1.
Ở đâu có quyền lực là ở đó có thể có tham nhũng bởi
vì tham nhũng là lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng. Như thế chế độ nào cũng
có tham nhũng cả, vấn đề chỉ là mức độ mà thôi. Để cho tham nhũng ở mức độ
không quá đáng cần 4 điều kiện:
a) Có nền luật trị (rule of law) nghiêm minh, tức là ai cũng bị chế tài của
pháp luật, không ai (vua) hay nhóm người nào (vua tập thể) được đứng trên pháp
luật cả (và thí dụ, không thể có cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”);
b) Có một nền tư pháp độc lập (ngoài các thứ khác thì tư pháp độc lập mới xử
được bất kể kẻ tham nhũng nào không có ngoại lệ);
c) Có một nền báo chí tự do (minh bạch thông tin, phơi mọi thứ ra ánh sáng
là cách sát trùng tốt nhất; báo chí tự do sẽ phanh phui các vụ tham nhũng); và
d) Có một hệ thống lương tử tế để cho người có quyền có thể sống đàng hoàng
mà không phải tìm cách kiếm tiền bằng cách khác (thí dụ tham nhũng).
Nói cách khác chống tham nhũng gắn với cai quản tốt
(good governance) chứ không phải với dân chủ. Singapore về cơ bản có a), b) và
d) nhưng không được coi là một nền dân chủ nhưng làm rất tốt trong chống tham
nhũng.
2)
Tất nhiên nếu dân chủ hiểu theo nghĩa hiện đại phải
bao gồm cả a), b) và c) kể trên thì trong một nền dân chủ tham nhũng có thể ít
hơn chế độ phi dân chủ. Tuy nhiên, nếu hiểu dân chủ theo nghĩa hẹp, tức là dân
chủ bầu cử (có đa nguyên, đa đảng, có bầu cử đa đảng), nhưng không có a), b) và
c) hay thiếu một trong 3 thứ đó thì tham nhũng có thể vẫn rất nghiêm trọng. Còn
trong các nền dân chủ tiên tiến như ở Thuỵ Điển, các nước Bắc Âu họ có cả 4 điều
kiện nêu ở mục 1) và rất ít tham nhũng.
3)
Có thể thấy muốn chống tham nhũng thì 4 điều kiện
nêu trong 1) là có tính quyết định; làm tốt 4 điểm đó mà lại có thêm đa nguyên,
đa đảng thì có dân chủ thực sự như các nước Bắc Âu rồi. Nhưng có 4 điều kiện đó
chưa hẳn đã có dân chủ và có dân chủ bầu cử chưa chắc đã có 4 điều kiện đó.
4)
Tham nhũng cũng xảy ra cả trong khu vực tư nhân nữa
(tổng giám đốc của một công ty có thể tham nhũng làm hại đến những người liên
quan: các cổ đông, các khách hàng và nhà nước).
5)
Tham nhũng tinh vi nhất là lũng đoạn luật pháp để hợp
thức hoá sự tham nhũng hay sự ăn cướp.
No comments:
Post a Comment