Monday 12 February 2018

AI CŨNG THÍCH KHIẾM HÚT NGÂN SÁCH (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
February 9, 2018

Thượng Viện Mỹ phải chờ tới 2 giờ sáng mới bắt đầu bỏ phiếu cho bản ngân sách hai năm, kết quả 71 thuận – 28 chống. Trước đó, Hạ Viện đã thông qua với tỷ số 240-186. Tổng Thống Donald Trump ký ban hành ngay, lúc 8 giờ 30 phút sáng. Thế là chính phủ Mỹ không bị đóng cửa lần nữa.

Ông Trump hài lòng, các ông McConnell và Schumer, lãnh đạo hai đảng ở Thượng Viện hài lòng, ông chủ tịch Hạ Viện Ryan hài lòng. Bà Pelosi, lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Hạ Viện cũng mở cờ trong bụng, dù ngoài mặt vẫn bỏ phiếu chống.

Tuần trước, khi Thượng Viện bàn dự luật ngân sách thì đa số các nghị sĩ Dân Chủ chống. Thêm dăm bảy nghị sĩ Cộng Hòa cũng chống, không đủ phiếu để đưa ra biểu quyết. Ngân sách cũ hết hạn, chính phủ hết tiền tiêu. Trong hệ thống chính trị Mỹ, Quốc Hội nắm quyền chi tiền. Đến ngày đến giờ, Quốc Hội chưa biểu quyết luật ngân sách mới thì hành pháp “không có tiền,” phải cho nhiều công chức về nghỉ.

Tuần này, hai ông đứng đầu hai đảng ở viện trên, Mitch McConnell (Cộng Hòa, Kentucky), Chuck Schumer (Dân Chủ, New York) đã thỏa hiệp với nhau, bảo đảm có hơn 60 nghị sĩ cả hai bên ủng hộ dự luật. Ở viện dưới, ông chủ tịch Paul Ryan (Cộng Hòa, Wisconsin) cũng đồng ý với họ. Chỉ có bà Nancy Pelosi (Dân Chủ, California), đứng đầu phe Dân Chủ ở Hạ Viện vẫn chống tới phút chót.

Ở Thượng Viện, để đạt được thỏa hiệp, ông McConnell đã chính thức hứa với ông Schumer rằng sau khi thông qua ngân sách, trong tuần tới sẽ đem bàn ngay một dự luật về di dân, liên can đến các “Dremears,” mà đảng Dân Chủ vẫn đòi phải giải quyết. Tại Hạ Viện, bà Pelosi đã phát biểu suốt 8 tiếng đồng hồ chỉ để đòi ông Ryan phải hứa giống như vậy. Nhưng bà Pelosi không chống nội dung bản ngân sách; cũng không yêu cầu tất cả các đại biểu Dân Chủ khác bỏ phiếu chống cùng với bà. Kết quả là có hơn 70 dân biểu Dân Chủ ủng hộ dự luật. Trong khi đó, lại có gần 70 dân biểu Cộng Hòa bác bỏ!

Những đại biểu Cộng Hòa chống bản ngân sách mới nêu lý do chính đáng: Họ không chấp nhận cho số khiếm hụt ngân sách gia tăng quá trớn, như họ vẫn chống trong suốt tám năm thời Tổng Thống Barack Obama. Nhờ chủ trương “chính phủ nhỏ” và “chống khiếm hụt,” đảng Cộng Hòa đã chiếm đa số cả hai viện quốc hội trong thời ông Obama cầm quyền. Chính Tổng Thống Trump cũng tranh cử với khẩu hiệu chống khiếm hụt ngân sách.

Tại Thượng Viện, Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa, Kentucky) trung thành với đường lối đó. Ông lên phát biểu vào giờ chót, kéo dài cho tới 2 giờ sáng, không cho Thượng Viện bỏ phiếu trước nửa đêm. Ông đả kích những bạn Cộng Hòa của ông đã “cấu kết với bọn Dân Chủ “chỉ thích tiêu tiền” làm hại cho dân, và đi ngược lại với các nguyên tắc của đảng Cộng Hòa… Tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ, khi đảng của tôi đang đồng lõa làm ngân sách thâm thủng hơn!” Tuần trước, chính ông Paul đã cùng với các nghị sĩ Dân Chủ chống đối nên chính phủ phải đóng cửa mấy ngày. Ở Hạ Viện, nhóm dân biểu Freedom Caucus cũng bỏ phiếu chống vì họ giữ vững chủ trương không chấp nhận khiếm hụt. Họ trông thấy trước mắt, Mỹ sẽ thâm thủng tới mức kỷ lục!

Với bản ngân sách mới này, trong hai năm tới số khiếm hụt sẽ tăng thêm $265 tỷ. Tổng số khiếm hụt có thể lên tới $1,700 tỷ trong 10 năm tới; vì chính phủ sẽ còn phải chi thêm nhiều nữa. Trong tương lai, nước Mỹ sẽ luôn luôn khiếm hụt ít nhất hàng ngàn tỷ đô la và sau 10 năm sẽ vượt mức $2,000 tỷ! Tại sao giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa lại chịu ngân sách khiếm hụt như vậy?

Các ông McConnell, Ryan và Tổng Thống Trump đều muốn tăng chi phí quân sự. Trong ngân sách mới, số tiền chi của Bộ Quốc Phòng nâng thêm $80 tỷ trong năm nay và $85 tỷ cho năm 2019, cộng với $140 tỷ cho chi phí bất ngờ. Nghị Sĩ Schumer, lãnh tụ phe Dân Chủ ở Thượng Viện, bắt lấy cơ hội, đòi phải tăng cho ngân sách an sinh xã hội, một chủ trương lâu đời của đảng. Muốn đủ 60 phiếu ở Thượng Viện, bên Cộng Hòa bèn nhượng bộ, sẽ cho tăng $63 tỷ năm nay và sang năm sẽ chi thêm $68 tỷ nữa! Một món chi lớn khác là $20 tỷ trong hai năm để tu bổ cơ sở hạ tầng và $90 tỷ cứu trợ các vùng bị bão lụt năm ngoái.

Muốn chi thêm, hai đảng đồng ý bãi bỏ “mức khiếm hụt tối đa” đã được xấn định năm 2011, khi Tổng Thống Obama và đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội tranh luận về ngân sách. Đạo luật “Kiểm Soát Ngân Sách” năm đó đã đặt một “mức trần” số tối đa cho khiếm hụt ngân sách. Các nghị sĩ Cộng Hòa bây giờ lại chỉ trích tối đa này, vì nó sẽ khiến chính phủ Mỹ không thể tăng ngân sách quốc phòng. Để được đảng Dân Chủ đồng ý, họ phải thỏa hiệp, cho tăng ngân sách an sinh xã hội. Chi thêm, rồi lại chi thêm, ngân sách sẽ vượt $300 tỷ trên mức trần.

Đảng Cộng Hòa đã cắt giảm $1,500 tỷ, ngân sách sẽ phải thiếu hụt. Nay cộng với số khiếm hụt mới, chính phủ Mỹ phải đi vay nợ. Năm 2016, Nghị Sĩ McConnell chống chương trình kích thích kinh tế của cựu Tổng Thống Obama, đã tuyên bố: “Mức nợ công quá lớn rất nguy hiểm, không thể chấp nhận được!” Năm nay, ông vui vẻ chấp nhận tăng khiếm hụt ngân sách mà hậu quả là số nợ công chắc chắn sẽ tăng.

Tháng trước, Bộ Tài Chánh dự trù sẽ vay thêm $955 triệu trong năm nay, hơn $1,000 tỷ trong hai năm. Trong 10 năm tới, số nợ công sẽ lớn thêm khoảng $1,500 tỷ. Tới năm 2027, tổng số nợ có thể lên tới 109% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) – cao hơn tỷ số thời sau Đại Chiến Thứ Hai.

Chính phủ Mỹ có thể vay nợ dễ dàng vì những người có tiền khắp thế giới, như các ngân hàng trung ương Trung Quốc, Nhật Bản, các quỹ dự trữ của các nước dầu lửa vẫn chỉ muốn mua công trái Mỹ cho an toàn.

Nhưng trong thời gian tới, chính phủ Mỹ sẽ đi vay trong lúc lãi suất lên cao. Ngân hàng trung ương các nước lớn đang chuẩn bị tăng lãi suất để đề phòng mối lạm phát đang đe dọa. Hậu quả là số tiền lãi hải trả hàng năm sẽ lên cao!

Khi một đảng nắm quyền, họ sẵn sàng tăng số tiền chi tiêu của nhà nước, còn khi đứng đối lập họ muốn “thắt lưng buộc bụng;” đó là chuyện thường tình.

Chúng ta đang chứng kiến một khúc quanh trong chính sách tài chánh của nước Mỹ. Thời kỳ đảng Cộng Hòa cổ động cho “chính phủ nhỏ” và “ngân sách cân bằng” đã chấm dứt. Hậu quả kinh tế sẽ ra sao?

Trong năm 2018, số chi tiêu của nhà nước tăng vọt lên, một hậu quả tất nhiên là tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Mỹ tăng thêm được 0.7 đến 0.8%, so với tình trạng nếu không tăng.

Sau một hai năm, tình hình sẽ phức tạp. Hiện nay kinh tế Mỹ đang bước vào mức cao nhất sau chín năm phát triển không ngừng. Tỷ số thất nghiệp 4.1% cho thấy các công ty khó kiếm người làm. Lương bổng sẽ tăng, giá cả sẽ lên theo. Mối đe dọa lạm phát ngày càng rõ nét, lãi suất sẽ phải tăng. Chính hai mối lo ngại này khiến thị trường chứng khoán tụt giảm hơn 2,000 điểm trong hai tuần qua.

Khi thất nghiệp xuống thấp nhất, số người làm việc không tăng được bao nhiêu vì gần như ai muốn đều có việc làm rồi, sẽ chỉ còn hai yếu tố có thể giúp kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Một là hy vọng những người đã về hưu quay trở lại thị trường nhân dụng. Hai là tăng năng suất lao động, bằng cách đầu tư vào máy móc mới. Nếu hai hiện tượng này xuất hiện, kinh tế Mỹ sẽ còn phát triển tốt đẹp sau năm 2019. Những nhà chính trị bỏ phiếu chấp nhận tăng chi tiêu, tăng khiếm hụt, chấp nhận tăng số nợ công, chắc đều đánh cá rằng hai hiện tượng này sẽ diễn ra.

Nhưng trong thực tế, các đại biểu Quốc Hội, người chống cũng như người ủng hộ bản ngân sách mới, đều hy vọng các cử tri hoan nghênh quyết định của họ! Nếu kinh tế năm nay tốt đẹp thì các đại biểu quốc hội đương nhiệm sẽ dễ được cử tri tha thứ cho những “lầm lỗi” khác!

Ngay các đại biểu chống bản ngân sách cũng được hưởng lợi thế khi kinh tế lên. Ngoài ra, họ còn có dịp khoe với cử tri thấy rằng họ luôn luôn bảo vệ đường lối. Các đại biểu Cộng Hòa quyết chống khiếm hụt sẽ được cử tri hoan nghênh vì xưa nay họ vẫn chủ trương như vậy. Bà Pelosi còn được lợi hai đường: Ngân sách mới tăng chi cho các chương trình xã hội như đảng Dân Chủ vẫn theo đuổi; trong khi đó bà vẫn trung thành với đường lối bảo vệ các Dreamers tới cùng; đó chính là những cử tri trong tương lai sẽ ủng hộ đảng của bà! (Ngô Nhân Dụng) 






No comments:

Post a Comment

View My Stats