Saturday, 8 June 2019

BẢN TIN NGÀY 8-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




08/06/2019

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên dẫn lời ngư dân tố bị tàu Trung Quốc đuổi, cướp 2 tấn mực: ‘Chúng tôi kiên quyết bám biển’. Ông Trần Văn Nhân, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá mang số hiệu QNa 91441TS, là tàu cá vừa bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc uy hiếp, cướp đi 2 tấn mực khô, kể:

Dù chúng tôi đánh bắt thuộc vùng biển Việt Nam nhưng họ vẫn nói rằng vùng biển này thuộc vùng biển Trung Quốc yêu cầu chúng tôi không được đánh bắt. Họ còn bảo rằng, đây là vi phạm lần đầu nếu lần thứ hai thì sẽ cắt hết lưới và lấy hết tài sản và sau đó sẽ lại dắt tàu về Trung Quốc“.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo TN

Ông Nhân nói thêm: “Sau khi bị cướp hơn 2 tấn mực khô, tàu Trung Quốc yêu cầu chúng tôi không được đánh bắt tại vùng biển này nữa. Nhưng đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, dù bị uy hiếp, bị cướp chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông gây hại nghiêm trọng. Ông Gregory Poling, GĐ AMTI tại Washington, bình luận, tranh chấp biển Đông có thể ảnh hưởng đến sinh học biển trong khu vực. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc đánh bắt quá mức và đặc biệt là các hành vi nạo vét, xây đảo trái phép và thu hoạch ngao hủy diệt sinh thái, đặc biệt nhất là từ phía Trung Quốc”.

Hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh khi xây đắp và củng cố các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông, dẫn đến sự suy giảm nguồn cá trầm trọng, “trữ lượng cá trong khu vực đã suy giảm trầm trọng từ 70% đến 95% tùy từng loài”.

Pháp cam kết điều tàu chiến định kỳ đến biển Đông, báo Tiền Phong đưa tin. Một trong các cam kết của Pháp đối với vấn đề bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là, “Pháp sẽ điều tàu chiến đi qua biển Đông ít nhất 2 lần mỗi năm”. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cảnh báo, nước này sẽ không bị bắt nạt bởi những “hoạt động đáng ngờ”, hay chấp nhận những thực tế đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Bài báo cho biết thêm, thời gian diễn ra Đối thoại Shangri-La vừa qua cũng là lúc tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle và đội tàu hộ tống đang ở Singapore. Nhóm tàu này đang triển khai nhiệm vụ mở rộng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời tham gia nhiều cuộc diễn tập cùng các đối tác gồm hải quân Ấn Độ, Úc, Anh, Nhật Bản, Singapore và Mỹ.


Luật riêng cho quan chức

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của người dân, trang Nhà Báo và Công Luận đưa tin. Đó là vụ tranh chấp mảnh đất tại đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, quận 9, Sài Gòn, giữa gia đình bà Trương Thị Xong với ông Nguyễn Văn Bé. Do giải quyết không thỏa đáng vụ này, “trước sau bất nhất, UBND TP.HCM bị người dân khởi kiện ra Tòa”.

Nhằm “giúp” người dân hiểu rõ bản chất của chính quyền “vì dân”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM “đã ký ban hành văn bản số 906/UBND-NCPC đề nghị Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử theo hướng giữ nguyên Quyết định 3112/QĐ-UBND của Chủ tịch thành phố và bác đơn khởi kiện của người dân.

Thông tin chi tiết về sự “bất nhất” của UBND thành Hồ đã được trang Nhà Báo và Công Luận phân tích trước đó trong bài viết cuối năm 2018: Trước sau bất nhất, chính quyền TP.HCM bị người dân kiện ra tòa. Gia đình bà Trương Thị Xong, vì không phục quyết định lấy đất của UBND TP HCM, đã nộp đơn lên TAND TP HCM để khởi kiện, yêu cầu Tòa hủy Quyết định số 3112/QĐ-UBND của UBND thành Hồ.

Ông Nguyễn Văn Lưu, con bà Xong trình bày, mảnh đất bị cướp do cha ông Lưu mua và canh tác từ năm 1947. Sau năm 1975, gia đình ông Lưu tiếp tục sử dụng và đóng thuế hằng năm. Đến năm 1996, ông Nguyễn Văn Bé tranh chấp, UBND thành Hồ quyết định giao mảnh đất cho gia đình ông Lưu sử dụng. Nhưng bây giờ UBND thành Hồ lại ban hành một quyết định trái ngược, giao lại mảnh đất này cho ông Bé.

Chuyện ở Trảng Bom, Đồng Nai: Người dân “tố” Chánh Thanh tra huyện “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo trang Thương Hiệu và Pháp Luật. Được biết, vụ việc đã kéo dài hơn 5 năm, gia đình ông Phạm Tuấn Sơn ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, đã khiếu nại tại nhiều cơ quan công quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vụ việc có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan” có liên quan đến Chánh Thanh tra huyện Trảng Bom.

Báo Giáo Dục và Thời Đại đặt câu hỏi về chuyện bất thường ở Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên: Quy định “lạ” với báo chí? Bài viết phản ánh quy định “lạ” gần đây của Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên: Nếu không có giấy mời sẽ không được tham dự các cuộc họp diễn ra tại UBND tỉnh này.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên Nguyễn Vân Chương khẳng định: “PV của các báo hoạt động dựa trên cơ sở của Luật Báo chí. Quá trình hoạt động nghề nghiệp, họ sẽ là người đại diện cho cơ quan báo chí đó. Bởi vậy, cần phải có sự tôn trọng đối với những nhà báo đang hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo”.


Sai phạm liên quan đến thủy điện Sơn La

TAND tỉnh Sơn La chính thức thông báo kết quả vụ án đền bù Thủy điện Sơn La, VOV đưa tin. Sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, TAND tỉnh Sơn La công bố Quyết định trả hồ sơ xét xử 17 cán bộ trong vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc bồi thường tái định cư trong dự án thủy điện Sơn La. Sáng 7/6, Ban Tuyên giáo và  TAND tỉnh Sơn La đã tổ chức họp báo công bố kết quả xét xử vụ án.

Chánh án TAND tỉnh Sơn La cho biết, “các bị cáo đều khai nhận hành vi sai phạm của mình, thế nhưng tại  phiên tòa thì có tới 16/17 bị cáo kêu oan. Bên cạnh đó các luật sư bào chữa cho bị cáo xuất trình 1 số chứng cứ minh oan cho các bị cáo”.

VietNamNet có bài: Vụ sai phạm đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện Sơn La rất phức tạp. Lý do: Số lượng bị can, bị cáo lên tới 17 cựu quan chức, cán bộ, liên quan đến chính sách bồi thường đất đai ở các thời kỳ khác nhau. “Diện tích đất, tài sản liên quan, hiện trạng không còn nên gây khó khăn cho cơ quan truy tố; gia đình một số bị cáo kêu oan”.

Cho nên, “Tòa quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng, còn một số vấn đề cần làm rõ. Hơn nữa, có căn cứ cho rằng, có người khác thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa bị khởi tố. Việc điều tra, khởi tố vụ án vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng”.


Người dân vs BOT

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: 37 dự án BOT sẽ tăng phí? Bộ GTVT lấy lý do: “Nếu không tăng phí BOT đúng lộ trình, đến năm 2021 sẽ có 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính”. Cho nên, trong 61 dự án BOT do bộ này quản lý, có 25 dự án doanh thu thực tế thấp hơn dự báo, 37 dự án phải tăng phí từ 12-18% theo lộ trình đã cam kết.

Đối với 25 dự án doanh thu thấp trong số 37 dự án nói trên, Bộ GTVT còn cảnh báo, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời “cứu” 25 dự án này thì “phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu”. Nghĩa là thêm gánh nặng cho nền kinh tế VN vốn đang cố đứng trên “đôi chân đất sét”, cho nên lãnh đạo CSVN tiếp tục điệp khúc tăng phí “đúng quy trình”.

RFA đặt câu hỏi: Đề xuất tăng phí một loạt các trạm BOT vào lúc này có hợp lý? Facebooker Huệ Như, là người thường ủng hộ nhóm truyền thông của tài xế Huỳnh Bửu Long và nhà báo Trương Châu Hữu Danh, bình luận:

“Việc nói là doanh thu bị sụt giảm chỉ là hình thức không minh bạch để các chủ đầu tư BOT tiếp tục tìm cách ‘hút máu’ dân. Ví dụ như trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ báo cáo thu có 1,2/ngày và giảm dần trong những ngày lễ tết, thế nhưng khi kiểm toán thì thành ra 1,9/ngày và cao điểm lên đến 2 tỷ. Họ đọc báo cáo mồm và nhập nhèm doanh thu để tìm cách lấp liếm và chờ đợi sự cứu viện từ chính phủ”.

Ông Nguyễn Minh Hùng, trưởng nhóm kiểm đếm xe tại BOT Ninh Lộc phân tích: “Nếu một trạm bình thường không xây một tuyến đường nào mới thì doanh thu chỉ có tăng lên chứ không thể nào sụt giảm được. Trước đây trạm BOT Ninh Lộc công bố lên bảng điện tử là thu được trên dưới 24 tỷ một tháng. Khi Hùng cùng người dân kiểm đến thì trên dưới một tỷ một ngày. Như vậy là khoảng 30 tỷ một tháng”.

Chưa tăng phí mà đã thế này: Hàng loạt ô tô vượt trạm tại làn thu phí tự động, đâm barie trốn phí, VietNamNet đưa tin. Bài viết bàn về hiện tượng xảy ra ở không ít trạm BOT: “Các xe trả thu phí thủ công một dừng đi theo đoàn, cố tình đi vào làn thu phí tự động không dừng ETC và đi với tốc nhanh, bám đuôi theo xe đi trước là xe ETC đã trả phí tự động, đã mua vé tháng/quý hoặc ưu tiên để không dừng lại trả phí theo quy định”.

Theo đó, “tại trạm thu phí Hải Phòng, hàng ngày có khoảng gần 100 lượt xe bám đuôi, đâm barie vượt trạm; tại trạm thu phí Đông Hà (Quảng Trị) có khoảng gần 200 lượt xe bám đuôi vượt trạm”. Không giống như nông dân hoặc những người buôn bán nhỏ thường cam chịu, cánh tài xế chạy đường dài không ngại phản ứng trước chuyện họ bị “móc túi”, thậm chí phản ứng mạnh.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi về vụ ‘chặn’ kiểm toán dự án BOT: Không làm sai sao phải ngại? Vụ hai Bộ GTVT và KH-ĐT không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông, ĐBQH Bùi Văn Phương đặt câu hỏi: “Vì sao hai bộ lại không muốn kiểm toán các dự án BOT và có lợi ích nhóm ở đây hay không?”


Xây dựng bừa bãi ở vùng di sản văn hóa

Báo Xây Dựng dẫn lời GS. Đặng Hùng Võ: Đưa bê tông vào vịnh Hạ Long là việc làm sai trái. GS Võ, cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT, nói về tình trạng bê tông hóa vùng lõi vịnh Hạ Long: “Tất cả các việc xây dựng kể cả theo quy hoạch, mà quy hoạch không hợp lý với chuyện bảo vệ di sản thì cần phải xem xét lại. Và việc xây dựng trái quy hoạch, sai phép trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long thì cần phải ngăn chặn sớm”.

GS Võ bình luận: “Tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Quảng Ninh, không thể gọi đã phân cấp cho Ban Quản lý dự án vịnh Hạ Long rồi là trốn trách nhiệm… Không thể phân cấp xong là hết trách nhiệm, đã phân cấp trách nhiệm còn nặng hơn vì mình phải chứng minh rằng việc phân cấp này là hợp lý”.

Trước đó, báo Người Lao Động có bài: Bê-tông “gặm nhấm” vùng lõi vịnh Hạ Long. Bài viết bàn về 2 dự án cải tạo, nâng cấp bến cập tàu tại động Mê Cung và hang Tiên Ông trên vịnh Hạ Long vừa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hai công trình này tiếp tục được thi công, hoàn thiện sau đúng 1 ngày bị chính UBND tỉnh Quảng Ninh “tuýt còi”. Một quy trình “cấp tốc” khiến nhiều người đặt nghi vấn.

Xây dựng bừa bãi ở ngay lõi vùng di sản văn hóa của đất nước: “Tại cửa động Mê Cung, một bến cập tàu có diện tích hơn 100 m2 đã sắp hoàn thiện. Theo người dân địa phương, để xây dựng được bến cập tàu này, đơn vị thi công có thể phải khoan, đóng cọc và đổ hàng trăm mét khối bê-tông xuống vịnh Hạ Long”.


Cập nhật tin gian lận thi cử ở Hà Giang

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Xem xét trách nhiệm Phó chủ tịch tỉnh, VTC đưa tin. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra, xem xét trách nhiệm của ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch tỉnh, vì ông này từng là Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang. Ông Vũ Văn Sử, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cũng phải giải trình, xem xét trách nhiệm.

Bên cạnh đó, “các cá nhân có vai trò tham mưu trong Ban chỉ đạo, Hội đồng thi tại Hà Giang năm 2018, cán bộ, Đảng viên có con em được nâng điểm cũng phải giải trình. Căn cứ vào giải trình và quá trình kiểm tra, Tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm từng cá nhân”.

Zing có bài: Bí thư Triệu Tài Vinh ‘không biết’ thí sinh nào được nâng 29,95 điểm. Bên hành lang họp Quốc hội, khi được hỏi về thông tin Hà Giang có thí sinh được nâng tới 29,95 điểm cho 4 môn thi trắc nghiệm, Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh nói: “Tôi không biết trường hợp đó, còn việc nâng nhiều thì biết rồi”.

Vụ cơ quan ANĐT kết luận Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Khuông nhờ cấp dưới nâng 13,3 điểm cho con trai, ông Triệu Tài Vinh lại nói “mời phóng viên lên Hà Giang” vì “ở đây chưa quyết định được”. Toàn những câu trả lời thoái thác trách nhiệm, cho thấy ông Vinh biết nhưng không muốn trả lời.

Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt câu hỏi về vụ án gian lận, nâng điểm thi ở Hà Giang: Các đối tượng cấu kết nâng điểm như thế nào? Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang, “có đủ cơ sở để kết luận 5 bị can trong vụ án đã có sự bàn bạc, thống nhất, tác động thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 môn trắc nghiệm, làm thay đổi điểm 309 bài thi của 107 thí sinh”.

Trong đó, bị can Vũ Trọng Lương, kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, đã trực tiếp sửa kết quả 309 bài thi các môn của 107 thí sinh. Còn bị can Nguyễn Thanh Hoài đã “chỉ đạo cầm đầu vụ án. Hoài đã đưa danh sách các thí sinh cần được nâng điểm cho Lương, một mình Lương thực hiện thao tác trên máy tính”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi về gian lận thi cử: Hà Giang đang xử lý quá chậm? TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) bình luận: “Trong lịch sử nước ta chưa bao giờ có vụ gian lận thi cử lại lớn như vậy. Hà Giang là tỉnh đầu tiên phát hiện gian lận thi cử và chỉ có một người can thiệp hơn 100 bài thì không khó để xác định. So với Sơn La, Hoà Bình có mức độ vi phạm nghiêm trọng và tinh vi hơn thì tốc độ điều tra của Hà Giang đang quá chậm. Điều này dẫn đến dư luận không tốt, nghi ngờ có sự cản trở, can thiệp trong quá trình điều tra hay không?”


Dịch tả heo hoành hành

Bình Thuận công bố dịch tả lợn châu Phi, VOV đưa tin. Chiều 7/6, Thường trực Tỉnh ủy cùng UBND tỉnh Bình Thuận đã họp khẩn và chỉ đạo thực hiện các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch. Trong cuộc họp, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận xác nhận, tại tỉnh này đã xuất hiện hai ổ dịch tại xã Đức Chính, huyện Đức Linh và xã Gia An, huyện Tánh Linh.

Bài viết lưu ý, “hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 289.000 con lợn nuôi tại 66 trang trại và hơn 10.000 hộ chăn nuôi. Trong đó, hai huyện xảy ra dịch là nơi có tập trung chủ yếu đàn lợn của tỉnh”.

Tình hình ở Nghệ An: Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Bài viết thống kê, “đến thời điểm này, huyện biên giới Kỳ Sơn đã có 12 xã dương tính với dịch tả lợn châu Phi, gồm: Mường Típ, Hữu Kiệm, Tà Cạ, Bảo Thắng, Bảo Nam, Mường Ải, Keng Đu, Na Loi, Bắc Lý, Phà Đánh, Nậm Cắn và Chiêu Lưu”. Đây cũng chỉ là một trong 13 huyện của tỉnh Nghệ An đang loay hoay với dịch tả heo.

Báo Dân Việt bàn về nước mắt nông dân trong dịch tả lợn: Chưa bao giờ kiệt quệ như thế! Một nông dân nuôi lợn ở huyện Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ, sau khi bị tiêu hủy đàn lợn giống, “anh thiệt hại gần 500 triệu đồng. Cùng với đàn lợn nái nữa, gia đình anh mất khoảng 800 triệu đồng vì dịch. Cộng với số tiền anh nợ của đại lý cám lên đến con số vài trăm triệu chưa biết bao giờ anh trả được”.

Một người nuôi lợn khác cũng ở khu vực này cho biết: “Hơn 10 năm làm nghề chăn nuôi lợn với quy mô lớn, trải qua nhiều trận dịch và cả tình hình bão giá, chưa bao giờ chúng tôi hoang mang, kiệt quệ như thế này”.



***








No comments:

Post a Comment

View My Stats