Trọng Thành - RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 10-09-2019
Quyết
định bất ngờ của tổng thống Mỹ chấm dứt đàm phán với lực lượng Taliban –
Afghanistan, đúng vào lúc tưởng thành công trong tầm tay. Bầu cử địa phương
Nga: Đảng cầm quyền của ông Putin thất bại. Thủ tướng Anh đơn thương độc mã
trong hồ sơ Brexit. Trên đây là các hồ sơ quốc tế được báo chí Pháp hôm nay đặc
biệt chú ý.
Đàm phán Afghanistan đổ vỡ là hồ sơ chính của Le
Monde, với tựa lớn trang nhất : « Afghanistan : Vì sao các thương lượng giữa Trump và Taliban thất bại ?
».
Rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là một mục tiêu tranh cử
hàng đầu của ông Donald Trump hồi 2016, và trước thềm cuộc tái tranh cử vào Nhà
Trắng, đây là một trong các lá bài quan trọng đối với ông Trump nhằm tranh thủ
sự ủng hộ của cử tri. Thất bại nói trên quả là một vố đau với tổng thống Mỹ. Le
Monde ghi nhận một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại là « các bất đồng
trong nội bộ đảng Cộng Hòa ». Theo Le Monde, việc tổng thống Mỹ viện lý do
Taliban vừa đánh, vừa đàm, để hủy bỏ đàm phán đã không phản ánh đúng thực tế. Trong suốt năm qua, đàm phán được
coi là vẫn tiến triển, trong lúc trên thực địa, tấn công khủng bố vẫn diễn ra
thường xuyên.
Việc ông Trump bất ngờ đưa ra quyết định chấm dứt
đàm phán hôm thứ Bảy, 07/09, là do đàm phán bế tắc trong một số điểm căn bản
trong hồ sơ chính. Một bộ phận giới cố vấn của tổng thống Donald Trump, trong
đó có ông John Bolton, đòi hỏi duy trì một « lực lượng chống khủng bố », trong
khi đây là điều mà Taliban bác bỏ. Bên cạnh đó là một yếu tố mang tính biểu tượng
quan trọng : cuộc gặp cấp cao với Taliban dự kiến được tổ chức rầm rộ tại Camp
David, và lại ngay trước ngày tưởng niệm vụ khủng bố 11/09. Đối với thế lực diều
hâu trong chính quyền Mỹ, đây là điều không được phép.
Sau khi Donald Trump thông báo chấm dứt đàm phán với
Taliban, nữ nghị sĩ Liz Cheney, nhân vật thứ ba của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện,
con gái cựu phó tổng thống Dick Cheney, ngay lập tức hoan nghênh và bình luận
thêm : Camp David đã từng là nơi chuẩn bị tổ chức cuộc phản công chống Al-Qaida
(được Taliban hỗ trợ), sau vụ Al-Qaida tấn công khủng bố tháp đôi ngày
11/09/2001, « không một thành viên Taliban nào được phép đặt trên đến đây,
không bao giờ ».
Cú đặt cược bị bỏ lỡ
Bài « Tiến trình hòa bình Afghanistan : Cú đặt cược
bị bỏ lỡ của Trump » trên Le Monde thuật lại những nét lớn của tiến trình đàm
phán, khởi sự từ một năm nay, cũng như những lý do dẫn đến đổ vỡ bất ngờ. Kể từ
năm 2001 đến nay, giữa Hoa Kỳ và Taliban đã có hơn 10 nỗ lực thương thuyết,
nhưng đều thất bại. Theo Le Monde, tiến trình đàm phán cam go kỳ này lại càng
trở nên khó khăn hơn với một dòng Tweet lạc điệu của tổng thống Trump hồi tháng
7/2019, khẳng định bất luận thế nào vẫn sẽ còn lính Mỹ trên đất Afghanistan. Mà
đây lại chính là điều mà lực lượng Taliban kiên quyết bác bỏ.
Trước đó, phía các nhà đàm phán Mỹ đã tìm cách thuyết
phục Taliban, là sau khi các đơn vị quân đội Mỹ rút khỏi nước này, từ đây đến
cuối 2020, sẽ còn một số lực lượng « chống khủng bố » ở lại. Tuy nhiên, ngay cả
vấn đề « lực lượng chống khủng bố » người Mỹ, chứ chưa nói đến quân đội Mỹ, đã
bị phản đối mạnh. Quan điểm của Taliban là Afghanistan có đủ lực để bảo vệ an
ninh chống khủng bố, bảo vệ các quyền lợi của Mỹ tại quốc gia này.
Hồ sơ « Taliban » buộc ông Trump trở lại với hiện thực
Vẫn về vụ đàm phán Afghanistan đổ vỡ, Le Monde có
bài xã luận mang tựa đề: « Taliban buộc Donald Trump trở lại với hiện thực ».
Phân tích của Le Monde trước hết nhấn mạnh đến một « ưu điểm » của tổng thống Mỹ
là luôn thể hiện tôn trọng đến cùng các cam kết tranh cử. Đặc biệt trong vấn đề
Afghanistan, ông Donald Trump có tham vọng là cam kết rút quân sẽ khởi sự trước
cuộc bầu cử tổng thống 2020, vừa để tôn trọng lời hứa với cử tri, cũng vừa để
thể hiện mình hơn hẳn người tiền nhiệm, cựu tổng thống Barack Obama.
Với tổng thống Mỹ, một thỏa thuận với Taliban sẽ
càng vang dội hơn, nếu diễn ra tại Camp David, một địa điểm mang tính lịch sử,
nơi tổng thống Carter trước đây đã thành công trong việc hòa giải Israel và Ai
Cập (năm 1978). Giờ đây, tổng thống Donald Trump tưởng tượng là ông cũng sẽ làm
được một điều tương tự : tập hợp tại Camp David hai đối thủ tại Afghanistan,
phe Taliban và chính quyền Kabul, để ký kết thỏa thuận hòa bình. Nếu thành
công, thì đây sẽ là một màn diễn tuyệt vời, đúng với phong cách ưa màn hình -
sân khấu, hợp với con người tự tôn, đầy tham vọng, như tổng thống Trump.
Thoạt nhìn, các diễn biến có vẻ thuận lợi. Theo nhiều
quan chức chính quyền Mỹ, hai bên đã đi đến nhiều thỏa hiệp, sau 9 vòng thương
lượng. Thỏa thuận sẽ cho phép Hoa Kỳ rút 14.000 binh sĩ, trước mắt là rút ngay
5.000 quân. Đổi lại, Taliban sẽ cam kết chống khủng bố, và tham gia đối thoại với
chính quyền Kabul. Tuy nhiên, theo Le Monde, ông Donald Trump đã phạm hai sai lầm.
Một là coi Taliban là « các đối tác đáng tin cậy », và thứ hai là dường như ông
đã « đánh giá thấp sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Mỹ » - những phản đối
quyết liệt trong nội bộ chống lại dự án hòa bình, đặc biệt là từ phía cố vấn an
ninh quốc gia John Bolton.
« Trung thành với phong cách trình diễn truyền thống
», ông Donald Trump một lần nữa tuyên bố hủy đàm phán, chỉ bằng một dòng Tweet.
Ngoại trưởng Pompeo sau đó đành phải cố sức giải thích trước truyền thông về
nguyên nhân thất bại, quy lỗi cho phía Taliban.
Le Monde nhấn mạnh là « Lịch sử sau này sẽ ghi lại nền
ngoại giao của Donald Trump suy yếu sau thất bại này, do bởi đã ưu tiên phong
cách trình diễn trong một hồ sơ đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là
lần đầu ».
Afghanistan : Liệu đàm phán có nối lại ?
Vẫn về hồ sơ Afghanistan, Libération có bài « Xung đột
Afghanistan : Một bước ngoặt lớn và rất nhiều câu hỏi ». Bài viết nhấn mạnh là
trong bối cảnh bạo lực gia tăng và sau quyết định chấm dứt đàm phán của Donald
Trump, tổng thống Afghanistan tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Taliban. Câu hỏi
lớn đặt ra là : Liệu đàm phán có thể nối lại không ? Libération ghi nhận các nỗ
lực của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngay sau dòng tweet sét đánh của tổng thống
Trump, ông Pompeo liên tục giải thích với báo giới là « một thỏa thuận về
nguyên tắc » vẫn tiếp tục trên bàn sau « rất nhiều tiến bộ ». Việc nối lại đối
thoại tùy thuộc vào thái độ của Taliban. Phía Taliban cũng thừa nhận sẵn sàng
đàm phán tiếp.
Ẩn số lớn hiện nay là quan hệ giữa chính quyền Kabul
với lực lượng Taliban, vốn không thừa nhận chính quyền mà họ coi là bù nhìn của
Mỹ. Bản thân chính quyền của tổng thống Ashraf Ghani cũng không tham gia vào tiến
trình đàm phán Mỹ- Taliban. Tổng thống Afghanistan chỉ được thông báo về thỏa
thuận hòa bình hồi tuần trước. Quan hệ giữa hai thế lực chính tại Afghanistan lại
càng khó lường hơn khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 28/09. Hai ứng cử
viên chính không thể vận động tranh cử, vì điều kiện an ninh không cho phép.
Brexit : Thủ tướng Anh đơn thương độc mã
Nếu như Le Monde đặc biệt chú ý đến hồ sơ
Afghanistan, thì chủ đề chính của Le Figaro hôm nay là chính trị nước Anh với
Brexit. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : « Boris Johnson một mình chống lại
tất cả ». Chỉ còn lại chưa đầy hai tháng nữa là hạn chót (31/10) để Anh quốc rời
khỏi Liên Âu, tuy nhiên tình hình vẫn mờ mịt. Anh sẽ rời Liêu Âu có thỏa thuận
hay không ? Rời Liên Âu vào thời điểm này hay sau đó ?
Theo Le Figaro, hôm qua, thủ tướng Anh Boris Johnson
đã đình chỉ hoạt động của Nghị Viện trong 5 tuần, tức đến ngày 14/10, sau khi đề
xuất tổ chức bầu cử sớm của ông Johnson bị các dân biểu bác bỏ. Le Figaro dùng
hình ảnh ví von « hai cánh cửa cùng lúc đóng lại », để mô tả tình hình kịch
tính này. Cánh cửa thứ nhất là cánh cửa Nghị Viện Anh, còn cánh cửa kia là đề
xuất bầu cử sớm của thủ tướng Anh, bị Nghị Viện bác. Le Figaro nhận định bầu cử
sớm, hay xóa bài làm lại, là cốt lõi trong chiến lược của ông Johnson. Chiến lược
này đã hoàn toàn phá sản.
Giờ đây câu hỏi đặt ra là : Liệu thủ tướng Anh có chấp
nhận thực thi quyết định của Nghị Viện, với luật, yêu cầu châu Âu kéo dài thời
hạn đàm phán thêm ba tháng hay không ? Về mặt chính thức, chính phủ Anh cho biết
sẽ tuân thủ luật mà Nghị Viện vừa thông qua (đã được Nữ hoàng phê chuẩn), tuy
nhiên một số nhân vật trụ cột trong chính phủ vẫn muốn duy trì một không khí mơ
hồ xung quanh luật này. Ngoại trưởng Anh cho biết « sẽ xem xét kỹ » các cách giải
thích khác nhau về luật. Các nghị sĩ chống lại việc Anh rời Liên Âu không thỏa
thuận (tức « no deal ») cũng chuẩn bị sẵn các biện pháp pháp lý để đối phó. Một
số luật sư thậm chí cảnh báo : nếu không thực thi luật, thủ tướng Anh có thể bị
bắt giam.
Bầu cử địa phương Nga : Chiến thuật thành công của đối lập
Về nước Nga, Libération có bài về đảng của Putin mất
tay chân tại địa phương trong cuộc bầu cử địa phương hôm Chủ Nhật vừa qua. Theo
Libération, chiến thuật của đối lập Nga đã thành công, bất chấp các ứng cử viên
độc lập và đối lập bị chính quyền không cho ứng cử. Lãnh đạo đối lập Alexy
Navalny đã đề xuất chiến thuật « bỏ phiếu một cách thông minh », cụ thể là cử
tri đối lập dồn phiếu cho ứng cử viên nào có cơ hội giành chiến thắng trước ứng
cử viên đảng cầm quyền.
Kết quả: hàng loạt ứng viên của đảng Nước Nga Thống
Nhất của ông Putin bị loại, trong đó có 13 ứng viên, ứng cử vào hội đồng nghị
viện Matxcơva (tức Duma Matxcơva). Tại một số thành phố, đảng của ông Putin thất
bại thảm hại, ví dụ như Khabarovsk, Viễn Đông, Nước Nga Thống Nhất chỉ được 2
trên 36 ghế dân biểu.
Tại Matxcơva, 21 trên 45 ghế dân biểu địa phương đã
rơi vào tay ba đảng phái « đối lập trong hệ thống », gồm đảng Cộng Sản, đảng Nước
Nga Công Bằng, đảng Iabloko. Theo Libération, đây là các đảng được chính quyền
coi là « dễ bảo », nhưng « dù sao cũng là đối lập ». Nhìn chung, cho dù tỉ lệ
tham gia bầu rất thấp (hơn 21%), kết quả của cuộc bầu cử nói trên cho thấy « hệ
thống kiểm soát chính trị truyền thống » tại Nga – vốn không cho phép mọi ứng cử
viên nào có quan điểm khác với điện Kremlin được tham gia chính trường - đã bị
vô hiệu hóa.
Hồng Kông: Thảm họa của người phục vụ cùng lúc 2 chủ
Về Trung Quốc, Le Monde có bài : « Hồng Kông: Carrie
Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tại tâm điểm khủng hoảng ».Để hiểu về hành trạng của
nhân vật nằm ở trung tâm cuộc khủng hoảng Hồng Kông, đây là một bài viết không
nên bỏ qua. Le Monde thuật lại những thăng trầm của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, từ
đỉnh cao danh vọng. Người phụ nữ đầu tiên được « bầu » làm lãnh đạo đặc khu Hồng
Kông, với 777 phiếu, tức ba lần con số « 7 » thần thánh, được Bắc Kinh sủng ái.
Vấn đề là bà Lâm không thể cùng một lúc phục vụ hai
chủ nhân, ông chủ Bắc Kinh và chủ nhân thứ hai là « dân chúng Hồng Kông ».
Trong cuộc trao đổi riêng với giới doanh nhân, lãnh đạo Hồng Kông thừa nhận điều
này. Theo Le Monde, khi nói điều này, ắt hẳn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (một tín đồ
Công Giáo) đã có trong đầu một câu nói của thánh Matthieu trong kinh Phúc Âm :
« Nhà ngươi không thể phục vụ cùng lúc Chúa và Mammon (tức biểu tượng của tiền
bạc và sự giầu sang) ».
Đa số người châu Âu muốn Liên Hiệp Châu Âu độc lập hơn
Về Liên Hiệp Châu Âu, Les Echos công bố một kết quả
thăm dò thú vị về quan điểm của các công dân châu Âu đối với tương lai của khối.
Theo một thăm dò dư luận về châu Âu, do cơ quan nghiên cứu và tư vấn ECFR (Hội
Đồng Châu Âu về Đối Ngoại) tiến hành (với 60.000 người, thuộc 14 quốc gia châu
Âu), đa số người dân muốn một châu Âu tự chủ hơn, có tiếng nói độc lập hơn, mạnh
mẽ hơn trên trường quốc tế. Thăm dò được công bố trước khi tân Ủy Ban Châu Âu
chính thức ra mắt. Kết quả thăm dò nói trên hoàn toàn ngược lại với định kiến
lâu nay về một dân chúng châu Âu thụ động, thờ ơ với đời sống chính trị châu lục.
No comments:
Post a Comment