Wednesday, 19 June 2019

CƠM DÂNG TẬN MIỆNG VẪN KHÔNG ĂN ĐƯỢC! (Châu Thị Phan)






Cuối tháng 2/2019, sau khi tôi viết bài “Thằng Châu” và “Nước mắt đại ca”, thì bạn Trịnh Hồng Thọ (phóng viên báo Tuổi Trẻ, chuyên viết về ký sự pháp đình nổi tiếng với bút danh Thuỷ Cúc), đã gửi cho tôi bốn triệu sáu với yêu cầu: “Chừng đó tiền, chị dẫn mấy đứa học trò nghèo trong bài cho nó đi mua sắm, đi chơi, ăn cái gì ngon ngon
Tôi sung sướng lên kế hoạch chi tiết một ngày tròn cho tụi nhỏ ăn, chơi . Với chiếc xe bảy chỗ của quán, cậu em họ tôi xung phong nhận lái. Thằng Tuấn lớp trưởng của lớp tình thương ngày trước (mà hiện giờ tôi giới thiệu cho nó vào học ở một trường dạy nghề) xung phong đi theo để quản lý mấy đứa nhóc hay quậy.
Tôi tưởng tượng đến ánh mắt rạng rỡ, ngỡ ngàng khi các bé được dẫn đến những cửa hàng bán quần áo đủ màu, đủ kiểu cho chúng tha hồ lựa. Đến cảm giác “oai vệ” khi mấy bé chững chạc ngồi vào tiệm ăn và gọi món. Đến những tiếng cười lãnh lót, hồn nhiên khi chúng leo vào, chui ra, tuột trong những trò chơi trượt nước hoặc ngỡ ngàng, thích thú lẫn sợ hãi khi lần đầu tiên đi cáp treo…

Nhưng thực tế không như là mơ, dẫu tôi cố gắng năm lần bảy lượt hẹn hò tổ chức. Một lần thì mái ấm X. – nơi bé Như bị mẹ gởi vào đó – cương quyết từ chối không cho nó đi với tôi. Khác hẳn với lần đầu, khi tôi đến mái ấm, chị T. rất nồng nhiệt, đon đả kể lể đủ thứ chuyện. Chẳng lẽ do sau lần đó, đọc được bài viết “NƯỚC MẮT ĐẠI CA”, chị thấy tôi thuộc thành phần… phản động chứ không đơn thuần là cô phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM, một đơn vị xem như có “họ hàng” với Hội Phụ Nữ từ thiện TPHCM của chị?

Nghe tôi xin phép chị cho bé Như đi chơi với một số bạn học cũ trong lớp tình thương do tôi và một số thầy cô khác dẫn dắt, chị bảo con bé phải đi học (dầu con bé chỉ đi học buổi tối?!) và đi chơi thì mái ấm cũng đã cho tụi nó đi chơi nhiều rồi. Thậm chí, tôi xin phép nói chuyện với bé qua điện thoại, chị cũng nại đủ lý do để từ chối.

Với con bé Huyền và thằng Cu Đức thì cả nhà, kể cả bà nội của hai đứa ngày nào cũng chạy chợ kiếm cơm, bỏ một ngày xem như đói (theo nghĩa đen). Chưa kể , hai chị em nó cũng phải ở nhà bồng, giữ đứa em nhỏ mới mười mấy tháng tuổi mà mẹ nó bỏ lại cho bà nội của chúng để cầm chèo sang bến khác.

Với hai chị em con Châu, thằng Hổ thì đủ thứ lý do. Khi thì tôi không cách nào gọi điện để nhắn ba nó đưa lên. Lần sau gặp, trách thì ổng cười hề hề: “Dạ, chắc do bữa đó máy tui hết tiền quá. Không hiểu sao mua mỗi lần hai chục ngàn mà nó hết hoài hà!”.

Qua mấy tháng trời làm đủ mọi cách cũng không sao tập họp đầy đủ, tôi đành chọn phương án đánh lẻ. “Nắm“ được đứa nào, cho tụi nó đi chơi đứa ấy. Tuy không vui lắm vì thiếu bạn cùng lớp nhưng có còn hơn không.
Tôi tìm đến nhà bé Như tìm sự đồng thuận. Má và ba dượng hứa sẽ tìm cách cho nó đi với điều kiện tôi chi tiền xe ôm chở nó đi, về vì họ bận kiếm ăn từ rất sớm và tối mịt mới về. Thế là lợi dụng sau ngày được mái ấm cho về để dự đám tang bà ngoại, nó được nhà cho đi với chúng tôi.

Thằng Tuấn cũng đi cùng. Nhưng chờ hoài chờ hủy, thằng Hổ với con Châu cũng không đến. Mấy hôm sau gặp lại, ba nó đổ lỗi tại chiếc xe gắn máy cà tàng buổi sáng đạp hoài không nổ, mà lúc đó mới chuyển qua chạy xe đạp chở cả hai từ Bình Chánh về tới Tân Bình thì chắc hơn 9 giờ sáng mới tới nơi. Gọi điện, thì máy lại hết tiền. Tôi không biết đó là lý do thật hay vì mẹ bé Châu tiếc một ngày con bé không đi bán vé số thì mất đi một phần thu nhập nên không cho con đi chăng?

Cuối cùng hôm ấy chỉ có hai đứa học trò nghèo rớt mùng tơi của lớp vừa được cùng quán đi làm từ thiện ở một ngôi chùa nghèo nuôi trẻ mồ côi, vừa được đi ăn, đi cáp treo, vui chơi ở khu du lịch núi Chứa Chan, khu du lịch Giang Điền.

Nhìn ánh mắt rạng rỡ của bé Như và của thằng Tuấn, lòng tôi lại se thắt khi nghĩ đến thằng Đức, thằng Hổ, con Châu, con Huyền và những đứa học trò nghèo suốt ngày lê la trên đường phố của tôi. “Cơm” đã dâng đến tận miệng vậy mà còn chưa ăn được, huống chi mỗi ngày các con phải bon chen, giành giật ngoài đường để tồn tại. Tuổi thơ các con biến mất kể cả khi các con chưa kịp lớn. Khổ gì mà tới mức vầy nè trời!

Hai chị em Huyền, Đức trong lần đến quán nhận gạo do quán hỗ trợ

Ba cha con bé Châu, cu Hổ trong lần đến quán nhận gạo và đồ chơi!








No comments:

Post a Comment

View My Stats