Thursday 8 February 2018

BẢN TIN SÁNG 8/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
BBC đặt câu hỏi: ASEAN tránh đụng TQ trên bầu trời Biển Đông? Bài viết dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen phát biểu: “Chúng tôi hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết, nhưng đó là chủ đề rất, rất phức tạp… Tranh chấp đã kéo dài cả thế kỷ. Việc trông đợi sẽ đạt được bộ quy tắc ứng xử trong vòng một năm là không thực tế”.

Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, hôm qua lực lượng không quân Trung Quốc cho biết đã triển khai các chiến đấu cơ Su-35 để “tham dự một cuộc tuần tra chiến đấu ở Biển Đông. Tuyên bố của không quân Trung Quốc không nêu thời gian diễn ra cuộc tuần tra, cũng như địa điểm cụ thể nào ở Biển Đông”.

RFA đưa tin: Trung Quốc khoan thăm dò và khai thác tại biển Đông. Theo đó, Trung Quốc vừa công bố, “nước này đã hoàn tất việc khoan sử dụng nhiệt độ và áp suất cao ở khu vực Biển Đông” vì mục đích tìm kiếm nguồn năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Theo tin từ Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc, ông Lý Trung, kỹ sư trưởng Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, nhận định: “Việc khoan thành công là bằng chứng hơn nữa cho thấy nước này đã làm chủ công nghệ khoan nhiệt độ và áp suất cao, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thiết lập khu vực dự trữ khí đốt tự nhiên ở biển Đông”. Vị trí “khoan thành công” chính là “vùng trũng Yingghai tại biển Đông mà Việt Nam gọi là Bể Sông Hồng”.


Quan hệ Việt – Trung
TBT Nguyễn Phú Trọng khoe khoang chuyện tiếp CTN Tập Cận Bình: “Tôi nói thẳng mà ông Tập Cận Bình không hề tự ái”, theo báo Dân Trí. Ông Trọng mang chuyện ông Tập và ông Trump đến thăm cùng một ngày để đánh giá về “vị thế” của Việt Nam: “Có lẽ ít khi nào trong một ngày, chúng ta đón 2 nguyên thủ những nước lớn, quan trọng nhất thế giới đến thăm”.

Ông Trọng nói về “tình hữu nghị anh em” trong lúc gặp ông Tập: “Ông ấy đến ăn sáng ở đây, tôi nói hết. Tôi nói tình đồng chí anh em muốn giữ được thì phải tin nhau mà muốn tin nhau thì việc làm phải đúng như lời nói. Tôi nói thẳng như thế mà không thấy ông ấy tự ái gì”. Việc gì ông Tập phải tự ái khi ông ta liên tục “nói một đàng, làm một nẻo”, lại được việc mà không bị trừng phạt?


Vụ án Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong
Nhà báo Trương Duy Nhất đặt câu hỏi: Tại sao chống Formosa là chống nhà nước? Một số nhà hoạt động môi trường phản đối Formosa đã bị kết án nặng nề về tội “chống nhà nước” như: Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm, Trần Thị Nga 9 năm, Nguyễn Văn Hoá 7 năm, Hoàng Đức Bình 14.

Ông Nhất nêu thắc mắc: “Tại sao kẻ đầu độc môi trường, huỷ hoại đại dương, phá tan nền kinh tế và cướp đi cuộc sống mưu sinh của hàng chục triệu đồng bào, lại được bảo vệ, được tự do kinh doanh. Trong khi những công dân lên tiếng phản đối hành vi huỷ hoại tàn độc đó lại bị coi là phạm tội? Kết án một người lên tiếng chống Formosa, coi hành vi chống Formosa là ‘chống nhà nước’, thì nhà nước ấy, chính phủ ấy đã mặc nhiên thừa nhận họ là nhà nước của Formosa, chứ không phải nhà nước của nhân dân“.

Một cộng tác viên Tiếng Dân trò chuyện với anh Hoàng Hảo, em trai Hoàng Bình, cho biết: “Hoàng Hảo bị đánh nặng nhất vì không cung cấp mật mã mở điện thoại cho họ. Có bác sỹ ngồi bên cạnh để cấp cứu cho Hoàng Hảo tỉnh để công an đánh tiếp. Hoàng Hảo nhiều lúc xỉu và lên cơn co giật nhưng họ vẫn đánh tiếp chứ không đưa đi bệnh viện.
Sau khi đánh một hồi thì công an bắt Hoàng Hảo phải ký nhận và lăn tay là tự nguyện lên đồn công an, không bị ép buộc, không xảy ra xô xát, không bị đánh đập tra tấn. Sau khi Hoàng Hảo ký xong thì bị đánh tiếp còn nặng hơn. Họ dùng dùi cui, mũ bảo hiểm đánh vào cả những phần nguy hiểm như đầu, ngực, bụng. Đến 2h chiều khi phiên toà đã xử xong thì họ thả cả nhà về. Người chỉ huy đám tra tấn người tuyên bố: ‘Tụi tao và tụi mày là kẻ thù’.”

RFA đưa tin: Hoa Kỳ lên tiếng về bản án đối với nhà hoạt động Hoàng Bình. Theo bài viết, ngày 7/2/2018, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã lặp lại tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Heather Nauert: “Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về bản án mà nhà chức trách Việt Nam tuyên phạt đối với hai nhà hoạt động môi trường ôn hòa là Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong”.

Sau khi ông Hoàng Bình bị kết án 14 năm tù, đã có phong trào đòi trả tự do cho Hoàng Đức Bình trên mạng xã hội, theo RFA. “Những người tham gia phong trào này cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho anh Hòang Đức Bình, tạo nên hashtag #freehoangducbinh”.

Ca sĩ tự do Nguyễn Tín bình luận về khả năng chính quyền đàn áp những người đòi tự do cho ông Hoàng Bình: “Tôi cũng có lường trước về chuyện đàn áp, nhưng mà nếu ai cũng sợ, ai cũng không dám lên tiếng thì những cái xấu không được biết”.

Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin: Nữ nông dân giữ đất sắp mãn án thứ hai. Bài báo viết về bà Cấn Thị Thêu, là người đã kiên quyết “giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông – Hà Nội”, sẽ mãn án 20 tháng tù giam vào ngày 10/2/2018.

Anh Trịnh Bá Phương, con trai bà Thêu, chia sẻ: “Cháu có nói chuyện với Mẹ qua điện thoại thì Mẹ có nói đã làm việc với giám thị và ngày 10 tháng 2 dương lịch tới đây Mẹ cháu sẽ rời trại giam Gia Trung và cháu và bố cháu sẽ vào đón ạ”.

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng nhận định về bà Thêu: “Chị đã rất nổi bật trong phong trào cùng những người nông dân khác giữ đất… nhà cầm quyền có những chính sách cướp đất đai của người dân, đẩy người dân vào tình trạng mất đất, mất nhà, mất ruộng vườn”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm cho biết: Sức khỏe blogger Mẹ Nấm trong tù không tốt, theo RFA. Bà Lan chia sẻ: “Ngoài thăm hỏi thì tôi thấy Quỳnh có vẻ buồn, tôi có hỏi tại sao, thì Quỳnh có nói là tiền sử gia đình là huyết áp thấp. Nhưng sao vô đây con mệt và đau đầu, người ta đo cho con thì huyết áp trên 150. Ở nhà thì con vẫn uống Para bình thường nhưng vô đây uống thì bị phản ứng mặt sưng lên”.

Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương cho biết“Hiện nay cộng sản tiếp tục khủng bố gia đình tôi”. Theo đó, Công an tỉnh Đồng Nai bắt Mục sư Đoàn Văn Diên từ ngày 24/12/2017 “mà không có bất cứ lệnh bắt hay bất cứ giấy tờ gì”. Đến ngày 30/1/2018, phía công an yêu cầu ông Đoàn Huy Tâm, anh của ông Chương, đến bảo lãnh Mục sư Diên.

“Vào ngày 3/02/2018 công an Đồng Nai lại tiếp tục bắt ba tôi cũng với lý do như lần trước là mời lên dể hợp tác điều tra. Nhưng lần này thì họ nói thẳng với anh tôi là điều tra ba tôi để bắt tôi… Nhưng cho đến nay cũng đã qua 4 ngày nhưng họ vẫn không thả ba tôi”.

Dân oan Trương Minh Hưởng viết về hành trình “đi đòi công lý” kéo dài hơn 11 năm, với “gần 500 văn bản có con dấu hành chính của các cơ quan tư pháp, hành pháp và luật pháp”. Ông Hưởng thông báo: “Nay rất vinh hạnh được Tòa án tỉnh Hà Nam thụ lý và đưa vụ án hành chính của tôi kiện ông Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng Phạm Hồng Sơn ra tòa, với nội dung là không giải quyết đơn khiếu nại của tôi theo quy định pháp luật”.

Phiên tòa xử vụ kiện của ông Hưởng sẽ “diễn ra vào hồi 7 giờ, 30 phút sáng ngày 12/02/2018 tức ngày 27 tết âm lịch vào sáng thứ 2 tuần sau, địa điểm Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam”.

Bài thứ ba trong loạt bài trên báo Người Đưa Tin về nỗi oan đến tận lúc chết của ông Mưu Quý Sường: Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Day dứt lời di chúc của người quá cố.

LS Nguyễn Văn Hòa, người đã nhận lời trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Sường, chia sẻ: “Tôi tự đặt mình vào vị trí của ông Sường thời điểm đó mà suy nghĩ:… điều một người lính khát khao nhất sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng là trở về quê hương với gia đình, vợ con. Một người như ông Sường liệu có thể tự tay giết chết mẹ của các con mình?”


Chính trường Việt Nam
VOA đưa tin: Ông Trọng ‘lo’ vì vụ Nguyễn Xuân Anh. Khi phát biểu trước các trí thức và các văn nghệ sĩ trước Tết, ông Trọng đã đề cập đến những rủi ro chính trị ở Đà Nẵng: “Khi đó chúng tôi cũng lo lắm, khi sự kiện 12.000 người tham dự, toàn nguyên thủ quốc gia các nước hàng đầu thế giới tới dự mà bão thì rập rình, mà chúng ta thì vừa xử lý đến cả Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Thành uỷ đương nhiệm của thành phố”.

Về diễn tiến sắp tới của chiến dịch “đốt lò”, bác Tổng cho biết rằng vụ xử ông Thăng vì những sai phạm ở OceanBank sẽ diễn ra sau Tết Âm Lịch, “để không khí không nặng nề dịp vui xuân…  Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế”.

RFA có bài: Từ vụ ông Lê Phước Thanh: ‘Sẽ không còn khái niệm hạ cánh an toàn!’ Về chuyện ông Thanh bị “cách chức” bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, dư luận đặt câu hỏi: “Cách chức một chức vụ không còn đảm đương nữa để làm gì?” LS Trần Quốc Thuận, cựu Trưởng ban Quốc hội, giải thích: “Dĩ nhiên có người thấy lạ, nhưng đó là 1 hình thức kỷ luật mới. Trong tiếp xúc cử tri, các người lãnh đạo cũng giải thích đây là hình thức kỷ luật mới”.

Nhà báo Trương Duy nhất bình luận về chuyện cách chức một chức vụ không còn đảm đương: “Tôi nghĩ nếu gọi đúng thì dùng từ là tước hàm. Đối với ông Lê Phước Thanh là tước hàm Bí thư, hoặc như ông Vũ Huy Hoàng trước đây là tước hàm Bộ trưởng”. Nghĩa là ông Thanh và ông Hoàng không còn được hưởng “bổng lộc” từ chức cũ. Đó là lý do “không có khái niệm hạ cánh an toàn nữa”.

Vụ Vũ “nhôm”
BBC đưa tin: Ông Anh Vũ bị khởi tố và tạm giam bốn tháng. Về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà Bộ Công an vừa trích dẫn để khởi tố Vũ “nhôm”, tác giả nhận định: “Theo luật Việt Nam, tội lợi dụng quyền hạn là tội dành cho các quan chức nhà nước, trong đó có quan chức ngành công an”.

Hãng tin Reuters cho biết: “Họ chưa liên lạc được với ông Vũ và chưa xác nhận được có luật sư nào đại diện cho ông Vũ ở Việt Nam hay không”. Trước đó, chính quyền Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan gồm Sở Tư pháp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng “tạm dừng tất cả giao dịch và chuyển đổi chủ sở hữu tài sản trên địa bàn Đà Nẵng của ông Phan Văn Anh Vũ”.


Sau 88 năm “đời dân có đảng”
VnExpress đưa tin: Chính phủ cấp hơn 5.000 tấn gạo cứu đói dịp Tết cho 7 tỉnh. Thủ tướng giao Bộ Tài chính cấp hơn 5.504 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Định, Đắk Nông, Đắk Lắk, Sóc Trăng và Kon Tum. Nhờ vậy mà ở Đắk Nông: Hơn 27000 người nghèo được cấp gạo cứu đói ăn tết.

Tỉnh Yên Bái, nơi có ông quan Phạm Sỹ Quý nhờ buôn chổi đót, nuôi heo mà xây biệt phủ khá to, thế nhưng ông lại không chịu giúp đỡ người dân tỉnh nhà bớt nghèo, để họ phải nhận gạo cứu đói từ chính phủ: Gạo hỗ trợ tết đã đến với người dân nghèo Yên Bái, theo TB Tài Chính VN. Cụ bà Đinh Thị Tự, 80 tuổi, nói: “Số gạo này đủ cho tôi ăn qua mùa giáp hạt”.

Riêng huyện nghèo Mường Khương, tỉnh Lào Cai, người dân không cần gạo, chỉ cần xem bắn pháo hoa, có thể quên đi đói, nghèo. Báo Người Lao Động có bài viết về thực trạng này: Đừng để no mắt – đói lòng. “Tình trạng vừa xin gạo cứu trợ vừa tổ chức bắn pháo hoa linh đình này đã diễn ra nhiều năm rồi. Tuy không có gì sai trái nhưng đặt 2 hoàn cảnh cạnh nhau luôn gây chạnh lòng“.


Dự án và môi trường
Báo Người Lao Động đưa tin: Lo mất rừng bởi dự án sân golf. Đó là dự án sân golf trên diện tích khoảng 197 ha rừng thông tại 2 xã Glar, Tân Bình của huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, đang đe dọa “hàng ngàn cây thông hàng chục năm tuổi”.

Theo ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai, sở này gửi văn bản đến Công ty CP Đầu tư Hội Phú để làm rõ về dự án sân golf tại huyện Đắk Đoa. Tuy nhiên, “công ty xin ‘khất’ qua Tết nguyên đán vì đây là vấn đề lớn, chưa thể quyết định”.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư Huyện ủy Đắk Đoa, thì “hy vọng” rằng chuyện làm sân golf có thể “kết hợp” với du lịch sinh thái và “sẽ không ảnh hưởng nhiều và cũng muốn giữ cây thông để làm du lịch sinh thái vì cây thông rất đẹp”. Phải chăng nhờ “phí bôi trơn” mà một lãnh đạo huyện ủy lại trở nên “ngây thơ” như vậy?

Thêm dự án tàn phá môi trường ở Bình Định: Doanh nghiệp khai thác ti tan phá đường dân sinh và xâm thực đất rừng, theo báo Người Đưa Tin. Khi ký giấy phép khai thác khoáng sản với UBND tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Khoáng sản Thành An đã “cam kết” bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, họ đã “bảo vệ” bằng cách “bức phá hai con đường dân sinh, xâm thực vào đất trồng rừng của người dân”.

Một người dân địa phương chia sẻ: “Mặc dù khu vực thôn Hội Lợi nơi công ty TNHH Khoáng sản Thành An đang khai thác titan đã bị giải tỏa… Thế nhưng… người dân đều phải qua con đường dân sinh ở thôn Hội Lợi hàng ngày làm ăn sinh sống”.


“Lăng mộ” 1.400 tỷ
Báo Người Lao Động bàn về vụ xây nghĩa trang 1.400 tỉ đồng: Đừng tạo sự xa cách với dân! GS. TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích về sự hợp lý của dự án này trong tình hình Việt Nam hiện nay: “Nếu thực hiện dự án sẽ gây ‘sốc’ trong nhân dân, làm giảm khí thế của công cuộc chỉnh đốn Đảng mà chúng ta đã xây dựng trong thời gian vừa qua… đáng lo nhất là việc xây nghĩa trang ngàn tỉ cho cán bộ cấp cao sẽ tạo khoảng cách giữa cán bộ với người dân”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: “Cán bộ là đầy tớ của dân, công bộc của dân, gần dân, vậy khi chết có nên xa nhân dân hay không? Xây dựng một khu nghĩa trang riêng cho cán bộ cấp cao liệu có tạo nên được sự tôn vinh, hay gây ra bức xúc, phản cảm trong xã hội?”


Tin pháp luật
Về Luật Tố cáo sắp được sửa đổi: Chấp nhận tố cáo qua điện thoại nhưng sẽ xác minh làm rõ nhân thân người tố cáo, theo trang VnMedia. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển “đề nghị không nên có tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” . Đề nghị phải tố cáo trực tiếp, đảm bảo xác định độ chính xác của tố cáo. Nếu tố cáo qua điện thoại thì sẽ khó khăn, tính khả thi không cao”. Nói cách khác, những người muốn tố cáo nên tự “nộp mình” ở các cơ quan hữu trách, để các “đồng chí” dễ bảo vệ nhau.

Báo Pháp Luật Plus đưa tin: TP HCM: Chính quyền địa phương “bất lực” với nhóm người coi thường pháp luật?Bài báo cho biết: Thời gian qua, có một nhóm người liên tục kéo tới “khủng bố” gia đình ông Vũ Ngọc Kim, ở quận Bình Thạnh, TP HCM khiến gia đình ông Kim phải “sống trong khốn khổ, hoang mang, bị cấm cửa”.

Người đại diện cho gia đình ông Kim chia sẻ: “Họ dán dấy và viết lên cổng nhà với nội dung bôi nhọ chưa đủ, họ còn dán giấy rao bán ngoài cột điện công cộng. Ngang nhiên rao bán nhà người khác đang sở hữu”. PV báo PL Plus cho biết đã “phản ánh tới UBND phường 17, Công an phường 17 quận Bình Thạnh về nội dung kêu cứu của gia đình ông Kim”. Tuy nhiên, “sự việc đến nay vẫn tiếp diễn”.


Giáo dục Việt Nam: Vẫn bế tắc dù có thêm “giáo sư”

Tạp chí Times Higher Education của Anh vừa công bố bảng xếp hạng những trường đại học hàng đầu châu Á với hơn 350 trường từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, “nhưng không có tên đại diện nào của Việt Nam”. Lý do: “Bảng xếp hạng Times Higher Education nhấn mạnh đến vai trò của nghiên cứu”.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng “lạm phát” giáo sư ở Việt Nam: Công nhận giáo sư, phó giáo sư: Không nghiên cứu, không đi dạy vẫn đủ chuẩn! PGS Phan Quang Thế, Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp ĐH Thái Nguyên, giải thích về 3 tiêu chuẩn “khó mà dễ” để lựa chọn giáo sư ở Việt Nam:

“Yêu cầu GS, PGS là phải có tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của PGS, GS hiện nay theo tôi là không ổn, khi mà họ chỉ có chứng chỉ trong nước cấp… Yêu cầu về sách là vô nghĩa khi mà thời buổi này ai viết và viết về cái gì cũng in được hết, cứ có tiền là in được, kể cả của NXB Khoa học kỹ thuật. Việc có bài báo in ở tạp chí trong nước cũng dễ thế thôi”.

Cho nên mới có chuyện Việt Nam không có trường đại học nào lọt vào danh sách 350 đại học tốt nhất châu Á dù có quá nhiều giáo sư, phó giáo. Đám “tư bản giãy chết” vốn không quan tâm tới đống danh hiệu, tước vị ở Việt Nam, mà chỉ trân trọng những đóng góp có giá trị thực chất.


***


Tin quốc tế

Tin nước Mỹ
Truyền thông thế giới đưa tin sự kiện tên lửa Falcon Heavy của Elon Musk phóng thành công. Tỷ phú Mỹ Elon Musk, Giám đốc điều hành của SpaceX, là công ty chuyên sản xuất các thiết bị vũ trụ, hôm qua đã phóng thành công siêu tên lửa Falcon Heavy từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida. Không những thế, hai trong số ba tên lửa đẩy sau khi tách ra, cũng đã hạ cánh trở về trái đất cùng lúc.

Tên lửa Falcon Heavy được phóng hôm qua trị giá 90 triệu Mỹ kim. Nó nằm trong dự án tư nhân của tỷ phú Musk, với tổng trị giá $500 triệu Mỹ kim. Tất cả đều do tiền túi của nhà tỷ phú này bỏ ra, hoàn toàn không có sự tài trợ của chính phủ Mỹ.

Mời xem clip phóng tên lửa Falcon Heavy từ CNN: https://www.youtube.com/watch?v=_ly1vzVHMsc



Tin Bắc Hàn
BBC đưa tin: Em gái Kim Jong-un sẽ tới Seoul dự Olympic. Các quan chức Seoul cho biết, người em gái út của lãnh tụ Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong, 31 tuổi, con dâu của thống chế Choe Ryong Hae, nhân vật số 2 của Bình Nhưỡng, sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội ở Seoul vào thứ Sáu ngày 9/2.

Phóng viên BBC, Laura Bicker từ Seoul cho rằng, đây là dấu hiệu chứng tỏ Kim Jong-un nghiêm túc muốn cải thiện quan hệ với Nam Hàn. “Kim Yo-jong là một trong những trợ lý thân cận nhất của Kim Jong-un, và có người đoán bà có thể mang một thông điệp riêng của anh trai tới Seoul“.

BBC có cây gia phả về gia đình Kim Jong-un:

VOA có tin: Gia đình giáo sư Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ lên tiếng. GS Tony Kim, 59 tuổi, người Mỹ gốc Hàn, đã được mời dạy môn kế toán tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng. Ngày 22/4/2017, trong lúc đang chuẩn bị rời Triều Tiên, thì ông bị bắt tại sân bay Bình Nhưỡng.

Gia đình GS Tony Kim không biết lý do vì sao ông bị bắt giữ, cũng không nhận được tin tức gì về ông kể từ tháng 6/2017, khi đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ là Joseph Yun gặp ông Kim, nhân dịp Bắc Hàn trả sinh viên Otto Warmbier về Mỹ. Người con trai cả của ông là Sol Kim đã lên tiếng trên Facebook về cha mình:


Trung Quốc
RFI có bài: «Con đường tơ lụa mới»: Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc. Tác giả Michel De Grandi có bài viết trên nhật báo Les Echos, tựa đề “Con đường tơ lụa mới: Kế hoạch thực sự của Tập Cận Bình”. Bài viết có đoạn:

“‘Con đường tơ lụa mới’ mang lại tầm vóc cho ngoại giao kinh tế, giúp Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài Hoa lục. Nhưng không chỉ có thế. Dự án này còn xuất khẩu quyền lực mềm của Trung Quốc và quyết tâm nhào nặn lại thế giới. Tập Cận Bình và Trung Quốc muốn lãnh đạo việc tái tổ chức các định chế toàn cầu“.


Chống tham nhũng của TT Philippines
Quyết tâm chống tham nhũng của TT Duterte bằng cách cho ủi nát những chiếc xe trị giá hàng trăm ngàn đô. VOA cho biết, đây là những siêu xe buôn lậu, đã bị Cục Hải quan Phillipines thu giữ, trị giá 2,93 triệu đô la. Mời xem clip phá hủy xe:


***

***









No comments:

Post a Comment

View My Stats