Minh
Anh - RFI
Đăng ngày 11-06-2019
Ngày
01/06/2019, tại diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri La - Singapore, bộ trưởng
Quân Lực Pháp, bà Florence Parly phát biểu : « Nước Pháp sẽ tiếp tục tuần
tra Biển Đông tối thiểu hai lần trong năm ». Tuyên bố này còn nhằm khẳng
định vị thế của nước Pháp trong « sân chơi các cường quốc hàng hải ».
Thế nào là một « cường quốc hàng hải » ? Khái niệm này có từ
bao giờ và có những thay đổi ra sao theo dòng lịch sử ?
Thương mại : Nền tảng định hình « sức mạnh hàng hải » ?
Đây cũng là những câu hỏi mà nhà sử học trường Hải
Quân Pháp, bà Isabelle Delumeau tìm cách giải thích trên tờ Diplomatie (Đối Ngoại).
Theo chuyên gia này, khái niệm về « cường quốc hàng hải » đã
được Thucydides – nhà sử học và là cha đẻ ngành khoa học lịch sử thời Hy Lạp Cổ
Đại – đề cập đến lần đầu tiên ngay từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên.
Ông nói rằng tính ưu việt của thành Athens thời ấy nằm
ở chính điểm này. Và rất lâu sau đó, nước Anh cũng dựa vào chính nguyên tắc
trên để khẳng định ưu thế của mình, nên mới có điệp khúc nổi tiếng Britannia
rules the waves (tạm dịch là Nước Anh làm chủ đại dương).
Việc được đánh giá là cường quốc hàng hải có một tầm
quan trọng rất lớn và cũng không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải xem xét lại
lịch sử hàng hải từ hàng thế kỷ qua. Do đó, theo nhà sử học Delumeau, câu hỏi đầu
tiên cần được giải đáp : « Nên hiểu thế nào về cường quốc hàng hải ? ».
Bởi vì, đây là cả một tiến trình đan xen rất nhiều
lĩnh vực khác nhau. Mỗi công đoạn có tầm quan trọng của nó và chính mối quan hệ
tương tác đã sản sinh ra một sức mạnh mà chỉ có một nhóm nhỏ các quốc gia có được.
Nền tảng cội nguồn của tiến trình này là thương mại,
một hoạt động mang tính sống còn đối với những xã hội nằm sâu trong những vùng
lãnh thổ cằn cỗi. Để phát triển giao thương, các thương nhân buộc phải liên kết
với chính quyền đến mức hình thành một hiện tượng cộng sinh, vốn dĩ là nét đặc
thù về cơ cấu Nhà nước tại « Cộng hòa Venezia » (697 – 1797).
Nhất là ở Hà Lan vào thế kỷ 17 và 18, người ta không thể nào phân biệt được
ranh giới giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích của các cổ đông tập đoàn thương mại
Đông Ấn Hà Lan VOC* đầy quyền lực lúc bấy giờ.
Mục tiêu của mối liên kết này là gì ?
Rất đơn giản. Chỉ nhằm tạo thành một thế độc quyền
trải rộng ra cả ngoài biển khơi, hình thành một thị trường mà từ đó người ta có
thể độc chiếm quyền kiểm soát việc tiếp cận. Và dĩ nhiên, mối liên kết này còn
để bảo vệ các tham vọng của giới thương nhân và đẩy lùi mọi sự thèm muốn của đối
thủ cạnh tranh. Đây chính là lúc cần có hạm đội tầu chiến. Vai trò của họ là
thăm dò các thị trường mới – nếu cần thiết thì xâm chiếm – và thứ đến là loại
trừ các đối thủ bằng vũ lực.
Nói một cách khác, thương thuyền và chiến thuyền có
một mối quan hệ chặt chẽ, vừa bổ sung cho nhau vừa ràng buộc lẫn nhau. Thế
nhưng, chỉ có vài nước sớm cảm nhận được một định mệnh như vậy. Tác giả liệt kê
một số ví dụ điển hình : Nhờ các đời vua Công giáo của Tây Ban Nha nên mới có
cuộc thám hiểm của Christophe Colombe. Tại Anh có nữ hoàng Elizabeth I. Còn tại
châu Á, có hoàng đế Minh Thành Tổ, đời vua thứ ba của triều đại nhà Minh, người
ra chỉ dụ cho phép thái giám Trịnh Hòa tiến hành 7 cuộc thám hiểm Ấn Độ Dương
trong suốt 1/3 đầu thế kỷ XV.
Sức mạnh hải quân : Thế mạnh của châu Âu ?
Nếu như ví dụ về Trung Quốc là một trường hợp cá biệt,
sức mạnh hải quân là một hiện tượng mang đậm đặc tính châu Âu. « Một quốc
gia hùng cường trước hết bởi vì đó là một cường quốc hàng hải », đó là
suy nghĩ được coi là tất yếu trong suốt thế kỷ XIX.
Khái niệm này đã được đô đốc người Mỹ Alfred Mahan
phát triển thành lý thuyết. Những bài viết và phát biểu hội thảo của ông có tác
động mạnh đến việc định hướng chính sách của các nước châu Âu, cũng như Mỹ và
Nhật Bản. Nguyên tắc đơn giản như sau : Để có được một vị thế quan trọng trên
trường quốc tế, cần phải có một hạm đội tầu chiến hùng hậu, phương tiện quan trọng
để thực hiện bành trướng ra biển khơi, công cụ để xâm chiếm thuộc địa và bảo đảm
vị trí độc quyền.
Những tư duy này tạo cơ sở cho việc thu hẹp định
nghĩa về « cường quốc hải quân », tập trung nhiều hơn vào khía
cạnh chiến lược, xoay quanh sự đối kháng giữa « cường quốc lục địa »
và « cường quốc trên biển » và người ta thường kết luận là
« cường quốc trên biển » thắng thế. Đây cũng chính là bài học
người ta rút ra được từ hai cuộc thế chiến và cũng chính dựa vào mô hình này mà
các nhà nghiên cứu địa chính trị lý thuyết hóa cuộc chiến tranh lạnh.
Với phe phương Tây, cần phải có khả năng làm chủ biển
cả và vây hãm kẻ thù trên lục địa trong vùng lãnh thổ của họ. Ở phía bên kia,
Liên Xô và các đồng minh lại coi lực lượng hải quân có khả năng triển khai sức
mạnh quân sự tầm xa và nhất là hàng không mẫu hạm như là vũ khí của phe đế quốc,
nên phải phòng thủ.
Cường quốc hải quân thời « toàn cầu hóa »
Rồi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng lối suy nghĩ về
cân bằng quyền lực trên thế giới không hề biến mất, mà dường như còn được phục
hồi. Những quốc gia nào từng nếm mùi thực dân như Ấn Độ hay Trung Quốc giờ lại
xem hải quân như là một thứ vũ khí bảo đảm nền độc lập đất nước, nhằm tránh cho
tấn bi kịch thế kỷ XIX tái diễn. Và thế là khi tìm cách tránh các ý đồ của những
cường quốc hải quân thù địch, bản thân họ lại trở thành một cường quốc hải
quân.
Nhưng trong lối tư duy này, điều mới mẻ nhưng cũng đầy
nghịch lý, chính là vị trí của kinh tế. Trung Quốc hay Ấn Độ phát triển mạnh đã
mang lại một cái nhìn hiện đại về khái niệm « cường quốc hải quân »
trong một nghĩa rộng hơn. Nếu như hiện tượng toàn cầu hóa giúp cho hàng hóa được
lưu thông thuận lợi hơn, thì nó cũng làm thay đổi cả cách nhìn « cường
quốc hải quân » : Kinh tế thịnh vượng chưa hẳn là hải quân hùng mạnh.
Bởi vì không gian hàng hải đã được tự do hóa và hội
nhập khu vực hơn. Việc tự do lướt sóng và mức độ an toàn cao tại các vùng biển,
bất chấp một số hoạt động cướp biển vẫn tồn tại, đã làm tan rã mối quan hệ cộng
sinh tồn tại xưa kia giữa các đội chiến thuyền và thương thuyền, nền tảng để
các nước dựa vào nhằm khẳng định sức mạnh hải quân của mình.
Từ những quan sát này, bà Isabelle Delumeau lưu ý chớ
vội xem Trung Quốc như là một « cường quốc hải quân » chỉ vì dự
án « chuỗi ngọc » của nước này như nhiều nhà phân tích nhận định.
Bởi vì người ta có lẽ vẫn còn duy trì lối diễn giải địa chính trị kiểu xưa, vốn
dĩ cần phải được xem xét lại.
Và nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có
thái độ hung hăng ở Biển Đông, nước Pháp cũng như Mỹ đã đề ra một sách lược cho
vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Một báo cáo của Quốc Hội Pháp hồi tháng 4/2019
còn đề xuất « châu Âu hóa » các chiến dịch tuần tra ở Biển
Đông, nghĩa là kêu gọi một sự hợp tác, liên kết, lập cơ chế quản lý chung.
Trong trường hợp này, làm sao định nghĩa « Thế nào là một cường quốc hải
quân ? ».
-------------------------
XEM THÊM
Mai
Vân – RFI
Đăng ngày 10-06-2019
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190610-cac-nuoc-chau-a-so-trung-quoc-nhung-mot-so-se-khong-dung-ve-phia-my
Trong một bài phân tích ngày 06/06/2019, tuần báo
Anh The Economist cho rằng: "Dù các nước Châu Á có thể không ưa thích kiểu
cách bắt nạt của Trung Quốc, nhưng họ cũng có những thắc mắc, ưu tư đối với Mỹ".
Vào đầu tháng 6/2019 này, nhân cuộc Đối Thoại
Shangri-La ở Singapore, diễn đàn an ninh quan trọng nhất tại châu Á, bộ Quốc
Phòng Mỹ đã chính thức công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, với
trọng tâm là xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết hợp
các nước châu Á chống lại đường lối bị cho là ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc.
Có mặt tại Singapore, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã ra sức thuyết phục các
nước về chiến lược của Washington.
Câu hỏi hóm hỉnh mà tác giả bài viết đặt ra, là làm
thế nào để mua chuộc một bộ trưởng Quốc Phòng đã có tất cả ? - ý nói đến bộ trưởng
Quốc Phòng Trung Quốc. Bằng một tập ảnh “đẹp đẽ” về tàu Bắc Triều Tiên đã nhận
dầu hỏa một cách phi pháp trên biển chăng ?
Đó là điều mà theo tác giả bài báo, quyền bộ trưởng
Quốc Phòng Mỹ, Patrick Shanahan, đã làm với đồng nhiệm Trung Quốc, khi ông cho
tướng Ngụy Phượng Hòa xem một bộ không ảnh. Hai bên gặp nhau tại Đối Thoại
Shangri–La, diễn ra từ ngày 31/05 đến 02/06/2019 tại Singapore, tập hợp các
gương mặt quân sự quan trọng nhân một hội nghị thường niên.
Hành động của ông Shanahan là một cử chỉ để xoa dịu
đối phương trong thời kỳ căng thẳng. Khi được The Economist hỏi về những điều
mà ông dự kiến nói với tướng Ngụy Phượng Hòa trong cuộc trao đổi song phương,
câu trả lời của ông Shanahan không phải là những lời chỉ trích Hoa Vi hay chỉ
trích chính sách Trung Quốc ở Biển Đông, mà là thái độ “hứng khởi” của ông trước
việc thăm dò được các địa hạt hợp tác với Trung Quốc.
Hành động của Bắc Triều Tiên vi phạm trừng phạt quốc
tế, và diễn ra trên các vùng biển Trung Quốc, là chủ đề hàng đầu.
Việc hợp tác như thế cho thấy là Mỹ và Trung Quốc có
thể “cạnh tranh với nhau một cách xây dựng”.
Ngày 01/06, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch cho cuộc
tranh đua này trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trọng tâm là ý tưởng về
một vùng “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” - (FOIP hay Free and Open
Indo-Pacific), một khái niệm chung chung mờ ảo của Nhật Bản mà chính quyền
Trump đã phấn khởi thu nhận và phát triển.
FOIP là phản ứng thượng tôn luật pháp chống lại Trung Quốc
Về cơ bản, FOIP là phản ứng trên tinh thần tôn trọng
luật pháp để chống lại chủ trương của Trung Quốc về vùng ảnh hưởng, về chính
sách ngoại giao pháo hạm, và những khoản cho vay mờ ám. Trong báo cáo của mình,
Lầu Năm Góc cảnh báo “Không quốc gia nào có thể hay có quyền thống trị vùng Ấn
Độ Thái Bình Dương”.
Theo The Economist, khái niệm cạnh tranh có trách
nhiệm của quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ngược lại với quan điểm va chạm văn
minh của một số đồng nghiệp của ông, rất đáng được hoan nghênh. Khái niệm này
cũng sáng suốt. Các quốc gia Châu Á sẽ hưởng ứng FOIP nếu họ tin là Mỹ không
tìm cách gây chiến.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ quả là đang đứng trước một việc
làm vô cùng khó khăn, khi vừa phải ổn định quan hệ với Trung Quốc, vừa phải vận
động các đối tác để chống lại Trung Quốc.
Về cành ô liu mà Mỹ chìa ra cho ông, tướng Ngụy Phượng
Hòa đã không ngần ngại bẻ nó ra thành từng đoạn. Trong phát biểu ngày 02/06, bộ
trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã trích dẫn quốc ca của Trung Quốc - “Đứng lên!
Những người không muốn làm nô lệ ! Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng
Trường Thành mới !” – để cảnh cáo là quân đội Trung Quốc không sợ hy sinh. Ông
cũng không hứa là sẽ không sử dụng sức mạnh đối với Đài Loan.
Trước những lời lẽ hăm dọa đó, người ta có thể nghĩ
là các quốc gia Châu Á sẽ đổ xô nhau ủng hộ chiến lược FOIP và lao vào vòng tay
của Mỹ. Một số nước đã làm như thế.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong nhiệm kỳ hai sẽ
thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng với Mỹ. Nhật Bản thì củng cố lực lượng quân sự
và gởi tàu đến Biển Đông. Các quan chức Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản – thuộc nhóm
Bộ Tứ, hội ý thường xuyên hơn, lần gần đây là vào ngày 31/05/2019.
Không phải nước ASEAN nào cũng tin Mỹ
Người ta cũng có thể tưởng tượng ra việc hiệp hội
Đông Nam Á ASEAN sẽ là nòng cốt của FOIP. Nhưng vấn đề là không phải tất cả các
quốc gia trong ASEAN đều hưởng ứng FOIP. Lý do là có nhiều nước không tin tưởng
là Mỹ sẽ thật sự bám trụ lâu dài trong lúc mà giá phải trả cho bất kỳ cuộc chiến
nào với Trung Quốc ngày sẽ tăng cao. Do đó họ tự hỏi là tại sao phải liều mình
chọc giận Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia đã than thở: “Tàu tuần
duyên Trung Quốc còn to hơn tàu chiến của Malaysia”.
Ông Shanahan đã ra sức trấn an. Ông khẳng định Ấn Độ
Thái Bình Dương là ‘địa bàn ưu tiên’ của Mỹ, với một lực lương đông gấp 4 lần
nơi khác, với số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông cũng gia
tăng và được tiến hành thường xuyên. Chỉ riêng trong tháng 5 đã có 2 chiến dịch
tương tự.
Nhưng sức mạnh quân sự chỉ là một phần. Vấn đề rộng
lớn hơn là chính sách ngoại giao cứng rắn và khó lường của ông Trump không phù
hợp lắm với các quy tắc của FOIP.
Căng thẳng với Iran đã thu hút sự quan tâm của Mỹ trở
lại vùng Trung Đông. Việc áp thuế quan đã phá vỡ quy tắc thương mại dựa trên luật
lệ, sự thiếu quan tâm của ông Trump đối với nhân quyền khó mà giúp cho phát triển
quyền tự do.
Đối với nhiều người ở Châu Á, cuộc chiến của Mỹ chống
Hoa Vi hay trừng phạt những người mua vũ khí của Nga hay dầu hỏa Iran cũng đáng
ngại không kém gì “bộ dụng cụ cưỡng bức của Trung Quốc” như ông Shanahan nêu
lên.
Đối với The Economist, so sánh như trên quả là không
công bằng. Một trật tự Châu Á do Trung Quốc nhào nặn sẽ còn tồi tệ, khó thở hơn
là bất kỳ phương sách gì của ông Trump. Việc tướng Ngụy Phượng Hòa bảo vệ vụ
đàn áp Thiên An Môn được ông gọi là một “chính sách đúng đắn” mang lại sự ổn định
cho Trung Quốc để trở nên giàu có hơn chỉ là những lập luận mang tính chất ý thức
hệ.
Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã đi theo chiến lược FOIP.
Thái độ thông cảm của Singapore và Việt Nam đã khá rõ. Nhưng phần đông các nước
ASEAN rất ghét việc phải chọn phe cho dù vẫn có thái độ nghi ngại ý đồ của
Trung Quốc ngày càng lan rộng.
No comments:
Post a Comment