Thanh Phương
– RFI
Đăng ngày 17-09-2019
Hiện
giờ trách nhiệm của Iran trong vụ tấn công vào các cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê
Út vẫn còn là vấn đề đang được bàn luận. Cuối tuần qua, ngoại trưởng Mike
Pompeo đã chỉ đích danh Iran, và Teheran đã bác bỏ ngay những lời lẽ mà họ xem
là « điên rồ ».
Tổng thống Mỹ, Donald Trump ngày 24/06/2019 ký sắc lệnh
ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. REUTERS/Carlos Barria
Về phần tổng thống Donald Trump, hôm Chủ Nhật, ông
tuyên bố trên mạng Twitter là Hoa Kỳ « sẵn sàng trả đũa ».
Nhưng hôm qua, khi trao đổi với các phóng viên trong Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng,
ông Trump lại nói lửng lơ : « Tôi không muốn can dự vào các cuộc xung đột
mới, nhưng đôi khi cần phải làm thế ».
Thận trọng hơn ngoại trưởng Pompeo, tổng thống Trump
dường như muốn có thêm thời gian để quyết định. Ông nói : « Chúng tôi
có rất nhiều phương án, nhưng hiện giờ tôi chưa tính đến. Chúng tôi muốn biết
chắc chắn ai là thủ phạm ».
Rõ ràng là chủ
nhân Nhà Trắng đã bắn đi những tín hiệu trái ngược nhau về vấn đề Iran, khiến
người ta phải đặt nghi vấn về chiến lược của ông trên hồ sơ này.
Trước đó, ông Donald Trump cũng đã có thái độ tiền hậu
bất nhất về khả năng gặp gỡ tổng thống Iran Hassan Rohani tại New York vào tuần
tới, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Trong suốt tuần trước, chính tổng thống
Trump đã khiến người ta nghĩ là ông sẵn sàng gặp đồng nhiệm Iran, thậm chí còn
để cho hiểu là việc bãi bỏ một phần các biện pháp trừng phạt Teheran không còn
là điều cấm kỵ nữa.
Nhưng Chủ Nhật vừa qua, trên mạng Twitter, tổng thống
Mỹ thay đổi thái độ hoàn toàn, khi viết : « Các nguồn tin Fake News
(tin giả) nói là tôi sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran không điều kiện tiên quyết. Điều
đó không đúng (như mọi khi) ».
Nhưng chính bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin, cách
đây vài hôm còn khẳng định: « Tổng thống đã nói rất rõ, ông ấy sẵn sàng
cho một cuộc gặp gỡ không cần điều kiện tiên quyết ».
Cho nên, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard
Haass, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, đánh giá : « Chúng ta không
chỉ tỏ ra mơ hồ về chiến tranh ở Trung Đông liên quan đến các vụ tấn công vào
cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, mà còn mơ hồ về chính sách ngoại giao liên quan
đến Hoa Kỳ ». Ông Richard Haass lấy làm tiếc : « Tổng thống cáo buộc Iran mà
không đưa ra bằng chứng, phủ nhận tin cho rằng ông sẵn sàng cho các cuộc
thảo luận vô điều kiện với Iran và vẫn không có những mục tiêu rõ ràng về
Iran ».
Câu hỏi được đặt ra bây giờ là: sau nhiều tháng căng
thẳng giữa Washington và Teheran, ông Donald Trump có sẽ ra tay hành động hay
không, do có nguy cơ là cuộc đấu võ mồm sẽ biến thành leo thang quân sự ?
Hay là ngược lại: sau khi có những tuyên bố mang
tính đe dọa, tổng thống Trump cuối cùng sẽ chọn con đường ngoại giao, nay nhân
vật diều hâu, hiếu chiến như John Bolton không còn trong ê kíp của ông nữa ?
Đối với ông Ben Rhodes, nguyên là cố vấn thân cận của
cựu tổng thống Barack Obama, những gì xảy ra trong 48 tiếng đồng hồ qua cho thấy
là chiến lược của tổng thống Trump về Iran đã thất bại. Chiến lược đó là rút khỏi
hiệp định hạt nhân 2015, để cho Ả Rập Xê Út toàn quyền hành động trong cuộc chiến
tại Yemen, tăng cường trừng phạt và liên tiếp đe dọa Teheran.
Trên mạng Twitter, ông Ben Rhodes nhấn mạnh :
« Chính sách thảm hại của Trump đã đặt chúng ta bên bờ một cuộc chiến
tranh còn rộng lớn hơn ». Ông cảnh báo rằng một cuộc can thiệp quân sự
của Mỹ « sẽ có những hậu quả không lường trước được ».
Tóm
lại, một lần nữa, ông Donald Trump lại rơi vào thế khó xử : một mặt phải chứng
tỏ mình là một tổng thống kiên quyết, nhưng mặt khác, phải làm theo đúng lời hứa
khi tranh cử, đó là chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông, mà ông cho là
quá tốn kém.
----------------------------------------
Thanh Phương – RFI | Đăng ngày 17-09-2019
No comments:
Post a Comment