về tình hình chính trị, lo sợ sẽ bị ai đó báo cáo với cấp trên. Họ phải nghĩ đến việc mang điện thoại “chữa cháy” bên người thay cho điện thoại chính, phòng trường hợp bị chính quyền kiểm tra thông tin bên trong. Họ thậm chí phải thay đổi tài khoản mạng xã hội để không bị trừng phạt. 

Phi công không dám nói chuyện với nhau trong khoang lái. Đồng nghiệp phải canh chừng lẫn nhau. Nhân viên không dám tự do biểu đạt kể cả khi không còn trong giờ làm việc.
Đó là đích đến của khủng bố trắng: tạo ra một chủng loài sợ hãi, biết nghe lời, không dám chống lệnh.

Cathay Pacific chỉ là một trong vô số những doanh nghiệp, tổ chức ở Hong Kong bị lưỡi dao của Bắc Kinh ve vẩy trước mặt.

Hàng chục doanh nghiệp khác, từ những ông lớn bất động sản cho đến các ông trùm tài chính, đến cả những công ty sừng sỏ thế giới như “tứ đại gia kế toán” KPMG, Ernst & Young, Deloitte và PwC cũng phải lên tiếng ủng hộ chính quyền, “phản đối biểu tình bất hợp pháp”.

Với các doanh nghiệp và người dân ở Trung Quốc hay Việt Nam, những sự kiện này có lẽ quá bình thường và quen thuộc. Nó đã thành “nếp văn hóa” ăn sâu vào tâm thức “nghe lời chính quyền”. 

Họ bị đặt trong một thế giới cứ như giả tưởng, luôn phải lựa chọn chỉ một trong hai: hoặc ngoan ngoãn phục tùng, hoặc không chốn dung thân.

Những người Hong Kong không muốn chấp nhận sống trong thế giới của những kẻ hoang tưởng này.


Nếu khủng bố trắng là sản phẩm quen thuộc nhiều năm qua, thì “khủng bố đen” đích thị là siêu phẩm mới cho mùa hè nóng bỏng năm nay của Hong Kong.

Nó là thứ khủng bố được cảnh sát tạo ra. 

Gọi là “khủng bố đen” vì kể từ sau khi ICAC (Ủy ban Độc lập Phòng chống Tham nhũng) được ra đời, chưa bao giờ danh tiếng của lực lượng cảnh sát Hong Kong bị hủy hoại như ngày hôm nay. 

Thay vì tiếng gọi tôn trọng “Sir” như trước kia, trong vài tháng qua, rất nhiều người Hong Kong đã chỉ thẳng mặt gọi cảnh sát là “hắc cảnh”, lên án họ cấu kết với xã hội đen đàn áp người dân.

Các bằng chứng của khủng bố đen dày lên theo mỗi tuần, có thể chia làm ba loại.

Thứ nhất là nghi vấn cảnh sát cấu kết, làm ngơ để xã hội đen thỏa sức tấn công già trẻ lớn bé, từ người biểu tình đến người đi đường, thậm chí hạ gục cả phóng viên hiện trường vào ngày 21/7. Thủ phạm những vụ tấn công riêng lẻ sau đó nhắm đến các thành viên của phong trào dân chủ cũng chưa bị cảnh sát sờ gáy, trong khi số người biểu tình bị bắt giữ tính đến nay đã lên đến hơn 1.200 người. Mới nhất, vào tối thứ Sáu ngày 6/9, một phóng viên của Stand News khi đang tường thuật hiện trường đã bị một người ủng hộ lực lượng cảnh sát đấm gục xuống đường. Hàng chục cảnh sát đặc nhiệm cách đó chục mét dửng dưng đứng nhìn, không có bất kỳ động tác can thiệp nào. Kẻ tấn công bình thản bỏ đi ngay sau đó.

Cảnh sát tại ga tàu điện Prince Edward ngày 31/8/2019. Ảnh: May James/HKFP.

Thứ hai là việc cảnh sát lạm dụng vũ lực. Họ giơ súng bắn đạn hơi cay nhắm ngang đầu vào người biểu tình, bắn trực tiếp vào đám đông từ tòa nhà trên cao, nhắm bắn đạn cao su trong khoảng cách chỉ vài mét, tung đạn khói ngay cả trong không gian kín (ga tàu điện ngầm). Đỉnh điểm gần nhất là việc cảnh sát truy đuổi vào tận bên trong tàu điện ngầm tại ga Prince Edward vào ngày 31/8, dùng gậy baton quất thẳng vào đầu bất kỳ ai trước mặt, những người vào thời điểm trên không hề có bất kỳ hành động phản kháng chống đối nào, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ là người biểu tình.

Thứ ba là việc cảnh sát che giấu danh tính. Từ việc trà trộn vào nhóm người biểu tình, kích động họ để có cớ bắt giữ, cho đến không chịu xuất trình thẻ cảnh sát khi bị dân chất vấn. Thậm chí lực lượng đặc nhiệm chống bạo động cũng giấu đi số hiệu của mình khiến người dân không biết đâu mà ghi nhận để phản ánh những việc làm sai trái.

Điều khiến người dân Hong Kong phẫn nộ nhất là bất chấp những hành vi lạm quyền của lực lượng chấp pháp, chính quyền vẫn hết mực bao che, sẵn sàng bẻ cong sự thật. 

Quan chức đứng đầu Cục Bảo an (Security) thản nhiên lý giải cảnh sát không đeo số hiệu vì “đồng phục hết chỗ gắn”, dù trước đó người ta chụp lại được hình ảnh cảnh sát với cùng bộ đồng phục vẫn được gắn số hiệu rõ ràng. 

Vị quan phó của IPCC (Ủy ban giám sát độc lập chuyên xử lý các vấn đề tố cáo cảnh sát) thì biện hộ rằng cảnh sát có thể giấu danh tính khi hoạt động để “tự bảo vệ mình và gia đình”, bất kể việc đó khiến người dân không thể xác minh ai vi phạm để tố cáo với chính IPCC.
Đặc khu trưởng Carrie Lam liên tục gạt bỏ yêu cầu thành lập Ủy ban điều tra độc lập, khăng khăng cơ chế hiện tại “hoàn thiện rồi”. 

Bà Lam muốn chỉ tay người dân về phía CAPO (Văn phòng tiếp nhận tố cáo về cảnh sát), một tổ chức trực thuộc lực lượng cảnh sát, và IPCC, một tổ chức độc lập giám sát hoạt động của CAPO.

Trên thực tế, CAPO gần như vô tác dụng, còn IPCC không có quyền lực gì để bảo vệ người dân.

Trong suốt 15 năm từ 2004 đến 2018, CAPO tiếp nhận 6.412 tố cáo từ người dân về các hành vi tấn công lạm quyền của cảnh sát. Chỉ có 4 trường hợp được CAPO xác nhận, hơn một nửa các trường hợp còn lại bị gạt đi mà không có kết luận nào. Nghĩa là xác suất giải quyết khiếu nại tố cáo từ người dân của CAPO đạt mức 0.0006 %.

Còn IPCC từ năm 2010 đến 2018, trong tất cả những vụ họ giám sát, cảnh sát chỉ đồng ý chuyển duy nhất một trường hợp cho bên công tố. Đa số những vụ còn lại đều được cảnh sát xử lý nội bộ bằng hình thức “khuyên bảo” (advice).

Cơ chế “rất hoàn thiện” (very well established) mà chính quyền đặc khu khẳng định này có lẽ chỉ lý tưởng cho lực lượng cảnh sát. 

Với cơ chế hiện tại, người dân Hong Kong hoàn toàn không có cơ hội nào để chống lại những việc làm sai trái của cảnh sát “theo đúng pháp luật”.

Họ lại chỉ có hai lựa chọn: hoặc ngoan ngoãn phục tùng cảnh sát, hoặc trở thành những kẻ vi phạm pháp luật.

Một lần nữa, với những người dân sống trong các chế độ độc tài của Trung Quốc và Việt Nam, đây là việc quá đỗi quen thuộc.
Nhưng với người Hong Kong, đây là thứ họ không thể chấp nhận.


Không có dân chủ, tự do chỉ là của bố thí

Về mặt chính trị, Hong Kong có lẽ là mảnh đất đặc biệt nhất trên thế giới ngày nay.

Ngưởi biểu tình đặt hoa để tưởng nhớ những người bị tấn công. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times

Nhiều người nhận định đây là nơi duy nhất người dân có “các quyền tự do không giới hạn” (unlimited freedoms) nhưng lại không được trực tiếp bầu lãnh đạo. 

Quả thật không chỉ so với những đồng bào ở Trung Quốc đại lục, người Hong Kong được hưởng các quyền tự do ở mức cao hơn cả nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới. 

Bất kể các nỗ lực áp đặt của Bắc Kinh, những quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tụ tập, và đặc biệt là tự do báo chí của người Hong Kong vẫn được bảo đảm – ít nhất là cho tới thời điểm này.

Nhưng hơn ai hết, họ hiểu rằng những quyền cơ bản mình đang có giống như một lâu đài xây trên cát.

Những người biểu tình trẻ tuổi khẳng định, “tự do mà không có dân chủ là thứ tự do yếu ớt, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị một chính quyền vô pháp vô thiên đập chết.”

Không thay đổi thể chế, không giành lấy cho mình quyền quyết định vận mệnh, mọi “thay đổi” đều chỉ là hình thức, các vấn đề sẽ trở lại như cũ, và chỉ có tệ hơn.

Lãnh đạo này đi xuống, lãnh đạo mới được “chỉ định” lên cũng chỉ là bù nhìn của những nhóm lợi ích.

Không thay đổi thể chế mà vẫn muốn có tương lai tốt đẹp hơn, không khác gì đặt số phận của mình vào tay những nhóm đặc quyền đặc lợi, hy vọng họ “tự giác ngộ”, từ bỏ những quyền lợi chiếm đoạt của mình, hòa chung với lợi ích của đại đa số người dân.

Nó giống như việc chờ đợi các quan chức cộng sản đột nhiên thật thà công khai sạch sành sanh tất cả thông tin tài sản của mình và người thân, hay các quan biệt phủ giàu nứt đố đổ vách một ngày đẹp trời nào đó bỗng dưng tự nhiên đổi tánh, chia lại kho chổi đót gia truyền cho dân.

Bất kỳ một người có đầu óc bình thường nào cũng hiểu đây là điều hoàn toàn không tồn tại trong thực tế.

Nhận thức này không khác mấy với suy nghĩ của những người đứng dậy chống lại ách đô hộ xâm lược của thực dân năm xưa, trong đó bao gồm cả những người cộng sản.

Chỉ có độc lập tự chủ mới có tự do đúng nghĩa.

Với những người đấu tranh cho dân chủ trên toàn thế giới nói chung, và những người Hong Kong nói riêng, chân lý này không thay đổi.

Chỉ có dân chủ mới có tự do đúng nghĩa.

Cùng một chân lý, nhưng oái oăm thay ngày nay người dân Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam … lại bị chính quyền cộng sản, những “chuyên gia đấu tranh” xưa kia, không từ bất kỳ thủ đoạn nào thẳng tay đàn áp.

Có người sẽ bảo đây là sự so sánh ngớ ngẩn và khập khiễng.

Ngày trước là chống lại ngoại bang xâm lược, ngày nay làm gì có ngoại bang nào mà đòi chống với phá?

Họ cố tình không hiểu một chân lý giản dị.

Những kẻ áp bức, cho dù mang màu da gì, sắc tộc nào, hình hài ra sao, cũng đều là phường áp bức.

Bị ngoại bang áp bức không tệ hơn bị đồng bào của mình đè đầu cưỡi cổ. Bị những người có cùng tiếng nói đàn áp không có gì tốt đẹp dễ chịu hơn là bị những người bất đồng ngôn ngữ chèn ép.

Nếu buộc phải phân biệt, nhân loại tiến bộ không thể chia ra theo chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, giới tính … 

Chỉ có ba loại người: những kẻ muốn áp bức người khác, những người để người khác áp bức, và những ai không chịu bị bức hại.

Người Hong Kong có lựa chọn rõ ràng cho mình.

Trong mắt nhiều người, đó là lựa chọn “ngu” nhất.

Đối với họ, đó là lựa chọn duy nhất.




No comments:

Post a Comment

View My Stats