15/06/2019
Trong buổi họp báo truyền hình trực tiếp vào
lúc 15:00 giờ địa phương ngày 15/6, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cuối
cùng đã xác nhận bước đi mà vài ngày qua được râm ran đồn đoán: hoãn lại Dự luật
Dẫn độ (Extradition Bill).
Với hàng triệu người Hong Kong đã xuống đường tuần hành
vào Chủ nhật 9/6, và nhất là hàng chục ngàn người trẻ tuổi đã bao vây Lập pháp
viện (Quốc hội) của Hong Kong hôm thứ Tư 12/6, động thái xuống thang này của
chính quyền đặc khu khó có thể được xem là thắng lợi.
Điều đa số người dân Hong Kong yêu cầu là dẹp bỏ
hoàn toàn “ác luật” (từ người dân dùng để gọi Dự luật Dẫn độ), buộc bà Lam phải
từ chức, và những người đứng đầu chính quyền phải xin lỗi vì chụp mũ “bạo động”
cho người biểu tình cũng như sử dụng vũ lực trấn áp quá mức cần thiết.
Ngày hôm nay, không có yêu cầu nào của họ được đáp ứng.
Ngược lại, cuộc họp báo công bố hoãn thông qua Dự luật
Dẫn độ của người đứng đầu chính quyền Hong Kong có thể được xem như một
workshop (buổi huấn luyện) kinh điển về nghệ thuật xin lỗi nhưng không
xin lỗi và nhận trách nhiệm nhưng không chịu trách nhiệm.
Có thể rút ra ít nhất bảy bài học từ cuộc họp báo
này, và nó giống một cách đáng kinh ngạc với cách chính quyền của đảng Cộng sản
Việt Nam phản ứng sau các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và Dự luật An
ninh mạng vào tháng 6/2018.
1. Phải luôn nhấn mạnh động cơ trong sáng
Ngay từ phát biểu đầu tiên, bà Lam đã lặp lại hai lý
do dẫn đến sự xuất hiện của đạo luật gây phẫn nộ nhất từ năm 1997 đến nay (có lẽ
còn hơn cả lần hàng trăm ngàn người dân xuống
đường phản đối dự luật “an ninh quốc gia” vào năm 2003).
Lý do thứ nhất là để trả lại công lý cho gia đình nạn
nhân trong vụ án giết người ở Đài Loan một năm trước (cả nghi phạm lẫn nạn nhân
đều là người Hong Kong). Lý do thứ hai là trám “lỗ hổng” luật pháp của Hong
Kong.
Khi trả lời phóng viên, bà Lam nhiều lần dùng từ “đồng
cảm” (empathy) để nói về gia đình nạn nhân, rằng bà cảm thấy mình phải có trách
nhiệm với cha mẹ của người bị hại.
Nhưng như phóng viên của Đài Loan nêu ra trong câu hỏi
cuối cùng, kể từ khi vụ án xảy ra, suốt hơn một năm chính quyền Hong Kong không
hề liên hệ trao đổi trực tiếp với chính quyền Đài Loan để tìm phương thức giải
quyết, một điều mà các chuyên gia luật pháp hai nước đều khẳng định hoàn toàn
có thể xử lý qua cơ chế hiện tại. Thay vào đó, tháng 2/2019, chính quyền Hong
Kong lại đưa ra ý tưởng về Dự luật Dẫn độ, và chính quyền Đài Loan gần như ngay
lập tức lắc đầu không đồng ý.
Trong suốt nhiều thập niên Hong Kong đóng vai trò là
một trong những trung tâm tài chính của thế giới, cũng không có nước nào phàn
nàn về “lỗ hổng” luật pháp của Hong Kong trong vấn đề dẫn độ. Các nước có nhu cầu
đều thiết lập hiệp định dẫn độ song phương cùng chính quyền Hong Kong. Ngoại lệ
duy nhất là không được có hiệp định dẫn độ với Trung Quốc, vì hai nước có hai nền
tư pháp khác nhau. Hay nói thẳng ra, người Hong Kong không chấp nhận một nền tư
pháp thiếu độc lập, đầy rẫy bất công và cực kỳ không minh bạch của “nước mẹ”.
“Lỗ hổng” mà bà Lam nói thực chất là bức tường lửa bảo vệ thể chế độc lập của
Hong Kong.
Bất chấp các điều trên, bà vẫn lặp đi lặp lại động
cơ trong sáng này của mình.
2. Luôn ca ngợi và bảo vệ sếp
Sếp ở đây là những người đứng đầu chính quyền trung
ương, tức các lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà Lam chủ động khẳng định đạo luật lần này hoàn
toàn là sản phẩm của chính quyền đặc khu, không phải do các vị sếp ở Bắc Kinh
yêu cầu. Việc chính quyền Bắc Kinh lớn tiếng ủng hộ, chỉ trích đe dọa những người
phản đối cũng chỉ vì “nhiều quốc gia nước ngoài có ý kiến nên Bắc Kinh phải lên
tiếng”.
Vì không phải là tác giả, không có tác động gì, nên
hậu quả tiêu cực từ dự luật này hoàn toàn không có lỗi của Bắc Kinh.
Đối với chính quyền trung ương, bà không có gì ngoài
những lời có cánh. Từ đầu đến cuối, họ luôn là những người “thấu hiểu, tin tưởng,
tôn trọng và ủng hộ” hết mực các quyết định của chính quyền đặc khu Hong Kong.
3. Không (còn) lên mặt với dân
Nếu những ông chủ ở Bắc Kinh luôn được bà Lam dành sự
kính trọng tuyệt đối, thì những người chủ nhân thật sự trả tiền thuế để nuôi
chính quyền của bà ở Hong Kong lại không nhận được dù chỉ một phần của sự tôn
trọng đó, mãi cho đến tận cuộc họp báo này.
Ngay cả khi hàng triệu người xuống đường biểu tình
phản đối vào ngày Chủ nhật 9/6, bà vẫn mặc kệ “tiến hành thông qua dự luật như
kế hoạch”, thậm chí còn rút ngắn thời gian để nhanh chóng hoàn tất. Khi xuất hiện
xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát, bà nhanh chóng chụp chiếc mũ “bạo động”
lên đầu người biểu tình, tuyên bố những hành động phản kháng của người dân đều
có hại cho Hong Kong. Bà Lam sau đó cũng xuất hiện trên truyền hình khóc kể về
những “hi sinh” của bản thân, còn đưa ra ẩn dụ “xem dân như con”, khiến hàng
ngàn bà mẹ cùng những người Hong Kong khác đùng đùng nổi giận.
Thái độ đó nhanh chóng biến mất trong buổi họp báo.
Người đứng đầu chính quyền bỗng dưng “ghi nhận sự bức xúc”, khẳng định sẽ tiếp
tục lắng nghe và đối thoại với người dân.
Đối diện với làn sóng phẫn nộ ngày một tăng, bà
không còn dám thi gan xem thường dân.
4. Thể hiện tinh thần cầu thị
Không còn công nhiên gạt bỏ ý kiến của dân, bà Lam
cam kết chính quyền của mình sẽ “cởi mở, chân thành, khiêm tốn” để học hỏi và
“tiếp thu phê bình”.
Cầu thị đến mức độ nào?
Câu trả lời nằm ở việc bà khẳng định sẽ tiếp tục “giải
thích, tuyên truyền” để người dân “hiểu rõ” dự luật, bất chấp việc phóng viên
nhiều lần chất vấn rằng “giải thích và tuyên truyền thêm nữa để làm gì khi
không phải người dân không hiểu, mà họ hiểu rõ và không chấp nhận?”.
Kiểu cầu thị này rõ ràng không phải là để nhìn ra
cái sai của bản thân để sửa, mà là “cầu cho người khác thị mình” – tìm mọi cách
để người khác chấp nhận bằng được ý của mình.
5. Luôn nhìn đại cục (và khuyến khích mọi người phải học
theo)
Gạt đi câu hỏi “liệu việc xuống thang này có phải là
để giảng hòa với dân hay cứu vớt uy tín bản thân”, bà Lam khẳng định đây đơn
thuần là quyết định vì đại cục, để giữ vững sự “ổn định, hòa bình của Hong
Kong”.
“Vì đại cục”, hay “bức tranh lớn”, là một trong những
cụm từ rất được các “lãnh đạo (tự cho mình) có tầm nhìn” ưa dùng.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Liu Xiaoming
khi bị chất vấn trên BBC về
việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) tại Tân Cương,
cũng đã trả lời “anh không nhìn thấy bức tranh lớn”, rằng các “trung tâm giáo dục”
(thực chất là trại cải tạo tập trung) có tác dụng duy trì hòa bình và ổn định ở
Tân Cương.
Viện dẫn đại cục, cùng với một động cơ trong sáng,
là một công thức cổ điển để vẽ nên hình ảnh một lãnh đạo “vừa có tâm, vừa
có tầm”.
6. Chỉ nhận thiếu sót, đừng nhận lỗi
Trong số 16 phóng viên được đặt câu hỏi trong buổi họp
báo, ít nhất bốn người chất vấn về việc liệu bà Lam có chịu xin lỗi người dân
Hong Kong hay không.
Yêu cầu xin lỗi không chỉ từ việc chính quyền của bà
đưa ra một dự luật có hại cho thể chế độc lập của Hong Kong (một điều tất nhiên
bà phản đối), việc bà liên tục phớt lờ dân ý, chụp mũ “bạo loạn” lên những người
biểu tình, mà còn từ các hành động trấn áp bạo lực quá mức đối với những người
trẻ tuổi.
Đáp lại, người đứng đầu chính quyền không một lần nhận
lỗi.
Tất cả những sự việc “đáng tiếc” diễn ra đều xuất
phát từ “động cơ tốt đẹp”. Các hành vi trấn áp của cảnh sát thì chỉ là “tự vệ
và hoàn toàn hợp pháp”, bất chấp các tố cáo về việc cảnh sát vây đánh tập thể,
nhắm bắn thẳng vào người biểu tình, thậm chí tấn công cả phóng viên.
Thay cho lời nhận lỗi, bà Lam luôn khẳng định năng lực
của bản thân và cam kết “tiếp tục phục vụ người dân Hong Kong”.
7. Không bao giờ từ chức
Trong ít nhất sáu lần phóng viên chất vấn “liệu bà
có chịu từ chức”, không một lần họ nhận được câu trả lời.
Thứ họ và những người dân Hong Kong nghe được là những
lời lặp lại về cam kết, về động cơ tốt đẹp, về tinh thần cầu thị, và về bức
tranh lớn tốt đẹp trong tương lai.
Người Hong Kong có chịu nhìn theo bức tranh đó của bà
Lam hay không, chúng ta sẽ sớm có câu trả lời.
Họ sẽ tiếp tục xuống đường, còn người lãnh đạo đặc
khu có lẽ sẽ lủi nhanh vào hậu trường, như cái cách bà nhanh chóng biến mất khi
câu hỏi cuối cùng được bắn ra.
“Cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm?”
No comments:
Post a Comment