11:21 18/06/2019
Trong
12 năm qua, Sài Gòn đã lún hàng chục cm và tiếp tục lún trong thời gian tới.
Nguyên nhân được chỉ ra là việc khai thác nước ngầm quá mức.
Sáng 18/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ
trì diễn đàn chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó
với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Đây là một trong bốn chủ đề chính của Hội nghị đánh
giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về
phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí
hậu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ĐBSCL đóng vai trò
quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia. Tuy
nhiên, khu vực này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như chịu
tác động của nước biển dâng, khai thác sử dụng nước gia tăng từ các quốc gia
thượng nguồn sông Mekong.
Bên cạnh đó, các tỉnh phải đối mặt với áp lực tăng
dân số và phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu sử dụng nước gia tăng cũng như
tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, việc phát triển giao thông chưa gắn kết
được với nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và sụt lún đất…
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước
(Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết kết quả đo mốc cao độ giai đoạn
2014-2017 tại 339 mốc đo ở TP.HCM và ĐBSCL cho thấy có đến 306 mốc lún so với
năm 2005.
Trong số này,
lún nặng nhất là ở phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), lên đến 81,4 cm và
phường 1 (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là 62,2 cm. Điều đáng lo ngại là lún
đang diễn ra với tốc độ cao, như phường An Lạc khoảng 6,8 cm/năm, xã Bình Thành
(huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là 5,74 cm/năm…
Căn cứ vào mức độ đo được, Cục Quản lý Tài nguyên nước
đã phân vùng sơ bộ, trong đó vùng lún trên 10 cm có diện tích khoảng
3.400 km2 ở 7 tỉnh gồm Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc
Liêu, Cà Mau và 2 thành phố là TP.HCM và Cần Thơ.
Nguyên nhân sụt lún được xác định có liên quan đến
hoạt động khai thác nước ngầm và suy giảm mực nước ngầm. Thống kê ở ĐBSCL và
TP.HCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung có quy mô trên 10 m3/ngày phục
vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày.
Trong đó, TP.HCM có đến 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày.
Ngoài ra, khoảng 990.000 giếng khai thác nhỏ lẻ quy
mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày.
“Dù đến nay chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể
nhưng khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất
ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL”, ông Bẩy nhấn mạnh.
Để khắc phục, ông đề xuất điều tra, khoanh vùng để hạn
chế khai thác nước ngầm ở những khu vực đang khai thác quá mức. Bên cạnh đó,
các địa phương chủ động xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn
biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.
Ngoài ra, ở các khu đô thị và khu dân cư tập trung
cũng nên áp dụng giải pháp lưu giữ nước mưa để giảm tình trạng ngập úng và bổ
sung mực nước ngầm.
----------------
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết
120 nêu rõ các điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi
khí hậu theo phương châm “thuận thiên” tức là sống chung và thích nghi với biến
đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ trưởng Trần
Hồng Hà mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, thảo luận của chuyên gia trong nước
và quốc tế, nhà khoa học, nhà đầu tư về cơ chế, chính sách cần thay đổi để quản
lý thống nhất tài nguyên nước, phòng chống thiên tai, ứng phó sạt lở.
Bên cạnh đó, khu vực này cần những giải
pháp công trình và phi công trình nào để thích ứng biến đổi khi hậu, lũ lụt,
xâm nhập mặn. Cùng với đó, các chuyên gia, nhà khoa học tìm nguyên nhân gây ra
hiện tượng sụt lún, sạt lở để có giải pháp ứng phó cấp bách và bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn
nhận được ý kiến thảo luận về cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành để giải quyết
tổng thể các vấn đề tài nguyên nước.
No comments:
Post a Comment