Thursday 8 February 2018

HUẾ, TÔI & MẬU THÂN (Mũ Xanh Nguyễn Văn Phán)




Mũ Xanh Nguyễn Văn Phán
February 7, 2018

Từ Cai Lậy về thủ đô, nhập ngay vào đánh giải tỏa trại Cổ Loa của Thiết Giáp và Xóm Mới Gia Ðịnh xong xuôi, Quái Ðiểu Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến về nằm dọc đường Ngô Tùng Châu. Mười hai giờ khuya họp Tiểu Đoàn, 2 giờ sáng có mặt tại Tân Sơn Nhất, 4 giờ sáng lên máy bay đi, đi đâu không biết. Ðồ khô và tái trang bị không lãnh kịp. Cứ lên phi trường rồi hay. Ðó đây những loạt pháo kích, những loạt đại liên rời rạc, những đốm hỏa châu lũng lẳng trên bầu trời. Tôi để lại đằng sau một Sài Gòn mang nặng bộ mặt chiến tranh. Những chiếc máy bay C.130 khổng lồ nuốt gọn 800 Quái Ðiểu và đưa chúng tôi lên cao trong đêm tối mịt mùng.


Thời tiết thật xấu, và rồi bánh xe phi cơ cũng chạm đất, những cặp mắt đổ dồn ra khung cửa sổ máy bay. Phú Bài! Cơn gió cắt da, bãi cát trắng trải dài, mưa nặng hột. Thiếu áo lạnh, tất cả đều quấn Poncho đứng nhìn đoàn người gánh gồng xuôi ngược, hấp tấp và lo sợ, một số về Truồi, một số lên Giạ Lê, An Cựu.

Phú Bài đó, Tịnh Tâm đó, Cầu Kho đó, mạ, dì, chị và em mình đó mà không liên lạc được. Tình hình không biết sao, ruột như lửa đốt. Trách nhiệm nặng nề, tôi nằm trằn trọc suy nghĩ thật nhiều để chờ sáng mai. Kỷ niệm thời đi học kéo về trong trí tôi, đẹp quá, nhẹ nhàng quá, vụng dại quá.


Mười giờ sáng, đoàn GMC đưa chúng tôi về Huế. Qua Giạ Lê, đồng bào hỗn loạn, nét lo âu hiện rõ trên mặt. Tới An Cựu, dân chúng thưa thớt, nhà hai bên đường đóng kín cửa. Dọc quốc lộ 1 từ Huế về Phú Bài, binh sĩ Nhảy Dù từng toán dìu nhau âm thầm đếm bước.

Những cái nhìn như nhắn gửi, như lo sợ giùm chúng tôi. Mạnh, đại úy Nhảy Dù, cùng khóa cho tôi biết:
– Huế tang thương và điêu tàn lắm Phán ơi. Thừa (cùng khóa) chết, Phạm Như Ðà Lạt bị thương…

Mạnh khắp người băng bó đang được hai đệ tử dìu đi bộ về phi trường Phú Bài. Mạnh tiếp:
– Phán, mày cẩn thận. Không yểm trợ, không thực phẩm, không tiếp liệu, thời tiết quá xấu. Tụi nó chiếm hết thành phố, Ðại Nội, Gia Hội. Tụi nó chốt rất kỹ, chỉ còn cái lõm nhỏ ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 tại Mang Cá.

Mười ngày tiếp theo, nhìn nhau qua một con đường rộng vừa đủ cho xe chạy mà hai bên đều khựng. Mưa vẫn rơi ray rức lê thê, thỉnh thoảng cơn gió thật lạnh thổi qua. Có những trận tấn công chớp nhoáng của địch vào đại đội của Lượm và Lộc đều bị đánh bật lui. Ngược lại ta cũng nhiều lần cố tràn qua bên kia nhưng không chiếm được thêm một tấc đất. Hai bên tải thương đều thấy nhau rất rõ…


Từ căn nhà hai tầng cuối đường nhìn xéo từ nhà bảo sanh, một thượng liên và và trung liên nồi của tụi nó kiểm soát con đường rất kỹ, dưới sự chỉ huy của một đứa con gái mặc áo choàng màu xám, tóc xỏa dài nhưng không thấy rõ mặt. Tay đứa con gái chỉ tới đâu thì đạn nổ dồn về hướng đó. Tôi nhắm bắn hai phát M16 nhưng hụt, nó trốn nhanh vào sau cửa và mất luôn.

Hai mươi ngày nằm chịu pháo và bị bắn sẻ, tối nào hai bên cũng rà máy chửi nhau. Theo dõi máy, đột nhiên tôi bắt được một câu báo cáo của tụi nó:
– Bồ câu hết thóc!

Tôi nghĩ ngay tụi nó đang thiếu đạn. Nếu cứ nằm như thế này, một lúc nào đó tụi nó tập trung tấn công mình cũng bị mất vị trí ngay, chỉ vì áp lực quá nặng nề, tổn thất nhiều, tinh thần anh em quá mệt mỏi. Tôi đi đến kết luận riêng: nếu mình không đánh nó, chắc chắn nó sẽ tấn công mình. Tôi trình với tiểu đoàn trưởng:
– Thiếu tá cho tôi luôn thằng 2 để tôi tấn công tụi nó. Tôi thấy tinh thần anh em xuống quá và sức khỏe ngày càng hao hụt..

Tiểu đoàn trưởng không cho bắt ráng giữ vị trí.
– Nếu không thì cho tôi đột kích, tôi cùng vài toán nhỏ tràn qua đường đánh đột kích rồi rút về. Mình phải chứng minh cho tụi nó thấy mình còn đủ sức chơi tụi nó, thời tụi nó không dám tấn công mình.

Tiểu đoàn trưởng nói:
– Làm kế hoạch xong cho tôi hay.

Thời khắc lịch sử tại Kỳ Ðài, Phu Lâu, Huế 1968. (Hình: Internet)

Tại hầm của tôi anh em đang chờ, họ gồm: Lộc Ðại đội 2, Sự Ðại đội phó của tôi, Duật, Nghênh và Mã Khện. Tôi nói:
– Nằm chờ lâu tau chán quá, chỉ muốn qua đột kích tụi nó rồi rút về.
– Nguy hiểm quá, không được, chết cả lũ!

Tôi nói:
– Nếu thiếu tá không làm bây giờ, một vài ngày nữa tụi nó chỉ cần ho là lính mình chạy hết!.

Cuối cùng ông chấp thuận:
– Nhớ là có gì thì trở về liền, càng sớm càng tốt.

Tôi dạ nhưng trong đầu tôi nghĩ khác. Trước mắt tôi bây giờ không có gì ngoài đoạn đường từ tiền đồn qua cái giếng, lên cầu tiêu, tới nhà dưới rồi chiếm nhà trên. Tôi nằm suy nghĩ triền miên cho đến 3 giờ sáng.


Xuống trình diện tiểu đoàn trưởng, ông nói ngay:
– Ông làm những chuyện nguy hiểm quá, lỡ kẹt bên đó thì nói làm sao với lữ đoàn?

Tôi dạ dạ vâng vâng cho qua rồi nghiêm mặt đề nghị:
– Thưa thiếu tá, ngày mai cho tôi tấn công, tôi tin chắc sẽ tràn ngập vị trí tụi nó. Cho tôi thêm thằng 2 của Lộc, để thằng 1 của Lượm đi sau thu dọn chiến lợi phẩm. Chỉ xin thiếu tá cho tôi hai chiếc tank kèm hai bên hông của tôi.

Ông hỏi:
– Có chắc ăn không Phán?

Tôi cương quyết:
– Chắc, và nếu tràn được vị trí thiếu tá cho phép tôi đánh thẳng lên Kỳ Ðài nếu kịp thời gian.

Tôi theo tiểu đoàn trưởng lên trình ông Già Hự, Ðại Tá Yên tư lệnh phó. Ông già chấp thuận.

Tôi trở về họp các trung đội trưởng: Ngày mai, 8 giờ sáng, Ðại Đội 3 khăn tím bên trái, Ðại đội 2 của Lộc bên phải, dàn hàng ngang lấy con đường lên cửa Sập làm chuẩn tiến song song. Sau khi hai chiếc tank yểm trợ bằng hỏa lực xong, cả hai đại đội xung phong tràn ngập vượt qua mỗi chốt thật nhanh, không cần thâu lượm chiến lợi phẩm, để cho Ðại Đội 1 đi sau làm chuyện đó. Tất cả ba lô và đồ ăn để lại, trang bị thật nhẹ. Khi tới xóm nhà sát cửa thành thì dừng lại chờ tôi.

Ðúng 8 giờ sáng ngày hôm sau, dàn quân, hai chiếc tăng Ontos hạng nặng tiến lên, mỗi chiếc trang bị 6 cây đại bác 106 ly. Tôi chỉ vị trí tác xạ cho hai trưởng xa người Mỹ rồi ra lệnh khai hỏa. Hy vọng 12 cây 106 ly này sẽ san bằng mục tiêu trước mặt cho con cái tôi được dễ dàng đôi chút. Nhưng mỗi chiếc tăng chỉ bắn một phát đạn duy nhất rồi chạy lùi biến mất, không biết chạy về đâu. Tôi hết hồn, quân đã dàn xong, bắt buộc tôi phải ra lệnh xung phong. Tôi hét thật lớn, hét khản cả cổ:
– Xung phong!

Cả một đoàn quân dàn hàng ngang, không một ai nhúc nhích. Con đường trước mặt, con đường của 21 ngày máu và nước mắt, con đường tráng nhựa đẹp đẽ nhưng băng qua là đi vào cõi chết. Tôi tức giận chửi thề lung tung rồi chụp cây đại liên M.60 của người lính bên cạnh bắn một loạt dài rồi một mình tôi vừa bắn vừa băng qua đường cùng với toán cận vệ: Can, Việt, Ðiểu và hai thằng mang máy. Qua khỏi đường xông tới trước, tiếng đại liên của tôi nổ dòn. Ðúng lúc ấy cả đoàn quân đồng thanh hô xung phong và ào qua đường. Sau đó, đoàn người vượt nhanh qua mặt tôi và lướt tới trước. Súng nổ vang rền, đoàn quân tiến đều, M16 bắn vãi vào chốt, lựu đạn ném vào chốt, đạp chốt, bang chốt, lướt qua, cố giữ đội hình. Tiếng nổ inh tai liên tục, đàn áp thật mãnh liệt và chạy tới trước. Ðến 3 giờ chiều, chúng tôi đến xóm nhà sát cửa Sập.

Lính vỗ vai nhau cười làm tôi bắt cười lớn vì xóm nhà này rất quen thuộc với họ. Lính thường hay đến xóm này rồi về kể nhau nghe con này đẹp, con kia chân dài, con nọ… Nào khăn, nào thau vứt bừa bãi khắp nơi. Lính vui vẻ kể chuyện tục cho nhau nghe và hồn nhiên đùa nghịch. Những tiếng cười đầy ham muốn và thèm thuồng, hơn 40 ngày, từ vùng 4 về giải tỏa Sài Gòn rồi ra đây, không thấy mặt một người đàn bà, chỉ thấy toàn máu và mồ hôi.

Tôi ra lệnh.
– Lộc và Sự mỗi ông cho một toán 10 người băng thật nhanh đến áp sát mặt thành xong ngồi xuống. Toán kế tiếp chạy đến leo lên vai toán thứ nhất để toán này đồn đồn lên thành. Khi bám được mặt thành thì tác xạ tối đa và bằng mọi cách giữ vị trí để làm đầu cầu.

Con cái tôi hành động đẹp còn hơn tài tử xi nê. Tiếng đạn lớn nhỏ nổ rền, hai toán lên thành chiếm xong vị trí. Tôi cho tất cả con cái đem bàn ghế ra chất sát tường và leo lên ngay. Tiếng đạn và pháo địch vẫn mãnh liệt trên nóc thành, phải khóa lại. Một chặng đường xương máu đã vượt qua, bây giờ mục tiêu chính, mục tiêu của niềm hãnh diện, mục tiêu của ơn sâu và nghĩa nặng: Kỳ Ðài Huế. Ðây là nơi tượng trưng cho linh thiêng của dân tộc nói chung và cho Huế nói riêng. Duật và 20 người tiến chiếm 6 cây súng thần công to lớn, từ đó Duật dùng hỏa lực kềm địch ở cửa Ngọ Môn, yểm trợ cho Nghênh và Mã Khện chiếm Kỳ Ðài. Ðịch bắn trả. Con cái tôi dùng hỏa lực tối đa và thần tốc tiến vào Kỳ Ðài. Phản ứng của địch bắt đầu yếu, 5 giờ 12 phút chiều, màu áo rằn ri Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ Kỳ Ðài. Lá cờ xanh đỏ sao vàng đầy hận thù còn ở trên không. Một thằng lính rút đâu trong người ra một lá cờ vàng ba sọc đỏ thật lớn. Tôi gọi về tiểu đoàn:
– Tất cả đã sạch sẽ, xin thiếu tá cho tôi treo cờ.

Tôi nhớ rõ lệnh của Trung Tướng Lê Nguyên Khang:
– Một người lính Thủy Quân Lục Chiến duy nhất còn sống sót cũng phải dựng lại cho được ngọn cờ vàng tại Phú Vân Lâu.

Trong niềm vui sướng cùng tột, Hạ Sĩ Hạnh hét lớn: Thủy Quân Lục Chiến! Xong lấy trái hỏa châu đập mạnh định bắn pháo bông lên trời ăn mừng. Trong cơn say chiến thắng, Hạnh xoay ngược đầu hỏa châu vào mình, hỏa châu nổ xuyên bụng. Hạnh cười tươi:
– Em không sao đại úy!

Phán nghĩ thằng em này tỉnh táo quá, chắc nó chết. Và nó chết thật.

Sau này tôi được nghe: Khi báo cáo về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Chuẩn Tướng Trưởng xin Thủy Quân Lục Chiến dành vinh dự treo cờ cho Sư Đoàn 1. Sáng hôm sau ngày 24 Tháng Hai, Phạm Văn Ðịnh dẫn một đơn vị của Sư Đoàn 1 từ cửa Thượng Tứ lên làm lễ thượng kỳ.

Nhìn lá cờ vàng phất phới trên nền trời màu xám của Huế, tôi hãnh diện thật sự vì một thằng con của Huế đã góp phần dựng lại ngọn cờ này. Trung Úy Sự trình tôi:
– Thằng Hạnh chết, mình còn 67 người.

Ðại đội ra đi hơn 170 người, sau 24 ngày và sau bao nhiêu lần bổ sung quân số, chỉ có 3 mục tiêu: con đường, cửa Sập và Kỳ Ðài mà bây giờ tôi chỉ còn lại 67 người.


Ðược sinh ra và lớn lên ở Huế, tôi cố trả một phần nào chữ Hiếu cho nơi chôn nhau cắt rún. Máu của tôi, của anh em tôi, của đồng bào tôi đã tạo thành một cơn sóng thần cuốn đi tất cả kẻ thù để dựng lại ngọn cờ trên Kỳ Ðài tượng trưng cho Huế. Hai mươi năm sau, hồi tưởng lại, máu và xương kia đã theo giòng Hương giang cuốn tôi và bằng hữu ra biển bắt làm người biệt xứ. Lạy Trời, một ngày nào đó, cũng Cố Ðô đó, cũng Kỳ Ðài đó, cho tôi được góp phần dựng lại ngọn cờ một lần nữa để đền đáp ơn sâu và nghĩa nặng, nơi tôi đã sinh ra, nuôi tôi lớn lên và cho tôi làm người.

(*) Bài viết “Huế, Tôi và Mậu Thân” của Mũ Xanh Nguyễn Văn Phán, Quái Điểu Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến, Quân Lực VNCH, dài gần 8,000 chữ. Tòa soạn Người Việt chỉ trích đăng những đoạn tiêu biểu.

-----------------------------
Đọc bài viết đầy đủ ở đây :

Tiểu Đoàn 1 TQLC - Huế, Tôi và Mậu Thân
MX Nguyễn Văn Phán







No comments:

Post a Comment

View My Stats