Sunday, 12 August 2018

ẢO TƯỞNG BLOCKCHAIN (Nguyễn Vạn Phú)




Thursday, August 9, 2018

Blockchain chỉ là ảo tưởng

Xã hội truyền thống xây dựng dựa trên niềm tin vào con người và các định chế do con người dựng nên – blockchain được phát triển dựa trên giả định không thể tin ai. Thử nghĩ xem xu hướng nào sẽ thắng thế và nên cổ vũ cho xu hướng nào?

Các bài viết về blockchain thường dành ra cỡ một phần ba để giải thích blockchain là gì. Người đọc ít khi vượt qua một phần ba này nên cái đọng lại trong nhiều người là blockchain lắm phức tạp nhưng cũng lắm tiềm năng. Nói theo cách đơn giản hóa nhất, blockchain là một cơ sở dữ liệu an toàn bậc nhất vì không ai có thể can thiệp sửa chữa thông tin bên trong.

Vì là cơ sở dữ liệu nên blockchain có thể áp dụng trong nhiều trường hợp như ghi nhận mọi biến động trong thị trường địa ốc một nước mà không cần nhờ tới một bên thứ ba như công chứng viên hay cơ quan địa chính nhà nước chứng thực. Nói cách khác những giao dịch giữa hai bên mà trước đây cần một bên trung gian xác nhận đều có thể tiến hành bằng công nghệ blockchain và loại bỏ bên trung gian. Đó có thể là mua bán chứng khoán, chi trả trong thương mại quốc tế, đăng ký sở hữu tài sản như nhà cửa, xe cộ… Nói đến đây, ắt ai nấy đều thèm thuồng cái sức mạnh vượt trội của blockchain, tưởng đâu một sớm một chiều nó sẽ thay đổi cách tổ chức xã hội của cả nhân loại.

Lòng tin con người là yếu tố quyết định

Thế nhưng bất kể biết bao hội thảo, biết bao bài thuyết trình, biết bao bài viết ca ngợi ưu thế blockchain, thử hỏi đã có ai thấy một ứng dụng phổ biến trong đời sống thực dùng nền tảng blockchain, ngoài các đồng tiền mã hóa?

Trong ngành hàng không dân dụng, cơ chế máy bay tự lái đã hoàn chỉnh đến độ các máy bay đời mới đã có thể tự cất cánh, hạ cánh. Nhưng cứ thử hỏi liệu khách đi máy bay có chịu lên một chiếc máy bay không có phi công, có lẽ không ai dám liều cả. Blockchain cũng vậy, cho dù nó tạo một cơ chế ghi nhận quyền sở hữu nhà đất hoàn chỉnh, không ai có thể giả mạo, chỉnh sửa giấy tờ, liệu đã có dân chúng nước nào giao phó hồ sơ nhà đất của họ cho blockchain? Đây là yếu tố chưa thấy bài viết nào về blockchain đề cập và giải quyết.

Một trong những ứng dụng tiềm năng được ca ngợi nhất của blockchain là “hợp đồng thông minh”, tức hợp đồng kỹ thuật số có nhúng những đoạn mã “nếu… thì….” để sau đó hợp đồng có thể tự động thực thi khi các điều kiện đặt ra được đáp ứng. Trước đây hợp đồng truyền thống dựa vào lòng tin của con người, cộng với áp lực thực thi của xã hội, của luật pháp – tức dựa trên cả hàng ngàn năm điều chỉnh, gây dựng lòng tin vào con người, lòng tin vào công lý. Nay chuyển nó sang cho các đoạn mã làm nền tảng thực thi thì liệu có quá lạc quan khi cho rằng con người sẽ chấp nhận “hợp đồng thông minh” hơn là hợp đồng được cả một hệ thống luật dân sự bảo chứng? Liệu một công nghệ dựa trên giả định không thể tin ai có thể thay thế các định chế dựa trên lòng tin vào con người?

Để dễ hình dung, hãy nhìn vào một ứng dụng cụ thể: blockchain trong phát hành nhạc. Phát hành nhạc hiện đang trải qua những thay đổi tận gốc rễ - thay vì bán đĩa ghi âm, ca sĩ có thể đưa bài hát của mình lên một nơi phát hành trực tuyến như Apple Music hay Spotify nhưng cũ cũng như mới, ca sĩ đều phải dựa vào bên trung gian để đưa sản phẩm đến người nghe và chịu mất hoa hồng. Blockchain được kỳ vọng thay đổi điều đó bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu chính xác ai sở hữu gì; cộng với một dạng hợp đồng thông minh, kiểu nếu A chi trả 5 đồng thì được nghe bài B ba lần – người ta cứ nghĩ sau này thính giả cứ trả tiền trực tiếp cho ca sĩ, khỏi qua trung gian nữa. Vấn đề là lúc nào cũng có một lượng thính giả đông đảo muốn nghe nhạc mà không mất tiền, họ sẽ ngó lơ hẳn blockchain như hiện nay họ đâu thèm dùng Spotify hay Apple Music.

Ý tưởng loại bỏ trung gian

Trở lại ứng dụng blockchain được triển khai duy nhất trong thực tế - đồng tiền mã hóa mà khét tiếng nhất là bitcoin, ưu điểm lớn nhất của nó là loại bỏ các trung gian như ngân hàng trung ương phát hành tiền, ngân hàng thương mại ghi nhận các giao dịch hay các tổ chức thanh toán như Visa hay MasterCard. Cái giá phải trả là sự biến động giá trị không ai chịu nổi, mỗi giao dịch phải mất một thời gian lâu mới được xác nhận (mỗi giây Visa xử lý 60.000 giao dịch còn bitcoin tối đa chỉ được bảy giao dịch), nguồn năng lượng khổng lồ cần có để tiến hành ghi nhận giao dịch… Trong khi đó chi phí cho các bên trung gian là không đáng kể và quan trọng hơn, bên trung gian cũng là những tế bào làm nên xã hội hiện đại, gạt bỏ chúng đi, cuối cùng chúng ta còn lại gì?

Thử nhìn lại các bên trung gian mà nền kinh tế số muốn loại bỏ: Airbnb muốn loại bỏ các khách sạn để người thuê nhà liên lạc trực tiếp với người có nhà cho thuê; Uber hay Grab loại bỏ các hãng taxi; các website thương mại điện tử loại bỏ cửa hàng tạp hóa; robot loại bỏ công nhân; các trang đặt chỗ như Booking.com loại bỏ đại lý… Cạnh tranh bằng cách đẩy một bên vào chỗ phải diệt vong chưa chắc đã là phương thức bền vững. Blockchain chính là ứng dụng kinh tế số hứa hẹn loại bỏ nhiều trung gian nhất, từ ngân hàng đến nhà môi giới, thậm chí cả cơ quan nhà nước và chính phủ.

Sai sót do con người

Chúng ta đã từng nghe các vụ hacker đột nhập đánh cắp bitcoin rồi đánh sập các sàn giao dịch bitcoin như thế nào. Kể cũng lạ, người ta từng khẳng định blockchain là không thể sửa đổi vậy hacker làm sao để đánh cắp nếu không ghi nhận sự chuyển dịch sở hữu đồng bitcoin đánh cắp sang cho mình? Blockchain do con người thiết kế, nhập dữ liệu đầu vào nên chắc chắn sai sót sẽ xảy ra.

Một trong những hợp đồng thông minh lớn nhất là một công cụ đầu tư viết tắt là DAO, cho phép thành viên đầu tư trực tiếp bằng cách dùng chìa khóa mã hóa riêng để bỏ phiếu nên đầu tư vào đâu. Như thế đây là quỹ đầu tư không cần ban điều hành, không cần luật sư, không cần họp hội đồng quản trị. Thế mà do một lỗi phần mềm DAO bỏ phiếu đầu tư 50 triệu đô-la, tức một phần ba tổng quỹ vào một dự án sau đó được phát hiện là do các nhà lập trình dựng lên như một dự án ma. Dù tranh cãi đây là do lỗi phần mềm hay do con người lợi dụng công nghệ để tư lợi, sau cùng mọi người phải ngồi lại bỏ phiếu bằng cách truyền thống để trả lại nguyên trạng, tiền ai về nhà nấy. Dân chuyên về blockchain cuối cùng phải dùng lý trí để thực thi hợp đồng chứ không dựa vào sự “thông minh” của máy móc nữa.

Sai sót tiềm ẩn lớn nhất là phóng đại những gì blockchain có thể làm được, hay gán cho blockchain những ưu điểm thật ra của nơi khác. Ví dụ người ta thường quảng bá, chi trả bảo hiểm y tế bằng blockchain là nhanh như chớp trong khi bình thường phải mất 90 ngày để hãng bảo hiểm xử lý một yêu cầu. Cái này là nhờ ứng dụng công nghệ vào quản lý chi trả bảo hiểm chứ không phải nhờ blockchain. Nếu có tranh chấp hay có gian lận bảo hiểm thì blockchain cũng đành chịu, không thể đẩy nhanh quy trình thanh toán. Tương tự hiện nay không hiếm các lời rao chào hàng blockchain cho mọi ngành, mọi lãnh vực, kể cả nông nghiệp như truy xuất nguồn gốc nông sản. Đây cũng chỉ là ứng dụng cơ sở dữ liệu kết nối với mã QR dán trên sản phẩm chứ có liên quan gì đến blockchain?

Cuộc sống có những chọn lựa riêng của nó. Có thời cả thế giới lao vào tranh cãi sẽ dùng định dạng gì, BluRay hay HD-DVD cuối cùng cả hai đều bị bỏ xó. Thiết nghĩ những ồn ào chung quanh blockchain cũng thế, cuối cùng thế giới sẽ chọn giải pháp riêng như kiểu chi trả qua điện thoại di động, chẳng cần gì đến blockchain hay bitcoin. Cũng có thể bỗng xuất hiện một ứng dụng cất cánh cho blockchain, tức một ứng dụng thành công bất ngờ, giúp phổ biến blockchain nhanh chóng. Chưa ai biết được tương lai nhưng nên có thái độ hoài nghi để khỏi bị lừa hay bị cuốn vào những lời chào hàng đắt đỏ.


Box

Giả định bạn muốn mua sách qua mạng. Giả định có một tác giả dùng công nghệ blockchain, soạn hợp đồng thông minh để bán sách. Như vậy khác với lối mua bán truyền thống, quẹt thẻ xong chờ họ gởi sách về nhà, nay bạn không tin ai và người bán sách không tin bạn nên hai bên cậy nhờ hợp đồng thông minh. Làm sao bạn đủ sức để rà soát cái hợp đồng thông minh này để xem có bị ông tác giả kia lừa hết tiền trong thẻ? Vậy là cuối cùng, dù sử dụng hợp đồng thông minh, bạn vẫn phải dựa vào những giả định: ông tác giả phải làm ăn đàng hoàng để giữ uy tín, bạn bè đã mua sách như thế và trôi chảy, ông tác giả là người bạn đã nghe danh và sách giá không bao nhiêu, chắc không ai nỡ lừa nhau. Đó là quyết định dựa trên niềm tin chứ đâu phải dựa vào blockchain.

-------------------

(Bài này đăng trên tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng; TTCT không có chỗ để đưa lên. Vậy nên bài được đưa lên blog sớm hơn thường lệ, thay vì chờ vài ba tuần ưu tiên cho bên báo).
Nguyễn Vạn Phú








No comments:

Post a Comment

View My Stats