Thursday 8 February 2018

HƠI THỞ VIỆT KIỀU (FB Châu Đoàn)





Ông thủ tướng nói tổ quốc luôn lắng nghe hơi thở của bà con Việt Kiều. Tôi không biết theo ý của ông thì cụ thể những ai đã lắng nghe nhưng chắc hẳn ông là một trong những người ấy. 

Đã lắng nghe thì chắc hẳn ông biết rất rõ tâm tư của bà con Việt Kiều, nhưng để cho chắc thì tôi xin được chỉ ra mấy hơi thở tôi nghe được, biết đâu ông thủ tướng quá bận rộn mà bỏ sót. 

1. Bà con Việt Kiều rất muốn Việt Nam có dân chủ, nhân quyền. Bởi họ là những người được sống ở những xã hội luôn nêu cao nhưng giá trị phổ quát ấy của nhân loại. Họ hạnh phúc với những giá trị ấy và họ khao khát cho bà con trong nước cũng được hưởng những điều ấy. Ông thủ tướng hãy làm gì đấy để nâng những giá trị này lên ở Việt Nam. 

2. Bà con Việt Kiều rất muốn cơ quan công quyền gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật. Khi người dân bị bắt vào đồn, không được đánh đập, hành hạ ép cung. Việc này đã gây ra rất nhiều người chết trong đồn, cả ngay khi trong thời kì tạm giam khi mà họ vẫn có đầy đủ quyền công dân. Và kể cả là tù nhân thì luật pháp vẫn không cho phép được ngược đãi. 

3. Bà con Việt Kiều muốn chính quyền hãy coi trọng những người lính VNCH đã ngã xuống, nghĩa trang của họ cần được tu tạo sửa chữa và cần được đối xử công bằng. Chính quyền làm được thế mới thể hiện tính nhân văn. Chiến tranh có bên thắng bên thua nhưng bên nào cũng là máu xương và nước mắt, nỗi đau Việt, hãy mở lòng ứng xử nhân văn, cao thượng. Hơn nữa, chính người nhà của những người lính VNCH, những bà con Việt Kiều lại là những người gửi tiền về, đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam. Làm thế chính là làm đẹp lòng bà con Việt Kiều. 

4. Ngày 30/4 hãy kỉ niệm như một ngày thống nhất đất nước.
Bởi ngày ấy là ngày mất nước của hàng triệu bà con Việt Kiều. Tại sao cứ khoét mãi vào nỗi đau mang tên tự hào chiến thắng mà làm gì? 

5. Bà con Việt Kiều để có được sự thành công của ngày hôm nay thì máu đã nhuộm đỏ biển Đông, nước mắt đã làm mặn chát cả biển Đông. Người nhà của họ đã làm mồi cho cá, bị cướp biển hãm hiếp, tàn sát, những người sống sót dẫu hiện tại đang hạnh phúc, thành đạt nhưng kí ức là cả một trải nghiệm kinh hoàng như trải qua một địa ngục đáng sợ nhất. 

Sự ra đi của họ một phần do sự ngược đãi của chính quyền. Máu, nước mắt, xương thịt của họ là máu, nước mắt và xương thịt của hận thù, ấm ức, oán hận, đau đớn. Tôi không hề trải qua trải nghiệm ấy nhưng mỗi khi nhắc tới những đau khổ của thuyền nhân, lòng tôi đều dội lên cảm giác thương xót, đau đớn vô cùng. Ông thủ tướng đã lắng nghe hơi thở của bà con, chắc hẳn cũng có cảm giác này. 

Do vậy, tôi đề nghị chính quyền hãy lập ra một ngày để tưởng nhớ những người Việt mà thân xác của họ đã tan vào biển Đông. 

Chiến tranh đi qua quá lâu rồi. Bà con Việt Kiều đóng góp cho kinh tế đất nước quá nhiều rồi, tại sao chính quyền không làm được những việc làm nhân văn và cần thiết như thế? Ấy sẽ là những việc khiến tiếng thở dài của bà con đỡ buồn thảm hơn. Ông thủ tướng đã lắng nghe sao không đưa ra một hành động nào để chứng tỏ mình đã lắng nghe? 

Đấy mới chỉ là những hơi thở tôi lắng nghe được, là một kẻ hậu sinh chưa được chứng kiến nhiều và âm thanh nhiễu nhương của cuộc sống xô bồ khiến tai không được tinh thính, nên chắc hẳn nhiều hơi thở khác tôi không nghe được. Các bạn làm ơn bổ sung cho.








No comments:

Post a Comment

View My Stats