Mỗi khi ở đâu đó trên thế giới xảy ra một cuộc biểu
tình ôn hoà đòi dân chủ, lật đổ chế độ độc tài hoặc đòi hỏi dân quyền, nhiều
người Việt trong số chúng ta thường buồn bã than rằng “Bao giờ Việt Nam mới làm
được như thế?”. Hoặc sẽ so sánh theo chiều hướng tiêu cực cho dân mình. Cuộc biểu
tình của khoảng 1 triệu người dân Hồng Kông nổ ra hôm qua 9/6/2019 cũng làm nức
lòng hàng ngàn người Việt yêu tự do không chỉ trong nước mà tại hải ngoại. Thêm
vào đó còn là tâm lý trông ngóng, nóng ruột gợn một chút hoài nghi “Dân mình có
làm được thế không, bao giờ?”
Bài viết này dựa trên một số ý tứ có sẵn trong một
bài viết cũ cách nay 5 năm. Mục đích không nhằm phân tích về những khác biệt hoặc
tương đồng của Việt Nam và Hongkong. Nó chỉ dẫn chứng vài sự kiện đã diễn ra nhằm
khẳng định ý kiến của người viết rằng, nhất định người dân Việt Nam sẽ thực hiện
được giấc mơ dân chủ, ước nguyện tự do và ở Việt Nam có rất nhiều người can đảm.
Trước khi đi vào chủ để chính của bài viết, xin nói
tóm gọn về cuộc biểu tình tại Hongkong.
Ngày 9/6, hàng trăm ngàn người dân Hongkong đã đổ ra
đường, biểu tình nhằm phản đối những thay đổi trong dự luật qua đó cho phép
nghi phạm được (bị) đưa tới xét xử tại toà án ở Trung Quốc. Người biểu tình cho
rằng quyết định này sẽ gây ra sự bất lợi cho người bị xét xử trong đó bao gồm cả
sự xâm phạm nhân quyền lẫn an ninh về cá nhân, bị tra tấn hoặc ngược đãi. Cuộc
biểu tình có lúc đã lên tới 1,03 triệu người tham gia- con số được đưa ra bởi một
Tổ chức Mặt trận nhân quyền và phía lãnh đạo lực lượng biểu tình. Đây là một
con số rất lớn so với 7,48 triệu người sinh sống tại Hongkong. Trong khi đó, lực
lượng cảnh sát Hongkong nói với truyền thông rằng chỉ có khoảng 240 ngàn người
biểu tình. Một số thông tin đã loan truyền rằng cảnh sát tại Hongkong đã nhận lệnh
từ Bắc Kinh dùng vũ lực để giải tán người biểu tình và đã có đụng độ vào rạng
sáng 10/6.
Báo chí Trung cộng đã cáo buộc “các thế lực nước
ngoài đang lợi dụng tình hình Hongkong để phá hoại Trung Quốc”. Tuy nhiên, báo
chí lề đảng nước này cũng không chỉ được đích danh ai là “thế lực nước ngoài”.
Trở lại với chủ đề ban đầu. Chúng ta cần nhìn lại
quãng thời gian sau năm 2008 khi nhà cầm quyền mở “chiến dịch mùa thu” bắt giữ
hàng loạt những nhân vật tranh đấu, việc bắt bớ gia tăng vào năm 2009 và 2010.
Cả một giai đoạn khó khăn tưởng như không thể trụ vững của phong trào dân chủ
trong nước. Nhưng, rất bất ngờ khi có đến hơn mười cuộc biểu tình yêu nước , chống
Trung cộng xâm lược đã diễn ra trong năm 2011. Nhiều gương mặt mới đã xuất hiện
và nhập cuộc vào giai đoạn cam go nhất của dân tộc. Đó chính là sự đột biến sau
một chu kỳ trầm lắng.
Cuộc biểu tình 11/5/2014 phản đối việc Trung cộng cắm
giàn khoan HD 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã thu hút sự tham
gia với số lượng đông chưa từng có trong khoảng dăm năm trở lại tính đến thời
điểm bấy giờ. Và mỗi một “giai đoạn” biểu tình đều đánh dấu một sự đàn áp khốc
liệt, (các lần sau mạnh tay hơn những lần trước) của nhà cầm quyền.
Sau sự kiện HD 981, không có cuộc biểu tình nào thu hút được số đông quần chúng cho đến mùa hè 2016. Ước tính có hàng vạn người trên nhiều thành phố khắp cả nước đã xuống đường phản đối tập đoàn Formosa gây ra thảm hoạ môi trường biển Việt Nam. Mặc dù trước đó khi trên mạng râm ran lời kêu gọi biểu tình, nhiều người đã tỏ ra hồ nghi về một cuộc xuống đường với số lượng đông đảo. Cuộc biểu tình chống Formosa được ghi nhận là đông hơn các cuộc biểu tình ôn hoà được nhắc tới ở trên. Và đương nhiên, một chiến dịch đàn áp, bắt bớ, khủng bố nhằm vào giới tranh đấu và những người biểu tình được nhà cầm quyền thực hiện với quyết tâm lớn lao hơn nhiều. Sau những gì đã diễn ra, nhiều người lạc quan cũng không dám mơ đến bất cứ cuộc biểu tình nào sẽ được diễn ra trong vòng một vài năm tới- kể cả khi có một sự kiện đáng để biểu tình.
Nhưng không, một cuộc biểu tình được ghi nhận là lớn
nhất từ trước đến thời điểm bài viết này xuất hiện, thu hút cả trăm ngàn người
xuống đường. Con số mà trước kia nhiều người đã mơ ước, viễn cảnh khởi đầu cho
một cuộc cách mạng. Cuộc
biểu tình tháng 6/2018 phản đối dự luật Đặc khu, chống luật An ninh mạng đã không thể trở
thành một cuộc cách mạng nhưng nó lý giải cho quy luật phản ứng của quần chúng:
Sự đè nén lâu dài sẽ bùng phát khi có cơ hội, sự trỗi dậy sau bao giờ cũng mạnh
mẽ hơn các lần trước. Có thể trong khoảng 1 đến 2 năm sau sự kiện tháng 6/2018
sẽ khó có một cuộc biểu tình ôn hoà với số lượng người tham gia đông đảo như thế
do bị nhà cầm quyền dùng mọi phương tiện, công cụ để ngăn chặn, đàn áp. Nhưng
như đã phân tích và dẫn chứng ở trên, các cuộc biểu tình sẽ vẫn (phải) diễn ra,
và cuộc sau sẽ quy mô hơn cuộc trước. Việc đàn áp, bắt bớ cũng chính là biểu hiện
tất yếu của cơn mê sảng trước lúc lâm chung của bất cứ một thể chế chính trị phản
dân chủ nào. Trong cuộc đối
đầu này, cán cân sợ hãi đang nghiêng về thế lực cai trị dù họ cầm trong tay mọi
quyền sinh sát với dân chúng. Thể hiện rõ nhất bằng lời hứa của ông Bí
thư thành Hồ trước bộ chính trị rằng “sẽ không để xảy ra biểu tình” tại thành
phố đông dân nhất mà ông đang thống trị.
Nhiều người than phiền rằng phong trào tranh đấu
trong nước ảm đạm quá. Cũng có một số người không ngại ngần bày tỏ sự chán nản.
Nhưng nếu xâu chuỗi lại các sự kiện tôi vừa nhắc, chúng ta hoàn toàn có thể hy
vọng. Và còn rất nhiều yếu tố khác để chúng ta vực lại tinh thần, nhất là đối với
những người đã đủ chiêm nghiệm cả về đời sống thực tế trần trụi lẫn đời sống
tinh thần kỳ diệu.
Không
một chính quyền nào có thể ngăn được sức mạnh của lòng dân. Không một chính thể
độc tài nào có thể chống lại xu hướng tất yếu của thời đại.
Trước khi lật đổ được các chế độ độc tài, nhân dân
Tiệp Khắc, Serbia, Miến Điện, Ai Cập, Lybia... cũng chìm trong sợ hãi như chúng
ta. Những nhân vật đối kháng của họ cùng từng chịu cảnh tù đày, đánh đập, có
người cũng phải phải tị nạn chính trị ở một quốc gia dân chủ khác. Họ là những
viên gạch lót đường, là biểu tượng về lòng quả cảm nhưng nhân tố quyết định cho
một cuộc cách mạng đi đến thành công không phải những con người đơn lẻ ấy mà là
dân chúng, là số đông quần chúng.
Cuối cùng, tôi muốn chúng ta cùng chia sẻ, đồng cảm
với suy nghĩ, niềm tin của nhạc sĩ Tuấn Khanh rằng “Nhờ vào những lạ thường (*)
này mà tôi luôn hy vọng vào những đổi thay, dẫu có lúc đang ở ngay trung tâm của
bóng tối”.
Hãy tin và cùng đồng hành để ngày mai, Việt Nam có tự
do.
(Chú thích *: Sự kỳ diệu của Đấng Tạo Hoá)
(Hình ảnh cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu tại
Việt Nam tháng 6 năm 2018 và cuộc biểu tình tại Hongkong hôm qua 9/6/2019.
Bạn có phân biệt được hai cuộc biểu tình này không?)
Bạn có phân biệt được hai cuộc biểu tình này không?)
No comments:
Post a Comment