Tuesday, 4 June 2019

SỰ DỐI TRÁ MANG TÊN "CỘNG SẢN" (Phạm Văn)





Trong cuộc sống thường ngày có thể người ta rất xem nhẹ hoặc thậm chí nhiều khi không quan tâm đến hiện tượng dối trá, vì nó như “cơm bữa” và còn cũng rất đời thường. Nhưng sự dối trá mang tên “cộng sản” – “sự dối trá cộng sản” lại là một hiện tượng đặc biệt, không thể xem thường trong nền văn hóa-văn minh nhân loại. Đây là những lời nhận xét nổi tiếng về sự dối trá cộng sản: - Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Cộng sản sinh ra từ nghèo đói và ngu dốt, lớn lên bằng sự dối trá và bạo lực”; - Thủ tướng Đức Angela Merkel người đã từng sống trong chế độ cộng sản Đông Đức khẳng định: “Cộng sản là thứ chủ nghĩa gian trá và man rợ nhất” và “Cộng sản đã làm cho người dân trở nên gian dối”; - Mikhain Gorbachev cựu Tổng bí thư ĐCS Liên Xô từng nói như một lời “sám hối” muộn mằn: “Tôi đã bỏ nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày nay tôi phải đau buồn mà nói rằng đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá” (Theo livestream “30 câu nói đóng đinh chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới” do Minh Dang Nguyen xuất bản 13/5/2018). 

Đúng là loài người tiến bộ-văn minh đã đóng đinh chiếc quan tài để đưa chế độ cộng sản xuống mồ với việc vạch ra những đặc tính bản chất của nó như ngu dốt, chỉ biết tuyên truyền, tham lam, dối trá, ăn cướp, tàn bạo và man rợ v.v... Nhưng cần thấy rằng sự dối trá cộng sản như một đặc trưng bản chất nhất, là ngọn nguồn, nguyên nhân của tất cả những đặc tính ấy. Do đó, phải thấy rõ hơn sự dối trá cộng sản trên bình diện văn hóa: Sự dối trá cộng sản là sự dối trá của những người cộng sản, đảng cộng sản, chế độ cộng sản và của cả những con người, người dân sống trong chế độ cộng sản như một hệ quả tất nhiên của nó; hơn thế, sự dối trá cộng sản còn đặc trưng cho một truyền thống, một kiểu loại văn hóa vẫn đang hiện diện chứ chưa phải đã hoàn toàn chết, chưa hoàn toàn bị loại bỏ. 

1. Bản chất, tác hại và nguồn gốc của sự dối trá nói chung

Trước hết cần biết về bản chất, tác hại và cội nguồn, nhất là cội nguồn sâu xa của sự dối trá nói chung. Một cách chung nhất có thể hiểu bản chất của sự dối trá là việc con người nói, suy nghĩ, cảm xúc (hay ý thức nói chung) và làm không đúng với sự thật. Sự thật là sự tồn tại khách quan của các sự vật, hiện tượng, kể cả lời nói, ý nghĩ, các cảm xúc, tức là tất cả những gì thuộc con người và được con người ý thức. Sự thật không phải là cái tồn tại một cách khách quan thuần túy ngoài con người, mà là cái khách quan nằm trong quan hệ với nhận thức, ý thức con người, là cái tồn tại được con người ý thức và trở thành chân lý. Nói cách khác, sự thật là chân lý, là cái tồn tại khách quan được ta nhận thức, ý thức là cái có thực, là cái như nó đã, đang và sẽ tồn tại một cách hiện thực, bao gồm cả cái phải có. Vì thế, nói, cảm xúc không đúng với sự thật, với những gì ta xem là chân lý, là đúng, ta gọi đó là nói láo, nói bậy, là lừa dối; làm không đúng với sự thật, với những gì ta xem là chân lý, là đúng, ta gọi là làm láo, là nói, nghĩ một đằng làm một nẻo, là lừa bịp v.v... Tất cả những trạng thái tinh thần, hành vi, việc làm như thế gọi chung là sự dối trá. 

Sự dối trá đối lập, phân biệt với sự thành thực (trung thực). Thành thực là nói, cảm xúc và làm đúng với sự thật. Sự thật như thế nào thì nói, suy nghĩ, cảm xúc như thế, làm như thế. Đó là nói thật, nghĩ, cảm xúc thật, làm thật. Sự dối trá có nhiều mặt, nhiều chiều, nhiều hình thức biểu hiện. Có thể là của một con người cụ thể, cũng có thể là của nhóm người, tập đoàn người, có khi của cả một cộng đồng, một chế độ xã hội. Sự dối trá của số đông là do sự dối trá của từng cá thể tạo nên và thường được biểu hiện rõ nhất, tập trung nhất ở những người đứng đầu, đại diện cho nhóm, tập đoàn hoặc cộng đồng. Sự dối trá có thể tự giác hoặc tự phát, có ý thức, cũng có thể không được ý thức đầy đủ hoặc hoàn toàn không được ý thức. Có khi nó như một tập quán, một thói quen có tính tập đoàn, số đông. Nhiều kẻ dối trá a dua theo những kẻ dối trá khác. Có khi trong những hoàn cảnh, điều kiện nào đó, hoặc do bị thúc đẩy bởi một cội nguồn, truyền thống hoặc do sức ép nào đó, có những con người, thậm chí cả một cộng đồng đã ngộ nhận rằng mình đã làm đúng, làm tốt, nhưng thực ra lại làm sai, làm xấu, làm ác, là dối trá. 

Tuy vậy, câu chuyện về sự dối trá hoặc sự thành thực của con người căn bản không nằm ở chỗ nhận thức đúng sai về nó như thế nào, mà ở mặt giá trị, ở chỗ chúng trở thành các chuẩn mực, quy tắc hành xử của con người như thế nào. Trước khi trở thành chuẩn mực, quy tắc, sự thành thật hoặc sự dối trá phải được xác nhận về giá trị. Sau những thành công hoặc thất bại sự thành thật hoặc dối trá được khẳng định hoặc phủ định, tức là được thấy về giá trị và nhờ vậy chúng biến thành những chuẩn mực, quy tắc (nguyên tắc), cách thức hướng dẫn hành động. Nói chung con người hành động phải nhận thức, ý thức được về những lợi ích, ý nghĩa mà hành động của họ đem lại khi người ta dựa trên các chuẩn mực, nguyên tắc hay phương thức hoạt động nhất định. Từ sự nhận thức, ý thức đúng về tồn tại và làm theo nhận thức, ý thức ấy, con người biến nó thành các chuẩn mực, nguyên tắc, phương thức hành động, từ sự nhận thức, ý thức sai về tồn tại và dựa trên nhận thức, ý thức sai ấy, người ta cũng biến nó thành “phương châm”, “nguyên tắc”, cách thức hành động, nhưng khác ở chỗ: một phục vụ những động cơ, mục đích tích cực, tốt đẹp; còn lại, phục vụ cho những động cơ, mục đích tiêu cực, xấu xa. Vì thế, nói chung người thành thực biết rõ mình thành thực, kẻ dối trá cũng biết rõ nó dối trá, nghĩa là họ biết rõ mình đã, đang làm gì, làm như thế nào để đạt được mục đích. Nói chung, ta khó có thể kết tội kẻ dối trá khi kẻ đó không biết mình dối trá, và khó có thể khen người thành thực khi người đó không biết mình thành thực. 

Con người, xã hội loài người tồn tại cho đến ngày nay với những thành tựu rất lớn lao của nền văn minh là nhờ sự thành thực, là nhờ con người đã nói với nhau những lời thành thực, đã làm một cách thành thực, nghĩa là đúng với những quy luật của tự nhiên, cuộc sống, đúng với những khả năng, năng lực, điều kiện, cả tình cảm, khát vọng của mình mà họ nhận thức, ý thức được với những mức độ khác nhau. Một cá thể người, thậm chí một bộ phận người trong một cộng đồng có thể dối trá và đã từng là như thế, nhưng nếu cả nhân loại dối trá thì lịch sử nhân loại sẽ ra sao, chắc chắn loài người đã bị diệt vong rồi. Sự thành thực, đó là giá trị, cũng là cái đức căn bản, lớn nhất và đầu tiên trong thang giá trị căn bản của con người gồm chân-thiện-mỹ, là những cái kết hợp lại đã làm nên cái cốt văn hóa-văn minh con người, nhân loại. Thành thực là giá trị nền, là đức nền mà trên đó, nhờ đó ta có và có thể nói đến cái tốt, cái đẹp và tất cả những điều tốt đẹp, tích cực khác. Có thể thấy chính Nho gia, nếu ta tách điều này ra một cách tương đối khỏi hệ thống của nó, đã ý thức khá rõ và rất sâu sắc về ý nghĩa, giá trị của sự thành thật khi cho rằng “thành thật là đạo của trời, tu tập để trở nên thành thật là đạo của người”, đặc biệt thành thật là cái mà nhờ đó con người có thể hoàn thiện mình bằng cách trên đó con người có thể lựa chọn được cái gì là thiện, để có thể lấy nhân mà hoàn thiện mình, lấy trí mà hoàn thiện mọi vật, tóm lại là để hoàn thành sự nghiệp lớn lao (Xem sách Trung Dung trong sách Tứ Thư). 

Vậy, từ đó ta suy ra tác hại, sự nguy hiểm của sự dối trá, cái đối lập trực tiếp với thành thực, là ở chỗ nó là cái nền phản giá trị, phản đạo đức mà trên đó cái ác, cái xấu, mọi điều tiêu cực, xấu xa, tội lỗi sinh sôi trên đời. 

Tuy nhiên, có thể có thắc mắc rằng liệu không có cái sai, cái ác, cái xấu thì có cái đúng, cái tốt, cái đẹp được không hay làm gì có chuyện chỉ có cái đúng, cái tốt, cái đẹp là duy nhất tồn tại? Xin thưa, triết gia Đức hiện đại F. Nietzsche đã lường trước cho ta điều này, khi ông từng nói rằng cả cái sai và chân lý, cái ác và cái thiện, cả cái xấu và cái đẹp, đều sản sinh ra-cấu thành giá trị. Đấy là nghịch lý tự nhiên của cuộc sống, nhưng nó diễn ra theo nguyên tắc là con người không ngừng đấu tranh chống lại, khắc phục cái sai, cái ác, cái xấu, dù rằng người ta lại phải đối mặt với cái sai, cái ác, cái xấu khác tương ứng mà có khi, nhiều khi còn lớn hơn, khủng khiếp hơn. Nhưng có một điều chắc chắn là nói chung con người, loài người không đặt cho mình nhiệm vụ, mục tiêu là tạo nên cái sai, cái ác, cái xấu. Ngay cả những kẻ làm sai, làm ác vẫn cho rằng hoặc phải nói dối rằng nó làm đúng, làm tốt.

Khi hiểu được bản chất của sự dối trá, tác dụng hết sức tai hại của nó trong tương quan với bản chất, ý nghĩa, giá trị quan trọng của sự thành thật, ta cần tìm nguyên nhân, nguồn gốc, nhất là nguồn gốc sâu xa của sự dối trá để có thể tìm cách khắc phục, đấu tranh với nó một cách hiệu quả. 

Người ta đã nói và có thể sẽ còn tiếp tục nói rằng nguồn gốc của sự dối trá là việc người ta hiểu sai, là có những hư ảo về tồn tại, cuộc đời, hoặc do người ta có hoặc theo đuổi những lợi ích và giá trị hẹp hòi, xấu xa, tội lỗi. Nói như thế không sai, nhưng dường như mới chỉ hiểu nguồn gốc dối trá ở cấp độ bề ngoài-trực tiếp của nó. Bởi vì, nói như thế người ta lại phải tìm hiểu xem tại sao người ta lại nhận thức sai, lại hư ảo, lại phải “định nghĩa” thế nào là lợi ích ích kỷ, tội lỗi và do đó, người ta lại phải trả lời xem căn nguyên hoặc nguồn gốc thực sự của điều gọi là ích kỷ, hư ảo, tội lỗi là gì, nghĩa là người ta sẽ phải đi đến tận cùng của vấn đề, đó là tính chính đáng hoặc không chính đáng của những điều ấy.

Vì thế, tôi muốn sử dụng một chữ rất điển hình của Nho Khổng giáo là “chính danh” và mở rộng, phát triển nghĩa của chữ này để lý giải về nguồn gốc của sự dối trá. Theo Khổng Tử thì khi người ta đã có được tài đức, nhất là đức cao rồi thì phải có một vị trí, địa vị xã hội (chính trị) nhất định tương ứng đề thực hành nó. Đó là “chính danh”. Như vậy, “chính danh” chủ yếu không nằm ở “danh” (vị trí, chức vụ, danh vị) mà ở chỗ cái gì làm cho “danh” trở thành “chính danh”. Đối với Nho giáo, để cho “danh” thành “chính danh” thì con người – quân tử trước hết phải có tài đức cao, trước hết là đức, cụ thể là có đức nhân cao, nhờ đó khi có “danh” thì “danh” trở thành “chính danh”. Từ lời Khổng Tử ta học thêm được nhiều điều. Ta có thể hiểu chính danh với nghĩa rộng hơn, không chỉ trong chính trị, mà cả trong hoạt động sống nói chung. 

Con người cần phải làm việc, hoạt động, tức là thực hiện những công việc nhất định nào đó để sinh tồn, muốn vậy họ cần phải có những vị trí hay địa vị nhất định. Theo đó, chính danh là nhận lấy những công việc, địa vị xã hội (có thể cả địa vị tự nhiên, như nói chung người đàn ông phải đi nghĩa vụ quân sự chẳng hạn) tương ứng, phù hợp với khả năng, năng lực, điều kiện vốn có của mình, trong đó bao gồm cả đức độ, phẩm chất, trình độ chuyên môn, nguyện vọng, nghĩa là cả về mặt thể xác và tâm hồn, tinh thần. Chính danh trước hết là “đạo trời”, “đạo tự nhiên”, rằng “trời”, “tự nhiên” diễn ra như nó vốn có, không thể khác được. Cho nên, theo chính danh – đạo trời thì người ta không thể làm những công việc, nhận lấy những vị trí, địa vị trái với những quy luật của tự nhiên và xã hội, những quy luật có thể tác động ngay trong bản thân họ. Chính danh, đó là nguồn gốc thực sự của sự thành thực. Chính sự thành công, hiệu quả cuối cùng của công việc đã khẳng định giá trị của lòng trung thực, của sự chân thành. Ở người trung thực, sự “dối trá” vẫn có thể có, nhưng nó như một “thủ đoạn”, một “chừng mực”, hơn thế một “nghệ thuật” của sự chính danh, là “dối trá” của sự trung thực. 

Vậy, khi người ta làm trái với những điều trên, tức là nhận những công việc, địa vị không phù hợp, thường là cao hơn, quá với các năng lực, điều kiện thể chất và tinh thần cùa mình, thì như thế được xem là không chính danh. Không chính danh là nguồn gốc thực sự của sự dối trá. Kẻ không chính danh nghĩ ra và làm rất nhiều chuyện dối trá, bậy bạ để che đậy, bảo vệ sự không chính danh của hắn, nhằm đạt cái mục đích ích kỷ của hắn, để chiếm lấy những gì không phải của hắn. Kẻ không chính danh là kẻ tham lam, thậm chí cực kỳ tham lam. Cho nên, đối trá là nguyên tắc, phương thức cơ bản để duy trì sự không chính danh, sự tham lam. Ở kẻ dối trá, sự “trung thực” chỉ là “sự giả vờ trung thực”, là một thủ đoạn để che đậy nhiều khi rất tinh vi, hiểm độc cho sự không chính danh, nó là sự “trung thực” mang bản chất dối trá, nó “là cha quỷ quái”. 

Nhưng có thể hiểu nguồn gốc của sự dối trá ở mức độ sâu sắc hơn nữa liên quan đến chữ, khái niệm “chính danh” nói trên. Khi con người chưa trở thành chính mình, thì cũng có nghĩa là nó chưa chính danh và là chưa chính danh ở chiều sâu nhất, đó là chưa chính danh về văn hóa. Con người trở thành chính mình, có nghĩa phải là chủ thể của hành động của nó, là kẻ có thể nói, tuyên bố mà không một chút hổ thẹn với lương tâm rằng “vật này, sản phẩm, chiếc máy này, ngôi nhà kia, cuốn sách, bài viết kia, ý tưởng, tư tưởng ấy là do tôi làm (sáng tạo) ra, nó là của tôi!”. Cho nên, có câu “con người sinh ra là một bản ngã, lớn lên đừng để thành một bản sao” là như thế. Một người đến tuổi trưởng thành mà vẫn không tự lo nổi cuộc sống của mình mà phải dựa vào người khác, là không chính danh. Theo đó, có thể nói lịch sử văn minh loài người là lịch sử khẳng định tính chủ thể của nó cả đối với tự nhiên và xã hội. Vì vậy, khi anh không có năng lực sản xuất, sáng tạo, mà anh lại muốn làm “người chủ” thì anh phải ăn cắp, chôm chỉa của người khác, có khi rất tinh vi, đểu giả, thậm chí không từ thủ đoạn nào. Ngược lại, khi anh sống nhờ người khác, chờ đợi người khác lo, ban phát cho anh thì người khác sẽ nói dối anh, lừa anh để trục lợi và để tồn tại hoặc anh phải đánh mất mình, hoàn toàn là vật phụ thuộc vào người khác, lúc đó anh phải dối trá để tồn tại. Cam tâm làm nô lệ, kiếp trâu ngựa, đấy là sự dối trá khủng khiếp, đáng khinh bỉ nhất, vì đó là tự lừa dối chính mình.

Nhân đây xin được nói, ở Việt Nam có câu chuyện cổ “Hồn Trương Ba Da Hàng thịt” và được Lưu Quang Vũ dựng thành kịch bản cùng tên, có lẽ cũng nói rõ thêm cho ta về nguồn gốc của sự dối trá, là sự “không chính danh” của mối liên hệ giữa thể xác và linh hồn. 

2. Sự dối trá cộng sản - bản chất và nguồn gốc thực sự của nó 

Dối trá cộng sản, đó là một thứ văn hóa đặc trưng của kiểu, hình thái xã hội này, là đặc tính bản chất nhất của người cộng sản. Có lẽ ta không cần phải nói, kể ra sự dối trá cộng sản với những biểu hiện rất nhiều mặt, vô cùng đa dạng của nó ở đây nữa. Hãy xác nhận nó trong ta như một sự khinh bỉ, một sự đau đớn và hổ thẹn đối với con người, loài người văn minh. Ở đây tôi muốn khẳng định rõ hơn bản chất của dối trá cộng sản và nhất là về nguồn gốc thực sự của nó. 

Trước hết nói về nguồn gốc của dối trá cộng sản là tính không chính danh của nó. Trong hệ thống lao động “tư bản chủ nghĩa” ở thời của Marx và Lenin, những người lao động vô sản không thể trở thành người chủ ít nhất là như các nhà tư bản, chứ chưa nói gì đến thay thế họ. Đó là một sự thật. Kẻ không có khả năng làm chủ lại muốn làm chủ, đó là không chính danh trước hết ở nhu cầu và ý muốn. Tuy nhiên, bản thân người công nhân không hẳn đã muốn như thế, họ chỉ muốn làm thế nào thoát khỏi tình cảnh đói rách, đau khổ trực tiếp. Nhưng những người “sáng lập” học thuyết cộng sản đã tưởng tượng ra, gán cho họ cái khát vọng ấy và đó chính là nguồn gốc của mọi dối trá cộng sản trước hết là trong học thuyết cộng sản chủ nghĩa. Rất đáng nói là nguồn gốc của dối trá cộng sản không phải là tính không chính danh “tự nhiên”, mà là tính không chính danh do sự tưởng tượng mà có. Người cộng sản đã thuyết phục giai cấp cần lao rằng họ có năng lực làm chủ vì họ là “lực lượng sản xuất cơ bản” của thời đại. Những người vô sản và cộng sản theo họ đã tin vào điều đó khi không thấy rằng đây là một kiểu lập luận đầy khiếm khuyết, ngụy tạo. Người ta đã đem tách rời một cách tuyệt đối “lực lượng sản xuất” khỏi “quan hệ sản xuất” nhằm luận chứng “cơ sở khách quan” cho quan hệ, cuộc đấu tranh giai cấp được xem là thực chất của toàn bộ lịch sử thành văn. Nhưng trên thực tế, cái gọi là “lực lượng sản xuất” = công nhân + máy móc và v.v., ở ngoài quan hệ sản xuất tư bản, hệ thống sản xuất tư bản, thì tất cả chẳng có ý nghĩa gì cả. 

Nhưng tại sao công nhân và nhiều người “cộng sản” khác lại tin? Vì người cộng sản giỏi tuyên truyền đã “đánh trúng” vào cái tâm lý-xúc cảm rất mạnh mẽ và man dại của công nhân đang tuyệt vọng trước những đau khổ, bất công tạm thời và qua đó, lồng ghép vào họ cái ý thức phản kháng quyết liệt, không khoan nhượng, một mất, một còn. Tiếng là theo phép biện chứng khoa học-khách quan, nhưng người cộng sản đã “biến” cái tạm thời, cái bộ phận thành cái vĩnh viễn, cái toàn thể một cách chủ quan. Như thế, những nỗi đau khổ tạm thời bị biến thành những nỗi đau khổ, tuyệt vọng tuyệt đối, và cái toàn thể, vĩnh viễn, tuyệt đối hình thức ấy đã làm được cái vai trò “cứu cánh” của nó. 

Như vậy, những người cộng sản cùng với học thuyết của họ lúc đầu xuất hiện ở châu Âu là không chính danh. Họ không làm ra thế giới, nhưng lại muốn lật đổ thế giới. Họ phát ngôn cho một giai cấp được gọi là giai cấp vô sản mà chỉ ở trong nền sản xuất dưới sự chỉ huy, quản lý của nhà tư bản, họ mới có thể làm ra thế giới sản phẩm (đống của cải khổng lồ), nền văn minh mà nhiều thế kỷ trước gộp lại cũng không bằng, nghĩa là họ phát ngôn cho một tầng lớp xã hội đông đảo nhưng tự mình họ không làm được gì cả. Họ không thể tồn tại nều không có nhà tư bản. Cho nên, xét về bản chất, sự dối trá cộng sản là việc người cộng sản, kể cả những người “sáng lập” ra chủ nghĩa cộng sản, nói, suy nghĩ, cảm xúc và làm theo những cái không phải là sự thật, chân lý, theo những gì mà họ ngộ nhận là chân lý. Nói cách khác, họ đã dựa trên nhận thức sai lầm về các quy luật của tự nhiên và lịch sử xã hội để nói, suy nghĩ, cảm xúc và hành động. 

Cộng sản, đó là cái sai nối tiếp cái sai, là tưởng tượng, hoang đường nối tiếp những tưởng tượng, hoang đường thậm chí còn cao hơn. Kết quả là họ đã thất bại thảm hại trước hết ở Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, điều cần nói là vào lúc này vẫn còn đấy một thứ “cộng sản” kiểu khác, cộng sản kiểu phương Đông – Trung Quốc, cộng sản Tàu Cộng và những cái “đuôi” của nó vẫn đang ngoe nguẩy là Việt Cộng và Bắc Hàn cộng. Khỏi phải nói về sự dối trá của cộng sản loại này. Hàng giờ, hàng ngày người ta đã và đang kể ra vô vàn những thứ, kiểu dối trá của cộng sản Tàu, Việt và Bắc Hàn, tội ác và những tác hại ghê gớm vô cùng nhiều mặt của nó đối với nhân dân Trung Hoa, Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, với nghĩa là dối trá cộng sản kiểu Đông Đức, Ba Lan, Hunggari, Tiệp Khác v.v., và một phần ở Liên Xô trước kia, thì ở Trung Quốc và Việt Nam, Bắc Hàn có thể xem như chúng đã chết hẳn, nhưng có sự dối trá cộng sản kiểu khác vẫn tỏ ra có sức sống ghê gớm hơn, chúng có khả năng “biến đổi gen”-biến hình rất tài tình và tinh quái. 

Từ một cơ sở kinh tế là chế độ gia trưởng, hình thái này lúc đầu có chung bản chất với chế độ gia trưởng ở châu Âu-phương Tây, nhưng chế độ kinh tế gia trưởng ở Trung Quốc đã không mất đi, trái lại còn “phát triển” mạnh hơn và biến thành chế độ gia trưởng ngày càng lớn hơn là “đại gia trưởng” (với nhiều gia đình, dòng họ họp thành) và chế độ chính trị quân chủ gia trưởng đã hình thành trên cơ sở kinh tế ấy. Chế độ đại gia trưởng, trên đó là chế độ quân chủ đại gia trưởng tiêu biểu đầu tiên, được xem như thời kỳ “vàng son” của nó, là thời đại Nghiêu - Thuấn. Lúc đầu ở trên một địa vực, lãnh thổ nhỏ, khả năng quản lý xã tắc, trăm họ của các vị vua này là hoàn toàn có thể. Sự thành công của chế độ này đã khẳng định sự đắc thắng của nguyên tắc cai trị cơ bản là “đức trị” của nó, cũng là của nguyên lý thống nhất của nó. Thống nhất, đó là nguyên lý của chế độ quân chủ từ buổi đầu của nó. Chỉ có thống nhất chế độ quân chủ mới tồn tại, thực hiện được lợi ích, địa vị của nó. 

Tuy nhiên, khi địa vực, lãnh thổ quốc gia càng mở rộng, dân trăm họ trở thành “ngàn họ”, hơn nữa từ một vài “nhà” (một “nhà” tương ứng với một quốc gia, như nhà Thương, nhà Ân, nhà Chu v.v..), trở thành nhiều “nhà” hơn, thì việc cai trị quốc gia sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, trong khi nguyên tắc “một nhà” cai trị muôn nhà, nghĩa là chế độ gia trưởng vẫn không thay đổi, vẫn là đại gia trưởng dưới những hình thức mở rộng hơn, lớn hơn. Để cho sự cai trị của một “nhà” không thay đổi, thậm chí có khi người ta còn đưa cả những đứa trẻ “chễm chệ” trên ngai vàng, có khi hắn còn “tè ra cả ngai vàng”, ai mà biết được! Đây là điều đặc biệt của chế độ quân chủ kiểu Trung Quốc. Tại sao như vậy, trong khi ở châu Âu bắt đầu từ thời cổ đại cho đến chế độ phong kiến, thì chế độ đẳng cấp dựa trên chế độ sở hữu tư nhân không ngừng phát triển? Phải chăng là do có những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi và sự cai trị dưới hình thức là chế độ quân chủ gia trưởng, nên đạt được thành công lớn; đồng thời, mặt khác lối sống, sinh hoạt dựa trên sự lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào thiên nhiên, đã dẫn đến sự sùng bái tự nhiên (đất đai, lãnh thổ, sông ngỏi, rừng núi, tài nguyên và cả thân xác con người (giữ gìn xác chết, người chết được chôn theo cả người sống) v.v., cho nên phương Đông nói chung, Trung Quốc nói riêng đã “kéo lê cái cuống nhau của thời tiền sử” đến tận ngày nay? Câu hỏi có lẽ đã có nhiều phần của câu trả lời trong đó rồi. 

Vậy là việc đem cái “sức” có hạn, rất có hạn của một “nhà” ra để cai trị trăm họ, ngàn họ, trăm nhà, ngàn nhà, để thực hiện cái tham vọng đứng trên tất cả, rõ ràng là không thể. Và đó chính là tính không chính danh của chế độ quân chủ kiểu phương Đông-Trung Quốc. Cái sâu xa của tính không chính danh này xét cả về xã hội, văn hóa là ở chỗ không có chế độ sở hữu tư nhân, vì thế con người chưa thể trở thành con người với tư cách cá nhân con người. Con người chưa phải là chính nó. Cho nên, con đường, phương thức để duy trì tính không chính danh nhất định là dối trá. Dối trá để ngu dân, khiến người dân luôn trong vòng tăm tối, không thể ngẩng mặt lên, không thể phản ứng, không thể chống lại. Một trong những sự dối trá khủng khiếp nhất là việc cho rằng “nhà” này hoặc “nhà” kia có địa vị cai trị quốc gia là do “mệnh trời”, vì thế kẻ cai trị chính là thiên tử (con trời). Để duy trì sự dối trá thì bạo lực, thậm chí rất man rợ là hình thức ghê gớm, không thể thay thế. 

Học thuyết Marx trên thực tế đã không thể thực hiện được ở những nước tư bản đã phát triển. Nó cố gẳng tìm cách nói dối một lần nữa, rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng ở những nước chưa trải qua sự phát triển tư bản chủ nghĩa, nhất là có thể thực hiện sự tiến triển cộng sản ở những nước có tiền đề cơ bản là “không có chế độ sở hữu tư nhân”. Và rồi kẻ không chính danh hoang tưởng châu Âu tìm thấy bậc thầy không chính danh là chế độ quân chủ gia trưởng kiểu phương Đông – Trung Quốc (trong đó có một phần là nước Nga) và nó chính thức kết hôn với chế độ này. Nhờ đó, nó tồn tại dai dẳng cho đến nay. Kết hợp với học thuyết Marx [Lưu ý: ở Trung Quốc hiện nay, người ta chỉ thừa nhận học thuyết cộng sản của Marx, mang tên Marx], chế độ kinh tế-xã hội của Trung Quốc trở thành chế độ “siêu gia trưởng” cộng sản, về mặt chính trị là “chế độ quân chủ siêu gia trưởng” cộng sản. Với chế độ này dường như mọi hệ thống tư tưởng xưa kia đều không còn là cơ sở tinh thần thích hợp với nó nữa để thực hiện nguyên lý thống nhất, thay vào đó học thuyết Marx, cộng sản chủ nghĩa lại trở nên rất “thích hợp” với nó dù chỉ như một chiếc “áo khoác”, nhưng là chiếc áo cần thiết cho những kẻ đang cần nó. Người “cộng sản” Trung Quốc, chế độ Tàu Cộng không chỉ muốn làm “cha mẹ” người dân Trung Quốc, mà còn muốn làm “cha mẹ” thiên hạ-thế giới. Họ nói “biển Đông là lãnh thổ của tổ tiên họ từ cổ xưa, cách đây hơn 2000 năm”, và trong đầu nhiều người dân Tàu Cộng Đông Nam Á, nhất là Việt Nam cũng là đất của người Trung Quốc xưa, của tổ tiên họ! Đấy là lối tư duy-ý thức lịch sử “siêu gia trưởng cộng sản”, lối tư duy-ý thức về căn bản vẫn dựa trên sự sùng bái tự nhiên-đất đai, lãnh thổ.

Đu theo chế độ Tàu Cộng, người ta thấy rất rõ những biến thái lạ lùng, không thể tin, không thể tưởng tượng nổi của chế độ quân chủ siêu gia trưởng cộng sản kiểu Bắc Triều Tiên, trong đó những kẻ đứng đầu được những kẻ phụng sự và người dân tối tăm, đớn hèn gọi với cái tên vừa “kính trọng”, nhưng vừa “đầy ma lực uy quyền” là “cha” (“cha về”) hay “lãnh tụ tối cao”. Còn ở Việt Nam, lớp người hơn hoặc cùng tuổi tôi đều khó có thể không biết đến hoặc quên câu nói như “thơ” của Hồ Chí Minh tại ĐH toàn quốc của đảng lao động Việt Nam lần thứ III: “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”. Chẳng lẽ đây không phải là cái rất tiêu biểu cho lối mong muốn, suy nghĩ về một kiểu xã hội “siêu gia trưởng”? Bạn hãy tự hỏi và trả lời xem, từ đâu xuất hiện cái giấc mơ-khát vọng, lối suy nghĩ ấy? Nhưng một cách sống động, trực tiếp hơn, câu trả lời cũng đã có rồi: lâu nay “dân ta” gọi Hồ Chí Minh, “gọi Người” là “Bác” với một tấm lòng chân thật-u mê, còn nhà thơ-tuyên giáo Tố Hữu thì hết lòng cổ vũ cho “uy tín”, địa vị “linh thiêng” của vị “Cha già dân tộc” (“Bàn tay con nắm tay Cha, bàn tay Bác ấm vào da vào lòng” v.v..); hơn thế, Hồ Chí Minh khi yêu cầu phải “minh bạch hóa tiếng Việt”, thậm chí còn rất “thích đùa” khi đọc dòng chữ không có dấu “Nha may cơ khi Gia Lam” (tức “Nhà máy cơ khí Gia Lâm”) thành “Nhà mày có khỉ già lắm”, nhưng lại “im lặng”, rất “thản nhiên” trước việc người dân, người ta gọi mình với cái danh xưng “Bác Hồ” theo văn hóa người Tàu, tức là gọi “họ” chứ không gọi “tên”. 

Vậy là bản chất không chính danh của chế độ cộng sản kiểu Trung Quốc, chế độ Tàu Cộng và những “biến thể”, những cái “đuôi” của nó như chế độ cộng sản ở Việt Nam và Bắc Triều Tiên, chính là đã thiết lập nên một chế độ quân chủ kiểu mới, “chế độ quân chủ siêu gia trưởng cộng sản” trên cơ sở chế độ kinh tế gia trưởng không ngừng mở rộng từ giản đơn, theo đúng nghĩa đen, cho đến đại gia trưởng trải qua nhiều triều đại, rồi siêu gia trưởng dựa trên nguyên lý thống nhất. Như đã thấy, chế độ chính trị quân chủ gia trưởng ngày càng không tương xứng với sự mở rộng cơ sở kinh tế, xã hội của nó, cho nên tính chất áp đặt của nguyên lý thống nhất càng mạnh mẽ và nặng nề. Chế độ quân chủ siêu gia trưởng Tàu Cộng là sự tiếp nối chế độ quân chủ xưa nay ở Trung Quốc và trở thành nấc thang cao nhất của nó. Cùng với nó, sự dối trá vốn là một đặc trưng văn hóa truyền thống càng nặng nề và ghê gớm hơn trong chế độ quân chủ siêu gia trưởng cộng sản. Dối trá trở thành nguyên tắc, phương thức tồn tại cơ bản bất di bất dịch của nó. Như thế, sự dối trá của chế độ cộng sản toàn trị của Tàu Cộng trên thực tế hay về bản chất không còn là dối trá cộng sản, mà là sự dối trá của chế độ quân chủ siêu gia đình-gia trưởng mà ở đó cộng sản chỉ là cái vỏ, nhưng lại làm tăng thêm các thuộc tính của dối trá là trí trá, gian manh, lèo lá, thâm độc v.v., mà khốn thay nhiều khi người ta lầm tưởng đó là sự “khôn ngoan” hoặc “tài khéo”. 

Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã làm bộc lộ rõ bản chất của chế độ Tàu Cộng, tính không chính danh của nó. Giờ đây cơ sở kinh tế, xã hội không còn chỉ là câu chuyện địa vực, lãnh thổ, cơ cấu dân số, đặc biệt dân số của Trung Quốc tăng lên với số lượng chưa từng có (hơn 1 tỷ 700 trệu người), không tương ứng với chế độ cai trị, mà hơn thế, sở hữu tư nhân, con người cá nhân đã không ngừng hình thành, phát triển. Cho nên, chế độ quân chủ siêu gia trưởng Tàu Cộng, Bắc Hàn và Việt Cộng càng trở nên không chính danh hơn bao giờ hết khi nó cố bám lấy cái “cuống nhau lịch sử” của nó để tồn tại, để đu dây, ép hàng tỷ người dân cùng đu với chúng nhằm kéo lùi lịch sử, chống lại thế giới tiến bộ-văn minh. Càng không chính danh, chúng càng dối trá, lỳ lợm, tàn bạo, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để duy trì sự tồn tại của chúng. Mới đây Tàu Cộng vẫn ngang ngược nói rằng sự đàn áp cuộc biểu tình của nhân dân, chủ yếu là thanh niên-sinh viên ở Quảng trường Thiên An môn cách đây 30 năm (4/6/1989) là đúng để giữ “trật tự, sự ổn định” . Như vậy, chúng vẫn đối lập với nhân dân, xem nhân dân không là gì hết, vẫn tự coi mình là kẻ “đem lại” – bố thí – ban phát hạnh phúc cho người dân! 

Như vậy, loài người tiến bộ-văn minh hiện nay đang đối mặt với một sự dối trá mang tên “cộng sản”, nhưng dường như ở đó “cộng sản” hoàn toàn chỉ là cái vỏ, thực chất nó là sự dối trá của chế độ quân chủ siêu gia trưởng vốn có một lịch sử gắn với một truyền thống văn hóa đã rất lâu đời. Chúng lì lợm, ghê gớm, man rợ và đáng ghê tởm hơn bất cứ sự dối trá nào khác, hơn cả dối trá cộng sản cội rễ hay thuần túy của chúng. Sự sùng bái, mù quáng trước tự nhiên, đất đai, lãnh thổ, những giá trị kinh tế-vật chất trần trụi cốt chỉ để thỏa mãn cái thân xác tự nhiên, khiến chúng không chỉ không nhìn thấy những giá trị cao quý hơn của con người như Trung thực – Tự do – Sáng tạo, không nhìn thấy chế độ Tự do - Dân chủ sẽ cho phép nhân dân của mình có những giải pháp tích cực, hữu hiệu cho những vấn đề của dân tộc, đất nước, trong đó có cả vấn đề “dân số quá đông” ở Trung Quốc”, mà còn tìm cách ngăn cản con đường phát triển của đất nước mình, chống lại loài người tiến bộ-văn minh. Cho nên, nhận diện cho thật rõ sự dối trá mang tên “cộng sản” nhất là sự dối trá Tàu Cộng và những “biến thể” của nó ở Việt Nam và Bắc Hàn v.v.., để có cách thức thích hợp, thật sự có hiệu quả nhằm triệt tiêu, xóa bỏ chúng, là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng của loài người tiến bộ-văn minh, của chính nhân dân các nước mà ở đó những chế độ đặc biệt dối trá đã và đang làm cho họ trở nên dối trá. 

Ngày 4 tháng 6 năm 2019





No comments:

Post a Comment

View My Stats