Bùi Thư
Gửi
đến BBC từ TP HCM
10 tháng 6 2019
Vụ
cưỡng hôn trong thang máy ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng và việc cựu viện
phó viện kiểm sát Đà Nẵng có hành vi dâm ô với bé gái trong thang máy ở chung
cư Galaxy 9, TP HCM đã bị hàng loạt tổ chức xã hội dân sự gay gắt lên án.
Thắng lợi của xã hội dân sự
Chiến dịch "Nhân phẩm 200k" được khởi xướng
từ sự kiện trên với lời kêu gọi đổi avatar cùng khẩu hiệu 'Không
bây giờ thì bao giờ' xuất hiện khắp các trang Facebook.
Đây là chiến dịch được nhóm GBVNet - Mạng lưới Ngăn
ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam cùng với bảy tổ chức xã hội dân sự
khác thực hiện nhằm kiến nghị Quốc hội sửa đổi pháp luật liên quan đến quấy rối
tình dục.
Theo GBVNet, cán bộ phụ trách mảng Nội chính của Văn
phòng Chính phủ đã liên hệ đề xuất cuộc gặp với các thành viên của GBVNet để
trao đổi chi tiết hơn, dự kiến Nghị định 167 sẽ được bổ sung nội dung Quấy rối
tình dục với các quy định cụ thể.
Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà sức ép
từ tổ chức xã hội dân sự thực sự buộc chính quyền phải trả lời về quyền phụ nữ
trong các vụ án quấy rối tình dục.
Trong một diễn biến khác, hàng loạt cư dân chung cư
Galaxy 9 đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi tới UBND TP HCM, VKSND Tối cao, VKSND
TP HCM, VKSND quận 4 để kêu gọi xử phạt cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh về tội Dâm
ô với người dưới 16 tuổi.
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh
xuất hiện trên những chiếc xe ô tô cùng dòng chữ "Thành phố đáng sống phải
nhốt sạch ấu dâm".
Tài xế dán Nguyễn Hữu Linh diễu hành trên phố. NHÓM
OTO+
Nhóm OTO+ với hơn 700.000 thành viên trên diễn đàn
và mạng xã hội đã hàng chục nghìn poster có hình ảnh và dòng chữ tương tự được
chia sẻ, phát miễn phí cho các tài xế từ Bắc, Trung, Nam dán lên xe để tạo sức
ép dư luận buộc vụ việc phải được đưa ra xét xử.
Ngay sau đó, Công an quận 4 ra quyết định khởi tố vụ
án, khởi tố bị can Nguyễn Hữu Linh, cấm ông đi khỏi nơi cư trú về hành vi Dâm ô
đối với người dưới 16 tuổi.
So với 5 năm trước, một vụ dâm ô trẻ em tương tự với
bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) ở Bà Rịa - Vũng Tàu dâm ô các bé gái ở chung
cư Lakeside, gia đình các bé phải mất đến 4 năm đấu tranh kẻ dâm ô mới bị xét xử.
Đây là dấu hiệu cho thấy các tổ chức xã hội dân sự
và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội của người dân đã bắt đầu có tiếng nói và
gây ảnh hưởng đến các quyết sách về luật định và chính sách.
Tác động đến luật định và chính sách
Ngày 24/11/2015 việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ
Luật Dân sự (sửa đổi) chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính - được
coi là dấu mốc quan trọng đối với cộng đồng người chuyển giới.
Tôi đã hỏi chuyện luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, chuyên
gia độc lập trong lĩnh vực chính sách và quyền con người tại Việt Nam về chuyển
biến này và ông nêu nhận định:
"Đây có thể được xem là thắng lợi của tổ chức xã hội dân sự vì lần đầu
tiên, một tổ chức phi chính phủ - cụ thể là Viện iSEE được mời đi tập huấn trực
tiếp cho đại biểu và tham gia việc biên soạn luật liên quan đến quyền của người
LGBT".
Diễu hành Viet Pride đầu tiên ở Hà Nội năm
2012. BBC VIỆT NGỮ
Trước đó, cuộc diễu hành Viet Pride được tổ chức lần
đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2012, đánh dấu bước tiến quan trọng của phong trào,
được thực hiện mà không có giấy phép chính thức.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, một trong những thành viên ban
tổ chức ở Hà Nội vào thời điểm đó cho tôi biết, ban tổ chức không thể đăng ký
giấy phép, chỉ có sự hậu thuẫn của các tổ chức quốc tế về tài chính để thực hiện
sự kiện.
Bà Tâm nhìn nhận: "Cuộc diễu hành Viet Pride diễn
ra mà không có sự cấp phép chính thức của chính quyền là minh chứng cho một
không gian tự do hội họp đang vô cùng thiếu ở Việt Nam".
Theo luật sư Duy Hậu, các phong trào dân sinh như luật
liên quan đến quyền của người LGBT, quyền trẻ em, quyền phụ nữ thì mức độ tác động
trực tiếp của các tổ chức tổ chức dân sự rất cao: Đoàn người biểu tình chống dự
luật Đặc khu và luật An ninh mạng 10/6 ở TP HCM.
"Trong một số trường hợp, các tổ chức này còn
đóng vai trò cố vấn chính sách cho nhà nước như về luật liên quan đến quyền của
người LGBT. Tuy nhiên, có những vùng khó vận động hơn và các vùng này tùy thuộc
vào thời điểm" - ông Hậu nói.
Vậy đâu là "vùng cấm"?
Không phải lúc nào sự lên tiếng mạnh mẽ của xã hội
dân sự cũng đạt được những kết quả đáng mừng như thế. Hoạt động của xã hội dân
sự về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai hay nhân
quyền thường gặp nhiều trở ngại.
Tuy có vùng cấm vẫn lạc quan
Cũng theo luật sư Duy Hậu, đối với chính phủ Việt
Nam, "vùng khó vận động" là những vấn đề bị cho là đe dọa đến an ninh
quốc gia, đến vị thế lãnh đạo của Đảng như chủ quyền, nhân quyền hay vấn đề ngoại
giao.
Nhà báo tự do - blogger Phạm Đoan Trang thì cho rằng:
"Phong trào LGBT thành công trong chuyện vận động chính sách vì nhà
nước Việt Nam không coi cộng đồng LGBT là nhóm đe doạ quyền lực chính trị.
Trong ngoại giao, chính phủ Việt Nam thường nhấn mạnh thành tựu "xoá đói
giảm nghèo", "bảo vệ quyền của người LGBT" như đồ trang sức tốt
để khoe với thế giới là mình cũng tôn trọng nhân quyền".
Đoàn người biểu tình chống dự luật Đặc khu và luật
An ninh mạng 10/6 ở TP HCM. FB MANH KIM
Thực tế, cộng đồng LGBT "xuống đường" cầm
cờ lục sắc thể hiện quyền và tiếng nói của mình trong xã hội (dù chưa có giấy
phép chính thức) vẫn không bị đàn áp.
Nhưng người dân cầm biển phản đối Trung Quốc xâm phạm
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dự luật Đặc khu, Luật An ninh mạng và các
dự án thương mại hủy hoại môi trường lại bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn và bị xem
là "thế lực thù địch".
Tờ Quân đội nhân dân trong bài viết "Từ cách mạng
cây, cách mạng cá đến cách mạng màu" ngày 3/6 ghi:
"Cứ ở đâu có các dự án du lịch, du lịch sinh thái gắn với danh lam
thắng cảnh thì ở đó lại xuất hiện một số trang mạng "chuyên đề" phản
đối.
Đây là những chiêu trò mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên
tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam thông qua các tổ chức xã hội
dân sự".
Hình từ một trang FB (@manfortree) vận động bảo
vệ cây xanh ở VN. MANFORTREE
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn thì nêu ý kiến:
"Những bài viết trên báo Tổ Quốc, Quân Đội nhân dân lập luận rằng,
những ai lên tiếng chống lại các dự án thương mại hóa các khu bảo tồn thiên
nhiên đều là phản động. An ninh quốc gia là một con "ngáo ộp" thường
xuyên được sử dụng để dẹp im những tiếng nói phản biện, giúp nhóm lợi ích dễ
dàng phá rừng xây khu du lịch (Sơn Trà, Tam Đảo), lấp biển làm khu giải trí
(Công viên Đại dương), lấn sông chia lô biệt thự (sông Hàn)."
Ông Tuấn nhìn
nhận, các nhóm lợi ích đang dùng chiêu bài "an ninh quốc gia" để kiếm
lợi khủng bằng việc hủy hoại môi sinh và bán đứng lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, ông có cái nhìn khá lạc quan về các tổ chức
xã hội dân sự Việt Nam:
"Nếu nhìn xã hội 3-4 năm trở lại đây từ việc những tài xế phản kháng
BOT bẩn, các bạn trẻ xuống đường bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, người dân biểu tình
bảo vệ môi trường sau thảm họa Formosa hay những người nông dân chân lấm tay
bùn phối hợp với nhau giữ đất ở Đồng Tâm sẽ thấy đây là điểm khởi bùng phong
trào thúc đẩy dân quyền, phát huy dân chủ ở Việt Nam."
SaveNet mở các khoá học về tự do ngôn luận. NGOC DIEP/SAVENET
Ngọc Diệp, đồng sáng lập SaveNet - tổ chức dân sự
thúc đẩy tự do ngôn luận nhận định:
"Vận động chính sách đòi hỏi một tiến trình dài hơi và có chiến lược.
Hiện tại ở Việt Nam, các cuộc vận động phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội. Trong bối
cảnh mạng xã hội bị chính quyền kiểm soát, bị các nhóm lợi ích tác động thì việc
vận động của các tổ chức xã hội dân sự sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, sự tham gia
sôi nổi của hai cộng đồng tổ chức xã hội dân sự có đăng ký và không đăng ký là
điểm nhấn của phong trào xã hội dân sự trong 5 năm trở lại đây".
Theo Ngọc Diệp, các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng
về những vấn đề bức xúc của xã hội là cách thúc đẩy người dân thực hành tham
gia chính trị:
"SaveNet không chỉ khởi xướng chiến dịch phản đối luật An ninh mạng
mà còn lên tiếng cùng GBVNet trong chiến dịch "Nhân phẩm 200k". Đây
là cách các tổ chức dân sự tạo đồng minh để chiến dịch có tiếng nói và chính
danh hơn. Cuối cùng, những dự án giáo dục về những giá trị phổ quát như tự do,
quyền con người nhằm lan tỏa hiểu biết chung cho xã hội là nền tảng cho các
phong trào vận động trong tương lai" - Ngọc Diệp
nói.
---
Bài
viết thể hiện cách hành văn riêng của nữ tác giả, một cây bút tự do hiện sống
tại TPHCM.
No comments:
Post a Comment