Monday, 12 February 2018

DI DÂN GỐC VIỆT TỪNG ĐƯỢC BẢO VỆ ĐỂ KHÔNG BỊ TRỤC XUẤT, NAY THAY ĐỔI VÌ CHÍNH SÁCH CỦA TRUMP (Nhật Báo Viễn Đông)




Sunday, 11/02/2018 - 09:59:36

Một bài phóng sự phát thanh của đài quốc tế PRI (Public Radio International) từng được phát vào cuối năm 2017, nay vẫn tiếp tục được một số đài tại Hoa Kỳ tiếp tục loan tin lại, chẳng hạn như đài WMOT vào ngày 7 tháng 2, vì đề tài này vẫn đang gây ưu tư cho nhiều di dân đang có nguy cơ bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ. Dưới đây là phần chuyển ngữ của bài phóng sự do nữ ký giả Marnette Federis thực hiện cho đài PRI.

Ông Nguyễn Tùng (giữa) đã vận động hỗ trợ cho giới trẻ người Á Châu và Thái Bình Dương, chống lại một hệ thống pháp lý mà trong đó người trẻ bị lôi ra khỏi trường học để vào nhà tù, sau đó bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ. (Hình của Asian and Pacific Islander Reentry of Orange Country)

Trong những ngày trước khi ông Nguyễn Tùng tới trình diện với các viên chức cơ quan di trú hồi tháng Mười, ông đã mất ăn mất ngủ và không thể nào tập trung tại nơi làm việc.

Đề phòng trường hợp mình sẽ bị giam giữ, ông làm sạch ngôi nhà, và bảo đảm rằng vợ ông biết nơi nào để tìm những giấy tờ tài chánh quan trọng, để cho bà có thể thay ông đảm nhận việc thanh toán các hóa đơn.

Ông Tùng nói, “Vấn đề đó đã gây chấn thương tâm lý. Tất cả những gì tôi nghĩ đến là ... lần này, tôi không thể trở về nhà gặp lại vợ con.”

Ông Nguyễn Tùng, 40 tuổi, là một người tị nạn đến Mỹ cùng với gia đình vào năm 1991 khi ông được 13 tuổi. Lúc lên 16 tuổi, ông bị kết tội giết người và cướp của, rồi bị tuyên án tù chung thân. Sau khi cứu mạng 50 người trong một cuộc bạo loạn tại nhà tù, ông được ân xá bởi Thống Đốc Jerry Brown trong năm 2011. Trong sắc lệnh ân xá, Thống Đốc Brown nhắc tới sự việc ông Tùng đã không khởi xướng hoặc tham gia vào cuộc tấn công và đâm chém dẫn đến việc ông bị kết án. Lệnh này cũng khen ngợi hạnh kiểm và việc hối cải của ông Tùng trong tù là “rất đặc biệt.”

Hiện nay ông sống ở Nam California và làm nghề xây dựng và những công việc lặt vặt khác. Từ khi ra tù, ông trình diện đều đặn tại cơ quan Thực Thi Công Lực Di Trú Và Quan Thuế (ICE).

Việc trình diện với ICE là điều mà hàng triệu người ở Mỹ phải làm thường xuyên. Trong quá khứ đối với ông Tùng, việc này có nghĩa là đến điền vào giấy tờ và sau đó tiếp tục sống như bình thường. Nhưng lần này, ông nghe tin ICE đang gia tăng những nỗ lực nhằm bắt giữ và trục xuất những người như ông.

Ông từng có thẻ xanh nhưng không có quốc tịch, và ông đã nhận được một lệnh trục xuất cuối cùng, có nghĩa là ICE có thể loại bỏ ông ra khỏi nước Mỹ bất cứ lúc nào. Ông nói, “Một điều gì đó có thể không xảy ra hồi năm ngoái, nhưng lại có thể xảy ra trong năm nay. Điều đó không thể đoán trước được.”

Nguyễn Tùng cho biết, trong lần trình diện hồi tháng Mười, ông bị áp tải tới văn phòng phía sau, ở đó họ chụp ảnh ông. Điều này có nghĩa là ICE có thể đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam cung cấp các thứ giấy tờ. Đây là một bước cần thiết trước khi trục xuất, theo ông nói.

Những người ủng hộ di dân nói rằng tình cảnh đang diễn ra cho ông Tùng là một chuyện đang xảy ra thêm cho những người di dân gốc Việt Nam, với những lệnh trục xuất cuối cùng, nhưng họ đã được bảo vệ khỏi bị trục xuất trong những năm trước đó. Họ nói đó là một phần trong cuộc truy dẹp di dân rộng lớn hơn của chính phủ Trump, và điều đó làm cho nhiều di dân dễ bị tổn thương.

Bà Katrina Dizon Mariategue, thuộc Trung Tâm Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á (SEARAC), nói, “Người ta đang bối rối về vấn đề tại sao lúc này họ đang bị giam giữ và có thể bị trục xuất.”

Mới đây tổ chức này gửi một cảnh báo cho các thành viên cộng đồng về một mức gia tăng số lượng người Mỹ gốc Cam Bốt và người Mỹ gốc Việt bị giam giữ.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Donald Trump vào tháng 11 năm ngoái, người ta lo ngại chính phủ Mỹ đã gây áp lực buộc Việt Nam phải chấp nhận thêm nhiều người bị trục xuất. Theo các cuộc nghiên cứu mới đây nhất của Viện Chính Sách Di Cư cho biết, có khoảng 116,000 di dân không có giấy tờ đến Mỹ từ Việt Nam, trong số gần 1.3 triệu người Việt Nam di cư tính chung.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã có một thỏa thuận từ năm 2008, cho phép những người đến Hoa Kỳ trước năm 1995 được ở lại, ngay cả khi họ có lệnh trục xuất. Thỏa thuận này là nhằm bảo vệ những người vào nước Mỹ với tứ cách là người tị nạn, chạy trốn chiến tranh ở Việt Nam. Trong năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam khôi phục lại quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, mức gia tăng trong năm nay dường như cho thấy rằng Hoa Kỳ không còn tuân thủ thỏa thuận đó nữa, theo những người ủng hộ di dân cho biết.

Theo SEARAC, trong năm qua đã có 95 trường hợp đã nộp cho Việt Nam để xem xét giải quyết. Điều này được coi là một bước thủ tục tiến tới việc trục xuất. Những trường hợp này liên quan đến cả những người di cư sau năm 1995 lẫn những người vào Mỹ sau năm 1995. Để so sánh, trong năm tài chính 2016, chỉ có 35 người bị trục xuất về Việt Nam.

Bà Dizon Mariategue nói, “Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy một chính phủ thực sự tìm cách bắt hồi hương những người đến đây xin tị nạn trước năm 1995.”

Ông James Schwab, một phát ngôn viên của ICE, đã công bố văn bản sau đây, để hồi đáp những điều thắc mắc về các khoản thay đổi trong thỏa thuận với Việt Nam:

“Luật pháp quốc tế bắt buộc mỗi quốc gia phải chấp nhận việc trả lại những công dân nào của nước đó nhận được lệnh bị loại bỏ khỏi Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ thường hợp tác với các chính phủ ngoại quốc trong việc lập hồ sơ và chấp nhận công dân của họ khi được thỉnh cầu, cũng như đa số các nước trên thế giới đã làm như vậy.”

Việt Nam không là chính phủ duy nhất chịu áp lực buộc phải chấp nhận thêm nhiều người bị trục xuất.

Mỹ đã ngừng cấp visa du lịch tạm thời cho các quan chức Cam Bốt và gia đình họ. Trong lịch sử, Cam Bốt không có một mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ và ngần ngại không muốn tiếp nhận những người bị trục xuất, vì trong số này có nhiều người không được sinh ra ở Cam Bốt, nhưng ở các trại tị nạn ở những nơi khác tại Á Châu.

Bà Dizon Mariategue nói, “Những gì chúng ta đang thấy là những thành viên cộng đồng này đang bị dùng làm những con cờ chính trị, và chúng tôi không nghĩ rằng điều đó là đúng.”

Những người ủng hộ đã nộp đơn kiện thay mặt cho những người Cam Bốt bị giam giữ, nói rằng ICE không nên được phép giam giữ người ta, khi không biết rõ là họ có được một nước khác chấp nhận hay không.

Anoop Prasad, luật sư của tổ chức Asian Americans Advancing Justice - Asian Law Caucus, đại diện cho các di dân trong vụ trục xuất nói, “ICE bắt giữ người ta thực sự một cách võ đoán, không có lý do chính đáng nào để bắt giam cả. Họ chỉ cứ tìm cách bắt giữ càng nhiều người càng hay. ICE không thể giam giữ bất cứ ai vô thời hạn, nếu không có lý do để tin rằng sắp tới đây người đó sẽ bị trục xuất.”

Cũng vậy, trong tháng Mười, Tối Cao Pháp Viện nghe trình bày những lập luận về chuyện những người di cư bị giam giữ trong hơn sáu tháng nên có được một cơ hội đóng tiền thế chân để được tại ngoại hậu tra hay không.

Prasad nói rằng những gì đang xảy ra với di dân gốc Cam Bốt và Việt Nam minh họa cho một sách lược rộng hơn, hiếu chiến hơn của chính phủ Hoa Kỳ.

Prasad nói, “Tôi nghĩ đó là nơi mà Hoa Kỳ đặt những mục ưu tiên ngoại giao. Những người này đang bị dùng làm những chiến thuật gây áp lực trên những nước này, ngay cả khi thực sự không có lý do thực tế nào để tin rằng một số nước này sẽ tiếp nhận lại nhiều người như vậy.”

Trong lần trình diện trong tháng Mười 2017, Nguyễn Tùng nói rằng các viến chức di trú cho phép ông ở lại nước Mỹ dưới một lệnh giám sát, bắt buộc ông phải tiếp tục trình diện với các viên chức liên bang. Nhưng tình trạng của ông vẫn bấp bênh.

Ông nói, “Có thể giả định một cách an toàn rằng không có những người trước 95 hoặc sau 95 nữa, nhưng đó là về chuyện tất cả những người Việt Nam nào đã nhận được lệnh trục xuất cuối cùng.

Nguyễn Tùng đã tham gia vào nhiều chương trình mà ông có thể tham gia được hồi ông bị giam tù. Báo Orange County Register đã kể lại chuyện ông trong tháng 12, 2016.

Khi trở về nhà ở Nam California, ông biết được rằng cộng đồng người Việt không có sẵn sự trợ giúp dành cho các cựu phạm nhân. Ông đã lập ra nhóm Asian and Pacific Islander Re-entry of Orange County, để giúp cho các cựu tù nhân nam nữ tái hòa nhập vào xã hội.

Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ đã tước mất thẻ xanh, tình trạng thường trú nhân hợp pháp của ông, và ông trở thành kẻ không có giấy tờ.

Ông Nguyễn Tùng bỏ ra nhiều giờ trên điện thoại sau giờ làm việc, tìm cách góp ý cho những người đang lo lắng về những lần họ trình diện với ICE. Ông nói rằng hầu hết những người ông nói chuyện với đều muốn đóng góp cho xã hội. Ông nói, “Chúng tôi là những người từng phạm sai lầm. Chúng tôi đang làm lại cuộc đời, làm cho nước Mỹ trở nên tốt hơn. Chúng tôi không làm tổn thương nước Mỹ.”

Ông Nguyễn Hải, một người trong nhóm của ông Tùng, chỉ mới 15 tuổi khi bị bắt và bị kết tội ăn cướp. Ông lãnh án 35 năm tù giam, nhưng đã được thả ra vào năm 2015, chiếu theo một luật của California nhằm mục tiêu là cho những người phạm tội vị thành niên một cơ hội thứ nhì. Ông Hải cũng có một lệnh trục xuất, và đang lo rằng ông có thể bị đưa về Việt Nam, một nước mà ông chưa bao giờ đến. Ông Hải được sinh ra trên ghe, khi cha mẹ ông từ Việt Nam thoát sang Phi Luật Tân vào năm 1982. Ông nói, Việt Nam là nơi đặc biệt nguy hiểm cho ông, vì cha ông đã chiến đấu với người Mỹ chống cộng sản, và thoát khỏi đất nước sau nhiều năm ở trong trại cải tạo. Ông Hải nói, “Tôi đã vượt xa hơn nỗi lo lắng. Tôi thực sự suy sụp về mặt tâm lý. Tôi sắp mất mọi thứ, cuộc sống của tôi có thể lâm nguy.”

Ông Hải nói rằng ông hiểu được tại sao một số người cảm thấy rằng ông đáng bị trục xuất. Nhưng ông hy vọng người ta có thể nhìn thấy sự khác biệt giữa những người tội phạm và những người đang tìm cách trở nên tốt hơn.

Ông nói, “Có một sự khác biệt giữa một kẻ đang bị giam tù và ra ngoài rồi cứ  tiếp tục phạm tội. Nhưng có một số người thực sự ra tù và đóng góp, nộp thuế và những việc khác. Và ngoài ra họ dành cả ngày để giúp đỡ những người khác.”

Ông nói rằng công việc của ông với người tội phạm khác đang tìm cách trở lại vào lại xã hội là điều khiến cho ông tiếp tục trong khoảng thời gian bất trắc.này. Ông Hải nói, “Tôi nhìn những người đó như chính tôi, và nếu tôi có thể giúp một người tránh khỏi tội phạm, tôi đang làm công việc của tôi.”








No comments:

Post a Comment

View My Stats