09/06/2019
·
Trịnh Hữu Long – Phạm Đoan Trang
Chúc mừng sinh nhật tờ Bauxite
Việt Nam! Xin cảm ơn nỗ lực của nhóm điều hành suốt 10 năm qua! Đồng thời,
xin chia sẻ mạnh mẽ thông điệp của Tiến sĩ Nguyễn Quang A: nhu cầu hình thành một
nền báo chí ra hồn là rất cấp bách.
Độc lập nhưng phải ra hồn thì mới cạnh tranh lại được
với bộ máy tuyên giáo khổng lồ của đảng và cải thiện môi trường truyền thông Việt
Nam. Chữ “ra hồn” của TS. Nguyễn Quang A ở đây có thể hiểu là báo chí chuyên
nghiệp và chất lượng cao.
Muốn chuyên nghiệp thì cần những người coi nó là một
nghề thay vì rảnh thì mới làm. Như vậy cần có tiền để trả lương, đào tạo, mua sắm
công cụ tác nghiệp, v.v. Như TS. Nguyễn Quang A nói, tiền không phải là vấn đề
lớn. Chúng tôi nghĩ vấn đề lớn lại là không mấy ai chịu coi làm việc cho một tờ
báo “ngoài luồng” là một công việc chuyên nghiệp. Phần vì những nỗi sợ hãi mơ hồ,
phần vì không mấy ai có chí hướng gây dựng một nền báo chí độc lập ra hồn cho
Việt Nam, mà mỗi người đều có chí hướng khác.
Chúng tôi hiểu đấu tranh thay đổi xã hội có nhiều
cách, năng lực của mỗi người thì lại có thể làm nhiều thứ, nhưng nếu không chọn
lấy một thứ để dốc lòng cho nó thì sợ rằng sẽ chẳng có thứ nào ra hồn. Báo chí
nói riêng và tự do ngôn luận nói chung là trụ cột của một nền dân chủ. Không có
nó và những người thực hành nó một cách ra hồn thì không có nền dân chủ nào cả.
Chuyên nghiệp cũng có nghĩa là biến nó thành một nỗ
lực tập thể, có tổ chức, thay vì dừng lại ở việc viết lách cá nhân, dù là viết
Facebook hay viết blog. Một cá nhân có thể viết dăm bài hay mỗi tháng, nhưng
năng lực của một cá nhân là có hạn, cá nhân cũng thường có xu hướng làm việc
tùy hứng và không ổn định, khi cá nhân đó hết hứng hoặc vì lý do gì đó mà không
làm việc được nữa thì “tờ báo” riêng của họ cũng chết theo. Một tờ báo được tổ
chức tốt sẽ có hàng chục, hàng trăm bài báo hay mỗi tháng và sản xuất đều đặn.
Muốn chất lượng cao thì nhà báo và toà soạn phải đầu
tư điều tra, nghiên cứu và có quy trình sản xuất tốt. Cái này không phải là vấn
đề lớn nếu chịu coi làm báo là một công việc chuyên nghiệp. Mọi thứ xuất phát từ
chữ “dấn thân”, nghề nào cũng vậy chứ không riêng gì nghề báo. Có dấn thân rồi
thì mọi thứ đều dễ giải quyết, vì khi đụng chuyện thì họ sẽ mày mò thử một
nghìn cách để giải quyết, nếu không có tinh thần dấn thân thì rất dễ nản và dễ
bỏ cuộc giữa chừng.
Chúng tôi đề xuất mấy giải pháp có thể làm ngay để từng
bước xây dựng một nền báo chí độc lập, chuyên nghiệp và chất lượng cao:
1. Xây dựng một quỹ hỗ trợ khởi nghiệp báo chí
Ta hình dung một tờ báo điện tử khi ra đời có thể có
ba người. Giả sử mức lương để sống được ở Hà Nội và Sài Gòn là 12 triệu/tháng
(tương đương khoảng hơn 500 USD), thì quỹ lương cho ba người trong một năm đầu
là 432 triệu (khoảng 19.000 USD). Cộng các chi phí vận hành thì ta có thể cho
ra đời một tờ báo mới với vốn đầu tư khoảng 600 – 700 triệu đồng (25 – 30 nghìn
USD). Với 250 – 300 nghìn USD ta có thể cho ra đời 10 tờ báo.
Từ năm thứ hai, các tờ báo sẽ phải tự gây quỹ từ các
nguồn khác nhau. Quỹ có thể tiếp tục hỗ trợ nếu cần thiết.
Như vậy, số vốn đầu tư thực sự không lớn so với ngân
sách và năng lực gây quỹ của nhiều tổ chức xã hội dân sự hiện nay. Việc lập ra
và quản lý một quỹ chuyên hỗ trợ khởi nghiệp báo chí là hoàn toàn khả thi.
2. Xây dựng một cơ chế đào tạo nhà báo mới
Muốn có những tờ báo mới thì phải có những nhà báo mới
biết viết báo và làm báo. Viết báo là sản xuất nội dung. Làm báo là quản lý sản
xuất và phát triển nội dung. Những kỹ năng này không tự có, mà phải học. Môi
trường đào tạo báo chí Việt Nam hiện nay không có nhiều khóa học báo chí đúng
nghĩa là báo chí, mà luôn bị các yếu tố chính trị chi phối.
Bên cạnh kỹ năng, nhà báo cũng phải có kiến thức về
chính trị, pháp luật, môi trường khác hẳn với những gì nhà trường Việt Nam dạy.
Việc tổ chức các khóa học báo chí có thể được tiến
hành trong nước (hiện nay là khó), nước ngoài (như mô hình đào tạo của VOICE),
và online (hiện chưa có). Đào tạo online là một cách hay, giúp vượt qua được
các rào cản địa lý, an ninh, với chi phí phải chăng. Có rất nhiều khóa học báo
chí và quản lý báo chí trên Coursera, Edx, Linkedin, Udemy, v.v. mà các tổ chức
báo chí, xã hội dân sự có thể mua cho nhân viên, thực tập sinh của mình học. Việc
tổ chức ra một chương trình đào tạo online có chất lượng là giải pháp có lẽ là
tốt nhất trong thời điểm này.
3. Xây dựng một mạng lưới nhà báo mới
Một mạng lưới các tổ chức báo chí và nhà báo mới nhằm
hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Đây chính xác là những gì mà một nghiệp đoàn báo chí
cần làm. Khởi đầu, nó không cần ban bệ phức tạp gì, chỉ cần một nhóm nhỏ, hoạt
động thường xuyên và có kết quả cụ thể, rõ ràng.
Cái cần nhất ban đầu là các thành viên hỗ trợ nhau về
chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các hình thức trao đổi qua mạng và gặp gỡ định
kỳ. Chuyên môn, nghiệp vụ ở đây là cả viết báo lẫn làm báo.
Việc hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau này là cái mà nền báo
chí “chính thống” hiện nay đang thiếu, trong khi nó lại là điều rất cần thiết để
các nhà báo có thể yên tâm tồn tại và tác nghiệp trong môi trường xã hội vốn
nhiều khó khăn, o ép, bất lợi và nguy hiểm cho báo chí.
Vậy nên, xây dựng một nền báo chí độc lập lại càng
đòi hỏi phải xây dựng cho được một mạng lưới nhà báo mới, nhằm hỗ trợ và bảo vệ
cho nhau.
***
Những giải pháp trên đây hoàn toàn không có gì mới mẻ,
chỉ cần được triển khai với một quyết tâm cao độ. Luật Khoa cũng như nhóm tác
giả bài viết này để ngỏ mọi khả năng hợp tác với các nhà báo, nhà tài trợ và bất
kỳ ai muốn xây dựng một nền báo chí độc lập, chuyên nghiệp và chất lượng cao
cho Việt Nam.
Trịnh Hữu Long là đồng sáng lập viên và tổng biên tập
của Luật Khoa tạp chí, có địa chỉ email long.trinh@luatkhoa.org
Phạm Đoan Trang là đồng sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa tạp chí, có địa chỉ email: doantrang@luatkhoa.org. Cô đồng thời là tác giả của các cuốn sách “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù” và nhiều ấn phẩm khác.
Phạm Đoan Trang là đồng sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa tạp chí, có địa chỉ email: doantrang@luatkhoa.org. Cô đồng thời là tác giả của các cuốn sách “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù” và nhiều ấn phẩm khác.
No comments:
Post a Comment