Thursday 22 February 2018

BANGKOK : THĂM NGƯỜI VIỆT NAM Ở TRẠI SUAN PHLU (Thủy Linh - BBC)




Thùy Linh
BBCVietnamese.com
21 tháng 2 2018

Chỉ cách nhau tầm hơn nửa mét nhưng tôi chẳng thể nghe được Thao nói câu nào. Vì cùng lúc đó, gần như 100 người đang đứng hò hét xung quanh chúng tôi.

Căn buồng trong trại giam rộng lớn nhưng chật kín người.
Người đi thăm lẫn người được thăm, tiếng hò qua vọng lại, nghe đâu có cả niềm vui lẫn chua xót.
Thao chỉ cười nhẹ trước sự bực bội của tôi. Còn tôi thì không hiểu làm sao anh có thể giữ được nụ cười trên môi như thế, dù đã bị giam giữ gần 10 năm qua.

Tôi đến thăm Trại giam người nhập cư (The Immigration Detention Center - IDC) ở Bangkok vào một sáng thứ Tư, với hi vọng hàng xếp hàng sẽ không đông như mọi khi.
IDC còn được cánh nhà báo và các nhóm thiện nguyện hay gọi là trung tâm Suan Phlu, theo tên của con đường nó toạ lạc.

Hình minh họa cảnh người bị giam giữ trong trại Suan Phlu, Bangkok

Trại giam Suan Phlu nằm trong một hẻm nhỏ ngay bên cạnh bãi đậu xe, lẩn khuất bên trong khuôn viên của Cục Di trú của Vương quốc Thái Lan. Nhìn từ bên ngoài, sẽ không ai nghĩ nó là nơi giam giữ gần 1000 người dân nhập cư, mà không ít người trong đó là người Việt.

Tong, tay xách hai bịch nilong trái cây, sữa và bánh mì, đã cảnh báo tôi rằng, trong buồng gặp sẽ rất khó để nói chuyện, vì "nó ồn như ở một buổi hoà nhạc vậy". Nhưng tôi vẫn quyết tâm muốn gặp xem người gốc Việt bị giam trong đó, dù chỉ nhìn thấy họ cũng được.

Tong xách hai tay hai túi chất đầy đồ ăn, bước vào trong khuôn viên Cục Di trú

Tong, tên đầy đủ là Sakda Kaewbuadee Vaysee là một diễn viên người Thái, nhưng anh bắt đầu tham gia giúp đỡ những người nhập cư Pakistan và Congo bị giam giữ tại IDC từ đầu 2017.
Một người Tong giúp đỡ tiết lộ có một người Việt đã bị giam giữ ở IDC gần 10 năm qua. Nhưng Tong thì không biết tiếng Việt và người Việt kia lại không thể nói được tiếng Anh hay tiếng Thái.
Giọng anh vui mừng trong điện thoại, khi tôi nói rằng tôi xin nhờ anh đưa tôi đến IDC.
Nhưng anh dặn theo quy định của trại giam thì tôi chỉ có thể vào với tư cách cá nhân hoặc người làm tình nguyện, không thể chụp ảnh hay quay phim.

Cục Di trú Vương quốc Thái Lan tại Bangkok

Trại giam này mở cửa cho phép người đến thăm nuôi từ 8:30 đến 10 giờ sáng.
Khi tôi đến, đã có một hàng dài người xếp hàng đăng ký thăm nuôi, hầu hết là người nước ngoài, da trắng.
"Họ đến từ các nhà thờ gần đây," Tong nói.
"Một người trong nhà thờ phát hiện ra những người bị giam trong đây và giờ rất nhiều người từ nhà thờ đến thăm."

Để được vào thăm nuôi, người vào thăm phải xuất hình bản sao thẻ căn cước, hoặc hộ chiếu và điền vào một tờ đơn, trong đó ghi cụ thể: tên người muốn thăm, số phòng và mã số của họ - không thể để thiếu một trong ba thông tin trên.
Có nghĩa rằng nếu như không có Tong và người đàn ông Congo bị giam cùng Thao, thì tôi sẽ không bao giờ biết đến sự tồn tại của Thao. Tôi không khỏi tự hỏi có bao nhiêu người đã bị lãng quên, bỏ rơi như thế ở nơi này.

Sau khi đăng ký giấy tờ, Tong hối tôi đi mua đồ ăn. Bên trong IDC cũng có bán đồ ăn, thức uống, và thuốc thang, nhưng giá lại "trên trời". Một chai nước khoáng ở bên ngoài giá chỉ 15 Baht (11.000 đồng) trong đó, có thể sẽ lên đến 35 Baht (25.500 đồng).
Và với mọi bệnh tật, ốm đau, bác sĩ trong trại giam cũng chỉ kê duy nhất một đơn: paracetamol. Tong cho biết nhiều người thăm nuôi vẫn mua đồ ăn, và thuốc thang, hoặc cho tiền người bị giam bên trong là như vậy.

Khi tôi còn đang thử hình dung ra xem Thao trông như thế nào, thì Tong bắt gặp một người phụ nữ khác cũng xách một túi đồ ăn lớn, có đề tên Thao.

Việt Kiều giúp đỡ

Quá bất ngờ, tôi liền hỏi ngay thì mới biết bà là Christine Nguyễn, một người Việt đã sinh sống ở Thái nhiều năm qua.
Qua các mối quan hệ, bà mới biết đến Thao và đã vào thăm anh từ tháng 6 năm ngoái.

Lối vào IDC, đề dòng chữ "Xin chào mừng" bằng tiếng Thái. THÙY LINH/BBC

Giờ thăm nuôi bắt đầu từ 10:30, chúng tôi lại xếp thành một hàng dài như buổi sáng, nhưng phụ nữ được ưu tiên đi trước. Cánh cửa sắt màu xanh cao đến tận trần nhà được đẩy ra.
Chúng tôi phải để lại tư trang: điện thoại, máy ảnh, đều không được phép đem vào. Thứ duy nhất được đem theo là giấy và bút, và chút tiền.

Nơi tôi bước vào không hẳn là một căn phòng mà nó là gian nhà lớn, có lẽ nối tiếp giữa gian nhà văn phòng hành chính IDC và nơi giam giữ những người nhập cư.
Người thăm và người được giam bị cách nhau bởi hai hàng rào lưới sắt dài tầm 25m. Phía sau hàng rào của những người bị giam giữ tôi có thể thấy các phòng giam song sắt, nơi những người không có người đến thăm vẫn bị nhốt trong đó.
Hai hàng rào chỉ cách nhau một cánh tay. Tưởng chừng gần như thế chúng tôi có thể dễ dàng nói chuyện, nhưng đâu chỉ mình chúng tôi, còn có khoảng 70-80 người, thăm nuôi lẫn được thăm nuôi, hò hét cũng một lúc.

Những người bị giam đều mặc một chiếc áo thun màu cam rực. Tôi bối rối một lúc vì không biết người mình tìm trông như thế nào trong cả hàng dài mấy chục người.
Nhưng Christine vội dẫn tôi đến ngay chỗ gần cuối hàng rào, dễ dàng tìm ra Thao, có lẽ đó là nơi họ luôn hẹn gặp.

Nhưng điều tôi bất ngờ là không chỉ Thao mà hai người Việt khác cũng ở đó, và một cô gái Việt đã đứng đó nói chuyện với họ rồi.
Hồng đang tươi cười hét vọng qua bên hàng rào, khi tôi hỏi liệu cô có phải là người Việt hay không. Bằng chất giọng Hà Tĩnh, Hồng nói chỉ mới vào thăm nuôi cách đây một tháng, vì từng có một ông chú từng bị giam trong đây.
Họng tôi bắt đầu đau, nhưng Thao vẫn không thể nghe thấy gì.

Hàng dài người xếp hàng làm thủ tục xin vào thăm nuôi. Hầu hết những người mặc áo trắng, bảng tên màu đen đến từ một nhà thờ lân cận.  THÙY LINH/BBC

Tôi viết vội vào mảnh giấy rồi nhét qua tấm lưới sắt, mắt lưới đủ to để nhét một tờ giấy vào, và chúng tôi chờ.
Như nhiều người đến thăm nuôi ở đây, nhất là nhóm thiện nghiện nước ngoài hay gặp khó khăn về ngôn ngữ, chúng tôi viết câu hỏi vào tờ giấy và chờ đợi viên sĩ quan thi thoảng lại đi ngang qua để nhờ họ chuyển cho phía bên kia hàng rào, và lại chờ đợi đợt "đưa đò" tiếp theo để nhận lá thư phản hồi.
Tôi dần nhận ra cả ba người Việt kia đều không nói sành sỏi tiếng Việt, vì đều là dân tộc thiểu số.
Lor Nhia Thao, 52 tuổi, là người H'Mông ở Điện Biên dáng người nhỏ thó, tóc húi cua, và có nụ cười hiền, anh cho biết anh đã bị giam ở IDC gần 10 năm qua. Thao có vợ và 5 người con gái vẫn đang tìm cách sinh sống ở Bangkok.
Ksor Sun, 42 tuổi và Rôơy Muel, 23 tuổi thì từ Gia Lai, và bị giam ở IDC từ tháng 12, 2016. Ksor Sun người đậm hơn Thao, còn Muel thì cao to, và nói tiếng Việt khá hơn. Cả hai cười rất tươi khi thấy có chúng tôi đến thăm.
Viên sĩ quan lại đi ngang qua, tờ giấy kèm lời phản hồi của họ được chuyền lại tay tôi.

Quy định vào thăm nuôi ghi rõ trên tờ đơn đăng ký

Cuộc sống trong đó thế nào?
"Bệnh tật vì thiếu đồ ăn uống… về chỗ ngủ thì nó rất là chật chội, mỗi phòng người ta nhốt khoảng 200 người," nét chữ của Rô-ơy khi tôi hỏi về tình hình cuộc sống trong đó.
"Chúng tôi đến để xin tị nạn và bị chính quyền Thái bắt vào IDC."

Vì sao lại đi tỵ nạn?
"Bị chính quyền Việt Nam không cho phép theo đạo và chúng tôi không có sự lựa chọn nên phải bỏ nước ra đi.

Hình ảnh chụp từ 2014 bên trong một căn phòng giam giữ những người nhập cư trái phép tại IDC Suan Phlu. Tình cảnh năm 2018 cũng không khá hơn

"Ba người chúng tôi giống nhau. Cả ba đều không có giấy tờ và không có ai vào thăm cả. Vì chúng tôi đã từng ở tù bên Việt Nam, nên không muốn về..."
Lá thư chưa kịp viết xong thì hồi chuông báo một tiếng thăm nuôi đã hết. Tôi gần như phải năn nỉ viên sĩ quan để lấy lại mảnh giấy cuối cùng.
Theo những thông tin tôi lấy được từ Ksor Sun, Rôơy và Thao thì có khoảng hơn 70 người đàn ông Việt Nam bị giam giữ, tuy nhiên phần lớn là những người đánh cá từ các thuyền cá Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển Thái Lan.
Có nhiều thông tin trái chiều về số lượng người Việt thực sự đang bị giam giữ trong IDC, vì có nhiều người chỉ bị tạm giam vài tháng, nhưng có người lại bị giam giữ đến nhiều năm, khiến số lượng người bị giam không rõ ràng, chính xác.
Tuy nhiên, có một số thông tin mà Tong, Christine và Hồng khẳng định chắc chắn với tôi.
Những người bị tạm giam bị chia ra theo giới tính, trẻ con dưới 10 tuổi thì sẽ được giam cùng với cha hoặc mẹ cùng giới tính. Trẻ trên 10 tuổi sẽ bị giam riêng.
Trong khi đó một người đi thăm chỉ được phép thăm một người duy nhất.
"Vậy nếu như một gia đình 6 người muốn đoàn tụ thì phải có 6 người đến thăm họ cùng một lúc?"tôi hỏi.
Tong và Christine gật đầu, cả hai cho biết họ phải luôn nhờ vả một vài người bạn đi cùng để giúp những người thân bị nhốt riêng biệt có thể gặp nhau.
Cả ba cho tôi biết cuộc sống trong đó rất chật chội khổ sở.
Nhiều người không có chỗ ngủ, phải chọn cách ngủ ngồi hoặc ngủ đứng. Trẻ con thì được học tạm bợ đủ để không quên con chữ.
Christine và Hồng cho tôi biết phía đại sứ quán Việt Nam chưa hề liên hệ hay giúp đỡ ba người này.
Về phía họ, cả Hồng, Christine và Tong đều chưa trực tiếp liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam về trường hợp Ksor Sun, Rôơy và Thao.
Cả ba phần lớn đều phụ thuộc vào các mối quan hệ riêng với các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà thiện nguyện hoặc thời gian riêng để đến thăm và hỗ trợ hàng ngày.
Nhưng tôi biết họ cũng chỉ có thể giúp đến một mức nào đó, vì có vẻ số lượng người Việt bị bắt và đưa vào đây không hề giảm đi.
Những mảnh đời Việt Nam này không biết sẽ đi về đâu, nhưng những câu chuyện như thế này có thể vẫn sẽ tiếp diễn trên đất Thái.
Một số nhân vật trong bài yêu cầu chỉ nêu tên, không nêu họ. Chủ đề người nhập cư 'lưu cữu' trong các trung tâm tạm giữ cũng đã được báo Thái Lan đăng tải.






No comments:

Post a Comment

View My Stats