Thursday 1 February 2018

MỸ : NƯỚC 'GIÀU CÓ NHƯNG KHÔNG TIẾN BỘ'? (BBC Tiếng Việt)



Amanda Ruggeri  BBC Future
1 tháng 2 2018

Trong suốt gần 100 năm qua, có hai phương pháp được sử dụng để đo lường sự giàu có của một quốc gia.

Một là GDP - tổng sản phẩm quốc nội, những gì mà một quốc gia tạo ra. Hai là tỷ lệ thất nghiệp.

Thế nhưng để đo khả năng phục vụ người dân của một quốc gia, hai phương pháp trên là không đủ và không mấy hữu ích.

Để đo lường tiến bộ xã hội - ví dụ như về phương diện khả năng tiếp cận giáo dục, thức ăn và nhà ở - thì những quốc gia nghèo thường làm tốt hơn các quốc gia giàu có.

"Về mặt tổng quan thì các nước giàu có tiến bộ xã hội cao hơn, nên việc có tăng trưởng kinh tế là hợp lý," ông Micheal Green, CEO của SPI (Chỉ số Tiến bộ Xã hội), cho biết. "Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy tiến bộ xã hội không chỉ được giải thích bằng các chỉ số kinh tế. GDP không phải là cái đích cuối cùng."

Chỉ số tiến bộ xã hội là một trong rất nhiều chỉ số tổng hợp dữ liệu về các quốc gia trên thế giới - các quốc gia đó đang phục vụ người dân của họ như thế nào. Nhìn qua bảng xếp hạng có thể khiến chúng ta mơ về việc chuyển đến sống ở các quốc gia như Đan Mạch hay New Zealand.

Tuy nhiên, những dạng thông tin như vậy còn được dùng vào nhiều mục đích khác. Nó chỉ ra các mối tương quan gây tác động đối với chính sách. Ngoài ra, nó còn dùng để xác định xem quốc gia nào cần hỗ trợ tài chính và để dự đoán tương lai.

Một trong những cách thú vị mà những chỉ số đã được sử dụng là xem liệu một quốc gia đang tiến bộ hay đi lùi - hay đứng yên một chỗ.

Cuộc nổi dậy của người dân Tunisia đưa nước này trở thành quốc gia duy nhất chuyển sang chế độ bầu quốc hội một cách dân chủ trong phong trào nổi dậy Mùa Xuân Ả-rập. GETTY IMAGES

Có một số người cho rằng chính phủ Mỹ đang kém hiệu quả hơn bao giờ hết, ví dụ, dân chúng Mỹ có mức độ tin tưởng vào chính phủ thấp đi kể từ năm 1958. Nhưng Chỉ số Điều hành Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WGI) cho biết mức độ hiệu quả của chính phủ Mỹ đã không thay đổi gì kể từ năm 1996. (Sự đo lường dựa trên phân tích như: Điều kiện đường cao tốc, chất lượng trường tiểu học và mức độ quan liêu).

Một số đất nước đã có sự thay đổi rõ rệt. Ví dụ như ở Tunisia sự minh bạch và tiếng nói, được đo qua các khía cạnh như niềm tin vào bầu cử, tự do báo chí, đã giảm liên tục từ năm 1996 đến 2010. Và rồi, cuộc biểu tình Mùa Xuân Ả Rập đã xảy ra. Năm 2011, Tunisa tăng từ vị trí thứ 9 các nước kém minh bạch nhất lên vị trí 36 và liên tục vươn lên kể từ đó. Tới năm 2016, nước này đồng hạng với Hungary ở vị trí 57.

Sẽ rất khó để chuyển từ vị trí rất thấp lên vị trí rất cao - ông Aart Kraay, nhà kinh tế học ở World Bank, người tham gia dự án WGI nói trong một phân tích gần đây. "Khi một chính phủ tốt được thành lập, nó sẽ có khuynh hướng duy trì lâu," ông nói. "Nhưng rất khó để đạt được điều đó."

Khó khăn tài chính

Mỹ là một ví dụ. Dù nước Mỹ thuộc top 5 quốc gia trên thế giới về GDP trên đầu người nhưng Mỹ xếp thứ 18 về chỉ số tiến bộ xã hội - gần với Estonia chứ không phải Canada. Tương tự, Hà Lan có cùng mức GDP với Saudi Arabia cũng như Chile và Kazakhstan có cùng xếp hạng với Philippines và Angola. Tuy nhiên, Hà Lan, Chile và Philippines hơn hẳn các nước này về chỉ số tiến bộ xã hội.

Ở Liên hiệp châu Âu cũng vậy. Xét về chỉ số tiến bộ xã hội, Upper Norrland có chỉ số cao nhất, Thụy Điển - dù có cùng GDP tính trên đầu người với Bucharest, Romania, nhưng xếp hạng cao hơn hẳn các quốc gia này.

Một điều thú vị là, số liệu từ EU cho thấy không có mối quan hệ nào giữa tiến bộ xã hội và tỷ lệ thất nghiệp. Bạn sẽ nghĩ rằng có nghề nghiệp sẽ làm cải thiện mức sống của một người. Tuy nhiên, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Anh đạt mức thấp nhất trong lịch sử thì tiến bộ xã hội ở nước này lại là một đường ngang.

"Chúng ta có phương pháp truyền thống để đo lường một xã hội và một trong những phương pháp đã được sử dụng hơn 80 năm qua là tỷ lệ thất nghiệp," ông Green nói. "Nhưng nó không cho chúng ta biết câu chuyện thực về chất lượng cuộc sống của người dân nước đó, vì bản chất của các công việc đã thay đổi." Hợp đồng 0 giờ làm việc - cũng là một hợp đồng lao đồng lao động, tuy nhiên nó không có tác động tới tiến bộ xã hội.

ANDREAS SOLARO/AFP/GETTY IMAGES

Mặt khác, có một quốc gia như Costa Rica - "một đất nước không khác gì phần lớn Mỹ Latin, là một quốc gia có thu nhập trung bình," ông Juan Botero, giám đốc dự án World Justice cho biết. "Tuy nhiên trong suốt 40-50 năm qua, đất nước này có một thể chế rất vững. Và bạn có thể thấy, các sản phẩm xã hội của đất nước này đều vượt hẳn các nước láng giềng: Costa Rica có một xã hội yên bình và phồn vinh."

Vậy nếu sự thịnh vượng không phải thước đo chuẩn mực cho chất lượng điều hành quốc gia, vậy thì cái gì sẽ cho ta biết?

Ông Botero đang xây dựng Chỉ số Pháp trị cho dự án World Justice, bao gồm các chỉ số căn bản như tính minh bạch của chính phủ, bảo vệ dân quyền và quá trình hành pháp công bằng. Ông đã phát hiện ra ít nhất một mối liên hệ.

"Rất nhiều các nghiên cứu trước đó cho rằng sự thịnh vượng gắn liền với sức khỏe," ông Botero nói. "Chúng tôi phát hiện ra rằng, pháp trị là chỉ số dự báo cho sức khỏe, nhưng không liên quan gì đến sự thịnh vượng. Xã hội có pháp trị càng vững chắc thì các vấn đề về sức khoẻ như tỷ lệ tử vọng thai sản, tuổi thọ, bệnh tật cũng cao, bất chấp mức độ phát triển của đất nước."

Điều đó không có nghĩa là sự thịnh vượng không quan trọng. Những nước có chỉ số sức khỏe cao thường là những nước giàu, nhưng không phải là tất cả. Điều này khiến một số chuyên gia cho rằng, trong khi tăng trưởng kinh tế không phải luôn phục vụ người dân, thể chế và nhiều khía cạnh khác giúp phục vụ người dân và cũng giúp tăng trưởng kinh tế.

"Khi bạn giàu có, bạn sẽ trả lương tốt hơn cho cảnh sát," ông Botero chỉ ra. "Mặt khác, với một thế chế mạnh sẽ làm giảm hành vi phạm tội và khiến đất nước giàu có hơn."

Ảnh hưởng toàn cầu

Với những thông tin mà các chỉ số đem lại, không có gì ngạc nhiên khi chúng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. EU sử dụng chỉ số tiến bộ xã hội để đưa ra các chính sách. Các công ty cũng đang dùng chúng: Tập đoàn Disney Corporation đang dùng chỉ số WGI của World Bank quyết định xem nên chọn đất nước nào làm nơi sản xuất sản phẩm của họ.

Chúng cũng được dùng để xác định một đất nước cần được hỗ trợ tới đâu. Công ty Millennium Challenge của Mỹ đã đầu tư 11 tỷ đôla cho các khoản hỗ trợ tài chính kể từ khi công ty ra đời, năm 2004, tới nay. Chỉ số tiến bộ xã hội còn là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét sự phù hợp của một dự án như: Chỉ số kiểm soát tham nhũng, dân chủ hay hiệu quả chính phủ.

Nhưng khái niệm này lại gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều chỉ số đã cố gắng đo lường khái niệm "chính phủ hiệu quả'' - khái niệm được đặt ra đầu tiên bởi các định chế tài chính quốc tế, Giáo sư luật quốc tế Linda Reif thuộc đại học Alberta, nói. Những quốc gia cấp viện như Mỹ sẽ dùng nó như một bộ các tiêu chí để hỗ trợ phát triển các quốc gia khác.

"Một trong những ý kiến chỉ trích đó là ở một mức độ nào đó, khái niệm này bị áp đặt lên phía Nam địa cầu," bà nói. "Một số học giả… nói rằng khái niệm này có từ cơ chế thuộc địa, cũng là cơ chế đưa ra luật quốc tế."

Singapore đứng thứ 9 toàn cầu trong bảng xếp hạng các nhà nước pháp quyền, nhưng bị Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng 55 trong phúc trình Khoảng cách Giới Toàn cầu

Những ý kiến chỉ trích cũng chỉ ra rằng nhiều chỉ số được dựa trên giá trị của phương Tây, như tôn trọng hôn nhân đồng giới hay tôn giáo.

Một cuộc tranh cãi khác về việc những chỉ số này liên quan đến một nửa giới tính còn lại của thế giới: Phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ví dụ, ở khắp các quốc gia trừ những nước giàu nhất, không có mối liên hệ nào giữa tình trạng pháp trị với địa vị phụ nữ. Nếu một quốc gia có hệ thống pháp luật mạnh đảm bảo được sự công bằng và bình đẳng nhưng một nửa dân số của họ vẫn không có sự tiếp cận bình đẳng trong công việc, giáo dục hay y tế như nam giới, thì bạn có thể lập luận rằng có lỗ hổng, hoặc ít nhất là có sự thiếu hoàn thiện, trong việc đo lường.
Điều này khiến chúng ta phải cẩn thận hơn với các chỉ số, các chuyên gia nói. Cái nhìn của từng người về các quốc gia sẽ khác xa những thông tin mà các chỉ số này mang lại.

Nhìn vào tương lai

Mặc cho các ý kiến chỉ trích, những chỉ số này là một khởi điểm tốt. Một trong những lý do lớn nhất là chúng có thể chỉ ra các xu hướng ngầm, trong đó có những xu hướng không bị kiểm soát, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tunisia là một ví dụ. Nếu các chỉ số đo lường về tiếng nói và minh bạch bị giảm, bạn sẽ không thấy ngạc nhiên khi một người bán hoa quả chống đối lại một quan chức địa phương có thể làm dậy lên cả chuỗi các sự kiện, từ đó tạo nên Mùa Xuân Ả Rập.

Venezuela là một ví dụ khác. Mặc dù từng giàu có hơn các nước láng giềng rất nhiều, đất nước này đang trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng. Ông Botero cho biết, "Venezuela đứng cuối trong xếp hạng nhà nước pháp quyền trong nhiều năm, kể cả khi chính phủ đã cố duy trì sự tồn tại của pháp trị. Những điều cơ bản này thường có thể dự đoán được tương lai."

Điều ngược lại cũng có thể đúng. Ông Botero chỉ vào nước Mỹ. "Đảng Cộng Hòa nắm cả lưỡng viện, ở đất nước có dân chủ thấp, chính phủ sẽ có khả năng làm bất kì điều gì mình muốn. Nhưng điều này không xảy ra ở Mỹ," ông nói. "Kể các các vấn đề được đảng nắm quyền coi là ưu tiên cũng sẽ không được thông qua, vì có nhiều bên khác cùng xem xét. Bởi vậy với nước Mỹ, đó là câu chuyện thành công - tính đến hiện tại."

Vậy cái gì tạo nên một quốc gia ổn định, an toàn, công bằng và mang lại cuộc sống chất lượng cho người dân?

Dường như có hai nhân tố chính. Dù cho một đất nước đang theo đuổi tiến bộ xã hội hay một chất lượng điều hành của chính phủ, điều quan trọng là quyết tâm cải thiện thể chế… và thời gian để có được nó.

"Chúng tôi đo lường đầu ra, không phải đầu vào: Bạn không thể thay đổi tiến bộ xã hội chỉ bằng cách thay đổi luật hoặc chi ra một khoản tiền. Do đó, quyết tâm lâu dài để tạo ra tiến bộ xã hội là một nhân tố" tạo nên thành công, ông Green nói.

Tương tự, ông Botero chỉ ra rằng những quốc gia đã phát triển một thể chế mạnh trong một khoảng thời gian dài, như Mỹ hay Anh, ít có nguy cơ bị đi lùi.

Nếu bạn nhìn vào thứ khiến một quốc gia thành công, có vẻ như không nên nhìn vào GDP hay tỷ lệ thất nghiệp. Hãy nhìn vào tinh thần trách nhiệm của chính phủ đối với người dân, và khả năng duy trì tinh thần đó.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.







No comments:

Post a Comment

View My Stats