Người Việt Online
June 22, 2019
KIÊN
GIANG, Việt Nam (NV) – Hàng trăm gia đình sinh sống ở đoạn bờ biển
Tiểu Dừa-Chủ Vàng, huyện An Minh đang lơ lửng bên miệng “hà bá” đối mặt với
nguy hiểm do không biết nhà bị nước biển cuốn trôi lúc nào.
Sạt lở bờ biển đã
tiến sát vách nhà nhưng người dân không thể di dời do không có đất, không có tiền.
(Hình: Thanh Niên)
Theo Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Kiên Giang, đoạn bờ biển
Tiểu Dừa-Chủ Vàng có đê biển Kim Quy-Tiểu Dừa, thuộc hai xã Vân Khánh và Vân
Khánh Tây (huyện An Minh) dài khoảng 4.2 cây số đang bị sạt lở đứt đoạn hơn 250
mét, sạt lở sát chân đê hơn 10 điểm, mỗi điểm sạt lở từ 25 mét đến 150 mét.
Trước tình hình sạt lở nêu trên, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh
Kiên Giang buộc phải công bố tình trạng “sạt lở đê biển nghiêm trọng” và tiến
hành cắm 20 biển báo tại các điểm sạt lở nguy hiểm có nhiều người dân qua lại.
Báo Thanh Niên ngày 22 Tháng Sáu, 2019, mô tả tại hiện
trường đoạn bờ biển khu vực Vàm Kim Quy (xã Vân Khánh) đang sạt lở rất nghiêm
trọng với chiều dài khoảng 300 mét. Hầu hết diện tích rừng phòng hộ ven biển tại
đoạn này không còn, mất đi khả phòng hộ, sạt lở bờ biển đến chân đê và đã vỡ một
đoạn đê khoảng 250 mét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời
sống người dân trong khu vực.
Đê biển huyện An
Minh bị sạt lở được sửa tạm thời bằng cừ dừa, cừ tràm. (Hình: Thanh Niên)
Ông Thái Văn Bích, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã
Vân Khánh, cho biết thời gian gần đây tình hình sạt lở bờ biển khu vực Vàm Kim
Quy rất nghiêm trọng, sóng đánh vỡ đứt đoạn đê quốc phòng, tác động trực tiếp đến
đời sống, sản xuất của hàng chục gia đình tại đây.
“Do sạt lở đang diễn biến phức tạp nên xã đã vận động,
di dời các gia đình trong vùng nguy hiểm đến ở tạm nhà người thân cho an toàn.
Ngoài ra, hàng trăm hộ khác đang sinh sống trên tuyến đê biển này cũng bị ảnh
hưởng bất lợi. Dự báo khi vào mùa mưa bão cao điểm sắp tới, tình hình sạt lở diễn
biến rất khó lường,” ông Bích nói.
Tờ báo này cho biết, hiện nay đã có một số nhà của
người dân bị sụp lở xuống biển, số khác có nền nhà trong tình trạng sạt lở nhưng
chưa di dời. Để ở tạm, người dân cất nhà sàn bằng gỗ, cách bờ khoảng từ 20 đến
50 mét, với đường dẫn từ bờ ra nhà bằng cầu gỗ tạm bợ rất nguy hiểm.
Ông Trương Quốc Thắng (ở ấp Kim Quy, xã Vân Khánh)
cho biết mỗi khi trời mưa lớn, giông gió, sóng to nổi lên, người dân ở đây rất
sợ nhưng bây giờ không biết di dời đi đâu do không có đất đai sản xuất, không
tiền bạc.
Người dân huyện An
Minh sinh sống tạm trên các nhà sàn bằng gỗ, cách bờ từ 20 – 50 mét. (Hình:
Thanh Niên)
“Nhà tôi trước đây cất cách biển hơn 200 mét nhưng
nay đã lở đến chân nền nhà, gia đình rất lo chưa biết tính sao. Nếu tình trạng
sạt lở tiếp tục diễn ra, nguy cơ nhà đổ sụp xuống biển khó tránh khỏi, nhất là
vào cao điểm mùa mưa bão sắp tới,” ông Thắng lo lắng nói.
Trước tình trạng sạt lở Vàm Kim Quy hồi năm 2017, Ủy
Ban Nhân Dân huyện An Minh cho sửa tạm bằng cách dùng cừ tràm, cừ dừa và đắp đất
để hạn chế, ngăn sạt lở. Tuy nhiên, giải pháp này vô dụng trước sự tác động của
sóng biển và sạt lở nhiều như hiện nay.
Nói với báo Thanh Niên về tình trạng trên, ông Nguyễn
Huỳnh Trung, phó chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Kiên Giang, cho biết ủy ban tỉnh
đã đề nghị Trung Ương hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn vay Ngân Hàng Thế Giới (Dự
án WB9) để xây dựng công trình bảo vệ bờ biển bằng kè phá sóng cho đoạn Tiểu Dừa-Chủ
Vàng, nhưng hiện tại chỉ đang ở bước chuẩn bị dự án nên không biết bao giờ mới
thực hiện. (Tr.N)
------------------------------
LIÊN
QUAN
19/06/19 12:22
No comments:
Post a Comment