Monday, 17 June 2019

TRUNG QUỐC TRỖI DẬY CÓ GÌ HAY, HAY CHỈ LÀ HIỂM HỌA? (Nguyễn Hiền - VNTB)



6-17-2019

(VNTB) - Cường quốc, không chỉ định nghĩa bằng thành tựu kinh tế, mà phải bằng các giá trị phổ quát hiện hữu, và khả năng quyền lực mềm. Cả hai điều cần có, ở Bắc Kinh đều không tồn tại.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn, vẫn có những quan điểm trái chiều.

Daniel Wagner, tác giả cuốn sách Tầm nhìn Trung Quốc đã có một bài đăng trên Reuter, trong đó ông cho rằng, bản chất của cuộc chiến lần này, và kết quả của sự dàn xếp thỏa đáng nhất chính là, “Bắc Kinh phải sửa đổi hành vi của mình để cuối cùng Mỹ sẽ đạt được vị thế bình đẳng hơn trong lĩnh vực thương mại. Đồng quan điểm, Washington phải hiểu rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi, cũng giống như sự suy giảm cuối cùng của Mỹ là cường quốc hàng đầu thế giới.”.

Bài viết này cũng dẫn ý kiến của cựu Bộ trưởng Ngoại giáo Mỹ, Henry Kissinger, người có công đưa Trung Quốc trở thành cường quốc như ngày hôm nay.

Henry Kissinger phản đối mối quan hệ Trung-Mỹ hiện tại và nhấn mạnh không nên coi mối quan hệ này là một trò chơi có tổng bằng không. Kissinger cũng đã nói rõ rằng một Trung Quốc thịnh vượng và hùng mạnh không nên tự mình coi đó là một thất bại chiến lược của Mỹ. Cả hai quốc gia đều bị buộc phải tương tác; câu hỏi là liệu họ sẽ làm như vậy với tư cách là đối tác hay đối thủ.

Hãy bàn về cách hành xử của lãnh đạo Trung Quốc, để biết rằng, nếu buộc phải tương tác, thì đó là hợp tác hay là nuốt sống lẫn nhau.

Kể từ thời điểm ông Hồ Cẩm Đào đi xuống, Tập Cầm Bình bước lên với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thay Mỹ lãnh đạo thế giới, và tham vọng “Made in China 2025” được đề ra như một giải pháp thúc đẩy Bắc Kinh nắm lấy cơ hội đó. “Đế quốc Mỹ” suy tàn, ít nhất là trong thời điểm Obama trở thành Tổng thống, Bắc Kinh liên tục thâu nạp công nghệ của Mỹ bằng thủ thuật sao chép, chèn ép các công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc,… Đối với bên ngoài, cách mà “cường quốc” thứ hai thế giới hành xử là tiến hành gây sự với các quốc gia trên biển tranh chấp như Nhật Bản tại Hoa Đông, Việt Nam hay Philippines tại Biển Đông. Không những thế, Bắc Kinh tìm cách gia tăng sức mạnh quân sự bằng cách tinh nhuệ hóa đội quân, sắm sửa vũ khí (đặc biệt là hình thành tàu sân bay Liêu Ninh mua lại của Ukraina), tiến hành đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa các dãy đảo trên vùng Biển Đông (hình thành Vạn lý Trường thành trên biển), đẩy nhanh sáng kiến Một vài đai – một con đường, và tìm kiếm các giải pháp liên minh quân sự thông qua siết chặt tổ chức Hợp tác Thượng Hải (2001).

Sau một thời gian tích lũy tư bản, Trung Quốc lộ mặt và đẩy nhanh cuộc chiến săn mồi. Thời điểm Tập Cận Bình lên nắm quyền trùng với thời điểm Bắc Kinh đang đạt những thành tựu to lớn về mặt phát triển kinh tế, xã hội, quân sự. Nhưng hãy nhìn cách mà Bắc Kinh đã ứng xử với các quốc gia, Bắc Kinh dùng chiêu bài ngoại giao tiền bạc để tiến hành những dự án đầu tư tại Châu Phi, đáp lại là những mỏ tài nguyên được đào lên để chở về Trung Quốc. Bắc Kinh tiến hành gây sự mạnh với các quốc gia tranh chấp chủ quyền, đặc biệt, Việt Nam trong thời kỳ nắm quyền của Tập Cận Bình liên tục bị gây sức ép, gây rối, thậm chí chà đạp những quan điểm hữu hảo của Hà Nội. Đối với Ấn Độ, Trung Quốc bơm tiền để Pakistan gây rối với India, cũng như tiến hành những xô xát vùng biên giới Ấn – Trung.

Hãy xem cách mà Bộ trưởng Quốc Phòng trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà phát biểu dối trá đến mức thô bỏ tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La (Singapore) ngày 2.6, khi ông ta tuyên bố: Lịch sử đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh là Trung Quốc sẽ không theo con đường của những cường quốc tìm kiếm việc bá quyền khi mình lớn mạnh. Bá quyền không phù hợp với những giá trị và quyền lợi quốc gia của Trung Quốc.

Khi Ngụy Phượng Hòa tuyên bố như vậy, thì Việt Nam đã trở thành ví dụ điển hình nhất, sâu sắc nhất trong phản bác luận điệu nêu trên.

Nếu chính quyền Trung Quốc lừa bịp và mị dân số hai, thì không có quốc gia nào có thể tuyên xưng số một. Bởi chính quyền Bắc Kinh liên tục thể hiện một bản chất “quân tử Tàu”, khi lời nói và hành động hoàn toàn không theo cùng nhau. Đó chính là lý do vì sao, người Việt Nam, những người đang sống tại một quốc gia “Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” với Trung Quốc, nhưng khi Trung Quốc càng chật vật trong cuộc chiến thương mại, thì cảm xúc của người dân Việt Nam hầu hết càng vui mừng.

Thời kỳ Tập Cận Bình đã minh chứng được rõ nét nhất quan điểm “sự trỗi dậy của Trung Quốc” không phải là điều tốt lành cho thế giới, mà nó gây ra sự đe dọa với thế giới, đặc biệt là những giá trị về dân chủ, nhân quyền, và sự tôn trọng chủ quyền các quốc gia đều bị ép đến chết dưới bàn tay Bắc Kinh. Do đó, Daniel Wagner đã sai khi cho rằng, “sự trỗi dậy của Trung Quốc” là không thể tránh khỏi, và sự suy giảm của Mỹ với tư thế là cường quốc hàng đầu. Bởi cách thức hành xử quốc gia của Bắc Kinh đã không cho thấy bản chất một nước lớn thực sự, ngoại giao mềm của Trung Quốc chỉ là ngắn hạn khi nó dựa vào nguồn tiền đi kèm với vơ vét tài nguyên, thay vì dùng nó để bổ trợ các quốc gia xung quanh.

Mới đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất thành lập liên minh Châu Á, và trong tuyên bố của mình, ông Tập nhấn mạnh “sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau”. Nhưng thực tế, Bắc Kinh đã tự đánh mất giá trị này trong thời gian qua, biến câu nói trên trở nên hợm hĩnh và đầy hài hước, tương tự câu nói trước đó của ông ta, “Trong máu người Trung Quốc không có gen xâm lược”. Và ngay cả khi một liên minh như vậy được thành lập, thì nó cũng chỉ là sân chơi của những nước nghèo, bạo loạn và độc tài, không khác gì tổ chức Hợp tác Thượng Hải – tổ chức thành lập 2001 với Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan vốn “không chứng minh được giá trị” sau gần 2 thập niên.

Chơi với Trung Quốc sẽ chết bởi Trung Quốc, trỗi dậy của Trung Quốc sẽ giết chết các quốc gia láng giềng bởi tham vọng và bản chất bá quyền của quốc gia này từ xưa đến nay. Cái mà Tập Cận Bình làm được cho thế giới, và bản thân lãnh đạo Việt Nam biết được, chính là lôi cái bản chất ra ngoài ánh sáng, thay vì ấp ủ “giấu mình chờ thời và quyết không đi đầu” của Đặng Tiểu Bình.

Cường quốc, không chỉ định nghĩa bằng thành tựu kinh tế, mà phải bằng các giá trị phổ quát hiện hữu, và khả năng quyền lực mềm. Cả hai điều cần có, ở Bắc Kinh đều không tồn tại.












No comments:

Post a Comment

View My Stats