Quách
Hạo Nhiên - Viet-Studies
11-8-2018
Ngay
khi biết được thông tin Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương
trình đào tạo “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” tôi chỉ biết
cười khùng khục một mình. Câu chuyện có thật mà cứ ngỡ như đùa. Nhưng cười xong
lại phải lau nước mắt. Thấy ngậm ngùi thay cho nền giáo dục nước nhà vì có thêm
một vở bi hài kịch sắp được công diễn.
1. “Vạch áo cho người
xem lưng” hay “tự diễn biến”?
Hoàn
toàn không có ý quy chụp “chính chị chính em” nhưng sau khi đã hoàn toàn “định
thần” lại, tôi không thể không đặt vấn đề phải chăng những người đã nghĩ và đề
xuất mở chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ này đang vô tình hay cố ý “đá xoáy”, “móc
lò” ông TBT Nguyễn Phú Trọng và và cái thể chế chính trị ở Việt Nam hôm nay?
Học theo nói theo cách của các vị bên tuyên giáo thì phải chăng đang có một âm
mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoặc nếu không cũng là tự “vạch áo cho
người xem lưng” của các vị GS, TS nào đó đã tham mưu và đề xuất mở chuyên ngành
đào tạo Thạc sĩ rất “độc và lạ” này?
Trước
hết, về chuyện tham nhũng thì quốc gia nào trên thế giới mà không có nhưng khi
nghe các vị lập luận rằng “Việt Nam đang trong xu thế hội nhập quốc
tế” hay “đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” (lại
cách mạng công nghiệp 4.0)nên tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp” thì
có khác gì các vị đang rêu rao cho bè bạn khắp năm châu bốn bể biết rằng con
người và xã hội Việt Nam hôm nay suy đồi và bại hoại quá rồi? Ở giác độ văn
hóa, phải chăng các vị muốn xổ toẹt cái thành tựu xây dựng “con người mới XHCN”
của Đảng ta trong mấy chục năm qua? Hoặc không nữa thì cũng là đang xổ toẹt cái
phong trào “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do
ngài cựu TBT Nông Đức Mạnh lần đầu tiên ký ban hành cách nay đã 12 năm (nếu
tính từ ngày ra đời chính thức của cái chỉ thị 06 của Bộ chính trị năm 2006)?
Nghĩa là các vị muốn ngầm nói rằng 12 năm qua, cái phong trào này trên thực tế
cũng là một biểu hiện khác của vấn đề “tham nhũng chính sách” vì đã tiêu tốn
không biết bao là tiền bạc của nhân dân nhưng kết quả thu về là hàng loạt các
quan chức, lãnh đạo cấp cao của Đảng bị đưa vào lò của ngài đương kim TBT gần
đây? Càng học Bác càng sa đọa dù Bác không như thế? Hoặc không thì cái phong
trào này chẳng qua chỉ là tấm bình phong, qua đó cho thấy đỉnh cao về sự dối
trá của những kẻ đã nghĩ ra và phát động nó trước toàn thể quốc dân đồng bào
suốt 12 năm qua? Vì lẽ, những kẻ ấy chỉ hô hào, vận động những người dân lam
lũ, nghèo đói và đặc biệt là hoàn toàn không có một cơ hội nào để tham nhũng,
bắt họ phải “học tập và làm theo tấm gương của Bác” còn bản thân mình thì chẳng
cần phải học hay làm theo gì cả. Bằng chứng là có vô số các “công bộc” ngoài sự
tận tụy và mẫn cán phục vụ nhân dân còn tranh thủ làm thêm đủ các nghề đến
“thối cả móng tay” như buôn chổi đót, chạy xe ôm... nhờ vậy mà xây được những
biệt phủ, biệt thự; sắm ngai vàng, mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài cho con
du học...?
Hay
như khi các vị lập luận rất hùng hồn rằng “nghiên cứu và đào tạo về
phòng chống tham nhũng về bản chất là nghiên cứu những mặt yếu, kém của nền
quản trị công” tuy không sai nhưng về sâu xa, phải chăng các vị
cũng đang cố tình nhạo báng cái thể chế chính trị hiện nay do “Đảng ta”
độc quyền lãnh đạo? Hay cụ thể hơn là nhạo báng cái hệ thống luật pháp cùng với
đó là vô số các cơ quan, ban bệ về phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa
phương? Vì thử hỏi sự “yếu kém của nền quản trị công” ở Việt
Nam hiện nay do đâu mà ra, bị ai chi phối? Sự thượng tôn pháp luật trong xã hội
như thế nào mà đến giờ tham nhũng càng ngày càng tinh vi và phức tạp, trở thành
“quốc nạn” như vậy?
2. Ai sẽ là người “tử
vì đạo”?
Được
biết chương trình đào tạo “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” được
thiết kế có thời gian học tập, nghiên cứu trong 2 năm với 64 tín chỉ tương
đương 16 học phần. Tuy chưa biết cụ thể tên gọi các học phần ra sao nhưng tôi
thử mường tượng và suy đoán 16 học phần này chắc chắn sẽ xoay quanh một số vấn
đề chủ yếu và cơ bản như: nghiên cứu về những biểu hiện khác nhau của vấn đề
tham nhũng, sự cấu kết giữ các “nhóm lợi ích” nhằm lợi dụng chính sách Nhà nước
để tham nhũng; các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị... của Đảng và Nhà nước Việt
Nam hiện nay về phòng chống tham nhũng; nghiên cứu về Luật phòng chống tham
nhũng cùng các bộ luật có liên quan khác về xử lý hành vi tham nhũng; khảo sát
nghiên cứu thực tế về công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng... Tất cả
những vấn đề trên chắc chắn phải trên cơ sở khoa học và cái nhìn so sánh với
các quốc gia tiến bộ trên thế giới đặc biệt là các quốc gia mà các chỉ số về
tham nhũng được kiểm soát tốt và chặt chẽ nhất. Có như thế mới thấy được những
kẽ hở, những mặt yếu kém trong vấn đề phòng chống tham nhũng hiện nay mà đề
xuất, tham mưu các giải pháp bài trừ...
Nếu
đúng như vậy thì một vấn đề tối quan trọng không thể không đặt ra là, có lẽ tất
cả chúng ta đều đã biết hiện nay trên thế giới những quốc gia kiểm soát tốt vấn
đề tham nhũng đa phần đều là những quốc gia có thể chế chính trị hoàn toàn khác
với Việt Nam. Đặc biệt là cách xây dựng và tổ chức nhằm kiểm soát quyền lực của
các quan chức lãnh đạo, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng ngay từ đầu theo mô
hình tam quyền phân lập. Trong khi đó Việt Nam lại kiên định với mô hình toàn
trị do độc Đảng lãnh đạo và đây chính là điểm khác nhau cơ bản nhất; là mấu
chốt của vấn đề tham nhũng tràn lan hiện nay vì không cách nào có thể kiểm soát
quyền lực của các quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền.
Nói
khác đi, ai cũng biết, tham nhũng ở Việt Nam hiện nay trầm trọng, nhức nhối và
phức tạp nhất là ở khu vực hành chính công. Và chỉ có những người có quyền lực
trong vai trò lãnh đạo của Đảng (do Đảng phân công) mới có điều kiện và cơ hội
“ăn không chừa một thứ gì của dân”. Chuyện này đúng ra không cần phải nhắc lại
nhưng cũng phải nhắc để thấy rằng, nếu như thế thì xin hỏi có ông bà ThS, TS,
PGS, GS nào đang ăn lương của Đảng và Nhà nước này dám đề xuất và xem đây như
là giải pháp quan trọng nhất nhằm kiểm soát quyền lực từ đó phòng chống và bài
trừ tham nhũng hiệu quả hơn? Nếu không xem đây là cái gốc của vấn đề cần phải
giải quyết triệt để thì việc nghiên cứu cái phần ngọn làm sao mà phòng chống
tham nhũng có triệt để và có hiệu quả được?
Một
vấn đề khác, theo quy chế đào tạo Thạc sĩ hiện nay thì rất có thể những người
tham gia chương trình đào tạo này phải trải qua quá trình đi thực tế ở cơ sở để
xin số liệu khảo sát nhằm phục vụ cho việc làm đề tài luận văn tốt nghiệp. Nghĩ
đến điều này tôi lại thử mường tượng và thử gợi ra đây một số đề tài mang tính
ứng dụng đại loại như: “Khảo sát thực trạng tham nhũng ở Ủy ban kiểm
tra Trung ương Đảng giai đoạn từ...”; “Vấn đề tham nhũng chính sách ở...”.
Tương tự như thế sẽ là các đề tài liên quan việc tham nhũng và phòng chống tham
nhũng ở Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính
phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công An, Bộ Giáo dục, Bộ công thương, “Bộ 4T”, Ủy
Ban Nhân dân (địa phương nào đó) v.v và v.v..Với đề tài như thế này, tôi sẽ
triển khai và cấu trúc thành 3 chương. Chương 1 sẽ là chương giới thiệu và khái
quát chung về lịch sử hình thành và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị nào đó.
Chương 2 sẽ trình bày các số liệu khảo sát liên quan đến vấn đề tham nhũng và
phòng chống tham nhũng sau khi đã tìm hiểu thực tế. Chương 3, trên cơ sở những
vấn đề đã trình bày ở chương 2 sẽ phân tích, đánh giá sau đó chỉ ra những ưu
điểm, hạn chế từ đó đề ra những giải pháp cụ thể cho vấn đề chống tham nhũng ở
mỗi cơ quan đơn vị...
Chỉ
mới mường tượng và hình dung vậy thôi nhưng tôi e đây chắc chắn sẽ là sự chông
gai và nan giải cho đơn vị đào tạo cũng như các học viên nào muốn dấn thân đi
đến tận cùng bản chất của vấn đề nghiên cứu trong tư cách một nhà khoa học độc
lập, chân chính. Liệu có mấy học viên học chương trình Thạc sĩ này dám đăng ký
làm những đề tài luận văn tốt nghiệp như trên? Dù cho đó là những đề tài mang
tính ứng dụng cao và rất cần thiết nhưng liệu có được xét duyệt và chấp nhận?
Và giả như có được chấp nhận đi nữa thì các học viên đến nghiên cứu, khảo sát
có được các cơ quan chủ quản cung cấp cho số liệu trung thực nhất hay không?
Những đứa trộm cắp có đời nào tự nhận mình trộm cắp? Nhưng nếu không làm được
như thế thì công tác đào tạo nghiên cứu chuyên ngành này sẽ lại trở về con số 0
tròn trĩnh. Sẽ lại là những công trình lý thuyết mang nặng tính giáo điều và
nhàm chán dành cho những người “chung chiếu, chung mâm”, cùng hội cùng thuyền
“chém gió” cùng nhau trong sự hoang tưởng và xu thời. Nếu như thế thì chỉ cần những
buổi nói chuyện chuyên đề như quan điểm của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
là xong. Tuy cũng giáo điều và dối trá nhưng dù sao cũng đỡ mất thời gian, tiền
bạc và công sức hơn cho cả người dạy lẫn người học.
Thực
ra mà nói, trên thực tế vấn đề phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là
một câu chuyện mang màu sắc chính trị thuần túy giữa các đồng chí Đảng viên ĐCS
với nhau. Tuy không thể phủ nhận sự quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng trong
thời gian qua khi đã đưa một vài cây “củi to” vào lò. Nhưng như đã nói, vấn đề mấu chốt của cái “quốc
nạn” tham nhũng ở Việt Nam hiện nay nằm ở cái mô hình toàn trị, do sự độc quyền
trong lãnh đạo đất nước của Đảng mà ra. Cái “lò” của ông Trọng hiện nay
tuy vẫn đang cháy nhưng nó có đủ lớn và đủ nóng để thiêu đốt tất cả các “bọn
sâu dân mọt nước” không? Nhất là khi những con sâu ấy có những mối quan hệ đan
xen chăng chịt với nhau? Cùng bị kết luận là vi phạm “rất nghiêm trọng” như
nhau nhưng đồng chí Đinh La Thăng thì bị tống vào “lò”, còn các đồng chí như
Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn...vẫn đang nhởn nhơ bên ngoài đó thôi?
Vậy
nên, nếu ông Trọng đủ sức đưa hết những cây “củi” (đặc biệt là những cây “củi
to”) vào lò chắc chắn tên tuổi ông sẽ được lưu truyền nơi hậu thế. Nhưng vấn đề
là khi đó nguy cơ cái lò của ông bị sụp đổ sẽ rất cao và có khi nó lại đè và
thiêu đốt luôn cả chính ông.
Từ
thực tế trên, có thể nói một khi giáo dục và khoa học nếu muốn tham gia vào
công cuộc “nhóm cũi đốt lò” trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam thì những
người tham gia giảng dạy và nghiên cứu phải có gan “tử vì đạo”; còn không thì
cùng lắm chỉ là sự phỉnh phờ hoặc không thì cũng là “vuốt đuôi lươn” giống như
các đồng chí trong ban tuyên giáo của Đảng mà thôi. Nếu như thế thì thà là
không làm gì để ít ra bàn tay không bị nhớt của con lươn làm cho vấy bẩn. Trong
nhiều trường hợp, đôi khi ngồi yên một chỗ và không làm gì cũng là một cách
đóng góp cho xã hội. Vì không làm gì cũng đồng nghĩa với việc đất nước không bị
“ăn tàn và phá hoại” bởi sự nhiệt thành nhưng xuẩn ngốc và giả dối của mình.
3. Thay lời kết
Ở
giác độ giáo dục và xã hội, việc đào tạo “Thạc sĩ phòng chống thao
nhũng” về bản chất là đào tạo ra đội ngũ các nhà khoa học (nếu theo
hướng nghiên cứu) hoặc lao động (nếu theo hướng ứng dụng) nhằm đáp ứng nhu cầu
thực tiễn trong xây dựng và phát triển xã hội và đất nước. Vậy thì sau khi đào
tạo xong những người này sẽ làm việc ở đâu? Trong hoàn cảnh và môi trường ở
Việt Nam hiện nay, nếu như cơ quan nào, đơn vị nào cũng “tự kỷ” hoặc tự đánh
giá mình “trong sạch, vững mạnh”, “không có tham nhũng” nên không có nhu cầu sử
dụng lao động là các “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” thì
những người này sẽ làm gì để sống và đeo đuổi phát triển sở học của mình? Mở ra
một ngành đào tạo mới nhưng lại không có địa chỉ và nhu cầu sử dụng cụ thể thì
có phải là một sự lãng phí tiền bạc và công sức của cả người dạy và người học
không? Xét ở phương diện này phải chăng không phải tìm đâu xa, việc những người
đã đề xuất mở ngành chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ “độc nhất vô nhị” này cũng là
biểu hiện khác của vấn đề “tham nhũng chính sách” trong phạm vi của ngành giáo
dục nước nhà hiện nay? Vì trước khi anh quyết định mở ra một ngành đào tạo chưa
từng có trên thế giới thì nhất định phải có sự khảo sát, điều tra, nghiên cứu
thu thập về tất cả các vấn đề có liên quan trên tinh thần khoa học khách quan
và trung thực; phải có sự phản biện từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có uy
tín chứ không thể chỉ bằng vài ba lập luận mang nặng sự cảm tính và tùy tiện
như vậy là xong?
Người
dân hiện nay đang mất niềm tin và ngán đến tận cổ các danh xưng học hàm, học vị
như ThS, TS, PGS, GS ở đất nước này lắm rồi. Nói cho cùng thì chính sự bầy hầy
của nền giáo dục; sự suy đồi và giả dối của đội ngũ các GS dỏm, TS giả hiện nay
cũng là một trong những nguyên nhân căn bản đưa đến thực trạng tham nhũng tràn
lan hiện nay. Vì đây là cái hệ lụy tất yếu của một xã hội mà ở đó những giá trị
về đạo đức, văn hóa, khoa học, giáo dục bị thao túng và đảo lộn bởi những kẻ
nắm đang trọn quyền hành nhưng không có cơ chế nào để kiểm soát quyền lực. Đồng
thời cũng là vòng luẩn quẩn của một xã hội chỉ biết chăm chăm nhìn vào những
tấm bằng rồi tung hô ca ngợi mà không quan tâm gì đến năng lực thật sự khi nhìn
nhận và đánh giá giá trị của mỗi cá nhân.
Vậy
nên, “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” – cái tên gọi nghe sao
mà bi hài kịch cho nền giáo dục và đất nước này quá! Xin các vị làm ơn đừng giả
dối và lừa phỉnh nhau nữa! Tội cho dân tộc và đất nước này lắm!
CT,
11/08/2018
QHN
No comments:
Post a Comment