Mai Thái Lĩnh
08/09/2019
Không phải mãi đến ngày nay, “nhập-Trung hay
thoát-Trung?” mới trở thành vấn đề sinh tử đối với vận mệnh của dân tộc Việt
Nam. Cách đây một thế kỷ, nó đã từng là vấn đề gây tranh cãi trong phong trào
cánh tả của người Việt tại Pháp. Đại diện cho hai lập trường khác nhau, thậm
chí đối nghịch nhau, là hai nhân vật hàng đầu của phong trào yêu nước tại Pháp:
Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.
Phần I – Quan niệm của Phan Văn Trường về nền văn minh
Trung Hoa và chủ nghĩa thực dân Pháp:
Quan niệm của Phan Văn Trường về nền văn minh Trung
Hoa, về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân – mà tiêu biểu là chủ nghĩa thực
dân Pháp, đã được trình bày khá rõ nét trong cuốn hồi ký – tự truyện Une
histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur l’Indochine (Câu
chuyện về những người Việt mưu phản tại Paris hay sự thật về Đông Dương). Vị
luật sư họ Phan đã hoàn thành cuốn hồi ký này vào tháng 10 năm 1923 và công bố
lần đầu tiên dưới dạng các bài báo đăng thành nhiều kỳ (feuilleton) trên tờ La
cloche fêlée – từ ngày 30 tháng 11 năm 1925 đến ngày 15 tháng 3 năm 1926.
Hai năm sau (1928), cuốn hồi ký này đã được xuất bản thành sách tại Sài-gòn.
Trong bài viết này, chúng tôi dựa vào ấn bản do nhóm Đệ Tứ (trotskiste,Trotskyist)
tái bản tại Pháp vào năm 2003. [1]
Đọc thiên hồi ký này, chúng ta có thể thấy được những
nét chính trong nhãn quan của Phan Văn Trường:
1) Về nền văn minh Trung
Hoa:
–
Liên hệ thân thuộc giữa Việt Nam và Trung Hoa:
Theo Phan Văn Trường, xét về nguồn gốc và lịch sử của
sự bành trướng lãnh thổ, từ hàng ngàn năm trước tổ tiên của người Việt Nam đã từ
miền trung của Trung Hoa đến định cư tại vùng phía nam và hòa trộn (fusionner)
với các chủng tộc bản địa để làm nên dân tộc Việt Nam ngày nay. Do đó, người
Trung Hoa và người Việt Nam “có cùng một chủng tộc, cùng một nguồn gốc, cùng một
lịch sử.”
Có lẽ Phan Văn Trường dựa vào truyền thuyết “Kinh
Dương Vương” đã được Ngô Sĩ Liên đưa vào bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư
vào thế kỷ 15 (sđd, tập I, tr. 131-132). Vào năm 1923, Léonard
Aurousseau – một học giả người Pháp thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội, đã
đưa ra giả thuyết cho rằng người Việt ngày nay có nguồn gốc từ nước Việt 越 của Trung Hoa thời Chiến Quốc
(thuộc địa bàn tỉnh Chiết Giang ngày nay). Người dân nước Việt đã di cư đến đồng
bằng nước ta sau khi nước Việt bị Nhà Tần tiêu diệt (khoảng thế kỷ thứ 3 trước
Công nguyên). [2]
Ông viết như sau:
“Chính từ sự hòa trộn (fusion) hay hấp thụ (absorption) một cách tiệm tiến
giữa chủng tộc Trung Hoa với các chủng tộc bản địa đã sinh ra dân tộc Việt Nam
và đến phiên dân tộc này đi dần xuống phía nam để cuối cùng hình thành nên đế
quốc Việt Nam (empire d’Annam). [3] Kết quả là người Trung Hoa và người Việt
Nam rõ ràng là cùng một chủng tộc (la même race), có cùng nguồn gốc và cùng lịch
sử. Vả lại, sự đồng nhất về phong tục là bằng chứng vật chất thuyết phục nhất
cho thấy mối quan hệ họ hàng mật thiết của hai dân tộc, và chúng ta sẽ thấy rằng
Việt Nam trong thực tế chỉ là một phần lãnh thổ khi thì bị bao gồm vào Trung Quốc
– tạo thành một tỉnh, khi thì tách ra để thành lập một Nhà nước độc lập dưới
quyền bá chủ về tinh thần (hégémonie morale) của nước mẹ (mère patrie).” (Phan Van Truong, sđd, tr. 23)
Theo Phan Văn Trường, đất nước Việt Nam chỉ tồn tại
về mặt lịch sử kể từ khi những di dân người Trung Hoa đầu tiên đến định cư tại
đây vào khoảng 2879 năm trước Công nguyên, và kể từ thời đó cho đến triều đại
nhà Triệu – nghĩa là khoảng năm 111 trước Công nguyên, tất cả các vua Việt Nam
đều có nguồn gốc Tàu. Triệu Đà, người sáng lập ra nhà Triệu, vốn là một công chức
cao cấp của Trung Hoa đi làm nhiệm vụ ở biên giới Việt Nam. Ông đã lợi dụng những
xáo trộn đang xảy ra ở Trung Hoa vào cuối triều đại nhà Tần, đầu triều đại nhà
Hán để chiếm lấy Việt Nam và tự xưng làm vua, sau đó mở rộng vương quốc bằng
cách sáp nhập một số nước nhỏ lân cận, trong số đó có Đông Âu (ngày nay là tỉnh
Phúc Kiến) và Việt Đông (ngày nay là tỉnh Quảng Đông).
Từ đó về sau, trạng thái xen kẽ tương tự được lặp lại
nhiều lần: Việt Nam – vào lúc khởi thủy của lịch sử là một quốc gia do người
Trung Hoa dựng lên, khi thì trở thành một tỉnh của Trung Hoa, khi thì trở thành
một quốc gia độc lập. Nhưng hiện tượng xã hội đó có một điểm đáng lưu ý: mặc dù
sự chia tách không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách hòa bình (nghĩa là
phải thông qua một cuộc đấu tranh vũ trang), nhưng Việt Nam không tách ra khỏi
Trung Hoa như một quốc gia bị trị buộc phải tìm cách thoát ra khỏi ách áp bức của
quốc gia thống trị, mà như một đứa con trai tách ra khỏi gia đình để thiết lập
một nơi ăn chốn ở riêng trong khi vẫn giữ gìn các mối quan hệ thân thuộc một
cách thành kính. Bằng chứng là tất cả các vua của Việt Nam ngay khi lên ngôi đều
thực hiện một thủ tục – không phải chỉ như một vinh dự, mà như một nghĩa vụ: phải
nhận được sự thụ phong từ triều đình Trung Hoa. Phan Văn Trường coi đây là điều
làm nên “thiên tài của nền văn minh Trung Hoa” (le génie de la civilisation
chinoise)” (tr. 23-24).
–
Quan hệ Việt – Trung trong lịch sử chưa bao giờ là quan hệ thống trị – bị trị:
Trong nhãn quan của Phan Văn Trường, sự thay đổi về
mặt nhà nước không hề làm thay đổi các điều kiện xã hội của nhân dân Việt
Nam. Khi Việt Nam bị lọt vào nước Trung Hoa để trở thành một tỉnh, các tổng đốc
người Trung Hoa đã cai trị tỉnh này hoàn toàn giống như mọi tỉnh khác của Trung
Hoa, nghĩa là dù tốt hay xấu, không hề có sự phân biệt giữa người Trung Hoa và
người Việt Nam, tất cả đều là công dân của Đế quốc Trung Hoa. Và khi Việt Nam
trở thành một quốc gia độc lập, người Tàu và người Việt đều phục tùng tuyệt đối
cùng một thứ luật lệ và tuân phục nhà cầm quyền một cách không phân biệt. Sự
chuyển tiếp dễ dàng đến mức hai nước có cùng một thứ luật lệ, cùng một thứ tổ
chức công quyền, dựa trên những nguyên tắc căn bản giống nhau.
Ông khẳng định: “Chính trong các điều kiện đó, thật
là không phù hợp khi nói rằng dân An Nam nhiều lần chịu ách thống trị của Trung
Hoa: trong thực tế chỉ có các giai đoạn thống nhất (périodes d’union) và các
giai đoạn phân ly (périodes de sécession).” (tr. 25)
Phan Văn Trường ví quan hệ giữa Việt Nam và Trung
Hoa tương tự như quan hệ giữa xứ Écosse (Scotland) với nước Anh, hoặc như quan
hệ giữa các vùng Bretagne và Bourgogne với nước Pháp. Bác bỏ lập luận cho rằng
Việt Nam đã từng là thuộc địa của Trung Hoa, ông kết luận: “Từ những sự kiện và
nhận định trên đây, có thể kết luận rằng dân tộc Việt Nam trước khi bị nước
Pháp chinh phục, chưa bao giờ nằm dưới ách thống trị của một cường quốc bên
ngoài.” (tr. 26)
–
Phương thức bành trướng của văn minh Trung Hoa là bành trướng một cách hòa bình
(expansion pacifique):
Bỏ qua tất cả những khuyết nhược điểm, những mặt xấu
của của nền văn minh Trung Hoa – nhất là về mặt chính trị, Phan Văn Trường ca
ngợi nền văn minh này như đỉnh cao của nền văn minh nhân loại. Theo ông, trong
thực tế đế quốc Trung Hoa (với dân số lúc đó là 450 triệu) đã vượt qua mọi sự đảo
lộn, mọi thăng trầm chính trị để làm nên một thế giới trong toàn thế giới
(un monde dans le monde) mà không hề đánh mất sức mạnh bành trướng hòa
bình của nó. Bí quyết thành công của đế quốc đó chính là cái mà ông gọi là chủ
nghĩa tự do Trung Hoa (libéralisme chinois).
Ông viết như sau: “Điều chắc chắn là Trung Hoa đã không phải ngay lập tức trở thành một
nước rộng lớn như chúng ta đang thấy; nó cũng đã từng là một quốc gia nhỏ bé được
mở rộng một cách dần dà; nhưng nhờ vào các lý tưởng của đường lối chính trị
truyền thống vốn loại bỏ mọi thành kiến về chủng tộc và dân tộc tính, nó đã biết
đồng hóa mọi chủng tộc mà nó chinh phục được và hòa nhập dần dần với họ để tạo
nên một chủng tộc thuần nhất (une race homogène) có cùng truyền thống và cùng
phong tục.
Cùng với Trung Hoa bất tử – người mẹ của nền văn minh của chúng ta, với
lý tưởng là nguyên tắc cao cả về tình hữu nghị phổ quát đã được diễn dịch thành
một công thức cực kỳ mạnh mẽ và ngoạn mục: “Trong bốn biển, mọi người đều là anh em” (Tứ hải giai huynh đệ), thật thú vị
khi so sánh nó với Đế quốc La Mã phù du – nguồn cội của nền văn minh phương
Tây, một đế quốc đã không biết xây dựng các xã hội vững bền bởi vì nó đã luôn
xây dựng chúng thành nhiều tầng bậc, với phương châm chính trị là “Chia để trị” (Divide ut imperes).” (tr. 26)
–
Bí quyết thành công của quá trình bành trướng hòa bình kiểu Trung Hoa là “khai
hóa”:
Đối với các dân tộc thuộc nền văn minh Trung Hoa – như
dân tộc Việt Nam, khai hóa (civiliser, văn minh hóa) có nghĩa là dạy dỗ, giáo dục
(instruire) . Người ta tìm thấy bằng chứng về điều này trong hai từ tiếng Hoa
nhằm để dịch chữ civiliser: “giáo hóa”, giáo dục (instruire) và làm biến
đổi (transformer) (tr.50).
Chủng tộc Trung Hoa, khi mở rộng ra phía nam để định
cư trên đất Giao Chỉ, đã hòa trộn dần dần với chủng tộc bản địa để hình thành
nên dân tộc Việt Nam. Họ đã ban tặng cho dân tộc Việt một cách hào phóng tất cả
nền văn minh của họ bằng cách giáo dục dân Việt một cách không hạn chế trong
nghệ thuật, trong phong tục tập quán, trong văn chương và các học thuyết triết
lý.
Do ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, Việt Nam là
một dân tộc mà con người được coi trọng không phải do sự giàu có mà do đạo đức và
kiến thức. Cũng như ở Trung Hoa, giáo dục ở Việt Nam ngày xưa (trước khi người
Pháp đến) là một nền giáo dục hoàn toàn miễn phí và các chức vụ khác nhau của
hành chính công quyền được mở rộng cho tất cả mọi người. Do đó, dân tộc này là
một dân tộc hiếu học và thèm khát giáo dục. Đó là một dân tộc mà trẻ em yêu quý
và tôn trọng người thầy ngang hàng với cha mẹ mình. (tr. 50-51)
Trong nhãn quan của Phan Văn Trường, mục đích của
chinh phục không phải là để làm giàu cho mình bằng cách khai thác, bóc lột đất
nước bị chinh phục và người dân ở đó. Vì vậy, giáo dục phải được coi là mục
tiêu chính, thậm chí phải coi là mục đích duy nhất của chinh phục. Ông đánh giá
rằng trên trái đất này chỉ có một cường quốc duy nhất có thể tự hào về chính
sách này: đó là Trung Hoa. Ông viết:
“Chúng ta có thể nói, với lịch sử trong tay, rằng Trung Hoa chưa bao giờ
chinh phục một quốc gia để khai thác người bản địa và làm giàu trên mồ hôi nước
mắt của họ. (…) chính quyền Trung Hoa, trong tất cả các cuộc chinh phạt của
mình, chỉ theo đuổi mục tiêu cao cả là làm việc vì sự vĩ đại về đạo đức của
Trung Hoa – bằng cách truyền bá nền văn minh Trung Hoa. Chính sách đồng hóa
trên quy mô lớn đó, với tính chất thẳng thắn, trung thực và nhân đạo, có thể
nói đó là bí quyết của sức mạnh cốt tủy đã khiến cho đế chế này trở nên bất diệt,
thúc đẩy sự bành trướng lãnh thổ một cách vô hạn. Điều chắc chắn là Trung Hoa
đã không trở thành một đế chế vĩ đại cùng một lúc, tạo ra “một thế giới trong
toàn thế giới” và tiếp tục sống sót, trải qua tất cả các cuộc cách mạng bên
trong và bên ngoài, trong khi các đế chế khác chỉ mở rộng để rồi sau đó
điêu tàn vì sự vĩ đại giả tạo của chúng. Nó cũng từng là một hạt nhân đã phát
triển dần dần, nhưng trong khi mở rộng, nó đã hòa nhập một cách hòa bình và tiệm
tiến với các chủng tộc bản địa để tạo thành một chủng tộc đồng nhất (une race
homogène) thay vì tiêu diệt họ hoặc giam giữ họ dưới ách thống trị tàn bạo và
ích kỷ để biến họ thành kẻ thù.” (tr. 52-54)
2) Về nền văn minh phương Tây và chủ nghĩa thực dân:
Trong khi lý tưởng hóa Nho giáo và nền văn minh
Trung Hoa đến mức không nhìn thấy thực chất của ý thức hệ đó, không thấy rõ mặt
trái của nền văn minh đó, Phan Văn Trường lại có một cái nhìn hoàn toàn ác cảm
đối với nền văn minh cũng như chế độ dân chủ tại phương Tây – mà tiêu biểu là
nước Pháp. Trong cuốn hồi ký nói trên, chúng ta đọc được nhiều đoạn văn cho thấy
ông chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx:
–
Chủ nghĩa tư bản – hay nói cách khác là nền văn minh châu Âu, là một nền văn
minh hư hỏng vì coi đồng tiền là giá trị cao nhất:
“Nếu ngày nay, ở châu Âu tư bản chủ nghĩa này, một người nào đó dám ca ngợi
sự khinh miệt của cải như một đức tính cao quý, người ta sẽ không quên cười nhạo
anh ta, coi anh ta là ngây thơ, là ngây ngô khờ khạo, và nói với anh ta một
cách châm biếm rằng anh ta đã ở một thế kỷ khác. Đó là bởi vì duới triều đại của
chủ nghĩa tư bản, tiền bạc không chỉ là động lực của chiến tranh (le nerf de la
guerre). Nó còn là một thứ gì đó tốt hơn phục vụ được rất nhiều ngay cả trong
thời bình: đó là “tấm thẻ trắng” [4], đó là chiếc “chìa khóa vạn năng”
(passe-partout) mở ra cho chủ nhân của nó tất cả các cánh cửa, đó là sự quyến
rũ thu hút tất cả những nhân vật danh giá của giới thượng lưu.” (tr. 15)
–
Xã hội hiện đại là một xã hội thối nát:
“Tóm lại, ăn và uống, những thú vui xác thịt, tất cả trong tiện nghi hiện
đại lớn nhất, đó là lý tưởng của xã hội chúng ta hiện nay. Để có được điều đó,
bạn cần phải có tiền, nhiều tiền hơn và nhiều tiền hơn nữa.” (tr. 16)
–
Chế độ thực dân Pháp làm cho dân tộc Việt Nam sa đọa, đánh mất các giá trị tinh
thần cao quý thừa hưởng từ nền văn minh Trung Hoa:
So sánh công chức dưới chế độ thuộc địa với các công
chức dưới chế độ cũ (tức quan lại dưới thời quân chủ), ông viết: “Tôi đã nói về sự vĩ đại của tâm hồn và tinh
thần xả kỷ (quên mình) của các vị quan ngày xưa đã sống trong nghèo khó một
cách có chủ ý để – bằng tấm gương của họ, dạy cho đám đông quần chúng rằng phẩm
giá con người là cao hơn của cải vật chất. Phải chăng sự cao quý về nhân cách
đó đã biến mất trong chủng tộc Việt kể từ khi nó gục ngã – lần đầu tiên, dưới sự
thống trị của một thế lực ngoại bang?” (tr. 30)
Khi viết “chủng tộc Việt lần đầu tiên gục ngã
dưới sự thống trị của một thế lực ngoại bang”, Phan Văn Trường một lần nữa đã
khẳng định: trước khi người Pháp đến, Việt Nam chưa bao giờ bị ngoại bang
xâm lược, thống trị. Nói cách khác, chủ nghĩa thực dân chỉ có thể là sản
phẩm của chủ nghĩa tư bản phương Tây mà thôi!
Như vậy, ít nhất là từ sau Đại hội Tours (1920) cho
đến khi Phan Châu Trinh qua đời (tháng 3 năm 1926), có thể gọi quan điểm của
Phan Văn Trường là con đường “nhập-Trung” (nhập vào Trung Hoa) hay “hoàn-Trung”
(trở về với Trung Hoa).
Nhưng cần lưu ý điều này: không chỉ có Phan Văn Trường
mà rất nhiều trí thức Việt Nam vào thời đó, mặc dù thuộc giới tinh hoa, có điều
kiện du học ở Pháp và các nước Tây Âu, nhưng trong chiều sâu của tâm hồn, họ vẫn
là những nhà nho “lý tưởng” giàu chất lãng mạn. Chính tâm lý bài ngoại (chủ yếu
là bài-phương Tây), lòng tự ái dân tộc và tinh thần bảo thủ đã dẫn họ đến chỗ
tiếp thu chủ nghĩa Marx – ít nhất là về mặt nhận thức và lý thuyết, mặc dù chỉ
có một số ít người trở thành cộng sản, số còn lại không phải là cộng sản hoặc nếu
gia nhập Đảng Cộng sản thì cũng không thể trở thành người cộng sản thuần thành.
Chính tầng lớp yêu nước một cách lãng mạn và không kém phần mù quáng này đã góp
phần quan trọng đem tại tính chính danh (légitimité, legitimacy) cho Đảng Cộng
sản, giúp cho chủ nghĩa cộng sản giành thắng lợi tại Việt Nam trong thế kỷ 20.
(Còn tiếp)
M.T.L.
_________
[1] Phan Van Truong, Une histoire de
conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur l’Indochine, Éditions
L’Insomniaque, Montreuil – France, 2003.
[2] Thuyết này được nhà sử học người Mỹ Keith Weller
Taylor gọi là “Thuyết di trú của người nước Việt” (The The Yüeh Migration
Theory). Xem: Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, University of
California Press, 1983, Appendix E.
[3] Trong nguyên bản, tác giả dùng từ Annam
(An-nam). Đó là tên người ta dùng thời đó để chỉ nước Việt Nam. Người Việt được
gọi là người An-nam (Annamite). Trong bài viết này, tôi dùng tên Việt Nam để độc
giả trẻ ngày nay dễ hiểu.
[4] Nguyên văn: carte blanche, ám chỉ quyền tự
do hành động theo ý muốn. Chúng ta có thể hiểu tấm thẻ trắng là một tấm thẻ đã
có chữ ký của cấp có thẩm quyền, người được cấp thẻ có thể ghi trên đó bất cứ
điều gì mình muốn và nội dung đó đương nhiên có giá trị pháp lý.
*
*
Mai Thái Lĩnh
11/09/2019
Phần II – Quan niệm của Phan
Châu Trinh về nền văn minh Trung Hoa và chế độ dân chủ phương Tây:
Quan niệm của Phan Châu Trinh về văn minh Trung Hoa
và chế độ dân chủ phương Tây có thể tìm thấy rải rác trong nhiều bài thơ, bài
viết của ông, nhưng tiêu biểu nhất là trong một di cảo có tên là Liên
hiệp Pháp-Việt hậu chi Tân Việt Nam, tạm gọi là Tân Việt Nam.
Theo cố giáo sư sử học Vĩnh Sính, đây là một “vị định
cảo” (tức là một bản thảo chưa hoàn thành).[1] Bản thảo này đã được dịch và
phân tích khá nhiều trong thời gian gần đây, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu
chỉ mới chú ý đến việc so sánh về đường lối và phương pháp đấu tranh giữa Phan
Châu Trinh và Phan Bội Châu, chứ chưa sử dụng để đối chiếu, so sánh giữa những
người trong cánh tả.
Ngoài bản thảo nói trên, đáng chú ý nhất là hai bài
diễn thuyết của ông tại Sài-gòn vào cuối năm 1925, một về chủ đề “Đạo đức
và luân lý Đông Tây” (La morale traditionnelle et la morale
occidentale), một về chủ đề “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”
(La monarchie et la république). Trong bài viết này, tôi dựa vào Tuyển
tập Phan Châu Trinh do Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương biên soạn, ấn bản năm
2006 do Nxb Văn hóa Thông tin tái bản.[2]
Về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam:
Phan Châu Trinh không tin vào giả thuyết “người Việt
Nam có nguồn gốc từ Trung Hoa”. Ông cho rằng dân tộc Việt Nam có nguồn gốc
riêng. Trong bản thảo Tân Việt Nam, ông viết: “Dân tộc ta, vài ngàn
năm trước, tự sinh tự nảy nở ở lưu vực hai bên Tản viên Nhĩ hà, như người trong
nguồn đào, không biết có đời Hạ đời Thương (…) (NVD, Tuyển tập, tr.
560)
Về mặt này, có lẽ ông chịu ảnh hưởng của bộ Cương
mục (Việt sử Thông giám Cương mục) được biên soạn dưới thời Nhà Nguyễn.
Trong Lời nói đầu (Phàm lệ) của bộ sử này, có đoạn: “Sử cũ chép
quốc thống bắt đầu từ Kinh Dương Vương, nhưng xét thời đại ấy việc rất lờ mờ,
không có chứng cứ đích xác. Nay vâng sắc dụ chuẩn y cho chép từ đời Hùng Vương,
để tỏ rõ lúc bắt đầu có quốc thống của nước ta, còn những việc về niên kỷ Kinh
Dương và Lạc Long thì chua phụ ở dưới mà chép sơ lược, để hợp với cái nghĩa “nghi
dĩ truyền nghi”. [3]
Trong phần ghi chú trên bản thảo, ông nói rõ hơn: “Xét
người nước ta, tuy cùng là giống Da vàng, nhưng tự sinh tự phát triển riêng ở
phía Nam Á đông, giao thiệp gần gũi với Trung Quốc, thật từ đời Tần, Hán. Từ đó
hai giống giao dịch, mới trở thành dân tộc hiện nay nhưng nói rút lại một thứ
tình đặc biệt phát hiện trên lịch sử không thể tiêu diệt.” Nói cách khác,
Phan Châu Trinh cho rằng người Việt Nam hiện nay là một dân tộc bản địa đã ít
nhiều “Hán hóa” trong quá trình tiếp xúc với Trung Hoa. Cũng trong đoạn ghi chú
nói trên, ông phê phán mạnh mẽ tinh thần sùng bái Trung Hoa của các sử gia đời
trước: “Riêng với các sử gia hàng ngàn năm sùng bái Trung Quốc, vàng thau lẫn
lộn, phụ hội vá víu mà phát biểu đặc tính của dân ta, gây ra tính căn ỷ lại,
thì nước ta không thể làm được. Xem Trung Quốc là cha, cam chịu làm con, đọc
lên khiến người chìm đắm tính linh, nuôi thành thói quen ỷ lại. Nếu không lấy
con mắt sáng suốt mà xem, thì không thấy từ nay về sau phải đem những sự vẽ vời
vô vị ấy mà xóa sạch đi”. (sđd, tr. 560-562, Nc 6) [4]
Đọc đến đây, có thể có một số độc giả nghĩ rằng mâu
thuẫn về nhận thức giữa hai nhà yêu nước họ Phan bắt nguồn từ một vấn đề thuộc
về thời tiền sử (préhistoire, prehistory): vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt
Nam. Thật ra, nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, chúng ta sẽ thấy vấn đề chủng
tộc không phải là yếu tố quyết định, bởi lẽ các luận thuyết trong lĩnh
vực này thường là giả thuyết, không dễ dàng kiểm chứng về mặt khoa
học. Mặt khác, dân tộc (nation) và chủng tộc
(race) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau: những người cùng chủng tộc
có thể gia nhập các dân tộc khác nhau, và những người khác chủng tộc có thể
cùng nhau hình thành nên một dân tộc. Xét đến cùng, dân tộc là
một thực thể mang tính chính trị và văn hóa nhiều hơn là sinh học.
Hơn thế nữa, từ những luận điểm gần gũi nhau về nguồn
gốc dân tộc, người ta có thể đi đến những kết luận và lập trường chính trị hoàn
toàn khác nhau. Vào giữa thập niên 1960, một nhà sử học ở miền Nam là Linh mục
Nguyễn Phương (giáo sư tại Viện Đại học Huế) đã công bố một tác phẩm về cổ sử
Việt Nam, trong đó ông đã đề ra một giả thuyết cho rằng dân tộc Việt
Nam hiện nay không phải là con cháu của người Lạc Việt – chủ nhân của nền văn
hóa Đông Sơn, mà là hậu duệ của người Trung Hoa đã di cư sang vùng châu thổ
sông Hồng kể từ thời nhà Tần (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên). Những
di dân này đã sống chung với người Lạc Việt và nhiều sắc tộc thiểu số khác
trong cả ngàn năm và đến thế kỷ thứ 10, đã tiếp nối trào lưu giành độc lập của
người Lạc Việt (mà tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Hai bà Trưng), tách rời khỏi mẫu
quốc về mặt chính trị để thành lập nên nước Đại Việt – tiền thân của nước Việt
Nam ngày nay. Như vậy, cùng một cách lập luận gần với quan điểm của Phan Văn
Trường, Nguyễn Phương đã đi đến một kết luận hoàn toàn khác: những người
Việt gốc Tàu “yêu tự do” đã thành lập nên một quốc gia mới, tương tự
như người Anh khi sang châu Mỹ đã tách ra khỏi nước Anh bằng một cuộc chiến
tranh giành độc lập và thành lập nên Hoa Kỳ – vào hậu bán thế kỷ 18. [5]
Trong thực tế, mâu thuẫn chủ yếu giữa hai nhà yêu nước
họ Phan liên quan đến các vấn đề khác, như chúng ta sẽ thấy sau đây:
1)
Về quan hệ Việt – Trung trong lịch sử:
–
Trung Hoa đã bắt đầu xâm lược đất nước ta từ thời nhà Tần:
Ngược lại với ý kiến của Phan Văn Trường (Trung Hoa
chưa bao giờ xâm lược Việt Nam), Phan Châu Trinh khẳng định rằng Trung Hoa là kẻ
xâm lược ngay từ thời nhà Tần:
“Từ khi Tần Thủy hoàng lấy cái chí bao quát vũ trụ, cái dư oai thống nhất
sáu nước, cuộc chiến mở rộng, trời long đất lở, mới đem đất đai, nhân dân xưa gọi
là Giao chỉ, nay gọi là năm tỉnh Bắc Kỳ do tổ tiên xa xưa của dân tộc ta đã tất
bật lam lũ gian nan cùng quẫn để xây dựng, mở mang, lấy làm căn cứ, mà đặt dưới
quyền lực thống trị của Trung quốc. Từ đó, đã được hơn một ngàn năm trăm năm”.
Bộ mặt thật của Trung Hoa không phải là văn
minh, khai hóa, nhân đạo, mà thực chất là tham lam, ỷ mạnh hiếp yếu,
tàn ác, bóc lột. Ông tố cáo: “Trung Quốc đã lấy không biết tư cách nào
mà cậy mạnh hiếp yếu, tham lam không chán, vô cớ mà xâm chiếm đất nước người
ta, vô cớ mà tàn sát sinh mạng người ta, vô cớ mà trói buộc nhân dân người ta,
vô cớ mà bóc lột máu mỡ người ta.” (sđd, tr. 562-563)
–
Trong suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn khao khát tự do, ngầm nuôi ý
chí quật cường, quyết tâm giành độc lập:
Phan Châu Trinh đặc biệt nhấn mạnh đến ý chí bất khuất
của người Việt Nam, luôn luôn muốn thoát ra khỏi ách thống trị của đế quốc
phương Bắc:
“Dân đời trước của Tổ quốc ta lúc bấy giờ cũng quật cường vĩ đại, trăm lần
bẻ không cong, chẳng như một động vật ngu si không xương, không máu, không não,
khí, gân. Cho nên các thủ đoạn đối đãi cũng rất kịch liệt: Hoặc khi nó lành thì
ta phục tùng, hoặc khi nó dữ thì ta phản đối; khi ta thua thì nó ra tay chém giết
chẳng chịu buông tha, khi ta thắng thì máu sông xương núi lấy đó báo phục. Tuy
nó từ cao xuống thấp như thế vạc ba chân, lấy lớn hiếp nhỏ như hình đá chọi trứng,
khiến ta không thể thoát ngay sự ràng buộc, và nó lấy cớ lớn mạnh trị ta quá dữ,
kềm ta quá gắt, cách mệnh nổi lên luôn, giết hại quá nhiều, mà cảm tình oán hận
được nung đúc trong não quốc dân không thể phá được, càng truyền càng lớn, càng
thịnh. Nhưng dân tộc ta cũng càng lấy đó mà khuyến khích đặc tính, nuôi dưỡng
tinh thần, ngầm dựng thế lực, không chịu khuất phục, càng thêm gắng gổ, thề lấy
mạng sống lấp nơi đồng ruộng, lấy máu đỏ bôi cả núi sông để bày ra cái cảnh đau
buồn sống động rất thảm rất mạnh, với dân tộc Trung Quốc ngàn lần to lớn không
thể sánh, cùng nhau xung đột đua tranh trong cảnh thiên diễn ưu thắng liệt bại
này. Nó chết ta sống, nó tiến ta lùi. Kể từ sau trước được trên ngàn năm, nó
cũng không làm gì được ta là vì sao? Rốt cuộc do cái loạn thời Ngũ Quý, lúc
giao thời của Chu Tống, binh lực không sửa sang, roi dài chẳng với tới, mà quân
cách mệnh của Đinh Tiên Hoàng, với trống tự do, cờ độc lập, bỗng nhiên xuất hiện
ở động Hoa Lư.” [6] (sđd, tr. 563-564)
–
Về nguyên nhân giúp cho nước ta giành được độc lập:
Phan Châu Trinh viết tiếp: “Ôi! Xứ Giao chỉ con
con, một vùng đất nhỏ không bằng một huyện lớn, mà xem nó ngang hàng, muốn đuổi
nó đi.”
Tại sao làm được như thế?
Ông tìm cách giải đáp: “Trời thương chăng? Thần giúp
cho chăng? Không thể bàn bạc được, không thể quy công cho ai. Thì lớn lời nói:
Đó chỉ là đặc tính trầm nghị, kiên nhẫn, độc lập bất khuất của dân tộc đời trước
của Tổ quốc ta mà thôi.”
Chính đặc tính “trầm nghị kiên nhẫn, độc lập bất khuất”
của dân tộc Việt Nam mới là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành một nước
Việt Nam độc lập, trong khi hầu hết các dân tộc ở phía Nam sông Hoàng Hà đã bị
Trung Hoa chinh phục và đồng hóa đến mức ngày nay đánh mất hoàn toàn căn cước
dân tộc, bị hòa tan trong đế quốc Trung Hoa.
Vì thế Phan Châu Trinh khẳng định: Việt Nam giành được
độc lập hoàn toàn dựa vào sức mình là chính: “Đinh Tiên
Hoàng đã sáng lập sự nghiệp vĩ đại muôn đời ngàn thuở kia, bên trong chỉ trông
vào thế lực nước mình làm chính.” (sđd, tr. 564-565)
–
Về nghi thức thụ phong:
Tại sao các vua nước ta chấp nhận nghi thức “thụ
phong”? Trong phần trước, chúng ta đã thấy Phan Văn Trường giải thích việc nước
ta và Cao Ly (tức Hàn Quốc ngày nay) chấp nhận nghi thức thụ phong là để thể hiện
“chữ hiếu” (piété filiale), tuân phục quyền bá chủ về tinh thần (hégémonie
morale) của đế quốc Trung Hoa. Ông gọi Trung Hoa là nước mẹ (mère patrie), là đế
quốc-gốc (empire-souche). Ngược lại, Phan Châu Trinh cho việc chấp nhận thụ
phong chỉ là một thủ thuật ngoại giao để đối phó với Trung Hoa:
“Như bọn nó cuốn đất mà lại, thế của ta không có gì mà chống, do đó mới
có thủ đoạn ngoại giao để làm phương châm đối phó: giáo mác vừa yên, ngọc lụa lại
tới. Một là để gỡ mối nhục của kẻ kia mất đất, hai là để giấu cái oai đắc thắng
của ta, khiến cho cảm tình được mất của dân tộc hai nước đều tiêu tan trong cảnh
vuông tròn của nơi hội họp thề bồi; khiến cho ta có thể thung dung ngày tháng kết
hợp đoàn thể, sửa sang binh bị, thi hành thuật trị dân, sắp đặt Chính phủ để
xác định cơ sở dựng nước. Than ôi! Dân đời trước của Tổ quốc ta có bàn tay khéo
léo, nhãn quang sâu sắc, quy mô xa rộng, thật là đáng ca, đáng thán, đáng kính,
đáng yêu, đáng sùng bái, chẳng có gì hơn thế nữa.” (sđd, tr. 565-566)
Trong phần ghi chú, ông viết: “Xét nước ta
các đời thụ phong với Trung quốc chỉ là chính sách ngoại giao, cho nên coi là
trò chơi, không coi là vẻ vang.” [7]
2)
Về Nho giáo và nền văn minh Trung Hoa:
Phan Châu Trinh không phủ nhận hoàn toàn các giá trị
của nền văn minh Trung Hoa. Ông thừa nhận nền văn minh đó đã ảnh hưởng sâu sắc
đến dân tộc Việt Nam, và các giá trị đạo đức của Nho giáo đã ăn sâu vào tư tưởng,
tình cảm của người Việt suốt hàng nghìn năm. Tuy nhiên, ông nhận thức được một
cách rõ ràng những mặt hạn chế của Nho giáo cũng như những khiếm khuyết của nền
văn minh Trung Hoa.
–
Đạo Khổng Mạnh khác với Nho giáo đời sau:
Điểm đặc biệt nhất của Phan Châu Trinh là việc ông
phân biệt đạo Khổng Mạnh với Nho giáo đời sau.
Theo ông, đạo Khổng Mạnh đã mất từ lâu: “Vẫn biết đạo Khổng Mạnh hay thật nhưng
bây giờ ta biết kiếm nơi đâu? Qua Tàu đem về chăng? Kiếm trong các sử sách Việt
nam này chăng? Tưởng thắp đuốc tìm cũng không thấy nữa, vì là nước Nam, nước
Tàu bỏ mất đạo ấy đã lâu rồi” (“Đạo đức và luân lý Đông Tây”, NVD, sđd,
tr. 948)
Nói cách khác, từ khi tư tưởng của Khổng Mạnh trở
thành chính thống (thời nhà Hán), Nho giáo đã trở thành một ý thức hệ trói
buộc trí thức, kìm hãm nhân dân, nhằm bảo vệ quyền lực của các dòng họ giành được
ngai vàng bằng vũ lực. [8]
Phan Châu Trinh dẫn chứng: đạo Khổng Mạnh dạy quân
dân tịnh trọng (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng: vua và dân đều cần đến đạo
đức luân lý, dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải yêu dân như
yêu con đỏ. Nhưng trong thực tế, ở Trung Hoa cũng như các nước Á Đông, những điều
Khổng Mạnh dạy không được thực hiện:
“Đức Khổng đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải
thương vua, song nếu vua không thương dân thì phải làm sao? Tiếc thay! Ngài
không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói rằng: Dân quý và vua khinh, nhưng ngày nay dân
hỏi vua, vua bảo rằng vua quý mà dân khinh thì dân phải làm sao? Ông cũng không
hề nói đến. Vậy cho nên từ khi Khổng Mạnh đã qua rồi thì dân Tàu cũng thế mà
dân ta cũng thế, hễ họ vua nào hơn thì lấy được nước, họ vua nào thua thì mất
nước; vua công bình thì dân theo, vua tàn bạo thì dân giết, thành ra đời nào bền
lắm là mấy chục năm, thay đổi tranh giành gây ra lắm cuộc trị, loạn làm cho giết
hại lẫn nhau; cha giết con, con giết cha, anh giết em, em giết anh, vua giết
tôi, tôi giết vua, không còn gì là đạo lý luân thường nữa.” (sđd, tr.
949-950).
Trong bài diễn thuyết thứ hai về đề tài “Quân trị chủ
nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, ông nói: “Coi tóm lại cái lịch sử quân chủ ở xứ Á
Đông này, ta sẽ thấy Tần Thủy Hoàng sắp về sau không còn có đạo Nho thi hành ở
trong nước nữa, chỉ còn sót một hai điều ở trong gia đình mà thôi; còn kỳ dư là
những ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để cho dễ đè nén dân mà thôi.” (sđd,
tr. 971).
–
Nền văn minh Trung Hoa không thể dẫn đến chế độ dân chủ:
Phan Châu Trinh nhận định rằng nhược điểm lớn nhất của
văn minh Trung Hoa là không thể thiết lập được những thiết chế dân chủ như ở
phương Tây. Đạo Khổng Mạnh nếu thực hành cho đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến chính
thể “quân dân cộng trị” (vua và dân cùng nhau cai trị), tức là chế độ “quân chủ
lập hiến”. Nhưng thể chế chính trị này lại xuất hiện ở châu Âu chứ không phải ở
Á Đông và ngay vào thời đó (1925), nước Nhật tuy học theo quân chủ lập hiến của
châu Âu nhưng vẫn còn kém thua các nước ấy:
“Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của
các nhà vua mà anh em đã mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy quân dân tịnh trọng
(vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần có đạo đức luân lý,
nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải suy lòng đó yêu dấu
dân như con đỏ vậy. (…) Cái chính thể ấy bên Âu châu thực hành đã lâu rồi,
nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến vậy.
Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai
nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã giảm bớt nhưng dân vẫn
thương vua mà vua cũng vẫn yêu dân. Nước Nhật thì có kém thua nhưng đã theo
chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy”. (sđd, tr.
948-949).
Nhận định này hoàn toàn chính xác, bởi vì mặc dù Nghị
viện Nhật Bản đã thành lập từ năm 1889 – dưới thời Minh Trị, mãi đến khi bại trận
trong Thế chiến thứ hai, do áp lực của phe Đồng minh (nhất là Hoa Kỳ), chế độ
quân chủ lập hiến ở Nhật mới thật sự dân chủ hóa.
–
Ý thức hệ Nho giáo giết chết lòng ái quốc của dân Việt Nam:
Hậu quả của việc du nhập Nho giáo vào nước ta là dần
dà, nó giết chết lòng yêu nước của dân ta: “Nhưng mà theo ý tôi nghĩ rằng vì
cái độc quân chủ mà nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân An Nam ta”. (“Quân trị
chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”,sđd, tr. 981)
Tại sao lại như vậy? Vì ý thức tôn quân quyền khiến
cho người dân trở thành kẻ phục tùng, vận mệnh quốc gia rơi vào tay một thiểu số
thống trị, người dân không có quyền bàn việc nước cho nên không thể hình
thành ý thức quốc gia – dân tộc trong người dân:
“Vậy mới biết rằng cái độc quân chủ vào óc dân ta sâu quá, mà cái trình độ
của dân ta cũng thấp quá. Chỉ một người mà nói: “Mày phải trung với người này,
phải kính người này”, thì mới hiểu. Nếu ngồi cử ra cái tên nước An Nam nói rằng:
“Ấy là nước của ông cha mày, mày phải thương”, thì tay nó không rờ được, mắt nó
không trông thấy được, thì nó không có thể làm thế nào mà nó thương được.Vậy
thì nó cứ nó, trừ ra một cái nhà, một cái vườn, vài mẫu đất, nội chỗ con mắt nó
thấy đó, thì nó thương. (…) Nhưng mà tôi nghĩ trong hai mươi triệu, ai cũng chỉ
biết có nhà mà không biết có nước. Như thấy trong cái nhà nào, lúc rủi ro có
năm, ba thằng con trai bị chết tự tuyệt, hay nhà nào nhiều ruộng, nhiều đất mà
bị kiện bị thưa hay bị con ham cờ bạc, thì xúm lại nói ồn ào khắp dân gian, cho
là cái việc quan hệ nhứt trong xứ này. Còn nói đến việc mất nước, thì cũng chẳng
ai mơ màng vào đâu.” (sđd, tr.980-981)
Tóm lại, trong khi Phan Văn Trường chủ trương “nhập-Trung”
(hay hoàn-Trung) thì quan niệm của Phan Châu Trinh có thể được gọi là
“thoát-Trung”.
(Còn tiếp)
M.T.L.
___________________________________
[1] Vĩnh Sính, “Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt
Nam của Phan Châu Trinh”, Diễn đàn, Paris tháng
11/2006: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/100-phong-trao-duy-tan
[2] Tuyển tập Phan Chu Trinh, TS Nguyễn
Văn Dương biên soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006, 1262 trang (viết tắt: NVD).
[3] Quốc sử quán Triều Nguyễn, Khâm định Việt
sử Thông giám Cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2007, tập 1, trang 32.
[4] Nc (nguyên chú): chú thích của chính Phan Châu
Trinh trong bản thảo.
[5] Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh,
Viện Đại học Huế, 1965.
[6] Phan Châu Trinh coi thời điểm đánh dấu nền độc lập
hoàn toàn của Việt Nam là lúc Đinh Tiên Hoàng xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ
Việt. Cả hai bộ sử lớn của nước ta là Đại Việt Sử ký Toàn thư và Việt
sử Thông giám Cương mục đều chọn Nhà Đinh làm điểm khởi đầu của biên
niên sử chính thống.
[7] NVD, sđd, tr.566, Nc (2). Trong bài
viết của của Vĩnh Sính, chữ hý được dịch là “màn kịch”: “ta
coi việc thụ phong như một màn kịch (hý) chứ không lấy đó làm điều vinh
dự”. Xem Vĩnh Sính, bđd.
[8] Về điểm này, quan điểm của Phan Châu Trinh khá gần
với cách nhìn của một số nhà Trung Hoa học nổi tiếng người Mỹ như nhà triết học
sử Herrlee G. Creel (1905 – 1994) hoặc nhà sử học John King Fairbanks
(1907 – 1991).
*
*
Mai Thái Lĩnh
12/09/2019
Phần III. Con đường
“thoát-Trung” của Phan Châu Trinh:
Theo lời kể của Phan Văn Trường, mãi đến năm 1912
ông mới quen biết Phan Châu Trinh.[1] Sự cộng tác giữa hai nhà yêu nước này
trên đất Pháp đã đạt tới đỉnh cao vào năm 1919, khi họ cùng nhau soạn thảo bản
“Yêu cầu của nhân dân An-nam” (Revendications du peuple annamite) để gửi đến Hội
nghị Hòa bình Versailles, nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đề ra 14 điểm
nổi tiếng – trong đó có nguyên tắc “dân tộc tự quyết” (self-determination).
Nhưng tại sao chỉ một năm sau đó, quan hệ tốt đẹp giữa họ đã trở nên xấu đi đến
mức không còn cộng tác với nhau như trước?
Sau khi Phan Văn Trường qua đời (năm 1933), trong một
bài báo đăng trên tờ Trung Lập, Nguyễn An Ninh đã viết:
“Hai chữ giác ngộ để khuyến khích thiên hạ ngày
nay, trước kia nó không lạ tai gì với Phan Văn Trường. Sự chia rẽ trong Đảng Xã
hội Pháp, lúc toàn quốc hội nghị ở Tours năm 1920, có ảnh hưởng một cách sâu xa
trong đầu óc của Phan Văn Trường. (…) Mà các bạn Tây- Nam của ông ta cũng đều
yêu kính cái tính của ông ta. Phan Châu Trinh lắm khi bị ông ta phê bình dữ
dội, cũng là vì cái tính ngay thẳng của ông ta không hạp với cái tính đầu cơ của
Phan Châu Trinh. Phan Văn Trường nghiên cứu chủ nghĩa “Mã Khắc Tư”,
nhờ nó mà hiểu rõ sự tiến hóa của xã hội. Còn Phan Châu Trinh trọn mười mấy năm
ở Pháp cứ ôm bộ “Ẩm Băng Lương Khải Siêu” cho đến ngày về nước cũng còn đem
theo tàu để lót đầu nằm, thì làm sao hai người không chọi nhau được. Song hai
anh em cũng cứ giữ thái độ bạn già mà đối với nhau.
Tôi nhắc đến câu chuyện này là cốt ý chỉ rằng Phan
Văn Trường là người giác ngộ hơn Phan Châu Trinh. Mà Phan Châu Trinh lại được
quý trọng như kia. Còn sự chết của Phan Văn Trường ngày nay, chắc ít người chú
ý đến”. [2]
Điều này cho thấy mâu thuẫn gay gắt làm rạn nứt mối
quan hệ thân thiết giữa Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường không phải do cá
tính của mỗi người như một số người đã suy đoán mà chủ yếu do lập trường, quan
điểm chính trị. Có thể nói Phan Văn Trường chẳng những “giác ngộ” (tiêm nhiễm
chủ nghĩa Mã Khắc Tư – tức chủ nghĩa Marx) mà còn bị ảnh hưởng bởi Lenin – do
thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga.
Tiết lộ quan trọng nhất của Nguyễn An Ninh trong đoạn
văn nói trên chính là câu: “Sự chia rẽ trong Đảng Xã hội Pháp, lúc toàn quốc
hội nghị ở Tours năm 1920, có ảnh hưởng một cách sâu xa trong đầu óc của Phan
Văn Trường”. Chúng ta có thể hiểu: việc một bộ phận quan trọng trong Đảng
Xã hội Pháp (trong đó có Marcel Cachin, giám đốc tờ nhật báo L’Humanité)
tách ra để thành lập Đảng Cộng sản Pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức và lập
trường chính trị của Phan Văn Trường. Vào thời đó nhiều người trong cánh tả vẫn
chưa nhìn thấy rõ những tác hại của chủ nghĩa Marx-Lenin và mô hình chuyên
chính vô sản, vẫn còn đặt lòng tin vào việc Quốc tế cộng sản (Quốc tế III) sẽ
giúp đỡ cho các nước thuộc địa giành lại độc lập thật sự. Vì vậy, dưới con mắt
của Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh, việc Phan Châu Trinh chủ trương đoàn
kết dân tộc, hợp tác tả-hữu để thiết lập chế độ tự trị (dominion) bị
đánh giá là có “tính đầu cơ”.
Con đường thoát-Trung theo nhận thức của Phan
Châu Trinh:
Đối với Phan Châu Trinh, thoát-Trung là yêu cầu sinh
tử nếu dân tộc Việt Nam muốn tồn tại với tư cách là một quốc gia độc lập thật sự
(chứ không phải chỉ là độc lập “hình thức”), và hơn thế nữa, có thể phát triển
trên con đường văn minh, tiến bộ của nhân loại.
Theo ông, muốn thoát-Trung phải giải quyết hai vấn đề
trọng tâm:
1)
Về tư tưởng – văn hóa:
Để giải trừ được nọc độc chuyên chế, nọc
độc quân chủ đã nhiễm vào Nho giáo, chỉ có một cách hiệu nghiệm nhất:
du nhập chủ nghĩa dân chủ từ nền văn minh phương Tây:
“Đạo Khổng Mạnh đã mất rồi, nay ta muốn nước ta
có một nền đạo đức luân lý vững vàng, thì có gì hay bằng ta hết sức đem cái chủ
nghĩa dân chủ Âu châu về. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc rất thần hiệu
để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về tức là đem đạo
Khổng Mạnh về. Đạo Khổng Mạnh là đạo trung dung thường dùng như cơm nước thường
ngày; như kính trọng cha mẹ, như thương người đồng loại, chớ không phải mê tín
như các đạo khác. Thế thì đem văn minh Âu châu về đã không hại gì mà lại còn
làm cho rõ ràng thêm đạo Khổng Mạnh ra. Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng: đem
văn minh đây là đem cái chân văn minh ở Âu Tây hòa hợp với chân Nho giáo ở Á
Đông, chớ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi của mấy anh Tây học lem nhem
mà cũng không phải là quốc hồn quốc túy của các bác Hán học dở mùa đâu”.
(NVD, sđd, tr. 950)
Thuật ngữ chủ nghĩa dân chủ mà Phan
Châu Trinh sử dụng ở đây chính là cái mà ngày nay người ta gọi là trào
lưu tư tưởng dân chủ (la pensée démocratique).
Về mặt này, phải nói là quan điểm của Phan Châu
Trinh rất “trung dung”. Ông có ý muốn hòa hợp Đông Tây chứ không nghiêng về
phía nào một cách cực đoan. Ông ví việc này với thuật ghép cây:
“Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật,
nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà
chắp với một cây đã cằn cọc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không
tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp,
tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức lực bằng nhau đã.
(…) Nếu ta giữ được một ít đạo đức của ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu châu
đem điều hòa lại, rồi khuếch trương luân lý ta ra cho có quốc gia luân lý,
nghĩa là khiến dân Việt nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam.
Được như thế thì chẳng những nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà trong thế
giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không
dám đem lòng khinh dể ta như ngày nay nữa”. (sđd, tr. 955-957)
Quan điểm nói trên của Phan Châu Trinh ngày nay đã
được thực tế chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ cần nhìn vào một số quốc gia
Á Đông đã mở cửa cho tư tưởng dân chủ phương Tây như Nhật Bản, Hàn Quốc (Nam
Hàn), Đài Loan, … chúng ta thấy họ vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, đồng thời
phát triển theo kịp đà tiến bộ của các nước văn minh. Hơn thế nữa, tại nhiều quốc
gia trên thế giới, nguyên tắc đa nguyên về tư tưởng đã được áp
dụng thành công, giúp cho các sắc tộc thiểu số giữ gìn, phát huy được bản sắc
văn hóa riêng, đồng thời có quyền bình đẳng với sắc tộc chiếm đa số – như người
Maori ở New Zealand là một ví dụ điển hình. Hoặc như ở Thụy Sĩ: từ giữa thế kỷ
19, sau một cuộc nội chiến ngắn ngủi, dân tộc này đã chấp nhận một chế
độ dân chủ và kèm theo đó là nguyên tắc đa nguyên về tư tưởng.
Nhờ đó họ đã tạo ra được sự đồng thuận trong một dân tộc vô cùng phức tạp, hòa
hợp được một cộng đồng đa dạng với ba nguồn văn hóa và ngôn ngữ chính: Pháp, Đức
và Ý, chưa kể đến một nhóm thiểu số có ngôn ngữ riêng – Romanche (Romansh).
Ngoài ra, chế độ dân chủ tại quốc gia này cũng đã hòa giải được hai tôn giáo
(Công giáo La Mã và Tin Lành) trước đó đã từng xung đột với nhau đến mức đẫm
máu.
2)
Về chính trị:
Điều Phan Châu Trinh quan tâm hơn hết là việc du nhập các
thiết chế dân chủ (institutions démocratiques) để từng bước xây dựng một
chế độ dân chủ (régime démocratique) hoàn chỉnh theo kiểu phương Tây
sao cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Ảnh 1: Bản tin về
cuộc diễn thuyết lần thứ hai L’Echo annamite 28 Novembre 1925
Vào khoảng năm 1923, Phan Châu Trinh đã cùng với một
Việt kiều tên là Trần Lê Luật dự định thành lập một diễn đàn lấy tên là “Việt
kiều diễn đàn”. Trong hồ sơ SLOTFOM 15/2 tại CAOM (Centre des archives
d’outre-mer, Trung tâm Lưu trữ về hải ngoại) [3] còn lưu một tài liệu trong đó
Phan Châu Trinh giải thích ý định thành lập diễn đàn này: “Như trên đã nói,
ý chúng tôi định tìm một nơi để đồng bào ta ai biết điều gì cứ một tháng hai kỳ
lại đó diễn thuyết cho nhau nghe: như là chánh trị, văn chương, khoa học, luật
lệ, thương mại, công nghệ, vân vân. Về chánh trị thì không phải là “khái luận”
chánh trị, như công kích chánh phủ bảo hộ hay Việt Nam, bẻ bắt công việc nhà nước,
hay xui giục lòng người dấy loạn, (mà là) những khoa luận về chánh trị, nghĩa
là khảo sát giảng giải về cách tổ chức các chánh phủ, về cách cai trị, lập pháp
các nước là thế nào, vân vân. Những cách ấy chúng ta đã là người đời “Nước cả
trướng giật” không thể ngồi mãi trong hang tối được”. [4]
Qua đoạn trích này, chúng ta thấy rõ Phan Châu Trinh
quan tâm đến những vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị học (sciences
politiques, Political Sciences) và hành chính công quyền (administration
publique, Public Admistration) chứ không phải chỉ chú ý triết học chính
trị (philosophie politique, Political Philosophy) như nhiều người lầm
tưởng.
Cũng vì quan tâm đến các thiết chế chính trị dân chủ
– nhất là Nghị viện (Parlement, Parliament) nên ông đã dành bài diễn thuyết thứ
hai để nói về chủ đề “quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”. Trong tiếng
Pháp, chủ đề này được ghi là “la monarchie et la république” (chế
độ quân chủ và chế độ cộng hòa), như đã ghi trên bản tin của tờ L’Echo
annamite ngày 28-11-1925, một ngày sau khi cuộc diễn thuyết được thực
hiện (Ảnh 1).
Chính các thiết chế dân chủ như Nghị viện (cơ quan đại
diện cho dân), hệ thống tư pháp độc lập và hệ thống đảng phái mới là trọng tâm
thu hút sự chú ý của Phan Châu Trinh trong thời gian cư trú ở Pháp. Thiếu những
thiết chế dân chủ này thì cuộc đấu tranh của xã hội dân sự giành các quyền tự
do căn bản (tự do tư tưởng, tự do hội họp và lập hội, tự do ngôn luận,…) không
thể giành được thắng lợi trọn vẹn, và không thể tránh được nguy cơ xuất hiện một
chế độ độc tài hay dân chủ giả hiệu sau khi giành được độc lập.
Tóm lại, chủ trương “ỷ Pháp” (dựa vào Pháp) để giành
chế độ tự trị (dominion), chuẩn bị nội lực để giành độc lập hoàn toàn cho Việt
Nam, chính là để “thoát-Trung”.
Sở dĩ Phan Châu Trinh chủ trương như vậy là vì
ông tin vào nước Cộng hòa Pháp – một quốc gia dân chủ. Trong một quốc
gia dân chủ, người dân không nhất thiết nghe theo chính phủ, và chính phủ có thể
thay đổi từ một đảng này sang một đảng khác, hoặc từ một liên minh chính trị
này sang một liên minh chính trị khác. Do đó một dân tộc thuộc địa có
thể tìm được sự ủng hộ từ xã hội dân sự và các đảng phái chính trị đối lập tại
chính quốc để đấu tranh giành độc lập. Điều này khác hẳn với trường hợp
một quốc gia “thực dân”, “đế quốc” hay “bành trướng” dựa trên chế độ độc
tài chuyên chế hay độc tài toàn trị: người dân nước lệ thuộc
hay thuộc địa khó lòng tìm ra sự ủng hộ từ mẫu quốc, vì xã hội dân sự ở đó bị
triệt tiêu hay bóp nghẹt, đảng đối lập chính trị không có hoặc có cũng chỉ là
hình thức, là bù nhìn.
Tiêu biểu là trường hợp Hong Kong trong cuộc đấu
tranh vì tự do, dân chủ hiện nay. Nhân dân Hong Kong kể từ khi được “trao trả”
về cho mẫu quốc ngày càng cảm thấy ngột ngạt, khó thở vì nước mẹ không phải là “mẹ
hiền” như nhiều người vọng tưởng, nhưng điều đáng buồn là cuộc đấu tranh chính
đáng đó chưa bao giờ có được một sự ủng hộ mạnh mẽ từ “mẫu quốc”. Người dân tại
Trung Hoa lục địa bị nhiễm độc bởi hệ thống giáo dục và thông tin tuyên truyền
của Đảng Cộng sản hoặc bị kìm kẹp bởi sợ hãi, không những không dám lên tiếng ủng
hộ cho người Hong Kong mà có khi còn phê phán, dè bĩu họ, thậm chí còn ủng hộ
việc đàn áp bằng bạo lực – nếu điều này xảy ra. Bài học “Thiên An Môn” cho thấy
tại mẫu quốc rất khó nổ ra một phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự do, dân
chủ của người dân Hong Kong tương tự như các phong trào ủng hộ người dân thuộc
địa đã từng xuất hiện tại các nước được mệnh danh là “thực dân, đế quốc” trong
thế kỷ 20.
***
Ngày nay, sau gần một thế kỷ, với những biến động
chính trị lớn lao trên thế giới, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bành trướng
Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, thiết tưởng cũng đã đến lúc
chúng ta có thể đối chiếu để nhận định, đánh giá hai quan niệm hoàn toàn khác
nhau: chủ trương “nhập-Trung” của Phan Văn Trường và chủ trương “thoát-Trung” của
Phan Châu Trinh, xem ai đúng ai sai. Để thức tỉnh những ai còn đang mơ màng
trong giấc mộng về một nền hòa bình kiểu Trung Hoa (Pax Sinica) thời
hiện đại, vì nền hòa bình này thật ra cũng chỉ là một thứ “bình cũ rượu mới” mà
thôi.
Không phải ngẫu nhiên mà dưới thời Tập Cận Bình,
Trung Hoa cộng sản đã tái tạo hình ảnh Khổng Tử bằng các Viện Khổng Tử đang mọc
lên nhan nhãn trên toàn thế giới. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày nay,
người cộng sản Trung Hoa đang cố gắng “phục hưng” quốc gia đông dân nhất thế giới
này bằng cách vinh danh Nhà Hán và Nhà Đường – hai triều đại tiêu biểu của chủ
nghĩa bành trướng kiểu Trung Hoa: nhân danh lý tưởng đại đồng,
miệng rêu rao câu khẩu hiệu “tứ hải giai huynh đệ”, nhưng trong thực
tế đã mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực, chém giết, thậm chí tiêu diệt không thương
tiếc các dân tộc nhỏ yếu.
Lịch sử đã cho thấy: dưới thời Nhà Hán, Trung Hoa đã
bành trướng thành một đế quốc còn rộng lớn hơn so với Đế quốc La Mã cùng thời ở
phương Tây. Nhà Hán là triều đại đầu tiên đã đem quân chinh phạt vùng Tân Cương
ở phía tây và thành lập “bộ thuộc địa” để cai trị vùng Tân Cương dưới cái
tên Tây Vực Đô hộ phủ (Protectorate of the Western Regions). Sau
đó, đến lượt Nhà Đường tiếp tục chính sách bành trướng của Nhà Hán, thành lập một
loạt các Đô hộ phủ (Protectorate General) như: An Tây Đô hộ phủ để
cai trị Tân Cương, An Đông Đô hộ phủ để cai trị Cao Ly (Hàn Quốc
ngày nay), An Nam Đô hộ phủ để cai trị miền bắc Việt Nam,…
Cũng chính hai triều đại này đã mở ra Con đường Tơ lụa (絲綢之路 Ty trù chi lộ,
The Silk Road) nổi tiếng – tiền thân của dự án “Một Vành đai, Một
Con đường” (Nhất đới Nhất lộ, One Belt One Road) ngày nay. [5]
Điều chúng ta có thể tin chắc là: nhân vật Khổng Tử
ngày nay được Đảng Cộng sản Trung Quốc tái tạo không phải là Khổng Tử nguyên bản
mà là một ông Khổng Tử đã được chỉnh sửa bằng “dao kéo văn chương” để trở thành
một biểu tượng chỉ nhằm mục đích biện minh cho một chế độ toàn trị kiểu
mới, một thứ chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa thực dân
kiểu mới. Và nền hòa bình mà họ tuyên dương thì nhất định không tiến
hành bằng phương thức hòa bình như một số học giả tưởng tượng.
Ngược lại, cùng với những lời hứa hẹn hoa mỹ kèm theo những món tiền mua chuộc
hậu hĩnh là các giàn khoan khổng lồ kiểu Hải Dương 981 hay các tàu thăm dò
tương tự như Hải Dương 8, được hộ tống bởi các tàu hải giám, các binh đoàn bán
quân sự giả dạng “tàu đánh cá”, và đằng sau nữa là một quân đội khổng lồ được
trang bị tận răng v.v…
Nền văn minh
“Trung Hoa cộng sản” ngày nay do chưa được tẩy độc bằng tư tưởng dân chủ, chưa
được uốn nắn bởi các thiết chế dân chủ, vẫn tiếp tục truyền thống độc
tài, bành trướng của các triều đại quân chủ chuyên chế Trung Hoa trước
kia, thậm chí còn “nâng cấp” lên mức cao hơn. Đó là một nền văn minh
hai mặt với những thủ đoạn tinh vi, những mưu đồ nham hiểm, càng ngày
càng thể hiện là một thứ nguy cơ đe dọa nền hòa bình thế giới và trước hết đe dọa
Việt Nam – một dân tộc đã từng bị đô hộ hơn một nghìn năm và đã tự mình vùng dậy
để hình thành một quốc gia độc lập.
Nhưng một dân tộc như dân tộc Việt Nam – vốn sinh ra
từ lòng khao khát tự do, từ ý chí bất khuất muốn độc lập, không lẽ lại cho phép
một cá nhân hay một đảng phái đưa họ trở lại với xiềng xích nô lệ?
Đà Lạt ngày 30/8/2019
MAI
THÁI LĨNH
___________
[1] Phan Van Truong, Une histoire de
conspirateurs annamites à Paris, sđd, tr.68.
[2] “Vài lời nhắc nhở – Điếu văn khóc Phan Văn Trường”, Trung
Lập 27/4/1933 ; trong Nguyễn An Ninh – tác phẩm, sđd, tr.
1037-1038.
[3] Về sau đổi tên thành ANOM (Archives nationales
d’outre-mer, Cơ quan lưu trữ quốc gia về hải ngoại).
[4] Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan
Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập II, Nxb Đà Nẵng, 2003, trang 410. Thu
Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Nxb
Văn nghệ TP. HCM, 2000, tr. 233.
[5] Dự án này về sau đổi tên thành “Sáng kiến Vành
đai và Con đường” (Belt and Road Initiative, BRI).
_____
Tài liệu tham khảo chính:
– Đại Việt sử ký Toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tập I, bản dịch của Ngô Đức Thọ, Hà
Văn Tấn hiệu đính.
– Quốc sử quán Triều Nguyễn, Khâm định Việt
sử Thông giám Cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2007, tập 1, trang 32.
– Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh,
Viện Đại học Huế, 1965.
– Phan Van Truong, Une histoire de
conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur l’Indochine, Éditions
L’insomniaque, Montreuil – France, 2003.
– Tuyển tập Phan Châu Trinh, TS Nguyễn
Văn Dương biên soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006.
– Nguyễn An Ninh – Tác phẩm, Trung tâm nghiên cứu quốc học biên soạn, Nxb Văn học, 2009.
– Vĩnh Sính, “Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt
Nam của Phan Châu Trinh”, Diễn đàn, Paris tháng
11/2006: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/100-phong-trao-duy-tan
– Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu
Trinh qua những tài liệu mới, tập II, N
xb Đà Nẵng, 2003.
– Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu
Trinh tại Pháp 1911-1925, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 2000.
dieu khac chan may dep
ReplyDeleteđiêu khắc lông mày nữ
phun môi thẩm mỹ 6d
điêu khắc chân mày
dieu khac chan may
phun moi tham my 6d
dạy điêu khắc chân mày
tap chi sac dep
tạp chí sắc đep
tạp chí làm đẹp
tap chi lam dep
tap chi dep
tạp chí đẹp