Monday 5 February 2018

BẢN TIN SÁNG 5/2/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Trung Quốc đẩy mạnh thử nghiệm thiết bị quân sự công nghệ mới. Theo đó, “bạn vàng” tiếp tục thử nghiệm công nghệ quân sự mới phục vụ hải chiến cho mục đích “bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc” trong các vùng tranh chấp lãnh hải, bao gồm Biển Đông.

Theo tin từ Tân Hoa Xã, “Hải Quân Trung Quốc và ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc đã ký thỏa thuận ‘hiện đại hóa toàn bộ’ hệ thống viễn thông dân sự. Dự án được ký kết sẽ tăng số lượng các trạm viễn thông trên các đảo hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, gồm đảo Phú Lâm, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn”.

Hộ tống hạm loại 054A thuộc lớp Giang Khải II (Jiangkai II) của quân đội Trung Quốc trong đợt tập trận RIMPAC năm 2014. Nguồn: CC/ U.S. Navy


Quan hệ Việt – Trung
RFI đưa tin: Trung Quốc và Việt Nam có thể lập hệ thống kiểm soát cửa khẩu chung. Theo thông tin từ Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, “một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Hà Nội đang thảo luận lập một hệ thống: ‘Hai quốc gia, một trạm kiểm soát’. Dự án dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 5 năm nay”.

Ông Giản Hưng Siêu, phó thị trưởng thành phố Phòng Thành Cảng, cung cấp thêm thông tin: “Việt Nam và Trung Quốc dự định mở thí điểm hai trạm kiểm soát cửa khẩu chung. Điểm đầu tiên là tại Phòng Thành Cảng, vùng biên giới Đông Hưng – Móng Cái. Điểm thứ hai là tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan giữa thành phố Lạng Sơn của Việt Nam và Bằng Tường của Trung Quốc”.

Có lẽ các quan chức CSVN vẫn tin rằng “bạn vàng” thí điểm chuyện này chỉ vì lý do kinh tế, dù “bạn vàng”  từng dự định dùng Lạng Sơn mở đường vào Hà Nội trong cuộc chiến biên giới 1979.

Hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc bò sang Việt Nam ở một cửa khẩu biên giới. Ảnh: Reuters/RFI


Nhân quyền ở Việt Nam
VOA đưa tin: Mỹ kêu gọi Việt Nam thả tù nhân vấp ‘cáo buộc mơ hồ’. Bài viết nhắc lại lời Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội tuyên bố hôm 2/2/2018: “Hoa Kỳ ủng hộ quyền của người dân trong việc tự do biểu đạt ý kiến”. Đại sứ quán Mỹ bày tỏ “quan ngại về các bản án mới đây đối với Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc và Hồ Văn Hải với cáo buộc mơ hồ ‘tuyên truyền chống nhà nước’.”

Tác giả cho biết thêm: “Không chỉ đại sứ quán Mỹ, mà nhiều cơ quan ngoại giao ở Hà Nội và các tổ chức nhân quyền từng cho rằng tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ ‘mơ hồ’ và ‘được dùng nhằm bịt miệng các tiếng nói bất đồng’.” Lãnh đạo CSVN vẫn tiếp tục phủ nhận các cáo buộc “đàn áp” những người bất đồng chính kiến, bất chấp chuyện các phiên tòa xử tù người đấu tranh ôn hòa vẫn đều đặn diễn ra.

Đất nước và “ơn đảng”
Đảng có mạnh, đất nước mới phồn vinh là tiêu đề của bài phỏng vấn TBT Nguyễn Phú Trọng trên trang VietNamNet. Theo lý lẽ của bài báo này, sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự tồn vong của đảng CSVN. Thế nhưng,  trong khi “đảng ta” chưa được trăm tuổi, thì đất nước Việt Nam đã chống lại dã tâm của “bạn vàng” trong suốt hơn 2 thiên niên kỷ.

Bài phỏng vấn chủ yếu nói về chuyện xây dựng đảng, chiến dịch “đốt lò”, công tác cán bộ, và không có một từ nào về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Có lẽ tự bác Tổng hiểu rằng sau khi có đảng, người Việt Nam mới mất chủ quyền ở thác Bản Giốc, ải Nam Quan, như VOA từng phân tích.

Báo Đất Việt kêu gọi: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, bài viết chỉ nêu một số hoạt động của lãnh đạo CSVN trong mấy ngày qua, mà không nói rõ lý do tại sao người dân phải tiếp tục tin đảng. Trong khi, giá xăng dầu ngày càng tăng và đã vượt cả Thái Lan, theo báo Dân Trí; đảng đầu tư nghìn tỷ làm dự án thì dự án “đắp chiếu”, không thể có sản phảm chứ đừng nói là bù lỗ, báo Tiền Phong đưa tin; đất nước còn nghèo thì đảng tính đem 1.400 tỷ xây “lăng mộ”, theo báo Người Đô Thị.


Người dân và chính trị
Báo Thanh Niên đưa tin: Hơn 500 người mua nhà ở xã hội co ro đòi nhà trong giá rét. Bài báo cho biết: “Sáng 3/2, mặc giá rét chỉ trên dưới 10 độ C, cả trăm người dân mua nhà ở xã hội dự án AZ Thăng Long… đã tập trung căng băng rôn, khẩu hiệu kêu cứu Chính phủ và các cơ quan ban ngành, đề nghị vào cuộc vào cuộc để chủ đầu tư thi công bàn giao trả nhà cho người mua”.

Anh Trịnh Duy Minh, một người mua nhà dự án này, chia sẻ: “Đến nay đã quá hạn bàn giao nhà nhưng công trình vẫn chỉ là khối bê tông, chưa đi vào hoàn thiện… đa phần người mua nhà ở dự án này đều là lao động có thu nhập thấp, phải đi thuê nhà”.

Người mua nhà dầm mình trong giá rét căng băng rôn tố chủ đầu tư dự án AZ Thăng Long lừa đảo. Ảnh Lê Quân/ TN

Từ sự kiện này, LS Lê Văn Luân viết: Con người là sinh vật chính trị. Bài viết bàn về nghịch lý ở Việt Nam: Khi người dân còn tin đảng, phê phán hành động xuống đường biểu tình của các nhóm dân oan, giáo dân, người đấu tranh, tuy nhiên, đến khi quyền lợi của họ bị xâm phạm thì họ không còn cách nào khác là hành động giống như những người họ từng phê phán.

LS Luân nhận định: “Chỉ đến khi lợi ích của chính họ bị xâm hại một cách trực tiếp, họ mới biết lên tiếng để đấu tranh và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình, mà chúng bị tước mất bởi những kẻ lợi dụng vào những lỗ hổng của luật pháp, của sự thờ ơ của chính những nạn nhân với hiện tình của xã hội”.

Báo Dân Trí có bài: Dân nhận tiền ủng hộ lũ lụt phải… trích phần trăm “chè nước”! Bài báo bàn về “tình thương dân” của cán bộ xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa: “Dù thiệt hại hàng tỷ đồng vì mất trắng đồng tôm trong đợt áp thấp nhiệt đới nhưng khi người dân được nhà nước hỗ trợ tiền lại bị chính quyền địa phương ‘xin’ phần trăm để…’chè nước, đi lại’.”

Một người dân chia sẻ: “Nhà tôi bị bão lụt cuốn trôi mất 1,7 ha tôm đang chuẩn bị tới kỳ thu hoạch, thiệt hại nhiều tỉ đồng, chỉ được nhà nước hỗ trợ khoảng hơn 5 triệu. Đợt này mới nhận có 3 triệu đồng, hôm nhận xã thu luôn 150.000 đồng/1 triệu đồng”.


Khi cán bộ làm “bảo kê”
Báo Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin: Bình Định: Doanh nghiệp khai thác ti tan phá đường dân sinh và xâm thực đất rừng của dân. Theo bài viết, “Công ty TNHH Kháng sản Thành An được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác sa khoáng titan làm sạch môi trường”. Tuy nhiên, đến lúc khai thác, Công ty Thành An vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa phá hoại “hai con đường dân sinh, xâm thực vào đất trồng rừng của người dân”.

Một mặt, ông Ngô Văn Tổng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định khẳng định: “Ban đã yêu cầu Công ty TNHH Khoáng sản Thành An ngừng hoạt động”. Mặt khác, PV báo TN&MT ở hiện trường ghi nhận: “Công ty TNHH Khoáng sản Thành An vẫn đang tiến hành hoạt động khai thác titan tại đây?!”

Công ty TNHH Khoáng sản Thành An khai thác titan làm bức phá đường dân sinh đi qua thôn Hội Lợi. Ảnh: TN&MT

Báo Hà Tĩnh có bài: Lợi dụng chở đất xây dựng NTM, xe quá tải “băm” nát đường làng! Bài báo cho biết: “Dù mới được đầu tư xây dựng chưa đến 2 năm nhưng tuyến đường bê tông ở thôn Tứ Xuyên, xã Vĩnh Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) hiện đang hư hỏng từng ngày. Nguyên nhân là do xe quá tải trọng đi vào khu vực đồi núi trong thôn để chở đất”.

Ông Đặng Văn Đại, trưởng thôn Tứ Xuyên chia sẻ: “Chúng tôi đã phản ánh với chính quyền xã. Người dân cũng đã rào lại một số tuyến đường nhưng xe quá tải trọng vẫn tiếp tục chạy. Nay tuyến chính xe chạy nhiều nên đã nứt nẻ và bắt đầu hỏng”. Không lẽ chính quyền địa phương chịu thua cả mấy chiếc xe chở đất?

Báo Gia Đình và Pháp Luật đặt câu hỏi: Khánh Hòa: Ai ‘bảo kê’ cho lò mổ không đủ điều kiện vẫn hoạt động? Theo đó, lò mổ heo của gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Hương tại thôn Phú Cang 2, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh “không cung cấp được các giấy tờ cho phép giết mổ tại thời điểm kiểm tra” vào tháng 1/2018. Tuy nhiên, “thay vì cho ngưng hoạt động thì chính quyền địa phương lại ‘tạo điều kiện’ để lò mổ tiếp tục hoạt động”.

“Người dân nơi đây vô cùng bức xúc và hoài nghi việc chính quyền đang “bảo kê” cho cơ sở giết mổ này hoạt động”. Một người dân địa phương chia sẻ: “Từ khi lò mổ này hoạt động mọi sinh hoạt của chúng tôi đã bị đảo lôn. Người dân xung quanh lò mổ hằng ngày phải sống chung với mùi hôi thối”.


Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng
Báo Zing đưa tin: Sáng nay tòa tuyên án với Trịnh Xuân Thanh cùng 7 đồng phạm. Theo đó, “9h hôm nay, 5/2 (sau một ngày nghị án) TAND Hà Nội sẽ tuyên án với Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và 6 bị cáo khác” trong vụ án tham nhũng ở PVP Land.

Về chuyện VKS đề nghị bản án chung thân thứ 2 cho Trịnh Xuân Thanh, đại diện VKS đưa ra lý do: “Sau khi thực hiện hành vi tham ô, bị cáo có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thật thành khẩn khai báo”. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng khai báo chưa thành khẩn, theo báo Người Lao Động, thì lại chưa phải nhận án chung thân nào. Có lẽ do ông Thăng chưa xúc phạm bác Tổng nhiều như ông Thanh.

BBC đặt câu hỏi: Vì sao Trịnh Xuân Thanh lại xin sang Đức thăm vợ con? Bài viết dẫn lời nhà báo Lê Mạnh Hùng bình luận từ Berlin: “những lời cuối tưởng như ‘ngây thơ’ của ông Thanh lại là ‘một thông điệp tương đối khéo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi tới hai địa chỉ: gia đình và nước Đức’.”

Nhà báo Hùng phân tích thêm: “Từ đầu tới giờ chúng ta chỉ theo dõi cái tuyên bố duy nhất của ông trên truyền hình, mà có bình luận cho là bị cưỡng ép, rằng ông tự nguyện về nước để đầu thú… Thành ra đây cũng là một thông điệp của ông gửi tới nước Đức để cầu mong sự ủng hộ của nước Đức rằng trước sau ông cũng muốn trở lại Đức”.


“Đảng ta” bán “lúa giống”
Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa thể hiện: Số lượng các doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh.  


Báo Công Lý bàn về “di sản” cổ phần hoá thời ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng: Nhìn lại hồ sơ Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn. Theo bài viết, chuyện cổ phần hóa “tại Công ty TNHH MTV Phục vụ mặt đất Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam) – nay là Công ty cổ phần mặt đất Sài Gòn được phản ánh có bộc lộ một số bất cập cần được làm rõ”, điển hình là vấn đề định giá tài sản “còn thấp so với thực tế”, có thể “gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tài sản Nhà nước”.

PV cho biết, “đã liên lạc với một số cán bộ từng chứng kiến và tham gia công tác quản lý liên quan đến cổ phần hoá doanh nghiệp trên để làm rõ”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Hùng “nay đã nghỉ hưu không có phản hồi”. Còn ông Vũ Anh Minh và ông Nguyễn Chiến Thắng đều trả lời: “Những nội dung trên, đề nghị phóng viên làm việc với Bộ GTVT”.

Giá trúng đấu giá bình quân là 44.693 đồng/cổ phần nhưng giá bán cho cổ đông chiến lược chỉ 14.100 đồng/ cổ phần. Ảnh: CL


Gánh nặng BOT
Báo Thanh Niên đưa tin: Ùn ứ hơn 5 km, BOT cầu Rạch Miễu vẫn không xả trạm. Theo bài viết, giao thông ở cầu Rạnh Miễu xảy ra ùn tắc vào chiều hôm qua không phải do người dân đấu tranh, mà vì “lượng phương tiện bất ngờ đổ về cầu Rạch Miễu quá đông khiến nhiều xe phải di chuyển qua đây với tốc độ ‘rùa bò’. Đến 17 giờ 45 phút cùng ngày… lượng xe ùn ứ khi lưu thông qua Trạm BOT cầu Rạch Miễu kéo dài đến… trên 5 km”.

Về chuyện “tình trạng ùn ứ kéo dài nhưng trạm BOT cầu Rạch Miễu vẫn không xả trạm theo quy định”, Ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu chống chế rằng: “Đương nhiên, chúng tôi không xả trạm vì trước sau trạm đều di chuyển khó khăn”. Ông Nam “quên” rằng chuyện các tài xế đang di chuyển thì phải dừng lại để trả phí qua BOT đã góp phần dẫn đến cảnh ùn tắc.

Ảnh minh hoat. Nguồn: Nhốp/ TT


***


Tin thế giới

Tin nước Mỹ
BBC có bài: Tấm visa đến trễ cho bệnh nhân gốc Việt. Bài viết kể chuyện bà Helen Huỳnh bị ung thư máu, các bác sĩ nói có thể chữa trị bằng cách hiến ghép tế bào gốc và đã tìm được người em gái của bà Helen là bà Thúy, có mẫu tủy trùng khớp 100%. Nhưng bà Thúy đang sống ở VN, không xin được visa vào Mỹ.

Sau bốn lần xin visa bị từ chối, cuối cùng bà Thúy cũng đã đến Mỹ vào cuối tháng 9/2017. Nhưng bà Thúy đã không kịp cứu chị mình. Bà Helen qua đời ngày 26/1. Con bà, cô Yvonne nói: “Mỗi lần chạy hóa trị (chemo) là mẹ tôi lại yếu đi dần. Nếu như dì tôi có visa sớm hơn thì cơ hội sống sót cho mẹ tôi cũng cao hơn. Mẹ tôi có tới hai lần ung thư thoái lui (remission) nhưng dì tôi chỉ đến kịp vào lần thứ hai để phẫu thuật cấy ghép“.

Không riêng gì bà Helen Quỳnh, mà nhiều trường hợp khác cũng đã bị từ chối khi xin visa y tế vào Mỹ hoặc visa thăm người thân sắp qua đời ở Mỹ. Trường hợp cô Trinh Phan ở San Jose, California, là bệnh nhân ung thư sắp qua đời, mong ước được gặp mặt người mẹ đang sống ở VN trước khi chết, nhưng mẹ cô đã bị từ chối visa nhiều lần.

Gia đình đã phải nhờ bà dân biểu Zoe Lofgren giúp đỡ, cũng như họ lập thỉnh nguyện thư kêu gọi cấp visa cho bà Hoa, mẹ cô Trinh để bà được vào Mỹ nhìn mặt con lần cuối. Chuyện chỉ xảy ra dưới thời Trump.


Tổng thống “bị” đối xử như dân thường
Chuyện xảy ra ở Brazil: Quỹ hưu trí đòi tổng thống Temer “chứng minh còn sống”, RFI đưa tin. Tổng thống đương nhiệm Brazil, ông Michel Temer đã bị một quỹ hưu trí yêu cầu ông phải đến trình diện để chứng minh ông còn sống.
Do lãnh lương hưu từ năm ông 60 tuổi, với tư cách là cựu chưởng lý thành phố Sao Paulo, nhưng tổng thống Temer đã không đến trình diện hàng năm theo quy định của luật pháp để chứng minh còn sống, nên văn phòng đã ngừng phát lương hưu cho TT Temer từ tháng 11/2017. Để tiếp tục lãnh lương hưu, đích thân tổng thống phải đến trình diện ở văn phòng nơi phát lương hưu cho ông
Nếu là lãnh đạo độc tài, có lẽ tổng thống Temer đã ra quyết định truất phế người đứng đầu văn phòng hưu trí, dám hành ông khi ông đang bệnh tật, phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, thế nhưng, ông Temer khẳng định rằng ông “hài lòng vì được đối xử như bất kỳ công dân nào”.

Nga – Mỹ – Trung
Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 2/2 vừa qua, nhằm đối phó với những thách thức từ Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn và Iran. Trang Tổ Quốc có bài:  “Không yên” hạt nhân Nga, Mỹ bật đòn đối kháng.

Lo ngại Nga gia tăng vũ khí hạt nhân, Mỹ cũng sẽ tăng cường khả năng hạt nhân của mình. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: “Chiến lược của chúng tôi sẽ đảm bảo để Nga hiểu rằng, bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào, dù có giới hạn, là không thể chấp nhận được“.

Ngoài Nga, Trung Quốc cũng bị gọi là kẻ thù hạt nhân tiềm ẩn, trong báo cáo của Lầu Năm Góc. VOA đưa tin: Bị gọi là kẻ thù hạt nhân, Trung Quốc lên án Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc “kịch liệt phản đối” báo cáo nói trên, qua tuyên bố, có đoạn: “Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ thái độ Chiến tranh Lạnh và nghiêm túc gánh vác trách nhiệm đặc biệt trước đối với việc giải trừ hạt nhân của mình”.


Căng thẳng Bắc Hàn
Trang Zing có bài: Sứ mệnh ông chủ Lầu Năm Góc: Ngăn Trump chiến tranh với Triều Tiên. Để ngăn chặn TT Mỹ tiến hành chiến tranh với Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis bảo đảm với ông Trump rằng Washington có những phương án quân sự khả thi để ngăn chặn Bình Nhưỡng gây chiến. Ngoài ra, ông Mattis cũng cho ông Trump hiểu rõ rằng, chiến tranh gây thảm họa như thế nào.

Tư lệnh Thủy quân lục chiến, Tướng Robert Neller, cảnh báo nước Mỹ và Thủy quân lục chiến, rằng chiến tranh với Bắc Hàn “sẽ là một trận chiến vô cùng mạnh mẽ và khốc liệt trên một chiến trường thực sự khắc nghiệt và tất cả mọi người đều phải chuẩn bị tinh thần“.

Lo ngại chiến tranh giữa Mỹ với Bắc Hàn sau thế vận hội Olympic mùa đông ở Pyeongchang, Nhật Bản sẽ sơ tán công dân khỏi Hàn Quốc. Thủ tướng Abe nói với Thượng viện Nhật: “Vì sự an toàn của đồng bào, tôi sẽ đề nghị Hàn Quốc hợp tác”. Kế hoạch sơ tán gần 40.000 người Nhật ở Nam Hàn do thủ tướng Nhật lo rằng Bình Nhưỡng sẽ có hành động quân sự khi Mỹ và Nam Hàn tập trận chung sau khi Olympic mùa đông bế mạc vào ngày 18.3.


***

***









No comments:

Post a Comment

View My Stats