Phạm Chí Dũng/Người Việt
June 16, 2019
Chỉ trong ít tháng gần đây, Liên Minh Châu Âu (EU)
đã có loạt hành động phản ứng nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ và xử tù nặng
nề đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền, xã hội dân
sự.
Vào Tháng Năm, 2019, Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại
Việt Nam đã phản ứng sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai kết án nặng nề đối với
hai người bất đồng là bà Vũ Thị Dung và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, và “mong đợi
việc Bà Vũ Thị Dung và Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương sẽ được trả tự do ngay lập tức
và vô điều kiện.”
Đến Tháng Sáu, 2019, mức độ phản ứng đã lên đến cấp
EU ở Bruxelles, Bỉ (nơi đặt trụ sở của EU) đối với trường hợp kỹ sư Nguyễn Ngọc
Ánh bị tòa án Việt Nam tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế, đồng thời nhận định
đây là “một sự phát triển đáng lo ngại.”
EU đã nhắc lại các quan điểm:
“Những vụ xét xử này là một phần của việc thực thi trên phạm vi rộng các
điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đồng thời tiếp nối
xu hướng tiêu cực trong việc truy tố và kết án các công dân Việt Nam vì các lý
do trong đó có việc biểu đạt một cách ôn hòa các quan điểm của mình trên mạng”;
“Liên Minh Châu Âu cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ các nhà hoạt động
nhân quyền trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân
quyền ở Việt Nam đồng thời hợp tác với các cơ quan chức năng hướng tới việc cải
thiện tình hình nhân quyền tại đây.”
Cần chú ý là mật độ phản ứng của EU về tình trạng vi
phạm nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian gần đây là dày hơn khá nhiều so với
mối quan tâm thưa thớt cùng chủ đề của cơ quan này trước đây.
Những năm trước, EU và đặc biệt là Phái đoàn Liên
Minh Châu Âu tại Việt Nam không mấy chú tâm đến làn sóng bắt bớ dân chủ nhân
quyền ở Việt Nam mà chỉ đặt trọng tâm vào hoạt động giao thương.
“Mở mắt”
Tâm thế mềm mỏng chuyển sang cứng rắn về cải thiện
nhân quyền của EU chỉ lộ rõ hơn từ nửa cuối năm 2017, sau việc Nhà nước Đức tố
cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Có thể cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là cú đột phá khẩu
mà đã khiến cho toàn Châu Âu được “mở mắt,” nhận thức lại hoàn toàn về toàn bộ
những gì mà chính quyền Việt Nam vẫn tự cho là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa” và “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người.”
Vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2017 – ngay sau khi kết
thúc Đối Thoại Nhân Quyền EU – Việt Nam với kết quả tồi tệ, Quốc Hội Liên Minh
Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, được thông qua bởi đa số các nghị
sĩ trong phiên họp toàn thể nghị viện ở thành phố Strasbourg, lên án chính phủ
Việt Nam về các hành động đàn áp tự do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả
tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền
EU – Việt Nam cùng những bản nghị quyết đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU
đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị “ăn hiếp” bởi giới chóp bu
Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng
lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA (Hiệp Định Thương
Mại Tự Do Châu Âu – Việt Nam).
Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp của chính thể
độc đảng ở Việt Nam chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào
ngày 15 Tháng Mười Một, 2018, gần một tháng sau khi Việt Nam đã tưởng như chắc
ăn khi Ủy Ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét
việc ký kết EVFTA với Việt Nam, nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết
2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam.
Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết
về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào Tháng
Sáu, 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925 (RSP)
giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt
Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do
biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền,
không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Đến Tháng Hai, 2019, EVFTA đã bị Hội Đồng Châu Âu
hoãn vô thời hạn mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Một đòn choáng váng dành cho những kẻ đánh võng mà không có lấy một chút thực
tâm cải thiện nhân quyền.
Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng
bộ, nhịp nhàng như hiện nay giữa các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nhà nước
ở Châu Âu. Hiểu một cách đơn giản, nếu chính thể Việt Nam không chịu thỏa mãn
những điều kiện nhân quyền chính yếu của Nghị Viện Châu Âu, sẽ chẳng có EVFTA
nào hết.
Vào lúc này, có thể những người Âu Châu đã đã rút ra
được bài học xương máu như người Mỹ trong các cuộc đàm phán nhân quyền bất tận
và vô nghĩa với Việt Nam: chính sách “đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương
mại” của Việt Nam là cực kỳ “xuyên suốt” cho đến khi nào chính thể này còn chưa
bị đẩy vào chân tường.
Ngân – Phúc đi Châu Âu công cốc?
Thế nhưng cho đến nay, không khí đàn áp nhân quyền ở
Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào
cho bất kỳ một “cải thiện nhân quyền” nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối
phó với cộng đồng quốc tế.
Những chuyến đi Châu Âu liên tiếp của Nguyễn Thị Kim
Ngân (Chủ tịch Quốc Hội) và Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng chính phủ) chỉ nhằm
phát đi những cam kết mà rất có thể vẫn chỉ là lối hứa cuội về nhân quyền.
Hãy ghi nhớ rằng quan điểm “vào trước, bắt sau” của
Hà Nội là rất nhất quán kể từ thời WTO: vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã tạm
ngưng bắt bớ giới hoạt động dân chủ nhân quyền để đổi lấy điều kiện được Mỹ chấp
nhận cho tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và còn được nhấc khỏi CPC
(Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) của Mỹ.
Nhưng khi đã ung dung trong trong WTO và hưởng lợi lớn
từ nhiều ưu đãi của tổ chức này, nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt trở lại, và bắt
ồ ạt, hung hãn và đầy sắc máu đối với nhiều người hoạt động nhân quyền và bất đồng
chính kiến.
Việc EU gia tăng phản ứng trong thời gian gần đây về
việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ và xử tù nặng nề đối với những người bất đồng
chính kiến là một tín hiệu và cũng là thông điệp xấu đối với chính thể độc đảng
độc tài: EVFTA sẽ rất khó được nghị viện mới của Châu Âu đồng ý cho ký kết và
phê chuẩn.
Quả thực, từ sau chuyến thăm ba nước Châu Âu là Nga,
Na Uy và Thụy Điển của Thủ Tướng Phúc vào cuối Tháng Năm, 2019, cho đến nay vẫn
chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy EVFTA “sẽ được ký kết và phê chuẩn vào cuối
Tháng Sáu” như một số nguồn tin của đảng và “thân đảng” khấp khởi trước đó.
Thói chủ quan, kênh kiệu rởm đời và không chịu thay
đổi não trạng đàn áp nhân quyền của giới chóp bu Việt Nam đã khiến hàng ngàn
doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội được tham gia sớm vào thị trường EU khi EVFTA
bị hoãn ký. Đồng thời làm chìm đắm hơn nền ngân sách hộc rỗng của chính quyền
trung ương ở Việt Nam khi không biết đào đâu ra ngoại tệ để trả nợ nước ngoài
đang liên tiếp đến hạn thanh toán và lên đến hàng chục tỷ đô la mỗi năm. (Phạm
Chí Dũng)
No comments:
Post a Comment