Friday, 3 May 2019

BẢN TIN NGÀY 2-5-2019 (Báo Tiếng Dân)





03/05/2019

Tin Biển Đông

38 tàu đánh cá mang cờ Việt Nam sắp bị Indonesia bắn chìm, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti xác nhận thông tin này và cho biết, đây là chính sách nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. Trước đó, Indonesia đã bắt giữ, đánh chìm và xua đuổi hàng trăm tàu từ các quốc gia khác nhau đến đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển Indonesia, còn 38 tàu cá sắp bị bắn chìm vào ngày 4/5 tới mang cờ Việt Nam.

Trước đó,  Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia thả ngay các ngư dân bị bắt, đối xử nhân đạo và đền bù thỏa đáng cho tàu cá và ngư dân Việt Nam. Không có dấu hiệu gì cho thấy phía Indonesia lắng nghe Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Máy bay tàng hình Trung Quốc sẵn sàng tác chiến trong năm nay? Tướng Charles Brown, chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định, máy bay tàng hình J-20 có thể sẵn sàng tác chiến trong năm nay là tín hiệu cho thấy “mối đe dọa lớn hơn, năng lực mạnh hơn” của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phát triển máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ông Brown cho biết thêm, Mỹ luôn giám sát chặt chẽ việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự trong khu vực và sẽ có hành động đối phó với các diễn tiến trên, gồm việc tăng cường triển khai dòng máy bay thế hệ mới F-35 và tiếp tục bay qua các khu vực chiến lược như Biển Đông.

TS Nguyễn Ngọc Trường có bài: Bắc Kinh đưa khái niệm mới “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển”. Theo bài viết, khái niệm này là “sản phẩm trí tuệ” của Trung Quốc để cụ thể hóa Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng bằng quyền lực mềm của TQ.

Hải quân TQ hứa hẹn, sẽ “tăng cường giao lưu hợp tác với hải quân các nước, tích cực thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế, bảo đảm an ninh các tuyến hàng hải quốc tế”, nghĩa là mở rộng tầm kiểm soát quân sự trên Biển Đông dưới danh nghĩa phục vụ mục đích dân sự.


Quốc tang cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Hôm nay là ngày đầu tiên trong hai ngày quốc tang cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Có vẻ như người dân không quan tâm nhiều đến nhân vật chính trong đám tang là ông Lê Đức Anh, mà mọi con mắt đang đổ dồn về trưởng ban lễ tang Nguyễn Phú Trọng.

Sau cơn đột quỵ hôm 14/4 vừa qua, có khả năng ông Trọng không bay vào thành Hồ để dự đám tang, hay đọc điếu văn, mặc dù ông là trưởng ban lễ tang. Cũng có thể ông Trọng chỉ xuất hiện tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, để dự lễ truy điệu ông Lê Đức Anh.

Ảnh chụp màn hình VTV

Vẫn không thấy ông Trọng đâu trong tang lễ. Ảnh chụp màn hình VTV

Về chuyện quốc tang, nhà báo Nguyễn Vĩnh, cựu TBT báo Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao viết: Với quy định như hiện nay thì Quốc tang nhiều quá. Tác giả góp ý, những người vừa mất có nhiều công trạng với đất nước, nếu thật sự xuất sắc, được dư luận toàn dân tôn vinh, thì tổ chức “Lễ tang cấp nhà nước”, hoặc “Lễ tang nhà nước cấp cao”, cũng đủ mang lại vinh dự lớn cho người đã khuất và gia đình họ.

Ông Vĩnh cho rằng: “Quốc tang chỉ áp dụng với nhà lãnh đạo cao nhất đất nước qua đời, hoặc đất nước gặp phải những tổn thất một lúc nhiều sinh mạng con người do thiên tai, địch họa, hay những vụ tai nạn lớn, xảy ra đại dịch quy mô rộng lớn làm chết nhiều sinh mạng gây chấn động nhân tâm đất nước. Quốc tang trong những trường hợp đó mới thật mang ý nghĩa là Quốc tang, vì xứng đáng để toàn dân để tang, chịu tang“.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng viết: “Mấy hôm nay đang có bất đồng rất lớn giữa gia đình ông Lê Đức Anh và ban lễ tang nhà nước. Gia đình muốn làm lễ nhỏ thôi, nhưng có những kẻ muốn bằng mọi cách thúc ép gia đình phải theo những nghi thức nhà nước hoành tráng nhất. Xét ra không phải chỉ có ông HCM khổ, mà còn bao nhiêu học trò khác của ông đến khi chết rồi vẫn bị lôi xác ra làm trò, để tô hồng cho sự nghiệp cách mạng thần thánh của đảng quang vinh...”

VietNamNet đưa tin: Nội Bài thắt chặt an ninh trước lễ di quan Đại tướng Lê Đức Anh. Sân bay Nội Bài lên kế hoạch bảo đảm an ninh cho lễ di quan ông Lê Đức Anh, dự kiến diễn ra hôm nay. Lễ viếng và lễ truy điệu sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, Hà Nội. Hội trường Thống Nhất ở TP.HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu.

Sau lễ truy điệu, thi hài ông Lê Đức Anh sẽ được di chuyển từ Nhà tang lễ quốc gia đi qua nhà công vụ ông từng ở, rồi qua Lăng ông Hồ, Phủ Chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. Lễ an táng dự kiến bắt đầu từ 17 giờ cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM.

Sống chẳng làm gì ích nước lợi dân, khi chết lại còn gây trở ngại cho dân: Cấm nhiều tuyến đường phục vụ quốc tang nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh, theo báo Một Thế Giới. Từ 6 – 12 giờ ngày 3/5, Công an TP Hà Nội cấm các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lò Đúc), YecXanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn (đoạn từ Nguyễn Cao đến YecXanh), Nguyễn Cao (đoạn từ Lò Đúc đến Lê Quý Đôn), Hàn Thuyên, Hàng Chuối (đoạn từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Công Trứ).


Cao tốc Bắc – Nam và “bạn vàng”

VnExpress dẫn lời ông Trương Gia Bình: ‘Giao tư nhân làm Dự án Long Thành, Cao tốc Bắc Nam chỉ mất 10 năm thay vì 30 năm’. Ông Bình phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân chiều 2/5: “Tôi nói ví dụ như dự án đường sắt Bắc Nam hay là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân thì tôi tin chắc rằng việc thực thi không phải mất 30 năm mà chỉ trong vòng dưới 10 năm. Và đây là những nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ”.

Đường cao tốc TP HCM – Trung Lương đoạn qua Tân An (Long An), một phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận, ưu tiên tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, báo Dân Trí đưa tin. Cụ thể, “đối với lĩnh vực đường bộ, ưu tiên tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau; các đoạn, tuyến kết nối với hệ thống đường cao tốc; kết nối giữa các cảng biển, cảng hàng không với các trung tâm sản xuất công nghiệp, đô thị lớn”.

Từ lúc VN bình thường hóa quan hệ với TQ đến nay, TQ đã liên tục đưa người vào các vị trí rất hiểm yếu trên lãnh thổ VN dưới danh nghĩa “đầu tư kinh tế”, ở Tây Nguyên, Hà Tĩnh, Vân Đồn… đều đã có các dự án lớn có bàn tay TQ. Bây giờ đến cao tốc Bắc – Nam, nếu rơi vào tay TQ, thì xem như TQ kiểm soát các tuyến đường giao thông chiến lược trên toàn bộ lãnh thổ VN.


Tin nhân quyền

Ngày 8/4/2019, ông Trần Văn Huỳnh, bố của TNLT Trần Huỳnh Duy Thức có đơn yêu cầu giám sát và thi hành Hiến pháp, luật và nghị quyết Quốc hội. Đơn được gửi đến Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH… yêu cầu họ thực hiện chức năng giám sát việc thực thi, áp dụng pháp luật theo Hiến Pháp quy định và yêu cầu Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại của TNLT Trần Huỳnh Duy Thức, gửi ngày 18/07/2018.

Tổ chức VOICE thông báo về việc ông Bạch Hồng Quyền định cư ở Canada. VOICE cho biết,  lúc 10:40 tối 2/5/2019, ông Bạch Hồng Quyền cùng con trai út 6 tháng tuổi là bé Joseph Bạch đã lên máy bay rời Bangkok đi Canada tị nạn. Bà Bùi Thu Giang, vợ ông Quyền, cùng hai con của họ cũng đã bay qua Canada ngày 16/4/2019.


Nhà thờ Bùi Chu

VietNamNet đặt câu hỏi: Giới chuyên gia kiến nghị, nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi có được cứu xét? Chỉ còn 11 ngày nữa là nhà thờ Bùi Chu có lịch sử 134 năm tuổi sẽ bị đập bỏ. Theo TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên, “hạ giải” là hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích. Cho nên, trong trường hợp nhà thờ Bùi Chu, dùng từ “hạ giải” là không đúng, vì nhà thờ sẽ bị đập bỏ để xây mới hoàn toàn.
Một số kiến trúc sư lưu ý, những hình ovan 3 lá trên trần nhà thờ Bùi Chu là biến thể của Thiên chúa giáo, không thấy ở các nhà thờ Việt Nam với nhiều chi tiết cầu kỳ, vừa thể hiện đường nét baroque cổ kính, vừa thể hiện nét phương đông, tạo ra không gian đa dạng.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Chủ tịch huyện Xuân Trường nói gì về việc phá dỡ nhà thờ Bùi Chu? Ông Đặng Ngọc Cường cho biết, hiện huyện này chưa nhận được thông tin gì cơ quan có thẩm quyền về việc dừng phá dỡ nhà thờ Bùi Chu. Kế hoạch xây dựng nhà thờ mới đã được các linh mục xin cấp phép xây dựng từ năm 2016, nhưng do chưa chuẩn bị kịp nên năm 2018 lại xin gia hạn và được Sở Xây dựng tỉnh Nam Định đồng ý.

Ông Cường nói thêm: “Họ đã tiến hành khởi công từ tháng 10-2018 và đã làm phần mộc từ đó đến giờ, tới đây sẽ tới phần hạ giải để dựng. Nhà thờ được dựng trên toàn bộ nền cũ của nhà thờ, còn chi tiết như thế nào các anh phải hỏi Sở Xây dựng”.


Tin giáo dục

Khoảng một tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Lê Quang Mạnh cho rằng: Giáo dục Việt Nam là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới. Sau đó, Hiệu trưởng một trường ĐH phản bác: “Giáo dục Việt Nam đang kém nhất thế giới chứ không phải hàng đầu thế giới”. Vị Hiệu trưởng này nói thêm: “Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới, nếu chúng ta không kịp thay đổi trong 5 năm nữa thì mình tiếp tục thua kém thế giới cả 10 lần”.

Báo Thanh Niên dẫn lời Bộ GD- ĐT: Giáo viên, học sinh không được lên mạng làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục! Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 06, trong đó có quy định giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội phát tán, đăng tin, bình luận những thông tin, hình ảnh làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục.

Bộ GD&ĐT thật sự không hiểu hay cố tình không hiểu, một loạt bê bối giáo dục trong các thập niên qua, từ các vụ hiệu trưởng, giáo viên ấu dâm, đến bê bối gian lận điểm thi ở các tỉnh miền Bắc, trong đó nhiều thí sinh “đội sổ” thành “thủ khoa”, khiến nền giáo dục VN đã quá băng hoại. Bây giờ các giáo viên, học sinh đưa sự thật lên mạng xã hội thì cũng khó làm cho nó dơ bẩn hơn nữa bộ mặt lem luốc của nền giáo dục.

Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Dương, huyện Đức Hòa, Long An vừa khiển trách thầy giáo phạt học sinh đến nôn ói chỉ vì quên quả cầu, theo Zing. Hiệu trưởng Lê Văn Đức cho biết, giáo viên thể dục Nguyễn Việt Hưng bị kỷ luật do vi phạm đạo đức nhà giáo. Chiều 15/3, em Lê Trần Anh Thư, học sinh lớp 5/3 đi học quên đem theo quả cầu đá, đã bị thầy Hưng phạt thụt dầu giữa sân trường khoảng 20 lần; 12 bạn học cùng lớp cũng bị phạt bằng tương tự. Về nhà, em Thư có dấu hiệu ngạt thở, mệt mỏi và nôn ói, nên mẹ em tìm gặp hiệu trưởng để phản ánh sự việc.


Tin môi trường
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Nước sông ô nhiễm, cả thị xã thiếu nước sạch. Theo đó, người dân sống dọc sông Cái Lớn, thuộc huyện Long Mỹ, Hậu Giang đang phải chịu đựng tình trạng nước sông vẫn đục màu đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Một người dân cho biết,  tình trạng nước đen, thối diễn ra kéo dài gần 10 ngày qua, khiến cho ếch, cá nuôi của gia đình và một số hộ khác bị chết gần hết.

Một người khác kể: “Nghe là nước sông ô nhiễm trạm cấp nước không lấy nước được nên cúp nước sáng giờ. Thấy xe bồn cấp nước đi ngang nên người dân đem xô ca cửa chờ đón để lấy nước nhưng không đủ phát”.

Dòng nước ô nhiễm ở thị xã Long Mỹ. Nguồn: PLTP


***







No comments:

Post a Comment

View My Stats