Nhân
ông Bùi Tín mất (1927 – 2018) tôi nhớ lại chuyện này. Tôi không gặp ông trong
đời. Nhưng cuốn sách “60 ngày ở Sài Gòn” ông viết (với bút danh Thành Tín) về
thời gian tham gia ủy ban quân sự liên hợp bốn bên sau hiệp định Paris 1973,
tôi đã đọc từ hồi học phổ thông. Tôi cũng đã đọc các cuốn “Mặt thật”, “Hoa
xuyên tuyết” ông viết khi đã đi khỏi nước. Sau ngày ông sang Pháp và quyết định
ở lại làm một “dissident” (người ly khai, bất đồng chính kiến) ông đã có nhiều
bài viết và bài trả lời phỏng vấn trên các báo chí hải ngoại. Và một trong
những bài đó đã khiến tôi bị “liên lụy”.
Đó
là một ngày tháng hai năm 1992, đúng ngày rằm tháng Giêng Nhâm Thân. Chi bộ
Viện Văn học đang họp tại trụ sở cơ quan 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ngồi họp tôi
thấy có mấy tờ photocopy ai đó để trên bàn và các đảng viên tranh thủ cầm đọc.
Tôi cũng cầm lên đọc xem là cái gì. Thì ra đó là bài phỏng vấn nhà báo Bùi Tín,
hình như là trên tạp chí “Diễn Đàn” của nhóm trí thức người Việt tại Paris thì
phải, tôi không nhớ rõ. Ngoài những chuyện về chính trị, trong bài phỏng vấn có
mấy câu hỏi và trả lời liên quan đến chuyện văn chương khi ông Bùi Tín kể về
mối giao tình xướng họa thơ giữa thân phụ ông là cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban
thường trực Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khóa I) với Chủ tịch Hồ Chí
Minh ở chiến khu Việt Bắc thời kháng Pháp. Thấy hay hay tôi tính sẽ photo lại
bản photo này làm tư liệu. Nghĩ là làm, đến giờ giải lao cuộc họp chi bộ tôi
cầm lấy một bản trên bàn đi ngay. Có mấy anh chị đảng viên hỏi tôi cầm bản đó
đi đâu, tôi bảo là đi photo, họ dặn làm cho họ mấy bản luôn và còn nói là đi
nhanh nhanh về mà họp tiếp. Tôi vâng và đi ra cửa hàng photocopy ở 21 Tràng Thi
là nơi tôi hay đến làm vì gần cơ quan và giá rẻ. Tới nơi cửa hàng khá đông
người và tôi đặt làm bốn bản, kể cả bản mang đi coi như bản gốc nữa là năm bản.
Khi tôi đang đứng cạnh cái máy chờ lấy các bản photo mang đi thì bỗng có hai
thanh niên mặc đồ trắng đứng sát tôi từ lúc nào không biết cầm mấy tờ giấy lên
lật lật xem xem rồi nói: - Anh photo gì đây, à tài liệu của Bùi Tín, mời anh đi
theo chúng tôi. Thú thực nghe họ nói thế tôi lạnh cả người vì đây là lần đầu
tiên tôi bị lâm tình huống với công an. Vâng, khi họ nói thế tôi biết chắc hai
người đó là công an. Khi đó là khoảng mười giờ sáng. Họ cầm tập giấy photo đưa
tôi về đồn công an quận Hoàn Kiếm (2 Tràng Thi). Tôi được dẫn lên tầng hai vào
một căn phòng vắng vẻ. Vừa ngồi xuống họ hỏi ngay: Anh lấy tài liệu này ở đâu,
ai đưa cho, đưa lúc nào, ai bảo đi photo, nhằm mục đích gì. Tôi tình thật kể
toàn bộ sự việc như đã viết ở đoạn trên. Tôi nhấn mạnh: tôi đi photo tập tài
liệu này là vì đọc thấy trong đó có mấy chỗ liên quan đến văn học vì tôi làm
nghiên cứu văn học hiện đại, chỗ các anh đây và chỗ cơ quan tôi đều ở bên này
bên kia Hồ Gươm, tôi đang họp chi bộ, các anh cho tôi gọi điện về báo để chi bộ
biết và có thể cho người sang làm chứng, hoặc các anh gọi điện đến thì rõ mọi
việc, hoặc nữa các anh cho người sang đó thì biết. Họ không cho và cứ hỏi xoáy
vào tài liệu này ai đưa, qua cách hỏi tôi biết họ muốn truy tìm tổ chức vì nghĩ
đây chắc là hoạt động của một tổ chức nào đó. Trong lúc người hỏi thì có người
gọi điện (điện thoại bàn, hồi ấy chưa có điện thoại di động) mà nghe qua câu
chuyện thì tôi biết là báo cáo sự việc của tôi lên một A nào đó trên Bộ Công an,
tôi nghe loáng thoáng như là A16 thì phải. Rồi họ để tôi ngồi chơ chỏng đó một
lát, sau đó một người đi vào đưa giấy bút bảo tôi viết lời khai. Tôi hỏi khai
gì. Họ bảo cứ khai toàn bộ sự việc. Nói rồi anh ta bỏ đi. Tôi viết như tôi đã
nói. Viết xong để trên bàn, tôi ngồi một mình ngó ngông trong phòng và nghĩ ở
cơ quan cuộc họp chi bộ tiếp tục mọi người không thấy mình về chắc lại cho
thằng Nguyên kiếm cớ bỏ họp đi đâu rồi (điều này quả nhiên đúng, về sau mọi
người đều trách tôi kiếm cớ bỏ họp nửa chừng).
Tôi
cứ ngồi thế cho đến khoảng mười một rưỡi thì một loạt người kéo vào phòng. Nghe
qua những lời trò chuyện, đối đáp của họ thì tôi tạm biết: có người trên Bộ
xuống và phần nhiều là các trinh sát vừa từ ở các chùa chiền về, khi đó tôi mới
hay hôm nay là Rằm Giêng. Tất cả đều mặc thường phục. Tôi như không có mặt ở
trong phòng, cho đến lúc một cô - một trinh sát nữ - ngó thấy tôi lạ mắt mới
cất tiếng hỏi đồng nghiệp và biết được sự việc. Nghe xong cô này bảo với anh
kia: ô hay quá, em cũng nghe nói ông Bùi Tín mà chưa biết thế nào, cho em mượn
một tập về xem nhé. Mấy người khác nghe nói thế cũng xúm vào. Thế là năm tập
tài liệu tôi photocopy phút chốc biến mất. Cảm giác của tôi lúc đó là một sự
bực tức còn nhớ mãi đến nay. Tôi nghĩ trong đầu: mấy cô cậu kia là cái quái gì
mà được đọc tài liệu đó, còn mình là dân nghiên cứu muốn lấy nó làm tài liệu
chuyên môn thì bị bắt!
Ồn
ào một lúc tất cả bọn họ về nhà hoặc rủ nhau đi ăn trưa. Tôi lại bị bỏ mặc một
mình trong cảnh vắng vẻ mà gần ngay ngoài cửa sổ là Hồ Gươm và bên kia hồ là cơ
quan mình làm việc. Tôi nghĩ không biết việc này rồi thế nào, có lẽ tối nay
mình sẽ bị tam giam. Nếu thế phải ứng phó ra sao.
Giờ
trưa đi qua không ăn không uống, không hỏi không nói. Đầu giờ chiều thảng có
người tạt vào phòng nhưng không động gì đến tôi. Tới khoảng ba giờ thì tôi mới
lại được “làm việc”. Họ bảo bây giờ sẽ cho tôi về. Tôi bảo muốn lấy lại mấy bản
photo, họ nói không được. Vậy tôi chào về. Vừa bước chân chưa ra khỏi cửa phòng
bỗng có tiếng gọi giật lại: - Chúng tôi sẽ cho hai cán bộ theo anh về nhà để
thu giữ những tài liệu như thế này có ở nhà anh. Vâng, trong cuộc khai hỏi hồi
sáng tôi có nói là kiểu những tài liệu liên quan đến văn học như thế này từ
sách báo hải ngoại thì tôi có vì để phục vụ công việc chuyên môn, cũng như nhà
tôi toàn là sách ngoại quốc thôi. Vậy là ba giờ chiều ngày 18/2/1992 sau khi
ngồi đồn sáu tiếng đồng hồ, tôi bước chân ra khỏi trụ sở công an quận Hoàn Kiếm
ở số 2 Tràng Thi, đi bộ lững thừng về Viện Văn học số 20 Lý Thái Tổ, sau lưng
có hai thanh niên cùng đi.
Nhà
tôi khi đó là căn phòng 9 mét vuông ở bên hông cơ quan. Khi tôi cùng hai
"khách lạ" về đến nơi thì vợ tôi đang cùng mấy người trong khu tập
thể đứng trò chuyện trước cửa nhà. Tôi nói qua với vợ đây là hai người khách
rồi đưa họ vào căn phòng hẹp mà chiếc giường đôi đã chiếm gần hết diện tích.
Tôi lục lọi trên giá sách lấy ra những bản photocopy các sách báo hải ngoại
(như bài Nam Chi – bút danh của nhà nghiên cứu Đặng Tiến – viết về bộ tiểu
thuyết “Mùa biển động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác) đem cho họ. Sau đó họ ra
về trong lặng lẽ. Khi những người khách không mời đã đi khuất, vợ tôi hỏi ngay:
- Anh có chuyện gì vậy? Tôi kể hết đầu đuôi sự việc. Vợ tôi nói: - Hèn gì trưa
nay không biết anh đi đâu em rất nóng ruột, bồn chồn, không phải như mọi lần.
Nếu phải là em thì em đã không để cho họ vào nhà!
Từ
ngày đó, vụ việc “photo tài liệu Bùi Tín” của tôi trở nên nghiêm trọng. Viện
trưởng Viện Văn học - giáo sư Phong Lê và bí thư chi bộ của Viện - tiến sĩ Đào
Tuấn Ảnh là hai người bị “quần” nhiều nhất, họ đã phải vất vả, khó chịu với
những sự điều tra, truy vấn của cơ quan an ninh hòng tìm câu trả lời cho câu
hỏi chính: tài liệu này xuất phát từ đâu, ai đưa và ai nhận. Tôi thì không bị
động đến nữa nhưng không khí bao quanh là rất nặng nề. Cho đến hơn một năm sau
chi bộ được triệu tập họp. Tại đó ông trưởng ban tổ chức cán bộ của Viện Khoa
học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cơ quan chủ
quản của Viện Văn học), một người nghe nói từng là thư ký riêng của một ông thứ
trưởng Bộ Công an, đã thông báo kết luận về vụ việc này. Tôi chỉ bị nhắc nhở,
không phải chịu hình thức kỷ luật gì. Ông trưởng ban tổ chức nói khá dài những
gì đến nay tôi đã quên hết, duy chỉ có một điều này thì tôi nhớ. Khi nói về
việc tôi đi photocopy tài liệu ông bảo là anh Nguyên không biết rằng các quán
photo thường đều là cơ sở của công an, không may cho anh Nguyên đã đến một quán
như vậy và ở đó họ đã báo cho cơ quan có trách nhiệm biết. Ông vừa nói thế tôi
liền buột miệng nói to giữa cuộc họp chi bộ: - Đúng rồi! Đúng rồi! Đồng chí nói
rất đúng! khiến mấy người ngồi cạnh phải vội giật giật áo tôi và nói nhỏ: -
Ngậm miệng lại, đừng chọc tức họ nữa, họ không kỷ luật gì là may rồi.
Câu
chuyện tôi “liên lụy” Bùi Tín là vậy. Hồ sơ của tôi ở cơ quan an ninh chắc bắt
đầu có từ đó. Sau này tôi có hỏi một anh cùng đồng môn khoa Ngữ Văn, Đại học
Tổng hợp Hà Nội, nhưng học trước mấy lớp và là sĩ quan ở A25, về các bản tài
liệu tôi đã photo hồi đó, anh bảo mày có thích lấy lại thì lên anh cho. Ông Bùi
Tín thì không bao giờ biết chuyện này. Tôi cũng lần đầu viết chuyện này ra,
nhân biết tin ông qua đời. Cầu cho ông thanh thản ở trời bên kia.
Hà
Nội 12.8.2018
No comments:
Post a Comment