Anh
Vũ – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 20-06-2019
Chuyến
thăm Bình Nhưỡng của chủ tịch Trung Quốc trước khi gặp gỡ lãnh đạo G20 tại
Osaka ; ông Donald Trump khai cuộc rầm rộ chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ,
chạy đua căng thẳng giành vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Liên Hiệp Châu Âu. Đó
là những thời sự nổi bật của các báo Pháp ra hôm nay.
Nhật báo Le Monde khái quát chuyến thăm Bắc Triều
Tiên 2 ngày của chủ tịch Trung Quốc bằng hàng tựa : « Tại Bình Nhưỡng, Tập Cận
Bình trong vai trò trung gian giữa Kim và Trump ». Tờ báo ghi nhận « đến Bắc
Triều Tiên, chủ tịch Trung Quốc muốn chứng tỏ vai trò không thể thiếu của Bắc
Kinh bên cạnh người láng giềng ». Đây là chuyến đi đầu tiên của một lãnh đạo
Trung Quốc đến Bình Nhưỡng trong 14 năm qua, trong khi mà Kim Jong Un đã bốn lần
qua Bắc Kinh trong vòng 2 năm qua từ khi Bắc Triều Tiên bắt đầu đối thoại trực
tiếp với Mỹ về giải trừ hạt nhân. Điều đó khẳng định Trung Quốc là một tác nhân
không thể thiếu trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời cũng chứng tỏ
Bình Nhưỡng hơn bao giờ hết là một nhân tố trong các tranh chấp đối kháng giữa
Bắc Kinh và Washington.
Khi mà cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên rơi
vào bế tắc từ sau thất bại ở thượng đỉnh Hà Nội, Trung Quốc lại càng muốn chứng
tỏ vai trò tác nhân giữ ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như là nước có khả
năng trung gian hòa giải. Điều này giúp Bắc Kinh tạo thanh thế trong các cuộc
thương lượng riêng với Hoa Kỳ. Theo Le Monde, « Bắc Kinh muốn ngầm nhắc rằng
chiến thuật « áp lực tối đa » đối với Bắc Triều Tiên mà Washington đang theo đuổi
sẽ chỉ có tác dụng, nếu có sự can dự đầy đủ của Bắc Kinh ». Đây sẽ là một điều
kiện không kém phần quan trọng cho các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ.
Về phần Bắc Triều Tiên, chuyến đi của ông Tập giúp
lãnh đạo Kim Jong Un củng cố thanh thế cá nhân, rằng ông vẫn luôn có người bạn
lớn bên cạnh trong chiến lược phá thế cô lập ngoại giao được theo đuổi hơn hai
năm qua, với ít nhiều thành công.
Còn tờ báo kinh tế Les Echos thì nhìn thấy chuyến của
ông Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng tạo đà cho cuộc gặp còn quan trọng hơn nhiều với
tổng thống Trump ít hôm nữa, bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka. Les Echos trích
nhà nghiên cứu chính trị Triệu Thông (Zhao Tong), thuộc Trung tâm Chính trị
toàn cầu Carnegie-Tsinghua : « Tập Cận Bình muốn nhắc Mỹ phải tính đến ảnh hưởng
của Trung Quốc để giải quyết chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên ». Les Echos
nhận định : « Trung Quốc như vậy có thể dùng chuyến đi Bình Nhưỡng của ông Tập
như là một lý lẽ có sức nặng trong cuộc mặc cả với Washington. Bắc Kinh muốn chứng
minh rằng Mỹ không thể một mặt phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc,
mặt khác vẫn ép Bắc Kinh tuân thủ cấm vận Bắc Triều Tiên ». Bên cạnh đó, tổng
thống Trump muốn thành công trong đối sách với Bình Nhưỡng thì phải mềm dẻo với
Trung Quốc, nước duy nhất có thể khiến Bình Nhưỡng nhượng bộ.
*
Tìm ai lãnh đạo được châu Âu ?
tìm kiếm lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu là thời sự chiếm
trang nhất của nhiều tờ báo Pháp. Nghị Viện mới của châu Âu đã được bầu gần một
tháng, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker sửa soạn ra đi, các nước
thành viên Liên Hiệp và Nghị Viện phải tìm người thay thế.Nhiệm vụ tưởng đơn giản,
nhưng trên thực tế chứa đầy thách thức.
Trang nhất nhật báo La Croix chạy tựa lớn : « Châu
Âu tìm kiếm người cầm đầu ». Nguyên thủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp,
trong hôm nay (20/06) và ngày mai, để thống nhất về người có khả năng cầm cương
Ủy Ban Châu Âu. La Croix tự hỏi : « Chờ đợi gì ở người kế nhiệm ông Jean-Claude
Juncker ? Số người nhăm nhe ứng cử vào vị trí then chốt của EU, dù đã tuyên bố
hay không nói ra, đều rất đông. Nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn bao giờ hết, trong
bối cảnh nước Anh liên tục khất lần chuyện Brexit. Nhiều chương trình lớn của
châu Âu đang chờ lãnh đạo các nước bàn thảo, như ngân sách sắp tới của Liên Hiệp,
cải cách khu vực đồng euro (Eurozone), quản lý di dân. Và nhất là trong bối cảnh
xu hướng dân tộc cực đoan đang dâng cao ở châu Âu ».
La Croix khẳng định : « Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chức
vụ căng thẳng ». Trong bài xã luận, tờ báo đưa ra các phẩm chất để chọn vị lãnh
đạo tương lai của EU : « Không có ứng viên lý tưởng, nhưng người ta có thể lấy
3 phẩm chất để sàng lọc người thích hợp với vị trí này. Phải là một vị nhạc trưởng
nhạy cảm với các thách thức môi trường, có khả năng đương đầu với các vấn đề lớn
của thế giới này và chăm lo cho sự gắn kết của toàn châu Âu ».
Nhiệm vụ chọn người cầm lái con tàu Liên Hiệp Châu
Âu càng trở nên khó khăn, khi mà hai thành viên đầu tàu của Liên Hiệp, Đức và
Pháp, đang bất đồng sâu sắc. Các báo đều có chung nhận định là các bên không thể
đạt được thỏa thuận chọn người lãnh đạo Ủy Ban, cũng như các vị trí chủ chốt của
EU trong hai ngày họp thượng đỉnh. Nhật báo Le Figaro khẳng định không có gì bảo
đảm cuối tuần này người ta sẽ biết được danh tính người lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu
vì « Angela Merkel và Emmanuel Macron, đang mặt nặng mày nhẹ, chống đối nhau
trong việc chọn ứng viên. Ai cũng muốn đưa người của mình vào nhằm tạo thanh thế,
ảnh hưởng của nước mình vào công việc điều hành một liên hiệp 28 thành viên ».
Sự kiện này cũng là một thách thức cho châu Âu sao cho không bị rơi vào khủng
hoảng nội bộ, như hy vọng của nhật báo Les Echos. Trong khi đó các ứng viên tiềm
năng cho chức danh lãnh đạo các định chế của Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời
gian, vận động sự ủng hộ từ khắp nơi, khắp chỗ có thể. Thực tế này một lần nữa
lại cho thấy Liên Hiệp Châu Âu là một khối, nhưng còn lâu mới thống nhất và
đoàn kết.
*
Donald Trump tái tranh cử để « giữ cho nước Mỹ vĩ đại ? »
Nhìn sang nước Mỹ, sự kiện tổng thống Donald Trump
khởi động chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 hôm 18/06, tuy không có gì là
bất ngờ, nhưng vẫn được các báo Pháp quan tâm theo dõi.
Le Monde ghi nhận : « Trump khởi động chiến dịch rầm
rộ chiến dịch » tái tranh cử tại bang Florida. Theo Le Monde, trước hàng nghìn
người ủng hộ, tập hợp trong nhà thi đấu thể thao ở Orlando, đương kim tổng thống
Mỹ lại mở màn chiến dịch tranh cử của mình bằng những chiêu cũ : tấn công vào
Hillary Clinton, đối thủ cũ của ông trong cuộc tranh cử hồi 2016. Ông Trump tỏ
ra rất quyết liệt, dữ dội lên án phe Dân Chủ, dù đảng này vẫn chưa có đối thủ
trực tiếp chạy đua với đương kim tổng thống. Ông Trump tố cáo họ « phá hoại
cách sống », « phá hoại giấc mơ của người Mỹ ». Từ « phá hoại » được ông Trump
nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn khi đề cập đến đảng Dân Chủ. Ông
chỉ dành 1/3 nội dung cuối bài phát biểu để nói về những thành công kinh tế.
Liên quan đến sự kiện này, báo Libération cho biết,
tổng thống Mỹ, được sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng Cộng Hòa, ngay từ giờ đã quyên
góp được 80 triệu đô la cho chiến dịch tái tranh cử 2020.
Tờ báo nhận xét, so với lần tranh cử trước cách đây
4 năm, chiến dịch lần này của ông Trump có nhiều cái khác căn bản. Ê-kíp tranh
của của ông Donald Trump lần này tổ chức chặt chẽ và tinh vi hơn so với những
thành viên có thể gọi là thiếu kinh nghiệm của năm 2016.
Lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 của ông
Trump là ông Brad Parscale, một chuyên gia về truyền thông, tuổi ngoài 40, đã
làm việc cho Donald Trump từ năm 2011. Chiến dịch lần này đã đầu tư hàng triệu
đô la cho các hoạt động quảng bá trên đủ loại mạng xã hội, từ Facebook đến
Youtube.
Nếu như khẩu hiệu của lần tranh cử lần trước của ông
Trump là « làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » thì ở lần tái tranh cử, khẩu hiệu
được chỉnh lại « giữ cho nước Mỹ vĩ đại », một khẩu hiệu hàm ý khoe khoang
thành công của nhiệm kỳ đầu.
*
Trong tương lai, di dân tị nạn trên thế giới còn đông nữa
Hôm nay là Ngày Quốc tế Người tị nạn. Nhiều tờ báo
Pháp đã dành nhiều bài viết để đánh động dư luận trước những số phận đáng
thương vì ngoại cảnh nghiệt ngã đã phải tha phương bảo toàn cuộc sống.
Báo La Croix đưa con số : « 70,8 triệu người chạy trốn
chiến tranh hay truy bức ». Đó là số liệu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị
nạn công bố hôm qua. Đáng chú ý là Venezuela nằm trong số các nước có đông người
tị nạn nhất.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hơn 1 tỷ đàn ông,
phụ nữ và trẻ em trên thế giới đã rời khỏi mảnh đất quê hương của mình đi nơi
khác, tìm sự an toàn hay hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong đó có 700
triệu người phải « tị nạn » trong chính đất nước mình, 250 triệu người phải ra
nước ngoài kiếm sống, 70,8 triệu người phải bỏ lại nhà cửa quê hương chạy trốn
chiến tranh hay các truy bức.
Theo La Croix thì từ sau Thế chiến thứ 2, chưa bao
giờ con số di dân, tị nạn lại cao đến như vậy. Hầu hết các di dân tị nạn đều hướng
về châu Âu hay Bắc Mỹ. Do đất nước lâm vào khủng hoảng, khánh kiệt, 4 triệu người
Venezuela đã bỏ sang các nước láng giềng mưu sinh. Các chuyên gia nhận định, sẽ
còn có nhiều di dân hơn nữa trong tương lai.
-------------------------------
LIÊN QUAN
RFI
.
RFI
.
RFI
VOA
VOA
No comments:
Post a Comment