Friday, 7 June 2019

TƯƠNG LAI NÀO CHO LIÊN HIỆP CHÂU ÂU & THẾ GIỚI? (Nguyễn Gia Kiểng)




4/06/19

Liên Hiệp Châu Âu là kết hợp chính trị duy nhất trong lịch sử thế giới được thành lập một cách hoàn toàn tự nguyện và thuần túy đặt nền tảng trên những giá trị chính trị và đạo đức cao đẹp. Đã không hề có một tiếng súng chinh phục, không có bất cứ nước nào bị ép buộc phải gia nhập Liên Hiệp, chỉ có những nước muốn gia nhập mà chưa được. Liên Hiệp Châu Âu đã là đế quốc thực sự văn minh đầu tiên trên thế giới.

Liên Hiệp Châu Âu đã không tan nát sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu kết thúc ngày 26/05/2019 vừa qua. Liên Hiệp Châu Âu được thêm 5 năm để củng cố và giải quyết những thách thức và tiến lên.

Trái với sự lo âu của của nhiều người, và hy vọng của nhiều người khác, Liên Hiệp Châu Âu đã không tan nát sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu kết thúc ngày 26/05/2019 vừa qua. Liên Hiệp Châu Âu được thêm 5 năm để củng cố và giải quyết những thách thức và tiến lên.

Các khuynh hướng ủng hộ quả quyết Liên Hiệp Châu Âu vẫn giữ được một đa số áp đảo, 456 ghế và 67,25% trong nghị viện, dù thành phần có thay đổi, trong khi các khuynh hướng chống hay hoài nghi chỉ được 190 ghế, hay 25%. Điều có ý nghĩa hơn là, trừ một vài thành phần không đáng kể, thiểu số 25% này cũng không còn tuyên bố chống lại Liên Hiệp Châu Âu nữa mà chỉ đòi cải tiến, điều mà đa số ủng hộ nhiệt tình Liên Hiệp Châu Âu cũng đồng ý bởi vì Liên Hiệp đang ở trong tiến trình hình thành. Như vậy giờ này người ta có thể khẳng định là sự tồn tại và tương lai của Liên Hiệp Châu Âu không còn bị đe dọa.

Khác với một cách nhìn phiến diện

Nhìn một cách bình tĩnh phải nói rằng sự lo âu cho sự sống còn của Liên Hiệp Châu Âu không có cơ sở. Nó chủ yếu do một cách nhìn phiến diện về sự trỗi dậy của các lực lượng dân túy khiến người ta nghĩ rằng chúng là một đặc sản mới của Châu Âu. Thực ra phong trào dân túy -kêu gọi triệt thoái về biên giới quốc gia- chỉ là một phản xạ tư nhiên và nông nổi trong mọi dân tộc mỗi khi sự giao lưu giữa các quốc gia tăng lên. Người ta rất dễ có cảm giác rằng mình mất nhiều hơn là được, nhất là khi mình thuộc thành phần đang bị thua thiệt. Phong trào dân túy khai thác cảm giác đó. Nó không mới, nó đã xuất hiện tại tại Châu Âu và Nhật ngay từ đầu thế kỷ trước như là một sản phẩm của làn sóng chinh phục thuộc địa -về bản chất cũng là một phong trào toàn cầu hóa- và đã dẫn tới các chế độ nazi, phát-xít, quân phiệt đặt nền tảng trên một tinh thần dân tộc hẹp hòi, với những hậu quả mà chúng ta đã biết. Gần đây nó tái xuất hiện như một phản ứng trước phong trào toàn cầu hóa mới sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Nó không giới hạn tại Châu Âu mà là một hiện tượng toàn cầu. Và nếu chúng ta nhìn kỹ thì Châu Âu còn ít bị dao động hơn là Mỹ, Nga và Châu Mỹ La Tinh. Các nước Châu Âu không bị phong trào dân túy tác động đến độ đưa lên cầm quyền những nhà độc tài hiểm độc như Putin hay mỵ dân trắng trợn như Donald Trump, Bolsonaro, Dutarte. Lý do khiến người ta có cảm tưởng Châu Âu bị dao động nhất là vì Châu Âu đã cảnh giác và báo động trước. Điều này thực ra chỉ chứng tỏ sức khỏe tinh thần của Châu Âu.

Một lý do khác khiến khiến người ta nghi ngờ khả năng tồn tại của Liên Hiệp Châu Âu là vì Liên Hiệp đang trong giai đoạn thành lập và vì thế không tránh khỏi những lủng củng, điển hình là vụ Brexit, nghĩa là nước Anh rút khỏi Liên Hiệp.

Những thử thách lớn không riêng của Châu Âu

Tuy vậy cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa chứng tỏ Liên Hiệp Châu Âu vẫn vững vàng. Và sẽ có 5 năm tương đối an toàn để đương đầu với những thử thách và tiến tới, trong đó ta có thể nhận diện bốn thử thách lớn.

Thử thách đầu tiên, đồng thời cũng là một triển vọng, là đạt tới một đồng thuận trên một chính sách chung về môi trường. Đồng thuận này tuy khó khăn nhưng chắc chắn sẽ đạt được vì tất cả các nước thành viên đều đã ý thức rằng diện tích Châu Âu quá nhỏ -4,5 triệu km2 cho 520 triệu người của 27 quốc gia- để cho phép mỗi nước có một chính sách môi trường riêng. Một nét đậm của cuộc bầu cử vừa qua là trong khi các chính đảng truyền thống đều bị thiệt hại thì tất cả các đảng Xanh trong mọi nước đều đã mạnh lên một cách ngoạn mục và đều biểu lộ sự gắn bó chặt chẽ với Liên Hiệp Châu Âu. Đồng thuận về môi trường sẽ là chất keo gắn bó các nước Châu Âu trong một tương lai chung. Môi trường là một vấn đề khoa học và vì thế không có chỗ đứng cho các luận điệu mỵ dân. Chúng ta có thể lưu ý là các lãnh tụ dân túy, dù là Donald Trump hay Putin, hay Marine Le Pen, hay Bolsonaro hay Dutarte, sau cùng đã chỉ tránh né chứ không còn tấn công các quan tâm về môi trường nữa.

Thử thách thứ hai là đương đầu với làn sóng di dân. Phải nói ngay rằng Châu Âu đã là nạn nhân của chính quyền Mỹ dưới thời Barack Obama. Obama, với Hillary Clinton làm ngoại trưởng, đã tồi dở ngoài mọi tưởng tượng trong chiến lược đối ngoại. Cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq -bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Châu Âu- đã là một sai lầm và đã gây thiệt hại lớn về nhân mạng cũng như về tài chính cho Mỹ nhưng đã gần như thành công vào lúc Obama lên cầm quyền. Quyết định triệt thoái hấp tấp của Obama đã cho phép lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo Daesh bùng phát, suýt nữa đánh gục chính quyền dân chủ mà Hoa Kỳ vừa giúp thành lập, buộc Hoa Kỳ phải khẩn cấp can thiệp trở lại, sau khi đã để quân Daesh chiếm được nhiều vùng rộng lớn với nhiều giếng dầu và vô số vũ khi tối tân mà Hoa Kỳ trang bị cho chính quyền Iraq để trở thành một lực lượng rất mạnh. Barack Obama và Hillary Clinton còn phạm một sai lầm lớn khác trong Mùa Xuân Ả Rập 2011. Họ hùng hổ kêu gọi đánh đổ chính quyền độc tài Bachar Al-Assad rồi không dám can thiệp như đã tuyên bố khiến cuộc chiến Syria kéo dài, cùng với cuộc chiến Iraq, làm trên 500.000 người chết và trên 5 triệu người tỵ nạn, trong đó khoảng hai triệu người tìm cách sang Châu Âu. Dù phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng lớn mà mình không gây ra nhưng Liên Hiệp Châu Âu nói chung đã ứng xử một cách văn minh, khác hẳn với thái độ của chính quyền Donald Trump đối với người tỵ nạn từ Nam Mỹ. Làn sóng di dân từ Trung Đông và Châu Phi tuy đã khiến Liên Hiệp Châu Âu khủng hoảng nhưng đang dần dần dần được giải quyết và sẽ cho người Châu Âu thêm một lý do để tự hào và để gắn bó với nhau.

Thử thách thứ ba là thành công trong cuộc tranh đua khoa học kỹ thuật. Châu Âu đang có vẻ bị tụt hậu trong cuộc cách mạng 4.0, về truyền thông, tự động và trí khôn nhân tạo. Các công ty lớn nhất, như Google, FaceBook, Apple, Samsung, Huawei, Alibaba, Amazon, đều không phải là những công ty Châu Âu. Tuy vậy Châu Âu vẫn đứng đầu, hay đứng hàng đầu, trong nhiều ngành khác như công nghiệp dược phẩm, xe ôtô, đường sắt cao tốc, máy bay, mỹ phẩm và du lịch v.v. Sự thua kém về công nghiệp 4.0 có nguyên nhân của nó. Đó là Châu Âu cho tới nay vẫn coi mình và Hoa Kỳ "tuy hai mà một" và không hề cảm thấy mất mát khi những phát minh của mình được ứng dụng và khai thác tại Mỹ. Một thí dụ cụ thể là mạng Internet đã xuất phát từ Pháp, với tên Minitel, nhiều năm trước khi được khai thác tại Mỹ. Sự di chuyển chất xám từ Âu sang Mỹ không là bí mật với bất cứ ai. Sự đồng hóa này đang chấm dứt từ khi Donald Trump ra mặt chống Châu Âu và công khai vận động làm tan vỡ Liên Hiệp Châu Âu. Các tổng thống Mỹ sau Trump sẽ thân thiện hơn nhưng quan hệ Âu–Mỹ sẽ không thể nào như trước và Châu Âu sẽ bắt buộc phải cạnh tranh với Mỹ. Kết quả sẽ ra sao là một câu hỏi lớn, nhưng điều chắc chắn là tiềm năng khoa học kỹ thuật của Châu Âu không thua Mỹ. Châu Âu cũng có những ưu thế khác. Tuy không giầu bằng Mỹ nhưng cũng hơn xa phần còn lại của thế giới, vượt trội về văn hóa và tri thức, có một nền giáo dục phẩm chất mở cửa cho mọi người và do đó có thể đào tạo và động viên tối đa tài nguyên trí tuệ.

Thử thách thứ tư và lớn nhất là xét lại và cải tiến mô hình chính trị. Đây cũng là thử thách cho toàn thế giới. Các khái niệm tự do, dân chủ, chủ quyền, quốc gia, dân tộc, bình đẳng, liên đới v.v. phải được định nghĩa lại như thế nào trong kỷ nguyên toàn cầu này ? Kinh tế và tài chính có thể được có chỗ đứng nào trong chính trị ? Tổ chức chính trị - xã hội nào phù hợp với thế giới ngày nay ? v.v. Khi tư tưởng chính trị không đi trước để chuẩn bị và hướng dẫn những thay đổi trong xã hội thì khủng hoảng là điều chắc chắn như lịch sử thế giới đã chứng minh. Và đó là điều đang xảy ra.

Thế giới đang sa vào khủng hoảng –phong trào dân túy chỉ là một trong những thể hiện- bởi vì từ sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt hầu như đã không còn thảo luận chính trị. Dân chủ tư bản được coi như đã toàn thắng, kinh tế thị trường dần dần dẫn đến xã hội thị trường trong đó đồng tiền vừa là trên hết vừa được tập trung vào tay một số người càng nhỏ. Dân chủ mất dần nội dung. Cuộc thảo luận đã bùng phát trở lại sau khi quá nhiều mâu thuẫn đã tích lũy. Nó đã rất sôi nổi và gay go tại Châu Âu, thí dụ như với phong trào Áo Vàng. Nó đã khiến nhiều người nghĩ Châu Âu đang rất bất ổn. Nhận xét này rất hụt hẫng. Châu Âu thật ra có ít mâu thuẫn xã hội hơn phần còn lại của thế giới. Châu Âu đã tranh cãi sôi sục chỉ vì đi trước thế giới về tư tưởng và nhìn thấy trước nhu cầu xét lại này. Trên thực tế Châu Âu ít bị đe dọa nhất về mặt chính trị và xã hội. Chênh lệch giầu nghèo không thách đố như tại các nước khác, hệ thống an sinh xã hội vững mạnh, sinh hoạt chính trị luôn luôn được sự tham gia đông đảo của quần chúng. Tư tưởng chính trị chính là bàn tay vô hình điều khiển xã hội mà Adam Smith nói tới. Vô hình cho nên khó nắm bắt. Không có khủng hoảng nào đáng sợ bằng khủng hoảng tư tưởng chính trị. Trong cuộc thử thách nguy hiểm này Châu Âu có nhiều hy vọng thoát hiểm và sau đó vươn lên hơn hẳn phần còn lại của thế giới.

Tương lai nào ?

Nét đậm của Liên Hiệp Châu Âu là nó đã là kết hợp chính trị duy nhất trong lịch sử thế giới được thành lập một cách hoàn toàn tự nguyện và đặt nền tảng trên những giá trị chính trị và đạo đức cao đẹp. Đã không hề có một tiếng súng chinh phục, không có bất cứ nước nào bị ép buộc phải gia nhập Liên Hiệp, chỉ có những nước muốn gia nhập mà chưa được. Liên Hiệp Châu Âu đã là đế quốc (hiểu theo nghĩa một kết hợp chính trị lớn mạnh) thực sự văn minh đầu tiên trên thế giới. Văn minh và hùng mạnh vì Liên Hiệp Châu Âu có GDP ngang với Hoa Kỳ, nghĩa là đứng đầu thế giới, với một trình độ văn hóa, nghệ thuật và khoa học có phần cao hơn.

Những khó khăn mà Liên Hiệp Châu Âu vừa trải qua và đang vượt qua có hai nguyên nhân. Một là Liên Hiệp đã bành trướng quá nhanh, từ 12 nước năm 1995 lên 28 nước năm 2013, để có thể giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề nội bộ đặt ra. Hai là sự lớn mạnh nhanh chóng của Châu Âu đã gây lo ngại cho nhiều thế lực tại Nga và Mỹ. Đối với Putin bản chất dân chủ của Châu Âu là một đe dọa trực tiếp đối với chế độ độc tài của ông ta. Thành phần thủ cựu cực hữu chung quanh Donald Trump cũng nhìn Liên Hiệp Châu Âu như một đe dọa đối với địa vị số 1 của Hoa Kỳ và vai trò đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế của đồng đôla. Cả Putin lẫn Trump đều chống Liên Hiệp Châu Âu ra mặt. Nhưng cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa chứng tỏ Liên Hiệp Châu Âu mạnh hơn họ tưởng và sẽ không hề chao đảo. Châu Âu thua xa Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự nhưng cũng sẽ không bao giờ xung đột với Hoa Kỳ. Quan hệ giữa hai bên tuy không còn "tuy hai mà một" như trước đây nhưng vẫn là quan hệ thân tình. Giai đoạn Donald Trump đang kết thúc, nhưng hiện tượng Trump vừa chứng tỏ nước Mỹ đã phân hóa lớn và có thể sẽ rất lúng túng trong tương lai, nhất là khi đồng đôla không còn vai trò hiện nay. Trump là một dấu hiệu hơn là một nguyên nhân, dấu hiệu rằng Hoa Kỳ không còn muốn và cũng không còn có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới.

Ngoài Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu còn những thế lực lớn nào trên thế giới ?

Có thể loại bỏ ngay vai trò của Nga. Nước Nga tuyệt đối không có tương lai nào. Ngoài kho vũ khí mà nó không còn khả năng để tiếp tục duy trì, chưa nói phát triển, Nga hầu như không có khả năng công nghiệp nào. Kinh tế Nga nói chung chỉ là xuất khẩu dầu khí để nhập khẩu hàng hóa, nhưng thời đại của dầu khí đang cáo chung. Trọng lượng kinh tế của Nga hiện chỉ là 1,5% kinh tế thế giới và sẽ còn giảm trong khi chế độ chính trị Nga cần được xét lại toàn diện. Tương lai của Nga trong trường hợp may mắn nhất chỉ là tương lai của một nước không quá dưới mức trung bình.

Trung Quốc dù cố tình phô trương một bề ngoài hào nhoáng đang sắp lâm vào khủng hoảng kinh tế lớn và bắt đầu tiến trình tan vỡ trong một tương lai rất gần. Cuộc chiến thương mại của Donald Trump chỉ gây những thiệt hại kinh tế không đáng kể so với những thiệt hại mà Trung Quốc gây ra cho chính mình trong khi lại giúp Trung Quốc đoàn kết trước một kẻ thù chung. Dầu vậy mô hình chính trị và kinh tế Trung Quốc quá sai và đã tích lũy quá nhiều mâu thuẫn để có thể tồn tại.

Ấn Độ có tương lai đầy hứa hẹn nhưng sẽ chỉ thực sự trở thành một cường quốc trong nửa sau của thế kỷ 21 này, trong khi Nhật bị giới hạn về địa lý và dân số.

Trong khi chờ đợi, nghĩa là trong vài thập niên sắp tới, vai trò lãnh đạo thế giới sẽ được đảm nhiệm bởi sự hợp tác giữa các quốc gia và các tập hợp dân chủ lớn trong đó, trái với cái nhìn của nhiều người, Liên Hiêp Châu Âu sẽ có vai trò ngày càng quan trọng hơn.

Một lời sau cùng.

Tại sao quan tâm tới vai trò và tương lai của các nước lớn trong khi chúng ta chỉ là một nước nhược tiểu chưa lo nổi cho chính mình ? Đó là vì chúng ta đã là chúng ta ngày nay sau khi lạc lõng và bế tắc trong những ngõ cụt vì không hiểu thế giới. Chọn lựa chủ nghĩa Mác Lênin và phục tùng Liên Xô của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam là một thí dụ.

Nguyễn Gia Kiểng
(04/06/2019)







No comments:

Post a Comment

View My Stats