08/06/2019
Việt Nam, nước sắp đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN
vào năm 2020, sẽ đóng vai trò quan trọng trong lúc Hoa Kỳ sắp sửa triển khai
giai đoạn đầu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Washington vừa công
bố tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng.
Hầu hết các quan chức cấp cao về ngoại giao và quốc
phòng của Mỹ đều nhấn mạnh quan hệ đối tác với Việt Nam tại hội thảo nhan đề
‘Diễn đàn Ngoại giao Meridian: Các nước sông Mê Kông’ do Trung tâm Quốc tế
Meridian tổ chức hôm 6/6 tại thủ đô Washington D.C.
Tiểu vùng sông Mekong bao gồm năm quốc gia lục địa của
ASEAN: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tính tổng cộng, năm nước
này có dân số 240 triệu người và GDP trên 800 tỷ đô la.
Nhận thức về tầm quan trọng của khu vực này, bản
thân Hoa Kỳ cũng đã có những cơ chế riêng để hợp tác với các nước thuộc lưu vực
sông Mekong, trong đó có Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI) vốn sẽ đánh dấu kỷ
niệm 10 năm thành lập trong năm nay.
Đối tác ‘ngày càng quan trọng’
Mặc dù trong 5 nước này chỉ có Thái Lan là nước có
quan hệ đồng minh theo hiệp ước với Mỹ, nhưng Việt Nam lại được đánh giá là ‘đối
tác ngày càng quan trọng’, ông Mark Clark, quyền phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ,
Văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, phát biểu tại buổi hội thảo.
Ông Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ
trách An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng có nhận định như thế về tầm
quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ trong chiến lược an ninh mới của Washington
trong khu vực.
“Những quốc gia mà chúng ta đề cập hôm nay đều có
vai trò chủ chốt trong chiến lược của Mỹ,” ông nói.
Ông chỉ ra liên tục các chính quyền Mỹ khác nhau đều
đã tích cực xây dựng mối quan hệ với Việt Nam và cho rằng chính quyền của Tổng
thống Donald Trump ‘đưa quan hệ này lên một mức độ cao hơn nữa’ với việc bản
thân ông Trump đã đến Hà Nội hai lần trong vòng 3 năm – tức tương đương với số
lần ông viếng thăm các nước đồng minh quan trọng (Anh, Pháp, Nhật) – trong khi
cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thăm Việt Nam hai lần khi còn tại chức.
Ông cũng lưu ý Việt Nam đã đứng ra tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa
ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Còn bà Piper Campbell, một nhà ngoại giao cao cấp từng
là đại biện của Mỹ ở ASEAN, cho rằng Việt Nam ‘đóng vai trò rất quan trọng
trong ASEAN vào năm tới’ khi mà một trong những vấn đề trọng tâm của ASEAN sẽ
là tăng cường kết nối trong phạm vi nội khối và giữa ASEAN với thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc, phát biểu tại
diễn đàn rằng trọng tâm của Việt Nam khi nắm chức chủ tịch ASEAN là ‘xây dựng
cơ sở hạ tầng’ để tăng cường kết nối, trong đó có việc thực hiện Kế hoạch Hành
động Hà Nội cho Đại khu vực Mekong (tức bao gồm cả Trung Quốc).
“Giao thông là hết sức quan trọng,” ông Ngọc nói,
“Chúng tôi đang cần số tiền đầu tư 48 tỷ đô la Mỹ (vào cơ sở hạ tầng)”.
Trung Quốc hiện đang lôi kéo các nước trong khu vực
tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng do nước này bỏ vốn trong khuôn khổ Sáng kiến
Vành đai Con đường.
“Chúng tôi hết sức cần sự hợp tác của Mỹ trong lĩnh
vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo,” ông Ngọc nói.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Mỹ có sẵn sàng nâng cấp
quan hệ ‘đối tác toàn diện’ Việt-Mỹ thành ‘đối tác chiến lược’ hay không, ông
Jim Webb, cựu thượng nghị sỹ liên bang Hoa Kỳ, nói rằng ‘bất cứ khi nào chúng
tôi có thể cải thiện quan hệ với Việt Nam thì chúng tôi nên làm’.
Trả lời câu hỏi cũng của VOA về làm sao Mỹ-Việt có
thể mở rộng quan hệ chiến lược mà không chọc giận Trung Quốc, ông Webb lưu ý rằng
Việt Nam ‘luôn muốn đảm bảo rằng họ nằm ở giữa các cường quốc (tức không ngả về
một bên nào)’.
“Họ muốn có quan hệ với Nga, với Mỹ và lại muốn
không làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc một cách không cần thiết,” ông nói và
lưu ý Việt Nam đã đi từ chỗ hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô đến xây dựng một
chính sách đối ngoại phức tạp như hiện nay.
‘Lợi ích an ninh chung’
Các quan chức tham dự hội thảo cũng nhấn mạnh về mối
liên hệ về an ninh giữa Mỹ với các nước tiểu vùng Mekong nói riêng và ASEAN nói
chung.
“Các nước Mekong và cả khối ASEAN chia sẻ nhiều lợi
ích chung chiến lược với chúng tôi trong việc xây dựng trật tự dựa trên luật
pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập quốc gia, chủ quyền lãnh
thổ và chế độ chính trị với vai trò trung tâm của ASEAN,” Đại sứ Ngọc nói.
Tại hội thảo, ông Randall Schriver đã tóm tắt ba đường
hướng chính của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà ông gọi là ‘ba chữ
P’, bao gồm ‘Preparedness’, ‘Partnership’ và ‘Promoting a networked region’.
Trước hết, ‘Preparedness’, tức chuẩn bị sẵn sàng, là
tăng cường năng lực phối hợp lực lượng giữa các nước trong bối cảnh Mỹ chuyển từ
các cuộc chiến mà họ tham gia lâu nay sang các cuộc cạnh tranh mới.
Thứ hai, ‘Partnership’, tức quan hệ đối tác, nhấn mạnh
việc Mỹ tăng cường phát triển quan hệ an ninh với các nước trong khu vực mà
theo ông giải thích là ‘Mỹ rất lệ thuộc vào các đối tác để có thể tiếp cận, đặt
căn cứ và dựa vào các đóng góp hậu cần khi dính đến an ninh chung’ do Mỹ không
phải là một quốc gia ở châu Á.
Chữ P thứ ba, ‘Promoting a networked region’, tức
thúc đẩy một khu vực kết nối, nhấn mạnh vào việc hợp tác đa phương để đương đầu
với các thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi cấu trúc
an ninh có sẵn của Mỹ trong khu vực chủ yếu là song phương với một số quan hệ đồng
minh có hiệp ước trong khuôn khổ ‘hub and spoke’ (tức trục và nan hoa)
“Chúng tôi muốn các nước đông nam Á có thể góp phần
bảo vệ các lợi ích chung và đảm bảo rằng các vùng biển quốc tế vẫn là vùng biển
quốc tế,” trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver nói và cho biết Mỹ ủng
hộ vai trò trung tâm của ASEAN và sẽ có cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ-ASEAN lần
đầu tiên vào cuối năm nay.
Đại sứ Hà Kim Ngọc nói các khuôn khổ hợp tác giữa
vùng Mekong với Mỹ như LMI hay ‘Những người bạn của Vùng hạ Mekong’ đã cho phép
hai bên cùng làm việc trên nhiều vấn đề như an ninh, bảo vệ môi trường, đấu
tranh với tội phạm xuyên quốc gia, chống buôn bán ma túy và buôn người.
Một số nguyên tắc của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương trùng khớp với tầm nhìn của ASEAN về bảo vệ chủ quyền và luật pháp
quốc tế, ông Schriver cho hay.
“Nếu quý vị nói là bảo vệ chủ quyền là quan trọng, bảo
vệ luật pháp quốc tế là quan trọng thì chúng ta có thể cùng làm việc với nhau về
những nội dung đó,” ông nói. “Chúng tôi đồng ý với nguyên tắc nền tảng của quý
vị là không muốn phải chọn phe giữa chúng tôi và Trung Quốc.”
Ông cho biết trong giai đoạn đầu tiên thực thi chiến
lược mới, việc Mỹ có thể làm trước mắt là ‘bắt đầu xây dựng năng lực cho các nước
đối tác’.
‘Bất an về Trung Quốc’
Về phần mình, ông Mark Clark cũng thừa nhận rằng lưu
vực sông Mekong là ‘trọng tâm đặc biệt của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương’ và nhấn mạnh những nguyên tắc trong chiến lược này là cam kết đối với chủ
quyền lãnh thổ, sự minh bạch trong quản trị, vai trò trung tâm của Asean, trật
tự dựa trên pháp trị và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trở về từ một chuyến công tác đến khu vực không lâu,
ông Clark nói ông cảm nhận được các nước trong khu vực ‘rất hồ hởi về vai trò mạnh
mẽ của Mỹ trong khu vực’.
“Tuy nhiên, phía dưới có một cảm giác bất an, lo lắng
về áp lực của Trung Quốc đối với các nước để đi theo dự án ‘Một vành đai, Một
con đường’ và áp lực phải ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh,” ông nói.
“Một số người trong khu vực đang lo lắng về việc
Trung Quốc thúc đẩy phạm vi ảnh hưởng và áp dụng các chiến thuật mà chúng ta thấy
trên Biển Đông để mở rộng dần dần phạm vi kiểm soát một cách tinh vi theo lát cắt
salami.”
“Chúng tôi không có chính sách đòi các quốc gia vùng
Mekong phải hạn chế quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng chúng tôi ủng hộ quyền
của các nước được chọn lựa và cân nhắc kỹ trước khi họ đi theo con đường có nguồn
vốn dễ dàng để trở nên quá phụ thuộc và tác động của việc này đối với chủ quyền
của họ trong tương lai,” ông nói thêm.
Cựu Thượng nghị sỹ Jim Webb thì cho rằng vai trò của
Mỹ như là một nhà đảm bảo được chấp nhận cho ổn định khu vực là ‘điểm mạnh nhất’
cho quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực trong tương lai.
Ông Webb cũng chỉ trích mạnh mẽ lập trường của Trung
Quốc muốn giải quyết song phương với riêng từng nước trong các vấn đề của lưu vực
sông Mekong cũng như trên Biển Đông và cho rằng các vấn đề này ‘cần giải pháp
đa phương’.
“Trung Quốc khăng khăng đòi giải quyết toàn bộ vấn đề
Biển Đông trong khuôn khổ song phương mà điều này có nghĩa là sẽ không bao giờ
giải quyết được hay giải quyết theo ý đồ Trung Quốc,” ông Webb nói. “Trên vấn đề
sông Mekong, anh không thể giải quyết song phương với từng nước về các đập thủy
điện mọc lên ở bên phía Trung Quốc được mà anh phải đưa nó tới bàn đàm phán để
có cuộc thương thảo đa phương.”
----------------------------
LIÊN QUAN
06/06/2019
03/06/2019
03/06/2019
13/02/2019
Feb 17, 2019
Apr 1, 2019
02/08/2018
No comments:
Post a Comment