Friday, 16 February 2018

GIAO THỪA MẬU TUẤT VỚI DÂN OAN BA MIỀN (Nguyễn Tường Thụy)




Thứ Sáu, 02/16/2018 - 01:12 — nguyentuongthuy

Đây là tết thứ 6 kể từ năm 2011 đến nay, chúng tôi có mặt vào phút giao thừa để chúc tết bà con dân oan ba miền. Gọi là chúc tết, nhưng có gì mà chúc khi tương lai mù mịt, nỗi oan ức, đau khổ của họ kéo dài hết năm này qua năm khác. Có nhiều dân oan tôi không chỉ quen biết mà còn hiểu rõ hoàn cảnh của từng người. Họ là những người bị mất đất, mất nhà do chính quyền địa phương cấu kết với doanh nghiệp, với công an lạm dụng luật đất đai để cướp nhà cửa, ruộng đất của họ. Chính quyền đền bù cho họ vài trăm đồng/m2 nhưng họ phân lô bán với giá gấp mấy trăm lần. Đây là động cơ gây nên thảm cảnh dân oan ở Việt Nam, tỉnh thành nào cũng có.

Trong giới hoạt động xã hội dân sự, có nhiều người tâm huyết, quan tâm đến dân oan nhưng tôi báo quá muộn nên không sắp xếp được thời gian. Cuối cùng thì cũng có được một nhóm 5 người có măt phút Giao thừa cùng bà con dân oan. Tôi đã xác định đi bằng xe máy nhưng Nguyễn Thanh Hà sợ tôi tuổi cao, sức khỏe không được tốt, lại lo an toàn cho tôi nên anh mang ô tô đến nhà đưa đón. 

Tôi được bà con báo, lên danh sách dân oan ở lại tết năm nay là 29 người, trong đó có 5 cháu nhỏ. Số này đa phần là bà con các tỉnh phía Nam. Họ phải ở lại vì không có tiền tàu xe để về quê, hoặc không có nhà để về, hoặc là cả hai.

Tết Nguyên Đán đối với người Việt Nam rất thiêng liêng. Phút Giao thừa là thiêng liêng hơn cả. Dù đi làm ăn ở đâu thì mỗi người đều nghĩ về quê hương. Nơi ấy có những người thân yêu ruột thịt. Nơi ấy có những người hàng xóm, những người bạn học, bạn thuở chăn trâu đã gắn bó với họ một thời đấy ắp kỷ niệm và nơi ấy còn mồ mả tổ tiên chờ họ về tảo mộ, thắp hương. Vậy mà họ không thể về mà vất vưởng sống, ăn ngủ, sinh hoạt trên những vỉa hè phố thị.

Chúng tôi đến trước Giao thừa khoảng 30 phút. Mỗi người có một tấm biểu ngữ chi chít những dòng chữ ghi tóm tắt về nỗi oan của họ:







Có cả những biểu ngữ không liên quan đến đất đai mà là đả đảo Trung Quốc và đòi quyền lợi cho ngư dân miền Trung:


Đặng Bích Phương làm chương trình phát trực tiếp với thời lượng 45 phút. Chị hỏi cặn kẽ đến hoàn cảnh từng người, còn bà con thì nhiệt tình, kiên trì tố khổ. Không chỉ lúc này mà mỗi lần thấy bóng chúng tôi là bà con đều ùa đến kể về hoàn cảnh của mình yêu cầu chúng tôi ghi hình và đưa lên công luận.

Đây là chương trình rất sinh động. Mời bạn đọc xem qua đường link này:

Đêm giao thừa nhưng vẫn có những nhân viên công lực canh chừng. Chúng tôi đi đến đâu là họ chĩa máy về hướng ấy:

Đây là những túp lều dựng trên vỉa hè trước trụ sở tiếp dân trung ương, số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Nhìn cảnh này, khó mà cầm nổi nước mắt.



Sư oan Thích Nữ Đàm Thoa với chiếc xe máy cà khổ chở đồng nát:

Lẻ tẻ vài tiếng lụp bụp đâu đây rồi rộ lên trời những màu sắc của pháo hoa. Giao thừa rồi. Chúng tôi nói lời chúc tết với bà con. Chúc bà con năm mới đòi được quyền lợi của mình, sớm thoát khỏi cảnh chầu chực năm này qua năm khác trước trụ sở tiếp dân. Thường là khi chúc tết nhau, mọi người phải vui vẻ, nhưng trong hoàn cảnh này, chúng tôi nói lời chúc tết mà lòng nặng trĩu. Rồi chúng tôi trao tiền lì xì tới từng người. Có nhiều bà con không ra, chúng tôi phải chui vào từng túp lều động viên bà con, giải thích mãi bà con mới vui vẻ nhận. Mỗi phong bao được chuẩn bị sẵn với số tiền là 400 nghìn đồng chỉ mang tính an ủi, để cho bà con hiểu rằng cuộc đấu tranh của bà con luôn có chúng tôi và những tấm lòng của đồng bào trong và ngoài nước cảm thông và ủng hộ.

Bà con cũng lần lượt nói lên cảm nghĩ về sự giúp đỡ của chúng tôi, của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Tôi nhìn những người bạn nhiều năm nay cũng bỏ giao thừa để đồng hành cùng nhau mà thấy lòng tràn đầy thương mến: Đặng Bích Phượng, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thanh Hà và vợ tôi. Sẽ là thiếu sót nếu giờ phút thiêng liêng này không nghĩ tới các bạn. Tôi rút ra mấy bao lì xì, tất nhiên là mỏng hơn, trao cho các bạn, trao cho cả vợ tôi và nói những lời chúc tết.

Đã sang năm mới được 30 phút. Chúng tôi ngậm ngùi chia ta với bà con để về. Mỗi năm đi chúc tết dân oan, đương nhiên chúng tôi không thể có mặt thắp hương lên bàn thờ tổ tiên đúng lúc giao thừa nhưng chắc chắn rằng, các cụ sẽ thể tất cho chúng tôi và phù hộ cho bà con dân oan.

Một trong những ước muốn của tôi đầu năm mới là chấm dứt thảm cảnh dân oan. Điều này phụ thuộc vào tinh thần đấu tranh của bà con dân oan, vào sự ủng hộ của tôi và các bạn đối với bà con, phụ thuộc vào việc các quan tham có biết sống ra con người hay không hay để lòng tham che mất mắt mà làm những điều độc ác đối với đồng bào của mình. Và hơn hết, phải triệt tiêu nguyên nhân xảy ra thảm cảnh đó.

Mồng một Tết Mậu Tuất 2018








No comments:

Post a Comment

View My Stats