Monday 12 February 2018

MAI VÀNG PHỐ CỔ HỘI AN (Hòa Gia)




Hòa Gia
Sunday, 11/02/2018 - 09:23:49

Trong tiết lập xuân trời vẩn mây, nhiều nhà trên phố tổ chức cúng cầu phúc, cầu tự,… từng nhóm người nối gót tìm về những vườn hoa để chiêm ngưỡng vẻ đằm thắm của thiên nhiên, cây lá. Dạo chơi trong ngày cận tết giá lạnh, tôi không chỉ được ngắm nhìn sắc xuân mà như được trở về với ký ức tuổi thơ đầy màu sắc khi lạc vào những phố hoa Hội An.

Những biệt thự bên sông Hoài ngày cận tết (Hòa Gia)

Tết Âm Lịch hay Tết Nguyên Đán là khởi điểm của mùa xuân, cây cỏ sinh trưởng khi đất trời ấm áp sau những ngày đông tháng giá. Hoa xuân đất Việt thi nhau khoe sắc khoe hương, nhưng được trưng bày nhiều nhất vẫn là hoa mai và hoa đào.

Người Quảng Nam chuộng hoa mai vàng bởi nó tượng trưng cho sự quý phái. Cành mai phố cổ nở sớm, khoe sắc vàng đằm thắm trước sân nhà chị Thơ trong khi còn mấy ngày nữa tết mới về. Nhà đã đổi chủ nhưng tôi yêu địa chỉ ngôi nhà cũ trên đường Trần Cao Vân đến quặn lòng, biết bà ngoại chị đã qua đời, chị,mẹ và các con thơ không còn ở đó, nhưng những nhành mai như phúc lành ưu ái những người khách đến sớm với Hội An trước ngày ông táo chầu trời nơi khoảng sân nhà chị gợi bao liên tưởng một cành mai nở muộn đêm xuân tàn.

Cội mai vàng dáng thác nghiêng (Hòa Gia)

Những năm trước xuống Hội An lần nào tôi cũng ghé nhà chị Thơ. Nhiều năm có khi tôi ở lại ăn tết nhà chị đến cả tuần. Tôi yêu ngôi nhà cổ kính nằm trên đường Trần Cao Vân và những người thân trong gia đình chị Thơ hơn cả anh chị em ruột thịt của mình. Nghĩ cũng lạ, có những người tình cờ ta gặp trong đời, rồi trở nên gắn bó, thương yêu, để rồi khi xa cách, bặt tin nhau, lòng ta trở nên đau xót. 

Mai vàng phố cổ (Hòa Gia)

Lần đầu tôi và chị Thơ quen thân là khi cả hai cùng đến ăn ở quán cao lầu chay của chị Đạm trên đường Phan Chu Trinh. Quán nhỏ nằm trong hẻm nhưng rất đông khách. Cao lầu chay chị Đạm nổi tiếng Hội An. Danh bất hư truyền, thực khách Tây, Nhật, Hàn… vẫn đến đây thưởng thức món chay kì lạ mà chỉ ở Hội An mới tìm thấy. Đường phố Hội An hơn 20 năm trước thoáng, sạch, lưu giữ bước chân khách tây lịch lãm và yên tĩnh chứ không bạo lực, bát nháo, đầy rẫy người Trung Quốc như bây giờ. Ngày ấy những con người bình dị, ẩn mình trong cuộc sống an lành giữa sự trầm mặc đầy thuần hậu của gia đình chị Thơ đón tôi như một người con cùng chung thầy học Đạo.

Có lần tôi và chị Thơ ra biển Cửa Đại chỉ để nhìn làn nước biển trong xanh, những bãi cát trải dài phẳng lặng, thả hồn theo những con sóng xô đuổi dồn dập để mặc bao suy tư theo ngọn gió lành về chân trời xa xôi. Tôi còn nhớ mang máng là chị Thơ nói sẽ có lúc chị cũng đành đoạn chuyển nhượng ngôi nhà cổ cho cho một ông Tây hào phóng. Lúc ấy tôi không để tâm mấy vào điều chị nói, lòng chợt buồn trước gia cảnh của một thợ may nghèo. 

Trên mái phố hàng trăm năm, rêu mọc thành cây non, xanh biếc (Hòa Gia)

Thiếu nữ Nhật Bản dưới chân chùa Cầu - Hội An (Hòa Gia)

Qua chị Thơ, tôi biết thêm chuyện những cô gái Hội An lấy chồng Tây. Nhiều ngôi nhà cổ được họ tìm mua lại. Ban đầu ai cũng nghĩ mấy anh chồng Tây vì mê đắm hồn phố, hồn người từng trải qua bao phong trần, thời cuộc, họ mua nhà cổ là để an trú, chìm lắng, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ và trải nghiệm nhịp sống chậm. Nhưng có những chàng rể tận Anh, Úc, Đan Mạch, Hòa Lan về nhập cư Hội An chỉ vì bén duyên với mấy cô lái đò An Hội hoặc thiếu nữ làng Đồng Hiệp để rồi gom góp tiền của xây nên những tòa biệt thự nguy nga, những nhà hàng sang trọng phía bờ Nam sông Hoài. 

Hội An rực rỡ muôn hoa ngày tết (Hòa Gia)

Rêu phong mái phố cổ (Hòa Gia)

Chạnh buồn khi một mình chạy xe khắp phố Hội tìm đến nhà chị Thơ nhưng nhà đã đổi chủ. Vợ chồng con cái chị đã sống trong nhà thờ tộc được xây cách đây mấy trăm năm. Ngôi nhà cột gỗ, mái lợp ngói âm dương, vách tường ván gỗ mun đen bóng, những mắt cửa thâm nghiêm, trầm tư, tường mái rêu phong. Nhà bị xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ nhưng chỉ có thể gia cố cho vững chãi đôi chút, chị Thơ vẫn mơ ước có được số tiền đủ để trùng tu, tôn tạo lại nhà. Nhiều thế hệ trong gia đình chị đã chung sống, cư ngụ và vĩnh viễn ra đi trong ngôi nhà ấy.

Khách du lịch Trung Quốc trước Chùa Cầu (Hòa Gia)

Ngày cận tết rong xe xuống phố. Chùa Cầu nườm nượp khách Trung Quốc và khách Tây, nhiều người trong số họ đã mua nhà ở An Hội, Tân An, Cẩm Phô.

Một anh bạn cười bảo tôi, “Con gái Việt Nam lấy chồng Tây sướng hơn lấy chồng Tàu!” Tôi chưa nghe ai nói lấy chồng Tàu sẽ hạnh phúc hay sung sướng. Chuyện những phụ nữ Hội An từng kết hôn với người Minh Hương đến sống ở Hội An mấy trăm năm trước thì khác. Họ là những tộc người làm nên hồn xưa phố cổ.

Những ngày cận tết trở nên rộn rã, kẻ bán người mua ra vào nhộn nhịp, ai cũng khẩn trương như chạy đua với thời gian khi mùa xuân đang ngấp nghé hiên nhà. Du xuân giữa xinh tươi đất trời dường như khiến con người gần nhau hơn, có lẽ vì vậy mà không hẹn trước nhưng du khách từ khắp nơi đều tìm về, bởi Hội An đâu chỉ phố cổ mà còn là không gian của hoa cảnh.

Hoành tráng khu nhà nhà hàng, khách sạn sông Hoài (Hòa Gia)

Hội An vẫn còn giữ hồn cốt cha ông. Nét quê, hồn phố. Ở quê không chỉ có người mới biết ăn Tết, mà nhiều vật dụng thân cận cũng được ăn theo. Chẳng hạn như Tết giếng, Tết cầu ao bến nước, Tết cối xay, Tết chuồng bò, Tết xe bò, Tết máy cày… Với tấm lòng đôn hậu, lúc chuẩn bị vui xuân, người dân quê không quên những thứ đã giúp họ được no đủ.

Hoa xuân tím biết Khu phố mới Hội An (Hòa Gia)

Mọi sự vật, sự việc, hiện tượng trong thế giới này luôn luôn luôn biến động, vô thường. Và con người với tư cách là một sinh thể trong thế giới ấy cũng không nằm ngoài quy luật này. Thời tiết lạnh mùa Đông rồi cũng qua để nắng ấm mùa Xuân trở lại với vạn vật.









No comments:

Post a Comment

View My Stats