Monday, 3 June 2019

BẢN TIN NGÀY 3-6-2019 (Báo Tiếng Dân)





03/06/2019

Tin Biển Đông

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 1/6, ông Patrick Shanahan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo về “trạm thu phí” ở biển Đông, báo Người Lao Động đưa tin. Ông Shanahan nói, các hành động xây đảo nhân tạo, triển khai vũ khí trong khu vực tranh chấp, đánh cắp công nghệ quân sự và dân sự … nếu cứ tiếp diễn, thì các thực thể nhân tạo sẽ trở thành “trạm thu phí” và “chủ quyền quốc gia” có thể trở thành thứ bị kẻ mạnh chi phối.

Mỹ tuyên bố không làm ngơ cho hành động của TQ ở Biển Đông, theo báo Dân Việt. Sau khi phê phán các hành động xem thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Shanahan nói: “Hành vi làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia khác và gieo rắc sự mất lòng tin về các ý định của Trung Quốc phải chấm dứt… Mỹ sẽ không làm ngơ cho hành động của Trung Quốc”.

Nhưng ông Peter Layton, cựu quan chức hải quân Úc, nhận định, bài phát biểu của ông Shanahan có phần “hơi thất vọng”, vì “Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, nhưng không đề ra phương hướng giải quyết cụ thể”.

Trung Quốc đáp trả dữ dội khi bị Mỹ vây ép về hồ sơ Biển Đông, VOV đưa tin. Bài viết lưu ý, “trước việc Mỹ liên tục gây sức ép về tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc chưa hề tỏ ý nhượng bộ. Ngược lại, Trung Quốc còn hạ thủy thêm nhiều chiến hạm mới, công bố thêm nhiều vũ khí mới, duy trì lực lượng của mình hoạt động thường xuyên ở Biển Đông”.

Báo Tiền Phong có bài: Có một cuộc ‘hải chiến’ giữa Indonesia và Trung Quốc. Bộ trưởng Nghề cá Indonesia, bà Susi Pudjiastuti cho rằng, 80% sản lượng đánh bắt hải sản của nước này bị xuất lậu cho tàu nước ngoài, chủ yếu là tàu Trung Quốc, neo đậu bên ngoài phạm vi 200 dặm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Bằng chứng từ phía Indonesia, cho biết: “Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tại một thời điểm nhất định có gần 4.000 tàu đánh cá và tàu hỗ trợ xung quanh khu vực Micronesia và 85% số tàu này đến từ Trung Quốc. Thực tế này khiến quốc gia gần đó là Indonesia lo ngại”.

VnExpress đưa tin: Việt Nam nêu mô hình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Những điều Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói chẳng có gì mới, chỉ có điều lần này ông Lịch công khai phát biểu trước mặt quan chức nhiều nước, để họ không còn nghi ngờ gì về thái độ khuất phục của lãnh đạo Việt Nam trước Trung Quốc:

“Cách đây vài ngày tại Hà Nội, tôi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất rằng Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông, nhưng duy trì hòa bình, hợp tác là lợi ích chung của hai nước và khu vực”. Hòa bình, hợp tác chẳng có ý nghĩa gì khi chủ quyền lãnh thổ bị mất.



Người Trung Quốc thu tóm đất ở Việt Nam

Báo Dân Trí dẫn lời Bộ Công an: Có người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua bất động sản. Trả lời kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng về hiện tượng TQ đưa người vào các khu vực hiểm yếu của VN như Tây Nguyên, Hà Tĩnh… dưới danh nghĩa “làm dự án”, Bộ Công an thừa nhận, “một số dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, như: Một số dự án bỏ vốn đầu tư thấp, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, giá thành rẻ, chất lượng thấp, thời gian thực hiện kéo dài”.

Cử tri lo ngại về tình trạng người Trung Quốc đứng tên người Việt mua bất động sản tại Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Không chỉ thế, còn có tình trạng “doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc ‘núp bóng’ người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển”.

Báo Công An TP HCM có bài: Người Trung Quốc núp bóng thâu tóm “đất đẹp” ở Việt Nam. Bên cạnh các thông tin trên, bài viết lưu ý, “số lượng người Trung Quốc vào Việt Nam du lịch, công tác, học tập tăng nhanh, đi cùng với nhu cầu sở hữu, thuê, mua nhà ở tập trung đông đúc, lập gia đình, sinh con nhưng không đăng ký với chính quyền địa phương; nhiều trường hợp không tuân thủ pháp luật Việt Nam”.

Các thông tin trên gián tiếp xác nhận những lời cảnh báo của người dân từ nhiều năm trước: TQ sẽ lợi dụng các “dự án” để dần dần đưa người vào các khu vực nhạy cảm ở VN như một hình thức “xâm lăng mềm”, qua dự án bauxite Tây Nguyên đã bị tướng Võ Nguyên Giáp phản đối, bây giờ đã đầy người TQ.


Họp Quốc hội bước sang tuần chất vấn

Trang Đầu Tư Tài Chính VN đưa tin: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV bước vào tuần chất vấn. Tuần này, QHVN sẽ tiến hành các phiên chất vấn tại hội trường, từ ngày 4/6 đến sáng 6/6, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi. QH đã lựa chọn 4 Bộ trưởng: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và Bộ VH-TT&DL tham gia giải trình chính.

Bốn Bộ trưởng sẽ đăng đàn, trả lời chất vấn trong tuần này. Từ trái qua, trên xuống: Tô Lâm, Nguyễn Văn Thể, Phạm Hồng Hà, Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: NLĐ

Trong tuần làm việc thứ ba này, QH sẽ nghe Tờ trình và thảo luận về chuyện “gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể”. Đây là vấn đề đã được cư dân mạng bàn tán từ trước, trong tình hình VN chưa có công đoàn độc lập.

VTV có bài tuyên truyền: Minh bạch nghị trường Quốc hội tạo ra niềm tin của nhân dân. Bài viết lấy vụ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích vụ tăng giá điện làm dẫn chứng cho luận điểm “sự minh bạch nghị trường, tạo ra niềm tin trong nhân dân”. Dĩ nhiên đây là sự ngộ nhận, người dân không vì mấy trò diễn “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà dễ dàng chấp nhận chuyện điện tăng giá một cách bất thường.

Báo Công An TP HCM có bài: Chưa ngã ngũ quy định cấm uống rượu bia khi lái xe. Đây là vấn đề rất rõ ràng, khi xét đến mối liên hệ giữa đồ uống có cồn với tai nạn giao thông ở VN. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi tài xế xe ô tô, xe tải, xe bus… không làm chủ được tay lái do bia rượu. Nhưng có vẻ như ĐBQH Quốc hội thảo luận khi đang say xỉn, nên vẫn chưa ngã ngũ.


Vụ cảng Quy Nhơn: “Đi” và “về” đều bất thường

Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) chính thức lấy lại Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước, báo Dân Trí đưa tin. Quyền TGĐ Vinalines, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, “ký công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để công bố thông tin bất thường về việc nhận chuyển giao 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước”, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo văn bản nói trên, ngày 27/5/2019, Công ty Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển quyền sở hữu 30.312.262 cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Vinalines qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán VN.

VietNamNet đặt câu hỏi: ‘Chuộc’ lại Cảng Quy Nhơn với giá thực tế bao nhiêu? Bài báo cho biết, Vinalines đã hoàn trả cho Khoáng sản Hợp Thành số tiền đã nhận trong vụ chuyển nhượng 75,01% vốn Cảng Quy Nhơn, là khoảng 415,156 tỉ đồng. Đổi lại, công ty Hợp Thành thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu hơn 30 triệu cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Vinalines. Thêm một vụ “nuốt” không trôi thì phải nhả ra.

Bài viết lưu ý, “áp lực thu hồi cổ phần Cảng Quy Nhơn của Vinalines là rất lớn. Ở cấp độ quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đầu tháng 3/2019 yêu cầu thực hiện dứt điểm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ”. Đối với Cảng Quy Nhơn, chuyện chậm chuyển giao có thể dẫn tới những thiệt hại đối vốn Nhà nước ở cảng này.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Đại biểu nói về những sai phạm cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. ĐBQH Nguyễn Trường Giang phát biểu, TTCP đã nêu rõ Bộ GTVT với vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn Nhà nước tại cảng này. Trong vụ chuyển nhượng vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn, “Bộ GTVT đã ban hành hai văn bản trái phép cho phép công ty Hợp Thành sở hữu 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp”.

Báo Đất Việt bàn về vụ thu hồi cảng Quy Nhơn: Điều chưa có tiền lệ. Vinalines ấn định, vụ tiếp quản cảng Quy Nhơn có thể diễn ra vào cuối tháng 6/2019, khi ĐHCĐ thường niên năm 2019 của đơn vị quản lý cảng Quy Nhơn diễn ra. Sau khi việc chuyển nhượng hoàn tất, Vinalines và Công ty Hợp Thành sẽ tiếp tục đàm phán và tính toán thông qua quá trình định giá tài sản độc lập.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines thừa nhận, “đây là tiền lệ chưa có nên sẽ tiếp tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền”. Trong phần bình luận, có độc giả lưu ý, sự tương đồng giữa thương vụ Mobifone mua AVG với vụ này, đều là các nhóm lợi ích bắt tay nhau lũng đoạn tài sản nhà nước dưới thời “đồng chí X”.



Xe chở Phó Công an huyện tông chết người

Trang Đời Sống VN đưa tin: Ô tô chở Phó trưởng công an huyện tông 3 người đi xe máy tử vong. Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa thừa nhận, chiều 31/5, tại Km35 +200, QL 217 đoạn qua thôn Thành Phong, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người thương vong.

Một xe ô tô 5 chỗ mang BKS 36A- 268.15 đã tông trực diện vào một xe máy chở 3, khiến 2 phụ nữ tử vong tại chỗ, còn một em bé 7 tháng tuổi bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Chủ xe 5 chỗ là ông Trịnh Xuân Dũng, Phó trưởng Công an huyện Thạch Thành, còn tài xế là Vũ Minh Hoàng, cán bộ công an cấp dưới của ông Dũng.

Công an UBND xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa truy tìm lái xe gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn, theo báo Công Lý. Một nhân chứng cho biết, “ô tô di chuyển với tốc độ cao đã tông mạnh vào xe máy, hất văng 3 người trên xe ra xa. Tiếp đà, chiếc xe ô tô còn cuốn một người vào gầm xe và kéo lê gần 200m mới dừng lại”. Sau vụ tai nạn, tài xế trốn khỏi hiện trường, công an đang truy tìm.


Trụ điện không lõi

Báo Một Thế Giới có bài: Thi công ẩu làm gãy cột điện khiến một công nhân tử vong. Vụ việc xảy ra chiều ngày 1/6, tại khu vực đang làm bờ kè rạch Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Một công nhân đang thi công đường, cống thoát nước đã bị xe cuốc vướng cáp thông tin làm gãy trụ điện, đè chết.

Báo Người Lao Động dẫn lời lãnh đạo quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chống chế vụ công nhân bị trụ điện gãy đè chết: Trụ điện làm theo công nghệ bê tông dự ứng lực. Một người trong ngành điện lực cho biết, trụ điện gãy này nằm trong dự án của một ngân hàng, do một công ty ở An Giang làm chứ không phải của ngành điện. Trụ điện “được làm theo công nghệ bê tông dự ứng lực… Loại trụ điện này có ưu điểm là chịu lực cực tốt nhưng khi quá lực thì sẽ gãy luôn chứ không cong như sử dụng sắt”.

Một độc giả bình luận: “Công nghệ gì người dân không cần biết. Vấn đề kết quả phải làm việc tin cậy và an toàn. Ai sản xuất cũng không phải việc của người dân, điện lực gây tai nạn thì chính điện lực phải chịu trách nhiệm. Sau đó thì điện lực mới kiện người sản xuất, và xét trách nhiệm người ký hợp đồng mua thiết bị”.


Tin giáo dục

Báo Đất Việt có bài phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Nam về vụ lớp 42/43 học sinh giỏi: Nặng bằng cấp, học để làm quan. Ông Nam đặt câu hỏi: “Nếu bỏ qua yếu tố lớp chọn, lớp chuyên, một lớp học bình thường mà có tỉ lệ học sinh giỏi chiếm tới 98% như vậy rõ ràng là bất thường. Câu hỏi cửa miệng xã hội luôn đặt ra là: kết quả đó có đúng không? Chất lượng học sinh có tương xứng với tỉ lệ trên không?”

Lớp học nói trên chỉ là hình ảnh thu nhỏ của nền giáo dục VN, với đầy những màn diễn để cho ra kết quả rất đẹp, nhưng đầy “sinh viên ra trường bị thất nghiệp, doanh nghiệp phải đào tạo lại là do không có định hướng rõ ràng và đúng đắn ngay từ đầu, còn nặng tâm lý học theo bằng cấp, học để làm quan”.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi về đề thi tiếng Anh lớp 10 TP.HCM: Đề lỗi chính tả, thí sinh có bị ảnh hưởng?  Trong buổi họp báo chiều 2/6, ông Lê Hoài Nam, PGĐ Sở GD&ĐT TP.HCM thừa nhận: “Đây là đề chung của toàn TP.HCM, sai sót lỗi chính tả (ở câu số 33), ban chỉ đạo hội đồng thi chỉ đạo các điểm thi thông tin cho thí sinh làm bài bình thường. Nội dung này sẽ được xử lý bởi ban chấm thi”. Lỗi sai ở một câu cho thấy, các quan chức giáo dục có “trách nhiệm” với công việc và học sinh thế nào.



Tin môi trường

Chuyện ở Hà Nội: Cá lại chết nổi trắng hồ Văn Chương, theo trang Pháp Luật và Xã Hội. Mấy ngày gần đây, cá tại hồ Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội, bỗng dưng chết hàng loạt, nổi trắng hồ bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sáng 1/6, “nước trong hồ rất đục, bốc mùi hôi tanh. Hai bên bờ hồ, nhiều xác cá phân hủy . Đặc biệt, tại các đám bèo và dòng kênh dẫn nước hồ ra ngoài, cá chết kết thành từng lớp nổi lềnh bềnh”.

Trang Kinh Tế Đô Thị dẫn lời đại diện Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội nói về vụ cá chết tại hồ Văn Chương, quận Đống Đa: Nguyên nhân từ sự thay đổi thời tiết. Đại diện công ty này cho biết: “Thời tiết chuyển đột ngột từ nắng sáng mưa, kèm theo lượng nước thải liên tục chảy vào hồ đã làm thay đổi môi trường nước dẫn đến hiện tượng trên”.

Đây không phải là lần đầu tiên “ông trời” bị đổ tội khi có sự cố môi trường xảy ra dưới thời CSVN. Còn sự tắc trách trong quản lý dẫn tới ô nhiễm môi trường, cá chết, người mang bệnh, thì các quan chức làm ngơ.

VietNamNet có bài: Xác cá chết khô rải dài hơn 4km bên bờ sông La Ngà. Hơn hai tuần sau vụ cá chết trắng sông La Ngà ở huyện Định Quán, Đồng Nai, nước rút nên xác cá nằm lại bờ và khô lại. Một người dân cho biết: “Chúng tôi đang sống những ngày của thảm họa. Cá chết, mất trắng tiền tỷ. Ai cũng buồn chán mà không biết sắp tới sẽ sống ra sao. Chỉ mong cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc giúp chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường để người dân có nguồn nước sạch”.

VOV đưa tin: Đường ống nước sạch sông Đà rò rỉ làm hơn 100.000 hộ dân ảnh hưởng. Đường ống nước sông Đà tại km27 đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Hà Nội vừa xảy ra vụ rò rỉ. Mặc dù sự cố này đã được khắc phục nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến khoảng 100 ngàn hộ dân phụ thuộc vào đường ống nước này.

Trang Tài Nguyên và Môi Trường dẫn lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà: WB đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động của tài nguyên nước Việt Nam. Bộ trưởng TN&MT cho biết, nước VN nằm ở hạ lưu các sông quốc tế, “thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi, bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển”.


***







No comments:

Post a Comment

View My Stats