TTTVN
2018-02-02
2018-02-02
Năm
mươi năm trôi qua, khoảng thời gian vừa đủ cho một đứa bé ra đời, lớn lên, tập
tễnh vào đời, va đập cuộc sống và lần mò bước qua bên kia dốc cuộc đời để chiêm
nghiệm về đời người, về nhân tình thế thái. Ấy cũng là khoảng thời gian mà vết
đau lịch sử vẫn còn âm ỉ, đúng nửa thế kỉ trước, trong khoảnh khắc giao thừa Tết
Mậu Thân, những tiếng súng khai cuộc tổng tiến công từ những người lính Cộng sản
Bắc Việt khiến cho người dân miền Nam ngỡ đó là tiếng pháo nổ, để rồi vài mươi
giờ sau, một biến cố tan thương khảm dấu vào lịch sử. Và suốt chiều dài nửa thế
kỉ, những xác người vẫn còn lẩn khuất đâu đó giữa lòng đất mẹ oan khiên!
Cuộc
chiến Mậu Thân 1968 đã đi vào văn chương như một vết đau khôn nguôi, những tác
phẩm văn chương như Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, hồi ký Không Biên Giới của
Nguyễn Thị Thanh Sung, Bài Ca Viết Cho Những Xác Người và hát Trên Những Xác
Người của Trịnh Công Sơn, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của Trầm Tử Thiêng, Chuyện
Một Đêm của Anh Bằng, Dáng Đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân…
Có
thể nói số lượng tác phẩm văn chương cả hai phía Nam và Bắc vĩ tuyến 17 viết về
chiến trận Mậu Thân 1968 không hề nhỏ, trong đó, có một số tác phẩm của các nghệ
sĩ miền Nam Cộng Hòa đã thành bất hủ, sự hiện hữu của tác phẩm như một chứng
tích tâm hồn về một cuộc binh biến đau thương. Và nỗi đau này đã vượt thời
gian, thấm đẫm tâm hồn những thế hệ sau.
Nhắc
về tác phẩm văn chương trong cuộc binh biến Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Đynh Trầm
Ca, người đoạt giải Kim Khánh những năm đầu thập niên 1960 với ca
khúc Ru Con Tình Cũ, chia sẻ: “Mậu Thân, sau cái thảm họa đó thì những
tác phẩm nó ra đời và gây sự xúc động lớn, như Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca,
như âm nhạc thì có Trầm Tử Thiêng – chuyện một chiếc cầu đã gãy... Họ không lên
án hay gì cả nhưng các tác phẩm này gây xúc động, bởi vì các tác phẩm này đánh
đúng vào thời điểm đó, cái thật của cuộc chiến đó. Sau Mậu Thân thì các tác phẩm
văn học miền Nam xoay quanh cuộc chiến này như một sự tưởng niệm...”.
Nhạc
sĩ Đynh Trầm Ca chia sẻ thêm là hiện tại, trí nhớ của ông không còn được minh mẫn
như trước đây vài năm bởi chứng tai biến não. Nhưng những cảm xúc, những nỗi
đau mất mát trong chiến tranh thì không bao giờ nguôi trong tâm hồn một nghệ
sĩ. Nhắc về chiến tranh, giọng ông trở nên xúc động bồi hồi, ông nhắc tên những
tác phẩm văn chương như đang gọi tên những người bạn thiết đã lâu ngày không gặp.
Có
thể nói rằng tác phẩm viết về chiến cuộc Mậu Thân 1968 gồm nhiều thể loại,
nhưng có hai góc nhìn riêng biệt, góc nhìn của các nghệ sĩ phiá Nam vĩ tuyến 17
thiên về nỗi đau, nỗi mất mát, xuyên suốt tác phẩm văn chương, thi ca của miền
Nam Việt Nam là nỗi đau, cái nhìn nhân ái và những trăn trở nhân sinh về kiếp
người, về chiến tranh cũng như những di họa của nó.
Ngược
lại, các tác phẩm văn chương nghệ thuật của các nghệ sĩ Bắc vĩ tuyến 17 mang đậm
tính chất anh hùng ca, mỗi ca từ, câu văn, cú pháp trong mỗi tác phẩm như những
phát súng xung trận, nhuốm màu khói lửa, tiếng hô xung phong và hò reo chiến thắng.
Nhà
văn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, người vừa
từ bỏ chức danh Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhận xét: “Cuộc chiến Mậu
Thân hình như chỉ có một cuộc chiến tiêu biểu của ông Xuân Thiều, đại tá quân đội.
Ngay cả Đất Trắng của Nguyễn Trọng Oánh, viết những năm 1978, 1979 cuốn này nói
về một cấp chỉ huy,cấp chính ủy của phía Bắc chịu không nổi gian khổ đã ra đầu
hàng phía Nam...Có thể đây là lần đầu tiên văn học miền Bắc nói đến chuyện đầu
hàng trong chiến tranh...”.
Nhưng
có một thực tế là cho dù những tác phẩm của các nghệ sĩ phía Bắc vĩ tuyến 17
cho dù mang tính xung trận, mang hơi hướm tuyên truyền nhưng vẫn không giấu được
giọt nước mắt trong sâu thẳm tâm hồn của người nghệ sĩ. Cuộc chiến tử sinh, một
chiến cuộc đã lấy đi quá nhiều sinh mạng đồng đội của họ, cho dù đứng trên biên
kiến nào thì nỗi đau, nỗi mất mát vẫn là điều không thể giấu được.
Điều
này trở nên rõ ràng hơn trong tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của
nhà văn Bảo Ninh. Bảo Ninh không viết về cuộc chiến Mậu Thân 1968,
ông viết về nỗi đau chung của chiến tranh, trong đó có cả bóng dáng của chiến dịch
Mậu Thân và chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Với ông, chiến tranh là một
nỗi buồn, và nỗi buồn này đeo đăng suốt một thế hệ, nhiều thế hệ mà chiến tranh
đã để lại vết tích trên thân thể lịch sử của nó.
Cuộc
chiến trong mắt Bảo Ninh là một ván bài mà ở đó, tất cả đều thua, không hề có
người thắng cuộc, kẻ thắng cuộc ẩn danh duy nhất mà ông tiết lộ có lẽ là hố
chôn bộ bài cũng như nỗi ám thị thắng thua trên mặt quân bài. Và chiến tranh đã
lấy đi cái đẹp, lấy đi tuổi xuân, lấy đi tính nhân văn của con người một cách
không thương tiếc.
Với
nhà văn từng sống, trải nghiệm tuổi thơ chiến tranh ở Sài Gòn như nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông chia sẻ: “Cho
mình xem thử tác phẩm văn chương về Mậu Thân 1968? Mình chưa thấy! Nếu như nói
về chiến tranh, nói về Mậu Thân thì mình đọc những tác phẩm văn học miền Nam,
đó là những tác phẩm mô tả nỗi bi thương, nỗi mất mát của chiến tranh chứ không
phải là tụng ca hay nói về chiến thắng. Mình không thấy gì ngoài nỗi mất
mát...”.
Một
cuộc chiến đã đi qua 50 năm, đúng nửa thế kỉ, nhưng cái chết, nỗi đau vẫn như vừa
sơ sinh, tiếng khóc và trận gió oan hồn trong cuộc chiến vẫn còn phảng phất đâu
đó trong gió tháng Chạp.
Nói
cho cùng, chiến tranh là một thứ gì đó làm người ta mất mát quá nhiều và nó chỉ
xứng đáng để hồi tưởng, để nhớ, để tưởng niệm và kính cẩn nghiêng mình với sự mất
mát, với cái chết, với vết thương dân tộc. Chiến tranh hoàn toàn không xứng đáng để ngợi ca cho dù
đứng trên biên kiến nào. Những hành động ngợi ca chiến tranh, ngợi ca sự mất
mát không thể ngồi chung với văn minh nhân loại.
Bài
viết ngắn ngủi này xin được xem như một sự tưởng tiếc, nghiêng mình kính cẩn
trước các oan hồn Việt Nam đã ngã xuống và vĩnh viễn im hơi lặng tiếng trong
chiến cuộc Mậu Thân 1968. Bài viết như một nén tâm nhang của thế hệ hậu chiến
tranh viết về mối cảm hoài trong một buổi chiều cuối năm, nghĩ về quê hương, đất
nước!
Nhóm phóng viên tường
trình từ Việt Nam
No comments:
Post a Comment