Tuesday, 11 June 2019

TÍNH ĐIỂM CÔNG DÂN : "ROBOT HÓA" CON NGƯỜI ? (Phan Dương Hiệu)





Bài trả lời phỏng vấn của tôi trên báo Lao Động số ra hôm nay, trước vấn đề "Nên chăng, học hỏi mô hình tính điểm công dân của Trung Quốc tại Việt Nam!?"

Dưới đây là bản text bài phỏng vấn để các bạn dễ đọc hơn bản chụp báo giấy.

---------------------

Tính điểm công dân - "Robot hoá" con người?

"Hệ thống tính điểm công dân là một ứng dụng khoa học công nghệ cần phải tránh. Một sự đánh giá chỉ dựa trên những thước đo định lượng là một sự đánh giá nghèo nàn và nguy hiểm, nó đưa cái phong phú đa dạng của cuộc sống cho vừa khuôn của một bộ quy tắc..." - GS mật mã học Phan Dương Hiệu (ĐH Limoges, Pháp) góp ý, trước ý kiến: Nên chăng, học hỏi mô hình tính điểm công dân của Trung Quốc tại VN?

PV: Sử dụng công nghệ nhận dạng để đánh giá từng hành động của mỗi người dân bằng việc lắp camera khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Từ đó, xếp loại công dân và lấy đó làm tiêu chí ưu tiên cho những công dân tốt, giới hạn điều kiện với những công dân xấu... - Hệ thống tính điểm công dân của Trung Quốc có vẻ như là một hệ thống lý tưởng cho sự công bằng, giúp người dân ý thức, cư xử văn minh hơn. Anh có thấy thế?

PDH: Để có một hệ thống đánh giá điểm thì có hai vấn đề quan trọng: độ đo để định lượng điểm cao thấp và cách thức cùng phương tiện để thực hiện điều đó. Cả hai vấn đề này đều sẽ có rất nhiều bất cập đối với hệ thống tính điểm công dân.

Điểm quan trọng nhất của vấn đề là độ đo. Muốn đánh giá tốt/xấu qua một hệ thống tính điểm thì phải định nghĩa một độ đo: thế nào là điểm cao/tốt, thế nào là điểm thấp/xấu. Có những thước đo khá tường minh như: cố tình vượt đèn đỏ, cướp giật..., thì là xấu, đương nhiên! Cũng thế, với các dịch vụ hàng không hay khách sạn, độ đo khách hàng thường xuyên rất dễ định nghĩa tường minh: ai bay xa, ai đặt phòng nhiều thì được cộng điểm.

Với hệ thống tính điểm công dân, điểm khác biệt cơ bản là vì không có độ đo phổ quát để định nghĩa tường minh thế nào là một công dân tốt hay xấu, việc đánh giá sẽ phụ thuộc đáng kể vào quan điểm của người làm hệ thống tính điểm, tức là của chính quyền. Một sự tung hô vô nghĩa có thể được chấm điểm cao, nhưng một phát biểu thẳng thắn khác biệt, cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội thì lại có thể bị hệ thống đánh giá là nói xấu nhà nước và bị cho điểm thấp.

Chúng ta thử hình dung nếu hệ thống đó được thực thi trước Đổi Mới, thì sẽ khó mà có Đổi Mới, bởi những quan điểm đi ngược ý thức hệ lúc bấy giờ sẽ bị đánh điểm xấu; những người có tư tưởng đổi mới sẽ bị hệ thống tính điểm coi là xấu và vô hiệu hoá, còn ai quyết định Đổi Mới nữa.

Do vậy, khi chính quyền đưa ra một độ đo định chuẩn và gắn quyền lợi người dân với độ cao thấp trong thước đo đó, vô hình trung làm mọi công dân phải hướng theo độ đo được định sẵn, dù đồng tình hay không. Nó làm hành xử con người trở nên giả dối, triệt tiêu sáng tạo vượt khuôn khổ, và con người sẽ trở nên máy móc hơn, xa rời tính nhân văn.

Điểm đặc thù nữa là các hệ thống dịch vụ thì ta có thể chọn tham gia, còn điểm công dân thì gần như là bị ép buộc, những quyền lợi tối thiểu như đi tàu xe, đăng ký khách sạn... cũng trở nên bất công bằng dưới lăng kính của độ đo tốt/xấu. Nếu theo luật pháp có xét xử và có kháng án, thì hệ thống độ đo gần như là áp đặt và không thể có quan toà nào đủ sức để xét xử từng vụ việc cộng điểm/trừ điểm là đúng hay sai, toàn bộ quyền lợi công dân trở nên phụ thuộc vào sự đánh giá của độ đo.


PV: Chẳng phải lúc này mọi thứ đều đang được "lượng hoá" bởi các "độ đo" lượt like, lượt share và lượng view sao?

PDH: Chính thế, và việc sử dụng chúng không đúng cách, chạy theo số lượng có thể rất tác hại. Độ đo chính là luật chơi, nó có thể quyết định lớn đến hành xử của những ai tham gia. Ngay cả nghề báo của chị cũng không là ngoại lệ. Khi tổng biên tập đưa ra độ đo là số view của bài báo, chấm nhuận bút cho phóng viên dựa trên số view đó, thì đã đẩy hầu hết phóng viên vào việc chạy đua để đưa những tin giật gân, đôi khi bất chấp tính trung thực, miễn là thu hút được tính hiếu kỳ của số đông. Những bài báo sâu sắc, dày công nghiên cứu, và chọn lựa độc giả trở nên khan hiếm dần, dưới sự ghẻ lạnh của độ đo “số view”. Cộng với những "vùng cấm" được cho là nhạy cảm - cũng như là một dạng ảnh hưởng bởi độ đo của luật chơi, hậu quả là nền báo chí dần trở nên bị “lá cải hoá". Đối với mạng xã hội người dùng cũng được trang bị các thước đo: lượt likes, lượt shares... Khác chăng là ở đấy mỗi người có một thế giới riêng và có thể tự định nghĩa cho mình một độ đo, tiêu chuẩn riêng chứ không phải ai cũng chỉ thích đếm. Vì thế mà tạo nên sự phong phú, đa chiều tích cực.


PV: Nhưng giả sử hệ thống tính điểm sẽ chỉ đánh giá những chỉ số tường minh như anh nói: vượt đèn đỏ hay ăn cắp... thì rõ ràng điều đó giúp đem lại lợi ích và an toàn cho người dân đấy chứ?

PDH: Nếu mục đích chỉ dừng ở mức độ đảm bảo an toàn công dân thì tốt thôi. Nhưng nếu vậy thì không cần phải làm cả hệ thống tính điểm toàn dân. Khi tiến hành một hệ thống tính điểm công dân thì nó chạm đến vấn đề thứ hai mà tôi nói ở trên: cách thức cùng phương tiện để thực hiện. Ở đây, đó là việc phải đặt một mạng lưới camera theo dõi từng ngõ ngách, phải nhận dạng từng khuôn mặt công dân ở từng thời điểm xem họ đang làm gì để tính điểm. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự riêng tư và an toàn dữ liệu của công dân.

Nếu chỉ sử dụng camera để tăng mức an toàn cho công dân là một bài toán đã được xem xét ở rất nhiều nước. Đó là một bài toán tối ưu: mắc bao nhiêu camera là đủ (tức là có thêm nữa thì cũng không có ích) để vừa đạt mức an toàn, vừa không xâm phạm quá mức sự riêng tư của người dân, mắc ở những vị trí nào, ai có quyền truy cập dữ liệu, dữ liệu được lưu trữ bao lâu và sau bao lâu phải xoá... Vấn đề này cần có sự đánh giá và nhiều nước đã làm. Những nghiên cứu chính thức của Pháp (của Viện nghiên cứu INHESJ - Institut national des hautes études de la sécurité et de la justice https://inhesj.fr/…/les_trav…/politiques_videoprotection.pdf) và Anh (được thực hiện ở Newcastle, Birmingham và King’s Lynn) cho thấy việc mắc camera không thực sự có tác dụng trong những vụ việc nghiêm trọng (tấn công người, buôn bán ma tuý, khủng bố...) mà chỉ có tác dụng trong những sự vụ nhỏ (ăn cắp xe cộ, phạt nguội vi phạm giao thông...). Chúng ta cần tham khảo những nghiên cứu của các nước để đưa ra phương án tối ưu, tránh việc mắc tràn lan camera ở khắp nơi, vừa không hiệu quả, lại cũng có thể trở thành công cụ tấn công cho kẻ xấu nếu vấn đề an toàn thông tin mạng không được bảo vệ chặt chẽ.


PV: Đã có những cuộc tấn công mạng thông qua hệ thống Camera?

PDH: Ngay trên đất Mỹ mới đây đã có nhiều vụ thâm nhập vào hệ thống Camera của cảnh sát. Năm 2017, tại Washington DC, ngay trước ngày nhậm chức tổng thống của Donald Trump, 2/3 số camera (123 cameras trên tổng số 187) của cảnh sát bị thâm nhập và bị vô hiệu hoá trong 6 ngày (https://www.washingtonpost.com/…/7ff01d78-8440-11e8-9e80-40…). Và ngày 7/5 mới đây, hàng ngàn máy tính của chính quyền thành phố Baltimore đã bị khống chế bởi kẻ tấn công (https://www.bbc.com/news/technology-48423954). Thử hình dung, nếu chúng ta mắc camera mọi ngõ ngách, và nếu kẻ tấn công truy cập được vào hệ thống máy tính, nó sẽ lấy được toàn bộ kho dữ liệu riêng khổng lồ của người dân. Nếu hệ thống còn nhận dạng từng công dân thì dữ liệu đó lại càng nguy hiểm cho từng người. Tệ hơn, nếu kẻ tấn công truy nhập vào hệ thống mà chúng ta không có công cụ nhận biết và để chúng theo dõi, thu thập trong thời gian dài, vấn đề an ninh của quốc gia cũng có thể bị ảnh hưởng. Vấn đề an toàn thông tin là một vấn đề nổi cộm khi phát triển những hệ thống lớn và lưu trữ dữ liệu toàn dân.


PV: Tại hầu hết các không gian công cộng, mọi người đều mặc sức quay phim, chụp ảnh, thì hà cớ gì, việc lắp camera lại không được cho là bình thường?

PDH: Việc chụp ảnh quay phim ở nơi công cộng không bị cấm nhưng ta cũng không thể cầm một chiếc camera đi theo quay, chụp liên tục khuôn mặt của một người trên phố. Khi những hình ảnh được ghi lại gắn với một con người cụ thể thì dữ liệu đó trở thành dữ liệu cá nhân. Luật bảo vệ thông tin cá nhân mới đây của châu Âu (GDPR - General Data Protection Regulation) được áp dụng với tất cả các hình thức quay chụp ở nơi công cộng, dù là với mục đích an ninh. Người được quay có quyền yêu cầu truy cập hình ảnh, xoá hình ảnh về mình nếu nó không nằm trong phạm vi một cuộc điều tra. Do đó, nếu ta đi theo những bước tiến bộ trong việc tôn trọng quyền riêng tư, một quyền cơ bản của con người, như các nước châu Âu, thì cần nhận định rằng một hệ thống nhận dạng, tính điểm công dân là vi phạm luật về quyền riêng tư.


PV: Anh có vẻ nghi ngờ việc áp dụng vào cuộc sống những tiến bộ khoa học trong việc xử lý dữ liệu lớn?

PDH: Hoàn toàn không đúng, có những ứng dụng rất hữu ích. Chẳng hạn như mắc camera ở những nút giao thông ách tắc, thu thập dữ liệu để nghiên cứu các giải pháp thông minh chống ùn tắc. Hay việc nghiên cứu học máy trong y tế, trong giáo dục để có các phương án thông minh nâng cao hiệu quả chữa bệnh hay đào tạo. Nhưng trên hết, tôi luôn chú trọng hơn cả vào việc bảo vệ an toàn dữ liệu và riêng tư cho người dùng. Do vậy, tất cả các phương án phân tích cần trước tiên phải đảm bảo an toàn dữ liệu, có thể chỉ được phân tích dữ liệu sau khi đã ẩn danh, hoặc dữ liệu dưới dạng mã hoá - đó cũng là những hướng đi tiên phong trong ngành mật mã hiện đại. Cần xác định một nguyên tắc là không đánh đổi một bước lùi dù nhỏ nhất về quyền con người cho bất cứ một phát triển vũ bão nào của công nghệ.

Tiến bộ khoa học có thể được sử dụng hoặc bị lợi dụng cho mọi mục đích, tốt cũng như xấu. Do vậy mà chúng ta cần xác định đâu là những ứng dụng có thể đem lại sự hữu ích cho cộng đồng và đâu là những ứng dụng làm giảm, hạn chế quyền con người để phải tránh. Theo tôi, một hệ thống tính điểm công dân là một ứng dụng khoa học công nghệ cần phải tránh. Một sự đánh giá chỉ dựa trên những thước đo định lượng là một sự đánh giá nghèo nàn và nguy hiểm, nó đưa cái phong phú đa dạng của cuộc sống cho vừa khuôn của một bộ quy tắc. Khi chưa có khả năng đưa được máy móc gần với con nguời thì lại đi đưa con người gần với hành xử của máy móc. Chúng ra không nên đi theo vết xe đó của Trung Quốc.

Xin cảm ơn anh!

Box:
-"Vấn đề an toàn thông tin là một vấn đề nổi cộm khi phát triển những hệ thống lớn và lưu trữ dữ liệu toàn dân"

-"Tất cả các phương án phân tích cần trước tiên phải đảm bảo an toàn dữ liệu, có thể chỉ được phân tích dữ liệu sau khi đã ẩn danh, hoặc dữ liệu dưới dạng mã hoá - đó cũng là những hướng đi tiên phong trong ngành mật mã hiện đại"

Lê Thư thực hiện







No comments:

Post a Comment

View My Stats