Lê Mạnh Hùng
June 15, 2019
Những ngày gần đây, Tổng Thống Donald Trump có vẻ
thoải mái trong việc sử dụng kinh tế Hoa Kỳ vừa như một cái mồi dụ dỗ, vừa là một
vũ khí dọa nạt. Trong chuyến đi thăm Anh Quốc vừa qua, ông đã “tweet” rằng nước
Anh có thể chờ đợi “một thỏa hiệp thương mại huy hoàng” với Mỹ nếu Anh chịu “vứt
bỏ những xiềng xích” của Liên Hiệp Châu Âu.
Trong khi tuần trước, ông đe dọa gây chiến tranh
kinh tế với tất cả mọi người, bất chấp cả bạn thù. Các nước Châu Âu bị đe dọa
trừng phạt vì họ tìm cách tiếp tục buôn bán với Iran. Mexico bị đe dọa đánh thuế
quan vào hàng của mình bán sang Mỹ nếu không chặn những người tị nạn Trung Mỹ
vào đất Mỹ.
Đầu Tháng Sáu, ông loại Ấn Độ ra khỏi danh sách những
nước đang phát triển được WTO cho phép nhận một số những ưu đãi vì lý do Ấn
không làm đủ để mở cửa thị trường cho Mỹ.
Nhật báo New York Times tường thuật rằng ông còn
tính đánh thuế vào nhôm của Úc cho đến khi Ngũ Giác Đài phản đối vì Mỹ còn nhờ
quá nhiều vào Úc tại Thái Bình Dương. Những phát súng này chỉ là chuyện nhỏ
trong chiến dịch chính của ông Trump: tìm cách bao vây và cô lập Trung Cộng.
Quan thuế và trừng phạt cấm vận là hai chuyện khác
nhau. Quan thuế là công cụ mậu dịch thường được dùng để cân bằng quyền lợi của
cả người sản xuất lẫn tiêu thụ trong lúc cấm vận là trừng phạt công khai đối với
kẻ thù. Nhưng đối với ông Trump, mà hiện nay dùng chúng song song cùng một lúc,
bởi vì ông lợi dụng một
nhược điểm của thế giới, ước muốn buôn bán với Mỹ, thị trường giàu có và béo bở
nhất thế giới.
Hoa Kỳ đã hưởng vị thế này từ hơn hai thế hệ nay. Nó
là một yếu tố then chốt cho sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. Cho đến lúc gần
đây, nó được đưa ra như là một món mồi nhử, nhưng nay Tổng Thống Trump dùng nó
như một cây gậy.
Quan thuế làm cho việc xâm nhập vào thị
trường tốn kém hơn. Nhưng cái tốn kém hơn đó ai phải chịu thì còn là một vấn đề
với nhiều tay chơi tham dự, từ nhà sản xuất nước ngoài, công ty xuất nhập cảng,
cửa hàng bán lẻ trong nước và người tiêu thụ, tất cả đều phải chịu ít nhất là một
phần của cái tốn kém thêm đó.
Trong một lá thư ngỏ ngày 20 Tháng Năm gửi Tổng Thống
Trump, 173 công ty giầy dép bao gồm những công ty khổng lồ như Nike và Adidas
đã phản đối việc đánh thuế quan vào giầy dép, nói rằng: “Với tư cách là một
ngành hoạt động phải chịu thêm môt khoản thuế quan $3 tỷ mỗi năm, chúng tôi có
thể bảo đảm với ngài rằng mọi gia tăng trong chi phí nhập cảng giầy sẽ có ảnh
hưởng trực tiếp đến người tiêu thụ Hoa Kỳ.”
Ông Jeffrey Sachs, giáo sư kinh tế tại Đại Học
Columbia, đặt vấn đề kiểu khác: “Đây là một cách tiếp cận có rủi ro rất cao. Một
hệ thống mở có thể trở thành một hệ thống đóng hay phân hóa thành nhiều hệ thống.
Nó đã xảy ra sau những loạn lạc của Thế Chiến Thứ Nhất và cuộc Đại Khủng Hoảng.
Và nếu Hoa Kỳ rút khỏi hệ thống này thì những nước khác cũng sẽ làm theo.”
Theo ông Ben Emons, giám đốc điều hành công ty tư vấn
Medley Global Advisors, thì chiến lược của Tổng Thống Trump dựa trên niềm tin rằng
“nhu cầu tiêu thụ của dân Mỹ thì lớn và hấp dẫn đến mức mà không ai có thể bỏ
qua thị trường Mỹ được.” Ông Emons cho rằng trong tương lai gần, điều đó có thể
đúng. Nhưng về lâu về dài thì chưa chắc.
Không phải chỉ có riêng Hoa Kỳ mới chơi được trò
chơi này. Trung Cộng cũng đã lập ra danh sách các công ty Mỹ đưa vào sổ đen để
phản ứng với việc ông Trump cấm buôn bán với Huawei. Và theo ông Emons, “Trung
Quốc có thể chuyển sang dựa vào buôn bán với các nước khác cũng như thị trường
trong nước.”
Ngoài quan thuế và cấm vận ra, số vũ khí có trong
tay hai nước – và thật sự là tất cả các nước – thì rất rộng lớn. Chúng bao gồm
giới hạn đầu tư, kiểm soát xuất cảng, tẩy chay hàng hóa, sổ đen, truy tố chống độc
quyền, và ngay cả điều tra hình sự. Trung Cộng đã từng dùng đe dọa ngăn chặn du
lịch đối với Nam Hàn và đã thành công. Họ có thể dùng những biện pháp tương tự
đối với Hoa Kỳ để đối phó lại.
Tuy rằng chiến tranh kinh tế có thể mang lại nhiều rủi
ro, nhưng rõ ràng là ông Trump thích loại chiến tranh này hơn là chiến tranh
dùng máy bay, xe tăng và những người lính cầm súng mà hầu như đời tổng thống Mỹ
nào cũng phải có trong suốt nửa thế kỷ vừa qua.
Ngay cả ông Barack Obama, người được giải thưởng
Nobel Hòa Bình, cũng cho ném bom Libya cho đến khi chế độ Khaddafi sụp đổ. Ông
Trump thì không phải là không muốn chiến tranh, ông đe dọa máu và lửa chống lại
Bắc Hàn chẳng hạn, để thêm tiền vào cho ngân sách Ngũ Giác Đài và đe dọa “tiêu
diệt” Iran, nhưng cho đến nay ông chỉ mới ra lệnh bắn hai lần hỏa tiễn vào
Syria và tìm cách rút quân khỏi Syria và Afghanistan nhưng không mấy thành
công.
Không phải ông Trump không thích chiến tranh, nhưng
ông biết rằng dân Mỹ chán ghét những cuộc chiến bên ngoài và đặc biệt là nếu những
cuộc phiêu lưu này không mang lại kết quả. Chiến tranh kinh tế dễ biện minh
hơn. Nhưng nếu nó mang lại những hậu quả trực tiếp đến đời sống dân Mỹ thì có lẽ
Tổng Thống Trump cũng khó có thể tiếp tục. (Lê Mạnh Hùng)
No comments:
Post a Comment