Thursday, 1 February 2018

BẢN TIN TỐI 1/2/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Tài Nguyên Và Môi Trường có bài: Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Dấu ấn từ Kinh thành. Bài viết bàn về “hệ thống chính sách nhất quán về biển đảo” của Triều Nguyễn. Đó là: “Xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển, xây dựng lực lượng hải quân, ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên biển, xác lập và thực thi chủ quyền trên các đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Báo Đất Việt đưa tin: Trung Quốc khảo sát đáy biển và đội tàu ngầm hủy diệt. Bài báo dẫn tin từ các nhà phân tích của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho biết: “Trung Quốc đang triển khai kế hoạch xây dựng một mạng lưới các thiết bị cảm biến dưới đáy Biển Đông, mang tên ‘Dự án Vạn Lý Trường Thành dưới đáy biển’.”

Chuyến nghiên cứu đáy biển của Trung Quốc có tính lưỡng dụng và có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Ảnh: internet


Nhân quyền ở Việt Nam
Báo Zing đưa tin: Tuyên truyền chống Nhà nước, bác sĩ đa khoa mang án 4 năm tù. Bài báo cho biết: Hôm nay, TAND TP.HCM đã tiến hành xét xử sơ thẩm BS Hồ Văn Hải, vì “tội”: “Đăng tải nhiều bài viết trên Blog và Facebook riêng có nội dung bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao, xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

Bài viết có đoạn: “Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tuyên Hải 4 năm tù, đồng thời phạt quản chế bị cáo 2 năm về tội Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Vậy là chế độ này vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp trấn áp, nhằm dập dắt những tiếng nói đấu tranh ôn hòa.

BS Hồ Văn Hải bị áp giải sau phiên xử. Ảnh: Zing.

Facebooker Dương Đại Triều Lâm viết“Bác sĩ Hồ Hải bị tuyên án 4 năm tù, 2 năm quản chế theo điều 88 BLHS ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ trong phiên toà ngày 01/02/2018 tại Sài Gòn. Hầu như không ai hoặc rất ít người biết về phiên toà diễn ra hôm nay”.

Về phiên xử vụ án “Phong trào Chấn Hưng Nước Việt” hôm qua, LS Lê Văn Luân viết: Những chứng cứ tưởng tượng. Tác giả cho rằng: “Dùng kết luận giám định về tư tưởng và kết luận về mặt khách quan của hành vi là hoàn toàn sai lầm và vi phạm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật”. Tuy nhiên, phía “quan tòa” án đã sử dụng phương pháp này để kết tội những người tranh đấu.


50 năm Mậu Thân: Đảng vẫn “hát trên những xác người”
Nhà báo Song Chi viết“50 năm. 1968-2018. Đã nửa thế kỷ trôi qua, đảng và nhà nước cộng sản vẫn tiếp tục dối trá, bóp méo sự thật, tiếp tục tụng ca chiến công ‘cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968’. Không một lời thừa nhận sự sai lầm, mông muội, sắt máu của mình khi đã đẩy hàng vạn người lính miền Bắc lẫn dân nằm vùng tại vô số cơ sở khác nhau ở miền Nam vào chỗ chết”.

Theo tác giả, “chủ nghĩa cộng sản nói chung và các đảng cộng sản nói riêng là thảm họa của lịch sử loài người, là tội đồ đối với dân tộc họ, đất nước họ. Nhưng không phải đảng cộng sản nào cũng vừa tàn ác với dân mình vừa ngu muội với kẻ thù suốt một thời gian dài như thế”.

Facebooker Nhân Thế Hoàng chia sẻ“Trong các tác phẩm âm nhạc, sự kiện Mậu Thân vẫn được tường thuật lại. Như câu hát ‘chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người’ trong một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay, ‘Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng. Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa. Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu…’.”


The Tet Offensive: Lessons from the Campaign After 50 Years
Streamed live on Jan 31, 2018

Kênh Military Information có video clip: Tưởng niệm 50 sự kiện Tết Mậu Thân.

The Tet Offensive: 50th Anniversary
Published on Jan 31, 2018

VTC có bài: Đi tìm tung tích chiến sỹ biệt động bị Nguyễn Ngọc Loan bắn giữa phố trong bức ảnh gây sốc thế giới. Cái chết của chiến binh Việt Cộng đã được ghi lại trong một bức ảnh nổi tiếng khắp thế giới, nhưng 50 năm sau, vẫn không rõ danh tính của nhân vật này. Thử hỏi hơn 100 ngàn người lính VC bỏ mạng trong 3 đợt “tổng tiến công và nổi dậy” năm 1968, có bao nhiêu người được nhận diện, được chôn cất tử tế?


Cán bộ và người dân
Báo Thanh Tra đưa tin: Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu cán bộ xã rút kinh nghiệm trong tiếp dân. Theo bài viết, “Công dân thôn 3, xã Đông Mỹ không đồng ý với Thông báo số 736/TB-UBND của UBND huyện Thanh Trì về việc thông báo giải quyết đơn tố cáo đối với ông Huy”. Trước đó, người dân tố cáo ông Phạm Hữu Huy “có hành vi gây khó khăn cho bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn 3, xã Đông Mỹ trong việc kê khai nộp thuế đất phi nông nghiệp”.

Tác giả cho biết thêm: “Ông Nguyễn Thanh Đức và bà Nguyễn Thị Hiền có tranh chấp đất đai từ năm 2006 đối với một phần diện tích đất thuộc thửa đất ở số 383, tờ bản đồ số 2, bản đồ đo vẽ năm 1987 nhưng việc tranh chấp đã chấm dứt năm 2006. Tuy nhiên, ngày 17/1/2015, ông Huy tự dẫn ông Đức và một số cán bộ thôn đến yêu cầu chị em bà Hiền tham gia xác định mốc giới sử dụng đất của 2 gia đình”.


Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Trong phiên xử sáng nay, tòa quay lại xét hỏi để làm rõ về 4.500 tỷ đồng, theo VOV. Bài báo cho biết: “Hội đồng xét xử tiếp tục làm rõ các tình tiết liên quan số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng; đồng thời đề nghị triệu tập 2 kiểm toán viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam (Công ty E&Y)”.

Trang VietNamNet đưa tin về đại án Phạm Công Danh: VKS quyết ‘đòi’ tiền của 3 ngân hàng. Theo đó, VKS giải thích, “tiền của VNCB là tiền huy động từ dân và việc thiệt hại là phải thu hồi. Do đó, 3 ngân hàng phải chịu trách nhiệm thu hồi tài sản từ Phạm Công Danh để trả tiền về cho CB Bank”.

Bài báo cho biết thêm: “Phần đối đáp đã đi đến vòng 3 và không có gì mới nên ai có kiến nghị gì khác thì gửi lên HĐXX bằng văn bản, HĐXX sẽ xem xét toàn diện. Chiều nay trước khi nghị án, các bị cáo sẽ được nói lời sau cùng”.

Báo Đất Việt bình luận: ‘VKS đề nghị trả lại 6.100 tỷ đồng là có cơ sở’. Bài viết nêu quan điểm của các LS, cho rằng: “Đến nay, 3 ngân hàng có lỗi nhưng lại không chịu hậu quả. Yêu cầu của Ngân hàng Xây Dựng, đề nghị của Viện Kiểm Sát buộc 3 ngân hàng hoàn trả lại tiền cho Ngân hàng Xây Dựng là hoàn toàn có cơ sở”.

Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: VNN

Đến phiên xử chiều nay, trong lúc nói lời sau cùng, Phạm Công Danh, Trầm Bê xin lỗi nhân viên, theo VietNamNet. Tác giả lưu ý lời ông Phạm Công Danh nói về hoàn cảnh gia đình: “Nhà bị cáo đã bị bán, nhà vợ đang ở cũng bị kê biên, vợ con bị cáo phải đi thuê nhà ở. Tất cả tiền có được bị cáo đều dùng để phục vụ ngân hàng”.

Lời sau cùng của ông Trầm Bê: “Bị cáo không hề cố ý gây ra sai phạm và những gì xảy ra đã được làm rõ trong suốt phiên tòa, hành vi của bị cáo là chỉ vì mong muốn phát triển ngân hàng chứ không hề vì vụ lợi cá nhân. Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo mức án nhẹ”.

Bài báo cho biết thêm: “Các bị cáo còn lại cũng tỏ ý ân hận và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo sớm về chăm sóc gia đình, con cái. HĐXX sẽ nghị án kéo dài tới sáng ngày 7/2 sẽ tuyên án”.


Vụ công an Phú Quốc bêu danh người mua dâm
Báo Người Đưa Tin viết: Công an Kiên Giang thông tin vụ “bêu” tên người mua, bán dâm giữa phố. Bài báo dẫn lời Đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, dư luận phản ứng gay gắt. Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Phú Quốc lập tổ kiểm tra, báo cáo kết luận kiểm tra trong vòng 10 ngày, nếu sai xử lý nghiêm theo quy định của ngành”.

Về câu hỏi: “Việc bắt quả tang vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt mà đem ra công khai danh tính giữa phố có đúng quy trình, Công an thị trấn Dương Đông có sai hay không và có xin lỗi người bị  công khai hóa hay không” của PV, Đại tá Tín không trả lời cụ thể.

Báo Đất Việt có bài: Công an bêu tên người mua bán dâm: ‘Do vụ nóng’. Bài viết dẫn lời Đại tá Phạm Trung Thành, người phát ngôn của công an tỉnh Kiên Giang, “bào chữa” cho hành vi bêu tên người dân: “Có thể do vụ việc nóng, người dân phản ánh nhiều nên công an thị trấn đã muốn công khai sớm trước người dân để giáo dục, răn đe”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi về vụ bêu riếu người mua, bán dâm: Xin lỗi có bồi thường được danh dự đã mất? Bài báo cho biết: “Nhiều người đặt vấn đề, không biết những người sai phạm đó sẽ nhận mức hình thức kỷ luật nào nhưng danh dự của 4 người bị bêu riếu thì đã mất. Từ sau vụ bêu xấu đó, cuộc sống của họ đã thay đổi”.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Bêu tên người mua bán dâm trên phố, giáo dục hay sỉ nhục? Bài viết nêu ý kiến của GS-TS Đặng Vũ Cảnh Khanh, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, nói: “Công khai danh tính của người mua bán dâm như vậy không giải quyết được vấn đề… Đằng sau chuyện mua bán dâm còn rất nhiều vấn đề khác, nếu không xử lý khéo léo thì việc phục hồi nhân phẩm của họ sẽ gần như không thể”.


Các “quả đấm thép”
Trang Người Đồng Hành đưa tin: PVX lỗ thêm 409 tỷ năm 2017, lỗ lũy kế đã vượt 3.000 tỷ. Theo đó, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – HNX: PVX) “vừa công bố báo cáo tài chính quý IV với khoản lỗ lớn và lỗ lũy kế đã lên đến 3.278 tỷ đồng. Tính riêng quý IV, doanh thu của PVX sụt giảm 40% còn 1.169 tỷ đồng; cộng thêm chi phí giá vốn cao 1.282 tỷ dẫn đến lợi nhuận gộp âm 112 tỷ đồng”.

Thông tin từ PVX cho biết: “Lợi nhuận giảm là do sụt giảm về doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục trích lập các khoản dự phòng theo quy định. Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị thành viên đều gặp khó khăn, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ”.

Báo Tiền Phong đưa tin: Dự án muối mỏ nghìn tỷ “đắp chiếu”: Loay hoay chờ giải cứu. Bài báo cho biết: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) báo cáo Bộ Công thương chuyện “triển khai dự án muối mỏ Kali tại Lào cũng như một số phương án ‘giải cứu’ dự án này”, đây là một dự án “đang phải tạm ‘đắp chiếu’ sau khi đã được rót hơn một nghìn tỷ đồng”.

Bài viết dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, bình luận: “Đây là bài học phải trả giá rất đau xót, cần phải rút kinh nghiệm từ các dự án thua lỗ. Cần có sự chấn chỉnh nghiêm túc, nếu không từ các ‘quả đấm thép’, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế”.


Kiếp làm nông ở Việt Nam
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Cận Tết, người nuôi heo vẫn ‘méo mặt’ vì lỗ. Bài viết dẫn lời ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ: “Giá heo hơi bán tại trại vẫn quẩn quanh mức giá 30.000-32.000 đồng/kg”và “nhu cầu Tết không đủ tác động, giá heo khó có thể tăng đột biến trở lại, người chăn nuôi càng nuôi càng lỗ”.

Bài báo cho biết thêm: “Nhiều hộ nhỏ lẻ vẫn treo chuồng, chờ thời cơ thích hợp, trong khi các gia trại, trang trại, doanh nghiệp vẫn tiếp tục nuôi nhưng đều có xu hướng phát triển cầm chừng, không tăng quy mô tổng đàn. Ước tính đàn heo của cả nước tháng 1/2018 giảm khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017”.

Chuyện buồn của người nông dân ở Quảng Trị: Hơn 300ha cây “vàng đen” hồ tiêu gặp nguy, theo báo Dân Việt. Theo thông tin từ ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, “đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã có 323 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, trong đó có 48 ha nhiễm nặng và 19 ha mất trắng”.

Mỗi năm Quảng Trị có hàng trăm ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, thiệt hại hàng chục tỷ đồng nhưng chưa có cách phòng trừ triệt để. Ảnh: DV


Ô nhiễm môi trường
“Chuyện lạ” từ sự vô trách nhiệm ở huyện Thanh Oai: Bơm nước ô nhiễm sông Nhuệ, sủi bọt trắng đồng ruộng, theo báo Thương Hiệu Và Pháp Luật. Bài báo cho biết: Sông Nhuệ đã ô nhiễm quá nặng, nhưng Trạm bơm Sái vẫn bơm nước từ sông này “đổ vào đồng ruộng khu vực huyện Thanh Oai, nước sủi bọt như bong bóng xà phòng trắng xóa cao tới 2m… Không những vậy, mùi ô nhiễm bốc lên khắp vùng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân”.

Người dân địa phương chia sẻ: “Mấy ngày qua, người ta bơm nước sông Nhụê vừa lên, mùi hôi thối bay khắp cả một vùng, khó chịu lắm! Cảnh tượng bẩn sủi bọt, cao tới 2- 3m lúc đầu người dân ở đây lúc đầu cũng thấy lạ, nhưng năm nào cũng vậy thấy quen”.

Nước sông Nhuệ ô nhiễm bơm lên đồng ruộng trong vùng bọt trắng xóa. Ảnh: TH&PL

Báo Biên Phòng đưa tin: Dân khốn khổ vì ô nhiễm môi trường do vận chuyển và chế biến than. Bài viết bàn về tình cảnh của “hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động tập kết và chế biến than gây ra” qua gần 10 năm. “Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền”, nhưng chính quyền vẫn không xử lý bãi tập kết than ở sát phường Quảng Hưng.

Một người dân địa phương chia sẻ với PV báo Biên Phòng: “Sống ở đây khổ lắm các chú, ngày nào cũng có hàng đoàn xe tải lớn vào lấy than, bụi bay mù mịt, than được tập kết cao như núi, nhiều đống còn không được che chắn bạt. Những ngày trời nắng, có gió Đông Bắc là lúc người dân chúng tôi bị ‘hành’ suốt ngày khi bụi than bay thẳng vào nhà”.

Bãi tập kết than không che chắn, nằm ngay sát tường các hộ dân phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Ảnh: BP


***



Tin thế giới

Tình hình nước Mỹ
CNN đưa tin: Trump hỏi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rosenstein, rằng ông có thuộc phe của Trump hay không. Bài báo cho biết, khi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đến tòa Bạch Ốc hồi tháng 12 vừa rồi để nhờ Trump giúp ông trong cuộc điều tra vụ Nga xen vào bầu cử Mỹ, thì bị ông Trump hỏi, ông Rosenstein có thuộc nhóm của Trump hay không.

Đây là nhân vật thứ ba thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã bị Trump hỏi những câu để xem họ có trung thành với Trump hay không. Người thứ nhất là James Comey, cựu Giám đốc FBI, đã bị Trump bắt hứa phải “trung thành” với ông ta, cuối cùng đã bị Trump sa thải. Người thứ hai là Phó Giám đốc FBI McCabe, cũng đã từng bị Trump hỏi: McCabe đã bỏ phiếu bầu ai. Trump chỉ chọn người trung thành với ông ta, thay vì chọn người để phục vụ nước Mỹ.



Bán đảo Triều Tiên
VOA đưa tin về “Bạch thư về Những Vi phạm Nhân quyền ở Hoa Kỳ năm 2017”, do Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Triều Tiên công bố ở Geneva, nói rằng: Triều Tiên: Chính quyền Trump ‘kì thị chủng tộc’. Bình Nhưỡng cáo buộc chính quyền Trump là “câu lạc bộ của các tỉ phú dung dưỡng một ‘chính sách kì thị chủng tộc’ trong khi khước từ quyền tự do báo chí và bảo hiểm y tế cho người dân“.


Lò lửa Trung Đông
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Viết lại Hiến pháp Syria, tương lai nào cho ông Assad? Đại hội đối thoại dân tộc Syria do Nga bảo trợ đã kết thúc, nhưng nó chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài để có hòa bình thực sự ở Syria. Đại hội đã thông qua 3 văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung, lời kêu gọi của các đại biểu và danh sách Ủy ban soạn thảo Hiến pháp.

Vẫn chưa rõ số phận của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ ra sao, khi tên ông không được nhắc đến trong tuyên bố chung ở Sochi. Tuyên bố chung nêu rõ: “Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái… không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính”. Chỗ nào cho tổng thống độc tài Assad?

Sự thất bại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông đã tạo điều kiện cho al Qaeda trỗi dậy. Báo Sài Gòn GP có bài: Kết cục không lường trước. Dẫn nguồn từ báo Guardian, cho biết, “khi nhìn thấy sự suy tàn của IS trên mặt trận Trung Đông, al Qaeda đã không bỏ lỡ cơ hội tích cực tuyên truyền nhằm thu hút các chiến binh rời IS và đến gia nhập tổ chức này“.




***











No comments:

Post a Comment

View My Stats