Monday, 10 June 2019

BẢN TIN NGÀY 10-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




10/06/2019

Tin Biển Đông

Quốc tế hội thảo về Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Hội thảo quốc tế mang tên “Diễn tiến nào trong tranh chấp tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye?” diễn ra tại CLB báo chí Thụy Sĩ ở TP Geneva. Một trong những vấn đề được nhiều diễn giả đề cập đến là, quan điểm, hành động của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quân sự hóa Biển Đông.

VOA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Andrea L. Thompson: Hoa Kỳ muốn Việt Nam có thiết bị quân sự tốt nhất ‘từ Mỹ’. Bà Thompson nói: “Chúng tôi nóng lòng muốn làm việc tiếp với chính phủ Việt Nam để bảo đảm rằng họ có các thiết bị [quân sự] tốt nhất trên thế giới và các thiết bị đó tới từ Mỹ”. Trước đó, bà Thompson phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, rằng Hoa Kỳ đã “thực sự cứng rắn với Trung Quốc” về chuyện xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.


Hơn một triệu người Hồng Kông xuống đường

Trang Hồng Kông Free Press dẫn lời các nhà tổ chức, đưa tin, hôm Chủ Nhật vừa qua, có hơn một triệu người ở Hồng Kông xuống đường biểu tình, phản đối dự luật dẫn độ, cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc dẫn độ nghi phạm về Trung Quốc đại lục xét xử.

Ngày 9/6/2019, người Hồng Kông xuống đường biểu tình chống lại dự luật dẫn độ. Ảnh: Philip Fong/AFP.

Theo hãng tin Reuters, người dân Hồng Kông lo ngại, nếu dự luật dẫn độ này được thông qua, không người dân nào được an toàn. Không chỉ người dân bình thường, mà các thẩm phán cấp cao của Hong Kong cũng lo sợ tác động tiêu cực của dự luật này ảnh hưởng tới đời sống người dân. Được biết, dự luật sẽ được bỏ phiếu thông qua thành luật cuối tháng 6 này.

Mời xem clip của CNN: người dân Hồng Kông xuống dường biểu tình chống dự luật dẫn độ sang TQ:

                 https://www.youtube.com/watch?v=axIFs_Rr8kM


Luật riêng dành cho quan chức địa phương gây tai nạn giao thông

Trang Gia Đình và Xã Hội có bài: Nghi vấn ô tô chở viện trưởng kiểm sát huyện gây tai nạn. Đại diện Công an thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, xác nhận, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11:50 ngày 5/6, trước cổng cơ quan Viện KSND huyện Quỳnh Phụ. Lúc đó, xe ô tô BKS 17A – 070.33 đang lưu thông trên đường Đào Đình Luyện, bất ngờ quay đầu và đâm vào xe máy của cô Nguyễn Như Quỳnh.

Vụ tai nạn khiến cô Quỳnh bị thương, được đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Thái Bình. “Đặc biệt, sau khi xảy ra va chạm, xe ô tô con lùi vào trước cổng VKSND huyện Quỳnh Phụ và phía trước không thấy đeo BKS”. Có thông tin cho rằng, Viện trưởng VKSND huyện Quỳnh Phụ đã ngồi trong chiếc xe ô tô gây tai nạn.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi vụ xe ô tô chở Viện trưởng VKSND huyện va chạm với xe máy khiến 1 thiếu nữ bị thương: Có hay không việc tháo biển kiểm soát? Bài báo cho biết, “trên xe ô tô là ông Phạm Đức Điệp (SN 1972, trú khu 1B, TT Quỳnh Côi) và ông Lại Hồng Thái. Ông Thái là viện trưởng VKSND huyện Quỳnh Phụ”.

Thiếu tá Trần Kế Hào, Đội trưởng đội CSGT Công an huyện Quỳnh Phụ khẳng định: “Không có chuyện sau khi gây tai nạn ô tô con được tháo biển kiểm soát như dư luận đồn thổi mà do va chạm mạnh, biển số bị văng ra ngoài, ngay cạnh xe máy”.

Báo Lao Động có bài: Thông tin mới vụ cán bộ công an lái xe đâm chết 2 người ở Thanh Hóa. Bài viết bàn về vụ tai nạn xảy ra vào ngày 31/5, tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, khiến 3 người thương vong, “tài xế điều khiển chiếc xe gây tai nạn là Vũ Minh Hoàng (hiện đang là cán bộ của đội Phòng cháy chữa cháy Công an huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) vẫn đang làm việc bình thường”.


Vấn nạn hàng giả

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Quản rất chặt, xăng giả, xăng lậu vẫn chảy tràn. Bài viết thống kê nhiều vụ doanh nghiệp bị phát hiện làm xăng giả và dẫn lời ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, “các đối tượng pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 được pha chế với chất dung môi bột tạo màu, xăng dầu kém chất lượng, hoặc pha trộn xăng sinh học E5 RON92 vào xăng không chì RON95 với một tỉ lệ nhất định bán ra thị trường hiện nay rất nhiều”.

VOV có bài: Hành trình triệt phá đường dây buôn bán xăng giả quy mô lớn. Bài báo đưa tin, vụ công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ “đại gia” xăng giả Trịnh Sướng, công an đã để ý vụ này từ cuối năm 2018, “sau khi phát hiện một đường dây sản xuất, mua bán xăng A95 giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và nhiều tỉnh, thành khác với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi”.

Trước khi bắt ông Sướng, công an đã bắt quả tang nhiều đối tượng ở TP HCM và Cần Thơ chế biến xăng giả trái phép. Tối 30/5, một tổ công tác đã bắt quả tang tàu Gia Thành 7 của Công ty TNHH Gia Thành đang bơm hơn 400m3 dung môi đã pha trộn với 180m3 xăng lên bể chứa xăng A95 của kho xăng Ressol tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

VTC đặt câu hỏi về vụ 20 triệu lít xăng bị làm giả ở Đắk Nông: Tổng cục Quản lý thị trường nói gì? Đại diện Tổng cục QLTT nói về vấn nạn xăng giả hoành hành, “thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 được pha chế với chất dung môi bột tạo màu, xăng dầu kém chất lượng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến máy móc thiết bị, gây nguy hiểm cho chính người sử dụng”.

Vấn nạn hàng giả tràn ngập xã hội VN: Thuốc giả, phân giả, xăng giả, đến bao cao su giờ cũng giả, theo báo Lao Động. Sau vụ công an thu giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch, trong đó có 2,1 triệu lít đã pha chế thành xăng giả, hơn 432 ngàn lít dung môi chưa pha, rồi vụ VN Pharma nhập thuốc trị ung thư giả, giờ thị trường VN còn xuất hiện bao cao su giả.

Công an TP HCM vừa phá đường dây làm giả bao cao su số lượng khổng lồ, theo báo Đất Việt. Công an TP HCM vừa khởi tố và bắt tạm giam Trương Chí Thành, cùng 3 đồng phạm, để điều tra về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Đường dây do Thành cầm đầu đã sản xuất bao cao su, gel bôi trơn giả. “Một lượng lớn nguyên liệu, hàng hoá được cho có giá trị lên đến 6 tỷ đồng đã bị lực lượng chức năng thu giữ”.


ĐH Tôn Đức Thắng vs Tổng liên đoàn Lao động VN

ĐH Tôn Đức Thắng ‘tố’ lên Đảng, Chính phủ việc Tổng liên đoàn Lao động làm trái luật, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng xác nhận, hiện đã có rất nhiều đơn thư từ các giảng viên, cán bộ các khoa của nhà trường gửi đến cho Ban chấp hành TƯ đảng CSVN, UBKTTƯ, Chính phủ… để tố cáo Tổng Liên đoàn Lao động VN.

Tháng 10/2017, Tổng liên đoàn LĐVN kiểm tra tài chính ĐH Tôn Đức Thắng. Sau đó, “cơ quan chủ quản này đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với nhà trường, đặc biệt trong đó buộc nhà trường phải trích nộp đến 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế – mức cụ thể do Tổng liên đoàn quyết định”. Phía ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng đó là “khoản thu trái với thực tế quản lý và trái với quy định của pháp luật” và đã liên tục phản đối.

Báo Thanh Niên trích dẫn câu hỏi của Tổng LĐLĐ VN: Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng sử dụng bằng cấp có hợp pháp không? Đây là một trong số các hành động “phản pháo” mà Tổng LĐLĐ vừa thực hiện. Theo đó, cơ quan này đề nghị Bộ GD&ĐT “xem xét tính hợp pháp bằng chứng nhận giáo sư của ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng”.

Trong văn bản kiến nghị về ĐH Tôn Đức Thắng mà Tổng LĐLĐ vừa gửi Bộ GD&ĐT, có thông tin cho rằng, dù TS Lê Vinh Danh có bằng chứng nhận giáo sư được cấp tại Preston University do ông Jeery Haenisch ký ngày 20/7/2007, nhưng “có căn cứ cho thấy Jeery Haenisch là hiệu trưởng có hoạt động cấp bằng giả mạo”.

Bên cạnh đó, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN khẳng định: “Tổng LĐLĐ VN chưa thu của ĐH Tôn Đức Thắng đồng nào”, theo VietNamNet. Ông Văn Anh nói về vụ kiểm tra tài chính vào năm 2017: “Ban đầu nhà trường không đồng ý cho tiến hành kiểm tra. Sau đó Đoàn kiểm tra phải viện dẫn các quy định của pháp luật thì trường mới đồng ý cho kiểm tra. Đến khi có Dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, trường lại tiếp tục phản đối cho rằng cơ quan chủ quản không có quyền trực tiếp kiểm tra tài chính nhà trường”.

Ngay sau đó, ĐH Tôn Đức Thắng ‘phản pháo’ Tổng Liên đoàn Lao động, theo báo Tuổi Trẻ. Vụ Tổng LĐLĐ đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét tính hợp pháp việc phong giáo sư của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh và chuyện tự phong giáo sư cho giảng viên của trường này, đại diện nhà trường khẳng định việc công nhận chức danh giáo sư cho ông Danh đã được Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT thực hiện đúng quy trình và thủ tục.

Một đại diện ban giám hiệu trường này phản biện: “Thành viên hội đồng trường, thành viên ban giám hiệu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phải là cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp theo Luật công đoàn và Điều lệ công đoàn”, nên Tổng LĐLĐ không thể lấy tiêu chuẩn của cán bộ công đoàn để áp đặt lên công việc của một trường đại học.

VietNamNet có bài: Thực hư hàng nghìn tỷ đồng Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đại diện Tổng LĐLĐ khẳng định, cơ quan này “đã tạo điều kiện hết sức như cấp vốn, cho vay vốn, giao quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp đất, với số tài sản được giao cho trường quản lý, sử dụng và cho vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng”.

Đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng đã cung cấp thông tin chứng minh, tổng tài trợ từ Tổng LĐLĐ, các cơ quan lãnh đạo TP HCM và Chính phủ “là 295,5 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng đầu tư xây dựng cơ bản của trường trên mặt đất tính từ xưa đến nay. Số liệu tài chính này không tính đến giá trị đất”, còn lại là nguồn tài chính tự có của trường này.



Tin giáo dục

Hội đồng kỷ luật Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận vừa cách chức cán bộ làm lộ đề thi lớp 12, VOV đưa tin. Cơ quan này vừa họp và thống nhất kỷ luật cách chức đối với ông Lưu Văn Hòa, Phó Phòng Trung học chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, bị cơ quan công an xác định là người đã làm lộ đề thi môn Văn trong kỳ thi học kỳ 2 lớp 12 của tỉnh Bình Thuận năm học 2018-2019.

Theo cơ quan điều tra, ông Hòa có quan hệ thân quen với một cô giáo có con học lớp 12 ở TP Phan Thiết, đã nhờ ông Hòa giúp đỡ sao chụp đề thi, tuồn ra ngoài. Ông Hòa đã sao chụp đề thi về đưa cho bạn mình. Sau đó, con của cô giáo này đã đưa đề cho bạn giải giúp và tung đề thi lên mạng xã hội trước ngày diễn ra kỳ thi.

Chuyện đề thi lớp 10 ở Nghệ An: Câu 5 điểm gần giống đề kiểm tra học kỳ, theo báo Lao Động. Bài báo cho biết, sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019 – 2020, nhiều học sinh, phụ huynh tỉnh Nghệ An rất bất bình khi đề thi có phần tự luận 5 điểm gần giống với đề thi khảo sát chất lượng cuối năm của huyện Yên Thành, nghĩa là học sinh huyện này đã có lợi thế hơn so với toàn bộ phần còn lại của tỉnh.

Sở GD&ĐT Nghệ An lên tiếng trước nghi án đề thi lớp 10 môn Văn giống đề kiểm tra học kỳ, trang Đời Sống và Pháp Luật đưa tin. Ông Nguyễn Văn Khoa, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An khẳng định, quá trình ra đề thi của tổ ra đề vẫn “đúng quy trình và đảm bảo tính minh bạch”.

Ông Khoa giải thích: “Đây là một trong những bài thơ hay nhất trong chương trình Ngữ văn lớp 9, và đoạn thơ được trích dẫn là hay nhất trong bài, chứa đựng nội dung tư tưởng và chủ đề cả tác phẩm, vì thế người ra đề thường chọn hai khổ thơ này”.


Tin môi trường

Chuyện ở Hà Tĩnh: Cá chết đầy ao, bốc mùi hôi thối, dân bỏ nhà “sơ tán”, theo Infonet. Một người dân địa phương cho biết: “Mùi cá chết không thể chịu được nên chúng tôi không dám về nhà mà phải lên đây sơ tán. Đặc biệt là đến bữa cơm, chúng tôi không thể nuốt nổi. Cá to thì bắt đem bán rồi, cá nhỏ thì để cho dân ngửi”.

Khi được hỏi về hành động của chính quyền địa phương, một người dân nói: “Chờ các cấp lãnh đạo xử lý xong, chắc dân xóm Đồng Công đã tổn hại nhiều về sức khỏe. Bởi vì ruồi, muỗi sẽ kéo theo các dịch bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết”.

Bài thứ nhất trong loạt bài trên trang Môi Trường và Cuộc Sống về vấn nạn ở Bắc Tân Uyên (Bình Dương): Hàng loạt doanh nghiệp luyện cán thép “bức tử” môi trường, người dân kêu cứu. Các hộ dân sinh sống quanh khu vực các nhà máy luyện cán thép tái chế tại ấp 6, xã Thường Tân cho biết, thời gian qua, các xưởng thép ở đây liên tục xả khói, bụi, nước thải và gây tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, còn chính quyền địa phương vẫn thờ ơ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia tuần hành kêu gọi chống rác thải nhựa. Ảnh: VGP

Báo Tuổi Trẻ có bài: Rác – rác – rác… từ trên bờ xuống dưới kênh. Bài viết bàn về tình hình xung quanh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: “Rác vứt bên đường, ném xuống kênh. Mỗi ngày hàng chục tấn rác được gom dọc vỉa hè, thêm hàng tấn rác khác vớt từ lòng kênh. Sự vất vả của công nhân môi trường đô thị không thể giữ cho dòng kênh trong xanh và con đường sạch sẽ, nếu không có sự chung tay của cư dân hai bên đường”.

Rác thải đủ loại từ rác sinh hoạt cho đến rác nhựa của hàng quán thải xuống dòng kênh NL-TN tù đọng ở thượng nguồn (Q. Tân Bình) bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguồn: Báo TT



***






No comments:

Post a Comment

View My Stats