Thứ Ba, 06/11/2019 - 01:32 — VietTuSaiGon
Cuộc Cách mạng dù do những sinh viên Hồng Kông thực
hiện cách đầy chưa đầy nửa thập kỉ đã được tiếp nối bởi hàng triệu người Hồng
Kông trong tuần qua. Cả hai cuộc xuống đường đều có chung mục tiêu: Phản đối
các chính sách, tác động của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc lên vùng đất vốn
dĩ quen với văn minh, năng động và dân chủ này. Kết quả có thể chưa biết bao giờ
mới đạt được, nhưng với chiều hướng phát triển như đã thấy, có thể nói rằng Hồng
Kông không hổ danh là một vùng đất tiến bộ, văn minh. Nhìn lại cuộc xuống đường
hàng triệu người vừa qua ở xứ bạn, lại thấy buồn và hổ thẹn cho xứ minh. Và tự
hỏi: Tại sao Việt Nam không có những động thái đi tìm tiếng nói tiến bộ? Đến
bao giờ Việt Nam mới có được tự do?
Hỏi là hỏi cho đỡ buồn, chứ câu trả lời cũng rành
rành ra trước mắt: Việc đi tìm tiếng nói tiến bộ là vô cùng khó đối với người
Việt. Và bản thân chúng ta đã quen với tư duy chịu phụ thuộc, chịu nô lệ nên rất
khó để tìm đến tự do. Và tự do muôn đời vẫn là giấc mơ của số ít người Việt!
Người Hồng Kông ngạo cốt, người Việt ngạo tâm?
Trước nhất, phải trả lời thế nào là ngạo cốt, thế
nào là ngạo tâm? Ngạo vốn dĩ là đức tính không tốt. Nhưng trong một số trường hợp
có liên quan đến đại thể, đại cuộc thì ngạo là vốn quí của dân tộc. Nếu không
ngạo, không đặt cái tôi của dân tộc, cộng đồng và bản thân lên cao thì chấp nhận
dưới vế, chấp nhận thân phận tôi đòi, nô lệ là điều hiển nhiên. Chính vì vậy,
cái cốt cách ngạo đời vẫn luôn là thứ vô cùng quan trọng cho con người khi đặt
trên phương diện quốc gia, dân tộc. Một người có cốt cách cao ngạo, hẳn nhiên sẽ
tự nhận thấy tầm quan trọng bản thân, tự nhận thấy những cái ao đời bẩn thỉu, cặn
bã mà họ không nên bước vào, tự nhận thấy vị thế của bản thân và người anh em đồng
tộc trên bản đồ thế giới. Và đương nhiên, người ngạo cốt không tỏ ra cao ngạo,
không to tiếng, không đè người khác xuống kèo dưới mình, không đẩy người khác
vào chỗ bế tắc… Vì họ từ mình mà suy ra, giá trị, nhân phẩm, lòng yêu thương và
tự do là những thứ vô cùng quí giá, không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì!
Ngược lại, kẻ ngạo tâm thì có cốt cách chưa hẳn cao
quí, tư chất chưa hẳn hơn người nhưng luôn đặt mình vào một vị trí tâm lý cao
hơn đời một bậc. Luôn tự hào mình là “vĩ nhân của mọi vĩ nhân”, rồi “anh hùng của
mọi thời đại”, hoặc có thân phận, địa vị thấp bé hơn thì xem mình là trung tâm
của gia đình, trung tâm của xóm làng, trung tâm của cộng đồng… Mặc dù không biết
được, không thấy được, cũng không hiểu được mình có cái gì để xứng đáng là
“trung tâm”, không biết cái “trung tâm ấy nó nằm chỗ nào, mình hơn người thứ
gì…!” Ngạo tâm là một thứ hoang tưởng bệnh hoạn, người ta tự huyễn hoặc mình
cao hơn thiên hạ, tự đặt mình lên đầu tha nhân nhưng chẳng hiểu để làm gì và
cũng chẳng mang lại kết quả tốt đẹp nào.
Chính vì kiểu hoang tưởng bệnh hoạn này nên kẻ ngạo
tâm rất dễ chửi mắng, hoài nghi người khác, và đương nhiên thấy bất kì thứ gì
“không phải là mình” thì kẻ ngạo tâm sẵn sàng chửi, rủa sả, miễn sao thỏa cái
ngạo. Điều này rất dễ nhận thấy ở phần đông người Việt, từ quan chức cho đến
trí thức và thường dân, tính ngạo đều rất cao, đều xem người khác dưới mắt
mình, và điều đó cũng giống với người Trung Quốc, họ khó có thể làm việc chung.
Hễ cứ ba người ngồi làm chung một công việc thì người nào cũng thấy hai người
còn lại quá tệ, khó có đủ tư cách để làm việc với mình.
Ngạo tâm không phải chỉ riêng ở những kẻ tự xem mình
là “chính qui, chính thống” mà nó còn bàng bạc trong khắp nẻo đấu tranh dân chủ,
nhân quyền. Trong chưa đầy ba năm, từ chỗ mạnh mẽ, luôn tìm được tiếng nói
chung của mọi giới thì, hiện tại, có thể nói rằng giới đấu tranh dân chủ tại Việt
Nam đã đánh rớt quá nhiều thứ. Mặc dù phong trào, tư duy dân chủ của người dân
đang ngày càng mạnh lên nhưng nghiệt nỗi, những nhà dân chủ trong và ngoài nước
gần như không còn chiếm được tình cảm của người dân như trước đây. Bản thân người
viết bài này cũng thú nhận là rất tiếc những tình cảm mà mình đã dành cho các
nhà dân chủ, nhân quyền. Bởi càng lúc, các nhà này càng tỏ ra cao ngạo, không
coi ai ra gì và sẵn sàng rủa sả người khác không tiếc lời. Điều này trái hẳn với
tư duy dân chủ. Bởi muốn có dân chủ, khởi nguyên của nó phải là từ ngôn ngữ.
Không cần biết anh làm gì, nhưng lời nói của anh mạ lị, xúc phạm người khác
cũng đồng nghĩa với sự méo mó về tư duy dân chủ ở anh. Đặt giả sử, anh chửi một
tử tù. Điều đó càng cho thấy anh kém về dân chủ, bởi họ đã trả giá cho tội lỗi
của họ bằng kết cục “tử tù”, thì có cần thiết nhà dân chủ phải lên tiếng. Và, nếu
lên tiếng để phanh phui một thứ gì đó tội lỗi, thì hòa khí, tính trí tuệ của
ngôn ngữ không bao giờ đồng nhất với sự mạ lị hay rủa sã.
Chỉ riêng điểm này, người Việt, nhà đấu tranh Việt
mãi mãi không thể so sánh với các nhà đấu tranh Hồng Kông, và người dân Việt
thì có lẽ còn nhiều kiếp lắm mới kịp người dân Hồng Kông về văn minh, tiến bộ.
Thử nghĩ, nhà đấu tranh thì coi dân là lũ ngu lâu, khó thay đổi, đám đông bị dắt
mũi, còn người dân thì nhìn nhà đấu tranh như một thứ dân buôn lậu trá
hình, lợi dụng sức mạnh tập thể của họ để kiếm ăn… Thì đến bao giờ mới có được
tiếng nói chung? Đến bao giờ mới đi đến mục tiêu cao quí? Đến bao giờ Việt Nam
mới có những cuộc cách mạng làm ‘thay cũ đổi mới” với đúng bản chất của hai chữ
này?!
Thật là khó, bởi nhìn đi nhìn lại, người có tâm huyết,
cầu tiến không phải ít. Nhưng cái con số “không phải ít” ấy lại bị kiềm tỏa bởi
số đông, nếu không muốn nói là quá đông những kẻ ngạo tâm. Một người hoạt động,
đấu tranh dân chủ dám nói thật rằng “người Việt bây giời không còn nghèo vật chất,
họ nghèo kém về tinh thần” thì ngay tức thì bị qui chụp “cộng sản nằm vùng, nó
tuyên truyền cho Cộng sản chứ đất nước đó chỉ có bọn quan chức mới phè phỡn,
dân thì nghèo cạp đất mà ăn…”. Trong khi đó, kẻ tức giận hay rủa sã kia mới
đáng bàn bởi họ nói theo cách kiêu ngạo về cái sự biết của họ, thực tế ra sao
thì mặc kệ! Kiểu nói bất chấp này để lại hệ lụy không nhỏ!
Và còn một triệu lẻ một thứ ngạo tâm mà người Việt mắc
phải, bởi chúng ta trải qua thời gian làm nô lệ phương Bắc và nô lệ đồng tộc
quá lâu, chúng ta đã đánh mất từ vô thức cái cốt cách, khí phách của một con
người tự chủ và tĩnh tại. Sự kiêu ngạo của chúng ta như thể để lấp đi mặc cảm về
sự nhỏ nhoi của mình. Và càng ngạo tâm, chúng ta càng nhỏ bé. Đừng hỏi vì sao
ta không được như bạn, vì bạn không bao giờ hỏi câu đó, họ biết họ là ai, họ chẳng
đặt ai thấp hơn họ và cũng chẳng cúi luồn ai. Ngạo cốt khác với ngạo tâm. Chúng
ta đã quá nặng ngạo tâm!
No comments:
Post a Comment