Monday, 17 June 2019

NGŨ MINH KHAI SÁNG (Nguyễn Đắc Kiên)





Sáng 17/6, Joshua Wong, 22 tuổi, một trong những thủ lĩnh của phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên tại Hong Kong năm 2014 được trả tự do sau một tháng bị giam giữ.

Nhưng trong khi Joshua đang bị giam tại trại cải huấn Lai Chi Kok thì hàng triệu đồng bào của anh đã liên tục xuống đường những ngày qua, tạo ra một cuộc biểu tình ôn hòa, chưa có thống kê chính thức nhưng có lẽ có quy mô thuộc hạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Và điều đặc biệt ở cuộc biểu tình này là người ta không thấy những người gọi là “khởi xướng”, “tổ chức” hay “lãnh đạo”…

Tôi tin rằng, những người Hong Kong, trong khi họ vô cùng trân trọng và cảm kích những thủ lĩnh, những người tiên phong như Joshua Wong, thì họ vẫn không quên, không thoái thác việc phải tự gánh lấy bổn phận của mình. Đó là tự bản thân mỗi người họ, phải tự đứng lên và tự cất tiếng nói để tự bảo vệ quyền tự do chính đáng của chính mình, và của con cháu mình.

Những người Hong Kong hôm nay, tôi tin rằng, họ đã làm được điều mà tân tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi trong diễn văn nhậm chức mới đây, rằng “hãy treo ảnh chân dung con cái các bạn, chứ không phải bất cứ lãnh tụ, hay vĩ nhân nào trong phòng làm việc”.

Tôi tin rằng, những người Hong Kong đang xuống đường biểu tình, họ hiểu rõ rằng, chính họ là người đã sinh ra và sẽ sinh ra những đứa con của họ chứ không phải vị lãnh tụ hay vĩ nhân nào, vì thế chính họ chứ không phải ai khác phải có trách nhiệm với con cháu họ.

Trách nhiệm với con cái, họ hiểu không chỉ gói gọn ở việc nuôi dưỡng, giáo dục. Để làm tròn bổn phận, trách nhiệm với con cái họ hiểu rằng họ còn phải có trách nhiệm kiến tạo nên một môi trường xã hội tự do – lành mạnh, là đất sống tươi tốt cho các thế hệ tương lai.

Và tự họ, tự mỗi người Hong Kong, họ hiểu rằng, họ phải có bổn phận gánh vác việc kiến tạo này, họ không thể chờ đợi hay thoái thác cho bất cứ một ai khác.

“Khi bạn vừa manh nha ý định thoái thác công việc đáng ra là của bạn, cho bất cứ một ai khác, thì bạn phải hiểu ngay lập tức rằng, bạn đã tự chui đầu vào cái rọ nô lệ cho người ta rồi đó”.

Lời trên không hoàn toàn của tôi. Tôi không nhớ chính xác, nhưng có lẽ tôi đã đọc được đâu đó trong các cuốn sách của các nhà khai sáng thế kỷ 17-18 nào đó. (Có lẽ là của Rousseau hoặc Montesquieu?).

Những nguyên tắc, tinh thần căn bản của một nhà nước dân chủ tự do, những nguyên tắc, tinh thần căn bản cần phải có của một người công dân trưởng thành, đã được các nhà khai sáng phương Tây thế kỷ 17-18 mang ra bàn rốt ráo cả rồi.

Là chúng ta chưa chịu học hỏi đấy thôi.

Nói cho công bằng, người dân Hong Kong đã có thuận lợi hơn chúng ta rất nhiều. Với hơn 150 năm sống trong sự bảo hộ của nước Anh, người dân Hong Kong thực sự đã được trải nghiệm trong một trường học hạng nhất về dân chủ tự do.

Còn chúng ta, nếu đồng ý với Étienne Vacherot – triết gia, chính trị gia Pháp thế kỷ 19 – chúng ta có lẽ đã ở trong một “trường học tồi tệ nhất”. Étienne Vacherot viết: “Chế độ chuyên quyền là trường học tồi tệ nhất cho nền dân chủ”.

Nhưng đó không phải là lý do để ta thoái thác bổn phận làm người, bổn phận trưởng thành, bổn phận phải kiến tạo nên xã hội tự do, lành mạnh cho chính mình và các thế hệ tương lai.

Thế nào là “đứng trên vai những người khổng lồ”? Thế nào là “đi tắt đón đầu”?

Là nghiêm cẩn học hỏi người ta đó.

Người Nhật Bản đã làm việc này từ thế kỷ 19. Người Hàn Quốc, người Đài Loan, và có thể tính cả người Hong Kong nữa đã làm mới đây.

Họ là những người đồng chủng đồng văn với chúng ta, và họ đã làm được.

Vậy đừng nói về khác biệt địa lý, khác biệt chủng tộc nữa. Khác biệt là ở đầu óc ta có chịu cởi mở ra hay không? Khác biệt là ở chỗ ta có chịu dày công nghiêm cẩn mà học hỏi hay không?

Tôi vẫn tin rằng không có cuốn sách nào gọi là nhất định phải đọc, cũng như không có giới hạn nào cho số sách người ta phải đọc trong đời mình, nhưng mấy ngày nay khi tự đặt cho mình câu hỏi: “Nếu chỉ được giữa lại vài cuốn sách và phải bỏ tất cả những cuốn sách đã đọc, mình sẽ chọn những cuốn nào?”

Kết quả, như các bạn thấy trong hình đi kèm, đó là năm cuốn tôi gọi là “Ngũ kinh Khai sáng”: “Khảo luận thứ hai về chính quyền” – John Locke; “Bàn về tinh thần pháp luật” – Montesquieu; “Bàn về khế ước xã hội” – Rousseau; “Bàn về tự do” và “Chính thể đại diện của” – Stuart Mill.

Ảnh: FB tác giả

Những cuốn sách này ra đời cách đây đã 200-300 năm nhưng nó vẫn không hề cũ, vì nó chứa đựng những nguyên tắc, những tinh thần căn bản của mọi nhà nước dân chủ tự do; những nguyên tắc, tinh thần căn bản cần phải có của bất kỳ người công dân tự do trưởng thành nào.

Người phương Tây, người Nhật Bản, người Hong Kong đã trưởng thành chính từ những cuốn sách như thế này. Còn chúng ta thì sao?

Tôi tin rằng, nếu một ngày nào đó, trên đất nước chúng ta, không một bạn trẻ nào trước khi rời ghế trường phổ thông mà không biết đến những cuốn sách này, không một người nào đã quá tuổi bốn mươi mà chưa từng đọc hết những cuốn sách này, thì ngày đó chúng ta sẽ không phải nhìn qua Hong Kong, Đài Loan để tìm những Joshua Wong hay Nathan Law nữa, chúng ta sẽ thấy những ánh mắt tự do, những tiếng nói trưởng thành ở ngay trên chính đất nước chúng ta.

Mấy ngày nay, tôi nghe thấy nhiều câu hỏi day dứt: chúng ta phải làm gì đây? Phải làm gì đây?

Phải học. Phải đọc. Trước hết, xin các bậc phụ huynh tìm đọc trước, rồi xin các vị khuyến khích con em mình tìm đọc.

Trước tiên, chúng ta phải gỡ bỏ được những rào cản tư tưởng, phải học cho kỳ được những tư tưởng, những cách suy nghĩ đúng đắn, sau đó ta sẽ biết ta phải làm gì.

Chúng ta đã và đang phải sống trong “một trường học tồi tệ”, nhưng chúng ta có sách vở, chúng ta có ý chí, không lý gì bó tay chịu trói, đúng không?

—–
P/S: Cuốn “Bàn về tinh thần pháp luật” mới được Omega Books tái bản, sách in khá đẹp, nhưng đáng tiếc là một số trang bị nhòe và bị lỗi “ruột thừa”, giữa trang 224-225, lọt vào 12 trang: 425-436. Mong rằng Omega Books sẽ có biện pháp khắc phục, và lưu ý cho lần tái bản sau.







No comments:

Post a Comment

View My Stats